⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Đã 11 năm kể từ sau đại dịch cúm H1N1, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới lại một lần nữa tuyên bố đợt bùng phát virus COVID-19 là “đại dịch” toàn cầu, một từ hiếm được sử dụng và dễ gây hiểu nhầm.

Tổng Giám đốc WHO – Tedros Adhanom Ghebreyesus (ảnh: CNN)

Đại dịch là gì?

Dịch bệnh là sự gia tăng đột ngột trong các trường hợp nhiễm bệnh nhưng chỉ trong phạm vi quốc gia hoặc cộng đồng. Việc công bố một dịch bệnh là đại dịch không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của bệnh, mà phụ thuộc vào mức độ lây lan về mặt địa lý của nó.

Các trường hợp được ghi nhận ban đầu liên quan đến khách du lịch bị nhiễm bệnh ở Trung Quốc và quay trở về đại lục sau đó, hoặc những người đã bị lây nhiễm bởi những vị khách đó, được gọi là “trường hợp đầu hệ”, không được tính vào việc tuyên bố đại dịch.

Trường hợp đầu hệ hay còn gọi là “Bệnh nhân số 0” (index case) là trường hợp đầu tiên được xác định trong một nhóm các trường hợp liên quan của một bệnh truyền nhiễm hoặc bệnh di truyền cụ thể.

Hình mô tả chuỗi lây truyền của Bệnh nhân số 0, theo Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH).

Cần phải có một làn sóng lây nhiễm thứ hai từ người này sang người khác trong toàn cộng đồng thì mới được coi là đại dịch.

Một khi đại dịch được tuyên bố, nhiều khả năng sự lây lan trong cộng đồng sẽ phát sinh. Chính phủ và hệ thống y tế các quốc gia cần đảm bảo rằng họ đã chuẩn bị cho điều đó.

Sự khác biệt của ổ dịch, dịch bệnh, đại dịch?

Một ổ dịch là sự gia tăng đột ngột các trường hợp bệnh ở một nơi cụ thể. Một dịch bệnh là một ổ dịch lớn. Một đại dịch có nghĩa là một dịch bệnh toàn cầu.

“Từ này chưa được giải thích một cách phù hợp và rõ ràng. Nó được cất trong ngăn kéo và chỉ được sử dụng vào thời điểm tồi tệ nhất. Vì vậy, tất nhiên mọi người sẽ sợ nó”. Ian Mackay, nhà nghiên cứu về virus tại Đại học Queensland của Australia cho biết.

Mục đích của việc công bố đại dịch là gì?

Công bố đại dịch đồng nghĩa với việc thừa nhận nhiều khả năng sẽ xảy ra sự lây nhiễm rộng trong cộng đồng trên phạm vi toàn cầu, và chính phủ cùng hệ thống y tế các nước phải đảm bảo sẵn sàng đối phó. Trong khi đó, bệnh dịch chỉ là sự gia tăng các ca nhiễm bệnh trong một quốc gia hay cộng đồng.

WHO là tổ chức có tiếng nói sau cùng về thời điểm công bố đại dịch và không có tiêu chí cụ thể nào về số người tử vong, lây nhiễm hay số quốc gia bị ảnh hưởng.

WHO muốn các quốc gia đẩy mạnh chống dịch COVID-19 sau khi tuyên bố đại dịch

Không có ngưỡng nào cho việc tuyên bố đại dịch, chẳng hạn như một số trường hợp tử vong hoặc nhiễm trùng nhất định, hoặc số quốc gia bị ảnh hưởng.

Chẳng hạn như hội chứng viêm đường hô hấp cấp nặng (SARS) vào năm 2003 không được WHO tuyên bố là đại dịch dù đã lây lan đến 26 nước và vùng lãnh thổ. Trên thực tế, SARS nhanh chóng được khống chế và chỉ một vài quốc gia và vùng lãnh thổ bị ảnh hưởng lớn, bao gồm Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Singapore và Canada.

Mục đích chủ yếu của việc công bố đại dịch là nhằm nâng cao ý thức, chứ không phải để dẫn đến tình trạng hoảng loạn trên toàn cầu.

Giờ đây, WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch, dẫn đến nhiều thắc mắc về ý nghĩa của tuyên bố đối với công tác chuẩn bị và đối phó bệnh dịch.

WHO nhấn mạnh rằng việc dùng từ “đại dịch” không phải là dấu hiệu cho thấy tổ chức này thay đổi về các khuyến cáo. WHO vẫn kêu gọi các nước “phát hiện, xét nghiệm, chữa trị, cách ly, theo dõi và vận động người dân”.

Tổ chức Y tế Thế giới có rất nhiều lý do khi đưa ra quyết định tuyên bố đại dịch, nhưng một phần lý do sẽ là để mọi người nghiêm túc nhận thức về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và không bỏ qua các triệu chứng, cũng như để có được điều kiện tài chính cần thiết cho việc giúp đỡ giải quyết và kiểm soát dịch bệnh.

Tuy nhiên, tác dụng phụ khi quyết định tuyên bố đại dịch chính là gây ra sự hoảng loạn toàn cầu, điều này có thể gây hại nhiều hơn là giúp ích trong việc nâng cao nhận thức của người dân.

Cúm heo, được tuyên bố là một đại dịch năm 2009, đã gây ra sự hoảng loạn không cần thiết, làm các khoa cấp cứu quá tải và khiến chính phủ phải chi quá nhiều thuốc chống virus. Các triệu chứng của bệnh này thường nhẹ và hầu hết mọi người đều hồi phục trong vòng sáu ngày.

Thách thức lớn mang tính toàn cầu – Bước kế tiếp là gì?

Hiện tại, virus COVID-19 vẫn đang hoành hành tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Ý và Singapore.

Giám đốc phụ trách các bệnh truyền nhiễm và miễn dịch học tại Viện Sức khỏe Menzies ở Queensland – Giáo sư Nigel McMillan, cho hay các báo cáo truyền thông có thể đang quá nhạy cảm về ý nghĩa của việc công bố đại dịch.

“Chúng tôi không muốn gây ra sự hoảng loạn trong việc dự trữ thực phẩm hoặc xăng dầu, khi mà đối với 95% dân số, đây sẽ chỉ là một cơn cảm lạnh nhẹ”, ông nói.

Nhưng khi một dịch bệnh được coi là đại dịch, có nghĩa là lệnh cấm du lịch sẽ không còn hữu ích hay hợp lý. Điều này sẽ cảnh báo các cơ quan y tế rằng họ cần chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo, bao gồm việc chuẩn bị cho các bệnh viện để đón một lượng lớn bệnh nhân, dự trữ bất kỳ loại thuốc chống virus nào và khuyên mọi người rằng khi đến lúc, họ sẽ cần phải suy nghĩ về những việc như cách ly ở nhà nếu bị nhiễm bệnh, tránh tụ tập đông người.

“Điều này có thể chứng minh công việc khó khăn nhất đối với các chính phủ chính là khuyến khích mọi người thay đổi hành vi của họ, chẳng hạn như hủy bỏ các sự kiện xã hội lớn để tránh lây bệnh.” – McMillan nói.

Tâm dịch COVID-19 bùng phát ở Trung Quốc, Ý, Iran, Hàn Quốc. Trung Quốc trên 80.000 ca nhiễm, Ý trên 10.000 ca nhiễm, Iran 9.000 ca nhiễm, Hàn Quốc trên 7.000 ca. Dịch cũng đã lan rộng ra 47 quốc gia và vùng lãnh thổ của châu Âu.

Ngoài Ý, một vài quốc gia châu Âu đang là điểm nóng như Tây Ban Nha trên 2.000 ca nhiễm, Đức trên 1.600 ca nhiễm. Ở bên kia bờ đại dương, Hoa Kỳ cũng đã ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm bệnh.

Ngày 11/3/2020, thế giới tiếp tục chứng kiến những trường hợp đầu tiên nhiễm virus COVID-19 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, Bolivia, Thổ Nhĩ Kỳ, Honduras và Cote d’Ivoire. Các quốc gia như Indonesia, Bỉ và Panama cũng xác nhận những ca tử vong đầu tiên.

Tổ chức Y tế Thế giới hiện đang quan ngại sâu sắc, cả về mức độ lây lan cũng như mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, và tình trạng báo động về việc các nhà lãnh đạo thế giới chưa tích cực trong việc ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Vì lý do này mà WHO đã quyết định đánh giá COVID-19 mang đặc điểm của một đại dịch.

Tổng giám đốc WHO đã nhấn mạnh: “Việc tuyên bố COVID-19 là đại dịch cho thấy chúng ta chưa thể kiểm soát được dịch bệnh”.

“Thách thức đối với nhiều quốc gia đang phải đối phó với dịch bệnh không phải là liệu họ có thể hành động mạnh mẽ hơn hay không mà là liệu họ có làm điều đó hay không.

Một số quốc gia vẫn đang vật lộn với dịch bệnh vì thiếu năng lực, thiếu tài nguyên y tế, một số quốc gia thì lại thiếu quyết tâm”, ông Tedros nhấn mạnh.

XEM THÊM: Cứ sau mỗi 100 năm nhân loại sẽ phải đối diện với một đại dịch


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

author-avatar

About Ngọc Vũ

Kết nối với Hàn Quốc như một cái duyên và gắn bó cùng Hàn Quốc như một định mệnh. Quan tâm tới văn hoá, xã hội, các tin tức thời sự và mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).