Biết ơn không phải là văn hóa của riêng một dân tộc, đó là đạo lý làm người của toàn nhân loại. Thế hệ sau luôn phải ghi nhớ, biết ơn vì những gì được thừa hưởng từ thế hệ cha ông.

Từng trang sử của bất cứ quốc gia nào cũng đều ghi lại sự hy sinh cao cả của những bậc anh hùng bảo vệ tổ quốc. Vì lẽ đó, ngày thương binh liệt sỹ được nhiều quốc gia thiết lập để tưởng nhớ công ơn của những người lính đã ngã xuống. Ở Hàn Quốc, ngày ngày 6/6 hàng năm được chọn làm ngày thương binh liệt sỹ (현충일).

Lịch sử ngày thương binh liệt sỹ

Không lâu sau khi chính phủ Hàn Quốc được thành lập vào tháng 8/1948, chiến tranh Triều Tiên (한국전쟁) đã xảy ra. Cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của hơn 400.000 binh sỹ và hơn 1 triệu người dân.

3 năm sau hiệp định đình chiến, tháng 4/1956, nghị định số 1145 của tổng thống liên quan đến các ngày lễ nghỉ (관공서 공휴일에 관한 건) được sửa đổi. Theo đó, ngày 6/6 hàng năm được chỉ định là “Ngày tưởng niệm thương binh liệt sỹ” (현충기념일), ngày nghỉ lễ (공휴일).

Tháng 12/1975, “Ngày tưởng niệm thương binh liệt sỹ” được đổi tên thành “Ngày thương binh liệt sỹ” (현충일). Vào ngày này, Hàn Quốc tổ chức các sự kiện tưởng niệm đến những người anh hùng đã hiến dâng cuộc đời cho tổ quốc. Sự kiện thường được tổ chức tại nghĩa trang quốc gia Seoul (국립서울현충원).

Các hoạt động chủ yếu trong ngày thương binh liệt sỹ

Các loại cờ khác cũng phải giương rủ theo Thái Cực Kỳ trong ngày thương binh liệt sỹ

Người dân khắp cả nước phải treo cờ rủ trong ngày thương binh liệt sỹ. Khi Thái Cực Kỳ được giương rủ xuống, các cờ khác cũng phải giương rủ theo (nếu có treo). Trường hợp lá cờ gây cản trở xe cộ, người đi bộ, hoặc cán cờ ngắn, có thể điều chỉnh lá cờ ở mức độ có thể nhìn ra cờ rủ.

Cờ được treo chính giữa hoặc bên trái của tòa nhà, nhà đơn, cửa nhà chung cư.

Những ngày này, người dân có thể ghé thăm các nghĩa trang liệt sỹ (현충원 hoặc 호국원). Tại nghĩa trang quốc gia Seoul (국립서울현충원) và nghĩa trang quốc gia Daejeon (국립대전현충원) đều có đài liệt sỹ (현충탑) để người dân tới viếng.

Đài liệt sỹ tại nghĩa trang quốc gia Seoul

Việc tổ chức lễ tưởng niệm phải tuân theo nghi thức cố định. Nghi thức tưởng nhớ các anh hùng có thay đổi đôi nét tùy từng địa phương. Theo tiêu chuẩn của nghĩa trang quốc gia, thứ tự nghi thức như sau: Xếp hàng (현충문 정렬) ⇢ tiến vào nghĩa trang (현충문 입장) ⇢ đặt vòng hoa, nhang ⇢ chào các anh hùng đã hy sinh (경례) ⇢ mặc niệm ⇢ kết thúc/ lưu bút thăm viếng.

Người Hàn Quốc vái nhang 3 lần, tượng trưng cho thiên (天)·địa (地)·nhân (人), hàm ý con người sống hòa hợp với trời đất. Trong trường hợp này, điều đó tượng trưng như lời cảm tạ đến trời, đất, và các anh hùng yêu nước. Những đóa hoa được chọn để dâng trong dịp lễ này chỉ để lại phần chóp hoa (꽃 봉우리).

Đặc biệt ở Hàn Quốc, đất nước có tốc độ Internet nhanh nhất thế giới, người dân có thể tưởng nhớ trực tuyến. Nếu ở xa, không thể thu xếp công việc đến thăm viếng tại nghĩa trang, bạn vẫn có thể bày tỏ sự tôn kính, tưởng nhớ thông qua Cyber ​​worship. Cả hai website của nghĩa trang quốc gia Seoulnghĩ trang Daejeon đều vận hành nền tảng này.

Cyber ​​worship tại website nghĩa trang quốc gia Daejeon

Tại Cyber worship, người kính viếng có thể đặt vòng hoa, nén nhang, mặc niệm… dành cho các anh hùng. Sau khi tưởng nhớ, có thể để lại dòng tưởng niệm (추모의 글) trên bảng thông báo (게시판).

Ngoài ra, ngày thương binh cũng là dịp thích hợp để giáo dục lịch sử cho học sinh. Những sự kiện triển lãm hình ảnh, di vật hoặc chương trình kiến tập thường được tổ chức. Qua đó, học sinh có thể học tập một cách sống động nhất.

Nghĩa trang quốc gia Seoul: công viên – nghĩa trang với lịch sử đầy chông gai

Không chỉ là nơi yên nghỉ của những người lính đã hy sinh vì hòa bình đất nước. Nghĩa trang liệt sỹ quốc gia Seoul còn là địa điểm du lịch lịch sử được đông đảo người yêu mến du lịch Hàn Quốc ghé thăm.

Nét độc nhất vô nhị của nơi này chính là lối xây dựng nghĩa trang – công viên của Hàn Quốc. Đây là một công viên đẹp nổi tiếng tại thủ đô, trở thành địa điểm thu hút khách du lịch khi tới thăm Seoul. Nhưng có lẽ hiếm người biết được “công viên” xinh đẹp này lại có một lịch sử hình thành đầy chông gai.

Ngay sau khi giành lại độc lập (광복), Hàn Quốc bắt tay vào thiết lập quân đội, đồng thời bảo vệ lãnh thổ quốc gia. Khi Bắc Hàn khiêu chiến và đánh vào Hàn Quốc, nhiều chiến sỹ đã hy sinh. Những vị này được an táng tại chùa Jangchung ở thủ đô Seoul (서울 장충사).

Bộ tham mưu nhân sự Lục quân (육군본부 인사참모부) tiến hành tìm kiếm vị trí thích hợp tại ngoại ô Seoul. Chiến tranh Triều Tiên xảy ra khiến cho việc xây dựng này bị gián đoạn. Những người lính yên nghỉ tại chùa Geum Jeong (금정사) và chùa Beomeo (범어사) tại Busan. Nơi này được Trung đoàn quản lý bởi đăng ký nghĩa trang (묘지등록중대), thuộc đoàn hậu cần lục quân (육군병참단).

Cuộc nội chiến vẫn tiếp tục leo thang khiến Lục quân một lần nữa đặt lại vấn đề xây dựng nghĩa trang. Bộ tham mưu nhân sự thuộc Lục quân thành lập đội khảo sát, tiến hành khảo sát khu vực Daegu và Gyeongju. Theo kết quả khảo sát, đề án khu vực cận sông Hyeongsan của thành phố Gyeongju được lựa chọn.

Tuy nhiên, việc xây dựng nghĩa trang lại tiếp tục tạm dừng bởi ý kiến của ban lãnh đạo cao cấp quân đội. Do lo ngại vị trí này dễ dàng bị ngập nước, ban lãnh đạo quyết định khảo sát khu vực khác.

Ngày 6/5/1952, do nhu cầu cấp bách, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc quyết định tạm thời thành lập 3 nghĩa trang tổng hợp. Ngày 26/5/1952, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập nghĩa trang quốc gia. Ngày 3/11/1952, ủy ban xây dựng nghĩa trang quân đội (군묘지설치위원회) được thành lập.

Suốt 11 tháng, từ tháng 11/1952 đến tháng 9/1953, 10 khu vực được khảo sát cho dự án này. Ngày 29/9/1953, tổng thống Lee Seung Man phê chuẩn quận Dongjak (khi ấy là phường Dongjak – 동작동) là vị trí xây dựng nghĩa trang quốc gia. Công trình được khởi công vào ngày 1/3/1954.

Trong vòng 3 năm, nghĩa trang rộng 238.017m2 đã được dựng lên. Đến cuối năm 1968, quảng trường rộng 99.174m2, khu rừng 912.400m2 và công viên hành chính (공원행정) rộng 178.513 m2 cũng đã được xây dựng.

Quy mô của công viên nghĩa trang quốc gia Seoul

Ngày 15/7/1955, văn phòng quản lý nghĩa trang quốc quân (국군묘지관리소) được lập ra với nhiệm vụ quản lý nghĩa trang quân đội. Ngày 13/4/1956, tổng thống ban hành Lệnh nghĩa trang quân đội (군묘지령), quy định nền tảng, chế độ quản lý và vận hành nghĩa trang.

Ngày 29/7/2005, Quốc hội ban hành “Luật xây dựng và vận hành nghĩa trang quốc gia” (국립묘지의 설치 및 운영에 관한 법률). Theo đó, nghĩa trang quốc gia được xây dựng tại Dongjak được đặt tên là “국립서울현충원” (Nghĩa trang quốc gia Seoul). Từ đây cho phép an táng lính cứu hỏa và bác sỹ tại nghĩa trang quốc gia.

Hàn Quốc hỗ trợ binh sỹ tham chiến thế nào?

Binh sỹ tham chiến trên 65 tuổi sẽ được hỗ trợ 320.000 KRW/tháng và nhận vào ngày 15 hàng tháng. Ngoài ra, họ được miễn 90% chi phí điều trị khi khám chữa bệnh tại bệnh viện cho người có công (보훈병원) hoặc bệnh viện ủy thác (위탁병원). Khi qua đời, nhà nước hỗ trợ 200.000 KRW chi phí an táng và những phần thưởng danh dự khác.

Ngoài ra, gia đình người có công với quốc gia cũng được nhận trợ cấp sinh hoạt và phí giáo dục con cái xét theo hoàn cảnh và công trạng.

Sự kiện tưởng niệm các anh hùng trong thời điểm dịch bệnh

Do dịch COVID-19 tại Seoul chưa có chiều hướng khả quan, sự kiện tưởng niệm năm nay (2020) được tổ chức tại Nghĩa trang Quốc gia tại Daejeon (대전 현충원).

Theo Kang Min Seok, phát ngôn viên của Nhà Xanh, đã có nhiều lo ngại về lễ tưởng niệm năm nay. Liệu tổng thống Moon có tham gia lễ tưởng niệm trong hoàn cảnh dịch bệnh nguy hiểm thế này không? Tổng thống Moon Jae In ngay lập tức đáp: “Chúng ta có thể tổ chức ở Daejeon mà” (대전에서 하면 되지 않겠느냐).

Tổng thống Moon cho rằng không thể bỏ qua lễ tưởng niệm những anh hùng đã cống hiến cả mạng sống cho đất nước. Do đó, địa điểm tổ chức lễ tưởng niệm đã nhanh chóng được đổi sang thành phố Daejeon.

Lòng biết ơn là thứ không thể đong đếm được về lượng. Nhưng nhìn vào những gì Hàn Quốc đã làm và đang nỗ lực thực hiện, có thể thấy được Hàn Quốc biết ơn các anh hùng thế nào. Những người anh hùng đã ngã xuống luôn ở vị trí tôn kính, không bao giờ bị lãng quên.

author-avatar

About Mai Huyên

Mình không biết tại sao lại thích Hàn Quốc. Có lẽ do ly kem mát lạnh và ngọt ngào đó; hay là buổi nắng rực rỡ nơi hòn đảo xinh đẹp; cũng có thể do cơn mưa hè, ngày mọi người nói 안녕 lần cuối.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).