Trước thực trạng đáng báo động về biến đổi khí hậu, báo cáo của Hội đồng liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về những mối đe dọa và nguy cơ mà biến đổi khí hậu gây ra cho con người.

Tình trạng thải khí CO2 đã đạt đến mức kỷ lục vào năm 2017 và 2018. Riêng trong năm 2017, nồng độ CO2 trong khí quyển đã lên mức trung bình toàn cầu 405.5 phần triệu (ppm), cao hơn gần 50% so với giai đoạn trước khi diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp, và còn đang tiếp tục tăng cao hơn nữa.

Sự gia tăng đột biến nồng độ khí CO2 khiến Trái Đất không thể hấp thu được hết lượng khí thải độc hại này cũng như các khí gây hiệu ứng nhà kính khác đang dư thừa trong bầu khí quyển, làm nhiệt độ Trái Đất tăng lên, dẫn đến tình trạng biến đổi khí hậu.

Năm 2050 là thời điểm mà các thế hệ sinh ra ở thế kỷ 21 trở thành những người tham gia các hoạt động xã hội tích cực nhất. Theo kết quả phân tích của Liên Hợp Quốc, vào năm 2050, 2/3 dân số toàn thế giới sẽ sống ở các thành phố.

Trong bối cảnh xu hướng toàn cầu hóa, ngày càng có nhiều người đến du lịch hoặc ở lại thành phố các quốc gia khác.

Đã có kết quả thống kê rằng 75% lượng khí thải nhà kính toàn cầu đến từ các thành phố. Nếu không có biện pháp xử lý thích hợp, sự ảnh hưởng của lượng khí thải nhà kính thành phố đến biến đổi khí hậu là điều hiển nhiên.

Vậy khí hậu của các thành phố lớn trên thế giới trong 30 năm qua đã có những biến đổi gì?

Một nhóm nghiên cứu môi trường đến từ Đức gần đây đã công bố tình trạng sau 30 năm của các thành phố lớn dựa trên nghiên cứu về mức biến động nhiệt độ, vấn đề thiếu nước, lượng nước biển dâng và thay đổi các đặc điểm khí hậu.

Theo báo cáo, dựa trên biến động nhiệt độ từ năm 1971 – 2000, nhóm nghiên cứu này đã phân tích tập trung vào 85 thành phố nổi tiếng được cho là điểm đến phổ biến nhất của giới trẻ trên toàn thế giới.

Phân tích cho thấy Bangkok (Thái Lan) có chỉ số biến đổi khí hậu cao nhất. Thành phố Hồ Chí Minh của Việt Nam, Amsterdam (Hà Lan), Thâm Quyến (Trung Quốc) và Melbourne (Úc) chiếm vị trí lần lượt từ thứ hai đến thứ năm, và Seoul của Hàn Quốc xếp vị trí thứ 7.

Theo kết quả phân tích chi tiết, mực nước biển tăng, sự biến động nhiệt độ cũng như vấn đề thiếu nước ở Seoul không cao, lần lượt chiếm vị trí 22, 38 và 40 trên xếp hạng. Nhưng về hạng mục “biến đổi khí hậu” , thủ đô Hàn Quốc xếp thứ hai chỉ sau sau thành phố Nairobi của Kenya.

Báo cáo cũng dự đoán rằng khí hậu của Seoul sẽ thay đổi từ “khí hậu mùa hè nóng lục địa” (대륙성 더운 여름) hiện tại sang “khí hậu mùa hè nóng, mùa đông khô ôn đới” (온대성 건조 겨울 더운 여름). Một kết quả khác cho biết thêm, biến động nhiệt độ trung bình hàng năm của Seoul là 2.12ºC.

Nghiên cứu của IPCC cho thấy vào năm 2100, tình trạng của nồng độ tải khí CO2 đạt tới 1370 ppm. Đồng thời, nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng 2.6 ºC – 4.8 ºC so với mức trung bình trong những năm 1986 ~ năm 2005.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nếu con người tiếp tục khai thác và sử dụng nhiên liệu hóa thạch để phục vụ các lĩnh vực như giao thông, năng lượng và công nghiệp theo tốc độ hiện tại thì đến năm 2250, nồng độ CO2 trong không khí sẽ tăng đến mức cao chưa từng thấy trong 200 triệu năm qua kể từ Kỷ Tam Điệp – thời kỳ nóng nhất trong lịch sử Trái Đất với hai cực địa cầu không hề có băng tuyết.

Các nhà điều tra cho biết kết quả nghiên cứu này hy vọng sẽ cung cấp những thông tin có giá trị, đóng góp vào các chính sách biến đổi khí hậu lâu dài trong tương lai.

XEM THÊM:

author-avatar

About Ngọc Vũ

Kết nối với Hàn Quốc như một cái duyên và gắn bó cùng Hàn Quốc như một định mệnh. Quan tâm tới văn hoá, xã hội, các tin tức thời sự và mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).