Ngày nay rất nhiều thương hiệu Hàn Quốc có vị thế vững chắc không chỉ trên thị trường nội địa mà còn ở thị trường quốc tế.

Một điều đặc biệt đó là chính những người tiêu dùng Hàn Quốc cũng không hề biết các nhãn hiệu nổi tiếng này là thương hiệu nội địa!

Hãy cùng làm quen với những thương hiệu của Hàn đang nổi tiếng khắp thế giới mà không phải ai cũng biết nguồn gốc và quốc gia sở hữu chúng nhé.

1. MCM

MCM, thương hiệu nổi tiếng với những sản phẩm làm từ da lộn, là một trong những cái tên Hàn Quốc thường xuyên bị hiểu nhầm là xuất xứ nước ngoài nhất. Nhiều người cho rằng MCM là thương hiệu nước ngoài vì những thiết kế tuyệt đẹp và “hiếm thấy” tại Hàn của họ.

Lộn ngược dòng lịch sử phát triển của MCM có thể thấy được thực ra thương hiệu này được được ra đời tại Munich – Đức vào năm 1976.

Sau cuộc khủng hoảng phá sản cuối năm 1990, công ty Seongju Group của Hàn Quốc đã mua MCM vào năm 2005 và gây dựng lại thành công cho MCM.

Cho đến nay MCM đã trở thành một nhãn hiệu nội địa nổi tiếng với doanh thu 200 tỉ KRW và giành được danh hiệu thương hiệu có doanh số cao nhất trong các cửa hàng bách hóa. Không những vậy, MCM còn đang sở hữu hơn 100 cửa hàng chính và hơn 200 cửa hàng phụ tại 35 quốc gia trên toàn thế giới.

2. Fila – 휠라

Fila cũng có xuất phát điểm như MCM với bắt đầu là một thương hiệu của Ý được sáng lập vào năm 1911. Sau đó Fila Korea được thành lập tại Hàn Quốc vào năm 1991 và đến năm 2005, giám đốc điều hành của Fila Hàn Quốc đã mua hoàn toàn cổ phần của thương hiệu này.

Hiện nay, Fila đã trở thành một trong những nhãn hiệu đại diện của Hàn Quốc với các sản phẩm ở lĩnh vực đồ thể thao, thời trang và trang phục nội y với doanh thu 300 tỉ KRW.

3. Louis Quatorze – 루이까또즈

Như bạn có thể thấy từ cái tên rất “tây”, Louis Quatorze ban đầu được biết đến như một thương hiệu thời trang của Pháp.

Bắt đầu với bộ sưu tập sản phẩm đầu tiên tại fashion show tại Pháp với tên gọi “SIGNATURE COLLECTION” vào năm 1980 cho tới nay, cứ mỗi mùa, công ty lại công bố bộ sưu tập bằng da thủ công với sự nhạy cảm và phương pháp xử lý khéo léo của mình.

Năm 2006, tập đoàn Taejin International đã đăng kí giấy phép kinh doanh nội địa và mua lại nhãn hiệu này từ trụ sở chính tại Pháp.

Thương hiệu Louis Quatorze ngày càng củng cố vị thế của mình với doanh số ngày càng tăng trưởng vững mạnh trong khi vẫn duy trì được những thiết kế ngang tầm thế giới bằng cách áp dụng công nghệ Hàn Quốc.

4. Bean Pole – 빈폴

Beanpole nổi tiếng với logo của mình là hình ảnh trên một người đàn ông mặc com lê ngồi trên chiếc xe đạp. Thương hiệu Beanpole sở hữu từ tên gọi cho đến hình logo mang đến cho người tiêu dùng một hình ảnh đậm chất là thương hiệu nước ngoài nhưng đây mới hoàn toàn là một thương hiệu được xây dựng và phát triển tại Hàn Quốc.

Đây là một trong những thương hiệu may mặc đại diện của công ty Samsung C&T và được sáng lập vào năm 1989. Bean Pole còn là thương hiệu sản xuất cho Đội tuyển Olympic Hàn Quốc tham gia vào Olympic 2012 tại London.

Hiện tại, công ty đang củng cố vị thế là một thương hiệu thời trang trong nước sở hữu các mặt hàng đa dạng như đồ trẻ em, outdoor, phụ kiện, đồ đánh golf… duy trì doanh số kinh doanh xấp xỉ 600 tỉ KRW mỗi năm.

5. Zaicro – 자이크로

Zaicro dễ bị hiểu nhầm là một thương hiệu nước ngoài vì cái tên kỳ lạ của nó. Tuy nhiên sau khi thành lập vào năm 2012, thương hiệu bản địa này đang là nhà tài trợ cho nhiều đội bóng đá của K-League với tư cách là thương hiệu thể thao đại diện của Hàn Quốc.

Công ty đã ký kết hợp đồng tài trợ với Liên đoàn Quốc gia bóng đá Hàn Quốc, MBC Dream Tree Football League, FC Anyang và đang cố gắng trở thành thương hiệu vươn tới thế giới.

Zaicro đang được mong đợi sẽ ngày càng phát triển trở thành nhà hỗ trợ vững chắc cho các đội thể thao trong nước.

6. Mr.Pizza – 미스터피자

Mr.Pizza thực ra được xuất phát là một cửa hàng pizza nhỏ tại Nhật Bản. Năm 1990, quyền thương hiệu của Mr.Pizza đã được chuyển sang tay Mr.Pizza Hàn Quốc và mở cửa hàng đầu tiên gần Đại học nữ Ewha.

Trong khi Mr.Pizza phát triển nhanh chóng ở Hàn Quốc, sự phổ biến của thương hiệu này lại dần mờ nhạt tại Nhật Bản và hoạt động kinh doanh cũng như quyền thương hiệu tại Nhật cũng chấm dứt hoàn toàn sau đó.

7. Blackyak – 블랙야크

Black Yak là thương hiệu đang phát triển vững mạnh và được xếp hạng số 1 trong các thương hiệu đồ outdoor trong nước.

Dễ bị hiểu nhầm là thương hiệu nước ngoài vì hình ảnh thương hiệu mạnh mẽ với các hình ảnh quảng cáo thể thao cảm giác mạnh nhưng đây hoàn toàn là thương hiệu nội địa được công ty Dongjin thành lập vào năm 1973 và đổi hướng sang thương hiệu leo ​​núi vào năm 1996.

Kể từ khi doanh số của Blackyak vượt quá 100 tỉ won vào năm 2008, mỗi năm con số này lại tăng lên hơn 30% và dần vững chắc trở thành thương hiệu outdoor số 1 tại Hàn Quốc.

Hiện tại, Blackyak đang có kế hoạch mở rộng thêm 12 chi nhánh trên toàn cầu bao gồm Đức, Thụy Sĩ, Áo và Ý cũng như tăng thêm số lượng cửa hàng đã có sẵn chi nhánh như Bắc Mỹ và Châu Á.

8. HAZZYS – 헤지스

Thương hiệu Hazzys được yêu thích nhờ sở hữu phong cách thời trang tinh tế, hợp thời phù hợp với nhiều lứa tuổi. Cùng với logo lấy cảm hứng từ chú chó gốc Anh, Hazzys đã duy trì một hình ảnh thương hiệu cho sự hiện đại và sang trọng.

Theo đuổi phong cách của Anh và Ý nhưng Hazzys hoàn toàn là thương hiệu nội địa được thành lập vào năm 1996 của tập đoàn LG Fashion Hàn Quốc.

Ngoài Hazzysmen – thương hiệu quần áo nam giới và Hazzys Ladies – thương hiệu quần áo nữ giới, Hazzys còn kinh doanh các đồ phụ kiện như quần áo golf, ví và túi xách…

9. Gong Cha – 공차

Gong Cha hẳn là hình ảnh đầu tiên xuất hiện trong đầu nhiều người khi nhắc đến món đồ uống “thần thánh” trà sữa.

Gong Cha là thương hiệu đồ uống xuất phát từ quê hương trà sữa chân trâu Đài Loan nhưng vào tháng 1/2017, Gong Cha Korea đã mua lại toàn bộ cổ phần của trụ sở chính Đài Loan và Gong Cha chính thức trở thành một thương hiệu của Hàn Quốc.

Sau khi thâm nhập vào thị trường Hàn Quốc năm 2012, Gong Cha đã dẫn đầu xu hướng về trà sữa và cũng như sở hữu số lượng nhiều cửa hàng trà sữa nhất tại Hàn Quốc.

Không những vậy, sau khi được tái sinh thành thương hiệu của Hàn Quốc, Gong Cha còn ngày càng phát triển trên toàn thế giới với hơn 1000 cửa hàng tại 18 quốc gia.

10. STUDIO TOMBOY- 스튜디오 톰보이

Như tên gọi Studio Tomboy, thương hiệu này đang rất phổ biến dành cho phái nữ theo đuổi phong cách tự do và đơn giản.

Thiết kế tinh tế và phóng khoáng gợi nhớ đến các thương hiệu nước ngoài nhưng đây hoàn toàn là thương hiệu của Hàn Quốc được sáng lập vào năm 1977.

Ban đầu tuy là thương hiệu tiên phong của phong cách Young Casual nhưng Studio Tomboy không gây được ấn tượng mạnh và doanh số liên tục xuống dốc sau khi được thành lập.

Sau khi Tập đoàn Shinsegae mua lại vào năm 2011, nhờ thành công vì phân tích chính xác nhu cầu của khách hàng và thiết lập lại hướng đi thương hiệu, Studio Tomboy đã gây được tiếng vang trong thị trường quần áo phụ nữ với doanh thu 100 tỉ KRW.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ Brunch

author-avatar

About Ngọc Vũ

Kết nối với Hàn Quốc như một cái duyên và gắn bó cùng Hàn Quốc như một định mệnh. Quan tâm tới văn hoá, xã hội, các tin tức thời sự và mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).