Cảnh sát là công việc đáng mơ ước của nhiều người dân Hàn Quốc. Ở quốc gia này, cảnh sát là bộ mặt của quốc gia với nhiệm vụ đảm bảo một cuộc sống an toàn cho người dân.

Mỗi năm có hàng ngàn thí sinh tham dự kì thi tuyển công chức cảnh sát, nhưng số lượng được chọn có hạn, tạo nên một cuộc cạnh tranh vô cùng khắc nghiệt trong mỗi kì thi đầu vào.

Thi tuyển cảnh sát tuần tra 2020, tỷ lệ chọi 1:18.5

Ngày 30/05/2020 vừa qua, bài thi viết lần thứ nhất năm 2020 của kì thi tuyển công chức cảnh sát đã được tiến hành với sự tham dự là 48.246 thí sinh. Bài thi này đáng lẽ đã diễn ra vào ngày 4/4 nhưng do tình hình dịch bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc, đã được lùi lại chậm hơn gần hai tháng so với lịch trình ban đầu.

Đối với vòng thi viết, các thí sinh phải trải qua bài kiểm tra của hai môn bắt buộc là tiếng Anh và lịch sử Hàn Quốc; sau đó chọn 3 trong số các môn: Cảnh sát học, luật hình sự, luật tố dụng hình sự, Hàn Quốc học, Toán học, Xã hội và khoa học. Kì thi năm 2020 lần 1 dự định sẽ chọn ra 2.599 người, trong đó có 690 nữ và 1.789 nam. (Tỉ lệ chọi của nữ khoảng 20,81:1, của nam là 18:1).

Khảo sát về độ khó cho thấy phần lớn thí sinh cho rằng kì thi năm nay ở mức khó, môn có độ khó cao nhất được cho là tiếng Anh và môn đơn giản nhất là Luật tố tụng hình sự. Dự kiến đến năm 2022, thí sinh sẽ không được lựa chọn các môn mà sẽ thi các môn chỉ định bắt buộc là tiếng Anh, lịch sử Hàn Quốc, lý luận cảnh sát học, hiến pháp và luật hình sự.

Từ năm 2023, Hàn Quốc dự kiến sẽ bãi bỏ việc tuyển dụng phân biệt nam nữ như hiện tại và tiến hành hợp nhất với nhau. Để đạt được điều này, kế hoạch điều chỉnh và xác định các tiêu chuẩn thể lực mới áp dụng không phân biệt giới tính sẽ được công bố vào năm 2021.

Kì thi viết đầu tiên sẽ được công bố kết quả vào ngày 3/7/2020. Ngoài ra, nếu chưa có giấy phép lái xe thì kể cả có đủ điều kiện đỗ, kết quả của thí sinh đó cũng sẽ bị huỷ bỏ.

Kì thi lần này đã được triển khai tuân thủ theo đúng nguyên tắc giãn cách an toàn để phòng ngừa sự lây lan của dịch bệnh. Các thí sinh đều được hướng dẫn để giữ khoảng cách an toàn với nhau, 100% đeo khẩu trang, kiểm tra thân nhiệt và nộp phiếu xét nghiệm âm tính trước khi vào.

Tranh cãi đáp án câu hỏi lịch sử

Sau khi công bố đáp án, một cuộc tranh luận về đáp án chính xác cho câu hỏi lịch sử đã nổ ra, khi các thí sinh cho rằng câu hỏi này không thể xác định được đáp án đúng.

Nội dung của câu hỏi là hãy sắp xếp các sự kiện sau đây theo thứ tự thời gian (고려시대의 역사적 사실들을 오래된 것부터 바르게 나열한 것은?). Bốn đáp án được đưa ra là: Hoàn thành Bát Vạn Đại Tạng Kinh (팔만대장경 완성); biên soạn Tam quốc di sự (삼국유사 편찬); xuất bản sách chữa bệnh hương liệu (향약구급방 간행) và sự kiện thiêu rụi toà tháp gỗ 9 tầng chùa Hwangryong (황룡사 9층 목탑 소실).

Các sự kiện hoàn thành Bát Vạn Đại Tạng Kinh, biên soạn Tam quốc di sự và tháp gỗ tầng 9 của chùa Hwangryong lần lượt bị thiêu rụi vào năm 1251, 1281, 1238.

Tuy nhiên, trong giới học thuật, vẫn còn tồn tại những ý kiến trái chiều về năm xuất bản của sách chữa bệnh hương dược.

Nếu tra cứu trong từ điển bách khoa, cuốn sách này được ra đời vào năm 1236, thời kỳ vua Gojong trị vì.  Đáp án từ các giáo sư ra đề thi cũng như vậy, và theo đó phương án số 3: xuất bản sách chữa bệnh hương liệu – tháp gỗ tầng 9 của chùa Hwangryong bị thiêu rụi – hoàn thành Bát Vạn Đại Tự kinh – biên soạn Tam quốc di sử là câu trả lời đúng.

Các thí sinh liên tục phản đối rằng “năm xuất bản của sách chữa bệnh hương liệu” vẫn là một bí ấn chưa được xác nhận. Sau khi thảo luận với các giáo sư, hội đồng thi đã công bố rằng việc đưa ra ý kiến phản đối được chấp nhận. Cuối cùng, câu hỏi này có 2 đáp án đúng cùng được công nhận.

Chỉ một câu hỏi trắc nghiệm nhỏ cũng khiến những thí sinh với ước mơ trở thành cảnh sát trân trọng đủ để thấy sự cạnh tranh của kì thi này, tham vọng của những thí sinh này lớn tới cỡ nào.

Niềm tự hào mang tên K-Cop của tổng thống Moon Jae In

“Hệ thống an ninh toàn cầu, được trang bị những thiết bị tối tân” – đó chính là những lời nói đầy tự hào của vị tổng thống về lực lượng cảnh sát Hàn Quốc (K-Cop).

Chiều 12/3/2020, tổng thống Moon Jae In và phu nhân Kim Jung Suk đã tham dự lễ bổ nhiệm chức vụ cảnh sát trưởng và chào mừng các tân cảnh sát tại Trường Đại học Cảnh sát Ansan, tỉnh Chungnam. Tại đây, tổng thống mạnh mẽ khẳng định : “Lực lượng cảnh sát của chúng ta là điều mà những vị khách nước ngoài hài lòng nhất khi đặt chân tới Hàn Quốc. Không chỉ có K-Pop, chúng ta còn có một niềm tự hào mang tên K-Cop.”

Tại triển lãm an ninh quốc tế lần thứ nhất được tổ chức tại Songdo (Incheon) năm ngoái, hệ thống an ninh của Hàn Quốc đã được cả thế giới công nhận khi chứng kiến những công nghệ tiên tiến nhất đến từ các thiết bị an ninh nội địa.

Cảnh sát Hàn Quốc cũng đang là lực lượng đi đầu lĩnh vực phòng chống, triệt phá tội phạm an ninh mạng và xâm hại trẻ em. Tổng thống cũng nhấn mạnh lực lượng cảnh sát đạt được những thành công cho đến bây giờ bởi phía sau họ là sự tin tưởng, ủng hộ và sát cánh của người dân.

Với người dân Hàn Quốc, cảnh sát là bộ mặt đại diện của quốc gia, trực tiếp giúp đỡ họ. Còn với lực lượng cảnh sát, niềm tin của người dân chính là sinh mạng và lí tưởng. Nhiệm vụ hàng đầu không bao giờ được quên đó là bảo đảm sự an toàn của người dân. Trong 100 nhiệm vụ được giao, ngay cả khi đã làm tốt 99 lần, thì người dân vẫn luôn hi vọng rằng nhiệm vụ cuối cùng cũng được hoàn thành xuất sắc.

Tại buổi lễ, tổng thống Moon đã thay mặt nhân dân bày tỏ lòng biết ơn của mình: “Một lần nữa, chúng ta phải biết ơn lực lượng cảnh sát đã đảm bảo sự an toàn của quốc gia trong nhiều lĩnh vực. Đứng trong hàng ngũ lực lượng cảnh sát Hàn Quốc, mọi kỳ vọng của người dân đều được đặt lên vai các chiến sĩ. Tôi hy vọng rằng, cảnh sát Hàn Quốc sẽ tiến lên mạnh mẽ và không bị lung lay trong mọi hoàn cảnh.”

Nữ cảnh sát Việt Nam với ước mơ giúp đỡ phụ nữ nước ngoài

Khi Hàn Quốc dần trở thành xã hội đa văn hoá, số lượng cảnh sát là người nước ngoài cũng tăng lên. Tính đến năm 2017, có 18 cảnh sát là người nước ngoài nhập quốc tịch Hàn Quốc được bố trí làm nhiệm vụ tại các Sở cảnh sát địa phương của 9 tỉnh như Gyeonggi, Seoul và Geyongbuk. Tất cả đều đang làm việc chăm chỉ mỗi ngày vì ngày càng nhiều người lao động nước ngoài – người nhập cư sinh sống tại Hàn Quốc.

Trong đó, có một nữ cảnh sát Việt Nam tốt nghiệp trường cảnh sát trung ương vào tháng 9/2016 và được bổ nhiệm làm việc Sở cảnh sát trung ương Yeosu – Phạm Thị Phương. Chị đã chia sẻ mong muốn của mình: “Tôi muốn giúp người lao động và sinh viên nước ngoài định cư thành công ở Hàn Quốc và trở thành một phần của Hàn Quốc.”

Sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, chị Phương đã kết hôn với người chồng người Hàn Quốc làm việc tại một công ty ở Việt Nam. Chị đến Hàn Quốc sống với chồng từ năm 2007 và học tiếng Hàn trong vòng hai năm tại Trung tâm phúc lợi xã hội người khuyết tật huyện Eumseong, Chungbuk.

Dành hết sự nỗ lực cho việc học một ngôn ngữ mới, kết quả chị đã được nhận làm trong vòng 1 năm tại Trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hoá ở Eumseong. Sau đó, chị làm tư vấn và thông dịch cho phụ nữ di cư kết hôn suốt 4 năm tại Global Together – một tổ chức làm về xã hội đa văn hoá.

Trong khoảng thời gian đó, chị cũng tham gia khoá Cao học phúc lợi xã hội của Đại học Konkuk ở Seoul và nhận bằng thạc sĩ xã hội học. Chị cũng được biết đến với biệt danh “Vua tình nguyện đa văn hóa” bởi luôn hoạt động sôi nổi và tìm cách giúp đỡ khi biết về những câu chuyện khó khăn mà phụ nữ di cư phải trải qua.

Theo chị Phương: “Nhiều vấn đề như sự khác biệt văn hóa, rào cản ngôn ngữ, bạo lực gia đình và nghèo đói kinh tế là những điều phụ nữ di cư phải đối mặt khi đến Hàn Quốc.” Đặc biệt, khi nhìn thấy vấn đề bạo lực gia đình xảy ra với phụ nữ di cư, chị đã rất đau lòng. Để giúp đỡ phụ nữ di cư, lao động nước ngoài và du học sinh, chị Phương đem theo mơ ước trở thành một cảnh sát.

Ban đầu, chị đã lo lắng việc chồng mình sẽ phản đối, nhưng ngược lại, anh còn rất cảm động và giúp đỡ chị tích cực. Với tư cách là một phụ nữ nước ngoài, con đường trở thành một cảnh sát Hàn Quốc cực kì khó khăn. Ngay cả với người Hàn Quốc, sự cạnh tranh cũng rất quyết liệt.

Tuy vậy, không vì thế mà chị bỏ cuộc, chị Phương thức dậy lúc 5h sáng hàng ngày để xem tin tức trau dồi kiến thức cũng như vốn tiếng Hàn và kết hợp rèn luyện thể lực. Năm 2014, chị đã đỗ kì thi viết ở vòng 1 nhưng lại không đáp ứng được yêu cầu trong vòng 2.

Tháng 1/2017, chị Phương quyết định từ bỏ quốc tịch Việt Nam, nhập quốc tịch Hàn Quốc và tham gia lại vào kì thi. Kết quả chị đã đỗ và chính thức trở thành một phần trong hàng ngũ cảnh sát Hàn Quốc.

Mặc dù đã lựa chọn con đường đi mà mọi người cho là khó khăn, chị Phương vẫn luôn quyết tâm hết sức mình với công việc. Với chị, chồng và con gái chính là động lực và hậu phương để chị hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chia sẻ về quan điểm của mình đối với phụ nữ di cư, chị cho rằng: “Nếu người Hàn Quốc mở lòng đón nhận những người phụ nữ di cư kết hôn, họ sẽ có thể tự tin hơn và có thể trở thành một phần sức mạnh lớn cho Hàn Quốc.”

XEM THÊM: Thi công chức ở Hàn Quốc khổ như thế nào?

Tổng hợp từ News1, HanuribizETNews

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).