Theo thống kê tính đến tháng 2/2021 của Hiệp hội Xúc tiến Thông tin và Truyền thông Hàn Quốc về tình trạng thuê bao điện thoại di động của người nước ngoài, số thuê bao đăng ký trả sau là 1.28 triệu thuê bao (chiếm 1.9% tổng số điện thoại trả chậm; số thuê bao điện thoại trả trước là 1.16 triệu trường hợp ( chiếm 43.8% tổng số điện thoại trả trước).

Từ trước tới nay, khi người nước ngoài xuất cảnh (trường hợp xuất cảnh vĩnh viễn), thông tin đăng ký thuê bao di động sẽ được Bộ Tư pháp Hàn Quốc gửi cho Hiệp hội xúc tiến công nghệ thông tin Hàn Quốc (KAIT) 3 lần/năm. Mỗi lần được cập nhật thông tin, KAIT sẽ mất tối đa 4 tháng để ngăn chặn những thuê bao di động này.

Vì thời gian chuyển giao dữ liệu và xử lý khá lâu nên trong thời gian này, thuê bao di động của người nước ngoài đã xuất cảnh có thể bị sử dụng vào các hành vi phạm tội, như lừa đảo qua điện thoại.

Từ ngày 2/4/2021, Bộ Tư pháp Hàn Quốc sẽ cung cấp thông tin thuê bao di động của người nước ngoài xuất cảnh hàng ngày cho KAIT để có thể huỷ hoặc chặn thuê bao di động ngay khi người nước ngoài xuất cảnh.

Đặc biệt, các trường hợp thuê bao trả trước (là phương thức đăng ký thuê bao chủ yếu của người nước ngoài cư trú ngắn hạn) cũng sẽ kịp thời được xử lý huỷ để ngăn chặn trường hợp các số điện thoại này bị sử dụng vào các mục đích bất chính.

Do rào cản ngôn ngữ, khó xác nhận thông tin nên bản thân người nước ngoài cũng rất dễ trở thành đối tượng của những kẻ lừa đảo. Nếu có người tự xưng là thuộc cơ quan nhà nước như sở cảnh sát hoặc Cơ quan Giám sát tài chính gọi điện thoại đến yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân thì 100% đó là lừa đảo. Cho dù trong bất kỳ tình huống nào, bạn cũng không được tùy tiện cho người khác biết số chứng minh thư cá nhân và số tài khoản ngân hàng, cũng như mật khẩu…

Ví dụ về lừa đảo qua điện thoại Voice Fishing

  • Tạo dựng tình huống con em nạn nhân không thể nhận điện thoại và đang bị bắt cóc, đòi tiền chuộc
  • Giả danh cơ quan quản lý tiền lương hưu, cơ quan bảo hiểm y tế quốc dân để yêu cầu nộp thuế
  • Giả danh ngân hàng, công ty thẻ, công ty thông tin để đòi phí thanh toán thẻ, phí sử dụng dịch vụ chưa thanh toán
  • Giả danh cơ quan điều tra như cảnh sát, kiểm sát để yêu cầu khai thông tin cá nhân, thông tin giao dịch tín dụng
  • Giả danh bạn bè, người thân để yêu cầu gửi tiền vào số tài khoản lạ, không phải là tài khoản thường dùng

Cách tránh bị lừa đảo Voice Phishing

  • Tuyệt đối không được cho người lạ biết thông tin giao dịch tài chính. Khi thấy nghi ngờ cần hỏi cơ quan hữu quan về tính xác thực của thông tin.
  • Trường hợp kẻ lừa đảo đòi giao dịch qua máy rút tiền tự động thì 100% là lừa đảo tài chính, tuyệt đối không làm theo những gì chúng yêu cầu.
  • Trường hợp Voice Phising bắt cóc trẻ em thì phải gọi điện cho con hoặc trước đó phải biết số điện thoại của bạn bè, thầy cô giáo, người quen của con để đối phó với Voice Phising bắt cóc trẻ em. Không được đưa thông tin giao dịch tài chính hoặc nộp tiền như bọn tội phạm yêu cầu, mà trước tiên phải liên hệ với người quen qua số điện thoại đã tìm hiểu trước để kiểm tra con bạn có an toàn hay không.
  • Trong trường hợp có người biết rõ thông tin cá nhân như ngày tháng năm sinh, tên tuổi và tiếp cận bạn thì phải xác nhận với cơ quan hữu quan xem đó có phải sự thật không.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).