Mỗi quốc gia trên thế giới đều có nền văn hóa ẩm thực khác nhau. Nhìn chung, các nước phương Tây thường đề cao chất lượng, bữa ăn nào cũng phải đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, bao gồm calo, vitamin…

Đặc biệt, thành phần chính trong ẩm thực phương Tây thường là bơ, sữa, trứng và các loại thịt đạm. Trong khi đó, phần lớn các nước phương Đông lại chọn gạo làm nguồn dinh dưỡng chủ yếu trong mỗi bữa ăn hàng ngày, đơn cử Việt Nam, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản.

Ngay từ thời xa xưa, người Việt chúng ta thường dạy con em mình rằng “để thừa cơm là tội”. Hay người Hàn Quốc lại quan niệm “밥심”, ý chỉ gạo là nhất, không gì quý bằng gạo.

Đó là lý do vì sao, người Hàn có thể dùng gạo làm nguồn năng lượng chính trong cả ba bữa sáng, trưa và tối. Thậm chí, số lượng tinh bột trong một bữa ăn còn dồi dào đến mức khiến nhiều người nước ngoài không khỏi cảm thấy ngạc nhiên về mức độ tiêu thụ carbohydrate (viết tắt là carb, dùng để chỉ thành phần như tinh bột, đường…) và tình yêu gạo “vô bờ bến” của người dân nước này.

Chính bởi thế mới có sự ra đời của cụm từ “quái vật carbohydrate, nhằm so sánh ẩn ý với thói quen ăn uống cực kỳ giàu tinh bột của người Hàn Quốc.

Cùng với protein, lipid, vitamin và khoáng chất, carbohydrate là thành phần cơ bản trong thức ăn của con người, giúp duy trì sự sống, sinh trưởng và phát triển. Theo kết quả từ một cuộc khảo sát về chế độ ăn uống thường ngày của người Hàn Quốc, carbohydrate thật sự là một trong những chất dinh dưỡng được người Hàn ưa thích nhất. Bởi so với nhiều quốc gia khác, tỷ lệ tiêu thụ carbohydrate của người dân nước này luôn đạt mức rất cao.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chỉ nên hấp thụ tối đa 50~55% nguồn năng lượng từ carbohydrate. Đây là mức lý tưởng nhất cho một người trưởng thành. Tuy nhiên với một người Hàn Quốc, trung bình lượng carbohydrate mà họ đang hấp thụ hiện nay có thể vượt mức 65% trong một ngày. Trong khi đó, chất đạm và chất béo lại chiếm tỷ lệ khá thấp, lần lượt 14% và 19%.

Trên thực tế, gạo không phải là nguồn thực phẩm duy nhất chứa carbohydrate, mà ngay cả bánh mì, bánh gạo và các loại mỳ-miến cũng chứa nhiều carbohydrate không kém. Đây đều là những loại thực phẩm được người Hàn tiêu thụ nhiều nhất.

Thậm chí vào khoảng 100 năm trước, lượng hấp thụ carbohydrate của người Hàn Quốc còn nhiều gấp ba lần so với thời điểm hiện tại. Chính vì thế, không ít người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại xứ sở kim chi luôn tỏ ra băn khoăn và lo lắng về thực đơn ăn uống quá giàu carbohydrate của người Hàn Quốc.

Tuy nhiên, không chỉ người nước ngoài tỏ ra quan ngại về vấn đề này, mà ngay cả những người Hàn Quốc luôn quan tâm đến việc cân bằng đầy đủ các dưỡng chất trong một bữa ăn cũng đồng thời nhận thấy có sự bất hợp lý trong khẩu phần dinh dưỡng của đa số người dân nước mình.

Điển hình trong một tập phát sóng của chương trình “냉장고를 부탁해” (Please Take Care of My Refrigerator) trên đài truyền hình cáp JTBC, người mẫu kiêm diễn viên Byun Jung Soo đã thẳng thắn lên tiếng:

“Tôi là người Hàn Quốc, nhưng thật sự cũng không thể hiểu nổi chế độ ăn uống của người Hàn hiện nay. Tại sao có thể tiếp tục nạp thêm carbohydrate, sau khi đã hấp thụ một bữa ăn với rất nhiều carbohydrate trước đó?”

Lời nhận xét trên của nữ nghệ sĩ xuất phát từ cuộc thảo luận giữa khách mời tham gia chương trình và các đầu bếp nổi tiếng về một trong những thực đơn được người Hàn Quốc yêu thích nhất: “tổ hợp mỳ gói + bánh gạo + cơm cuộn kimbap” hoặc “bánh gạo xào cay + sundae (dồi lợn hấp) + cơm cuộn kimbap”. Để hưởng ứng với lời chia sẻ này, một số người thậm chí còn bông đùa rằng: “Đây quả thật là một bữa tiệc dồi dào carbohydrate”.

Bên cạnh đó, một ví dụ khác cũng đồng thời được đưa ra để minh chứng cho câu nói trên. Chính là thói quen gọi thêm một phần cơm rang, sau khi đã “chén sạch” một bữa tiệc thịt nướng linh đình trước đó. Bởi với nhiều người Hàn Quốc, việc ăn thịt nướng mà thiếu cơm rang “tráng miệng” chẳng khác nào thiếu đi 2%… làm nên sự hoàn hảo.

Quả thật, theo thói quen ăn uống thường ngày của người Hàn, thịt nướng (hoặc lòng nướng) luôn phải đi cùng với cơm rang, cũng như bánh gạo xào cay và sundae hấp không thể thiếu một phần cơm cuộn ăn kèm. Chính vì thế, trong mắt người nước ngoài, đặc biệt những người đến từ phương Tây, người Hàn Quốc thật sự chính là “quái vật” tiêu diệt carbohydrate ngoài đời thực.

Không thể phủ nhận, các thức ăn giàu carbohydrate rất cần thiết cho quá trình trao đổi chất của cơ thể, vì nó cung cấp năng lượng thiết yếu cho mọi hoạt động hàng ngày của con người. Tuy nhiên, việc nạp quá nhiều carbohydrate cũng đồng thời khiến cơ thể mắc phải những căn bệnh nghiêm trọng như béo phì, gan nhiễm mỡ, xơ vữa động mạch…

Thậm chí, còn có một kết quả nghiên cứu cho thấy, những người ăn quá nhiều hoặc quá ít carbohydrate sẽ có tuổi thọ ngắn hơn những người hấp thụ carbohydrate ở mức độ vừa phải.

Phương pháp cải thiện tối ưu nhất hiện nay chính là chỉ nên nạp một lượng carbohydrate vừa đủ, trong khoảng từ 50~55%, nhằm bổ sung nguồn năng lượng cần thiết cho các hoạt động thể chất. Đồng thời, cũng không nên cắt giảm carbohydrate khỏi chế độ dinh dưỡng, vì điều này có thể dẫn đến nguy cơ thiếu hụt những dưỡng chất nhất định, từ đó hình thành nên nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Thay vào đó, hãy duy trì cho bản thân và gia đình một thực đơn ăn uống lành mạnh bằng cách tập trung vào rau tươi và hoa quả giàu chất xơ, tăng cường hấp thụ ngũ cốc nguyên hạt, lựa chọn các sản phẩm từ sữa tách kem và hạn chế tối đa các sản phẩm chứa hàm lượng đường cao vượt mức cho phép.

XEM THÊM: Bí quyết chăm con tăng chiều cao & thể lực đứng đầu châu Á của người Hàn Quốc

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).