Đối với người Hàn sinh ra và lớn lên ở Hàn Quốc, có những đặc trưng thuộc về văn hoá xã hội, lối sống đã in sâu vào tiềm thức khiến họ cảm thấy đó như là chuyện hiển nhiên, không để tâm thắc mắc đến.

Tuy nhiên, người nước ngoài, đặc biệt là du học sinh mới đặt chân đến Hàn Quốc thường có nhiều điều bỡ ngỡ chưa quen và gặp khó khăn trong những ngày đầu tập thích nghi với cuộc sống, môi trường xa lạ.

Tạp chí 대학내일 đã phỏng vấn du học sinh đến từ nhiều quốc gia trên thế giới và tập hợp lại 7 tình huống dễ khiến người nước ngoài rơi vào cảnh “dở khóc dở cười” nhất khi tiếp xúc với văn hoá và con người Hàn Quốc.

1. Đăng ký môn học như canh đồ sale: nhanh tay thì kịp, chậm tay thì hết

Lần đầu tiên đến Hàn Quốc, tôi đã rất shock khi biết quá trình đăng ký môn học ở đại học Hàn Quốc dựa trên thứ tự ưu tiên, tức ai đến trước thì giành được “slot” (đăng ký môn thành công), chậm vài giây thì đăng ký trượt như chơi.

Là sinh viên của khoa nhưng lại không đăng ký được môn chuyên ngành bắt buộc do khoa chỉ định, điều này không phải quá lạ lùng sao?

Du học sinh người Nhật Bản ở đại học Dongguk cho biết: “Tại trường đại học Nhật Bản, hiếm có trường hợp sinh viên đăng ký trượt các môn học đã lên kế hoạch cho học kỳ tiếp theo. Nếu sĩ số đăng ký vượt quá số lượng cho phép, danh sách lớp chính thức sẽ được chọn thông qua hình thức bóc thăm ngẫu nhiên. Đối với các sinh viên không được chọn, nhà trường sẽ có kế hoạch gợi ý cho họ những môn học có thể đăng ký thay thế.”

XEM THÊM: 8 sự thực phũ phàng về cuộc sống du học ở Hàn Quốc

2. Người Hàn Quốc dùng chung mọi thứ với nhau ư?

Trời lạnh nên mượn áo khoác ngoài, môi khô nên mượn đỡ son dưỡng môi của người khác… Tôi cảm thấy rất đỗi bất ngờ với văn hóa mượn và cho mượn đồ giữa những người bạn với nhau ở Hàn Quốc.”

Trước đây, có những lần tôi vẫn chưa kịp gật đầu đồng ý nhưng họ (bạn bè người Hàn) vẫn thản nhiên dùng đồ của tôi khiến tôi rất bối rối. Không chỉ vật dụng thông thường, người Hàn còn thường xuyên gọi đồ ăn chung rồi chia sẻ với nhau nữa.

Nếu là ở châu Âu, ngay cả khi bạn gọi pizza thì mỗi người cũng đều gọi một phần bánh riêng biệt (kích thước pizza ở châu Âu nhỏ hơn ở Hàn Quốc). Còn ở Hàn Quốc, dù người Hàn đã gọi món riêng rồi nhưng khi ra món, họ đều chia sẻ phần của mình và bảo “hãy ăn thử một miếng đi”, khiến tôi cảm thấy không quen.

Có lần đi ăn cùng bạn bè, vì nghi thức “mỗi người một miếng” mà nhìn đi nhìn lại chỉ một lúc sau, trong đĩa của tôi đã chẳng còn chút gì.

Sinh viên trao đổi người Litva, Khoa Chính trị học và Ngoại giao Đại học Korea chia sẻ.

Đặc biệt, khi đi ăn thịt nướng, người Hàn Quốc thường gọi chung một nồi canh kimchi hoặc canh đậu tương rồi “hồn nhiên” mỗi người một thìa. Thói quen này hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh rồi!

XEM THÊM: Văn hóa URI và tính cộng đồng trong văn hóa sinh hoạt của người Hàn Quốc

3. Người Hàn Quốc quá thường xuyên “đu đưa” tụ tập uống rượu

Sinh viên Việt Nam ở Đại học Hanshin chia sẻ:

Lần đầu tiên đến Hàn Quốc, tôi đã rất ngạc nhiên khi nghe nói sinh viên thường sẽ tổ chức họp mặt theo khoa để cùng nhau uống rượu làm quen và giao lưu. Chẳng hạn như sau buổi orientation (định hướng đầu năm học), khi học kỳ bắt đầu, khi kết thúc học kỳ…

Bất cứ khi nào khoa có sự kiện đặc biệt, tất cả sinh viên đều sẽ tụ tập ăn mừng. Ở đại học Việt Nam, sinh viên thường không tổ chức các buổi tiệc sau những buổi lễ hay sự kiện đặc biệt như Hàn Quốc. Trên thực tế, những buổi đầu mới nhập học có rất ít các hoạt động đoàn thể giao lưu giữa các sinh viên trong khoa.

Đầu học kỳ, tôi đã từng thử tham gia những buổi gặp mặt uống rượu vì tò mò. Thế nhưng cảm giác không vui như tôi nghĩ. Khi rượu đã vào rồi thì ai cũng nói với tốc độ súng liên thanh, giọng cũng to hẳn.

Vì không biết gì về những trò chơi tập thể ở Hàn Quốc nên tôi cũng không thể tham gia uống cùng mọi người. Trông mọi người uống đến mức ai cũng say bí tỉ mà sợ quá, thế là tôi đã lẻn ra về trước cùng lúc với giáo sư.

XEM THÊM: Văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc

4. Người trưởng thành sao lại có giờ giới nghiêm?

Ở Mĩ, các trường đại học hầu như không quy định giờ giới nghiêm. Nếu là người trưởng thành, bạn đương nhiên có thể tự quyết định thời gian ngủ và thời gian thức dậy của bản thân chứ.

Ngoài giờ giới nghiêm, có rất nhiều quy tắc khó hiểu trong ký túc xá Hàn Quốc. Ví dụ như tôi cảm thấy việc nữ không được vào KTX nam, hoặc nam không được vào KTX nữ là việc không hợp lí.

KTX các trường đại học ở Mĩ thường không phân chia hai khu nam nữ riêng biệt. Ngay cả ở các trường bảo thủ nhất (trường Dòng Cơ Đốc giáo), nam nữ vẫn được phép ra vào ký túc xá một cách tự do.

Sinh viên người Mĩ ở Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc chia sẻ.

XEM THÊM: 7 kiểu kỳ thị vẫn đang phổ biến ở Hàn Quốc

5. Việc phân loại rác thật khó khăn!

Không chỉ riêng tôi mà cả du học sinh từ các quốc gia khác cũng đồng quan điểm về việc phân loại rác! Tôi đã từng bị khiển trách về việc không phân loại rác đúng cách tại cửa hàng thức ăn nhanh.

Ở Trung Quốc, chúng tôi chỉ phân chia ra hai loại rác: Loại có thể tái chế và không thể tái chế. Ngoài ra, sẽ có người chuyên làm công việc phân loại rác riêng biệt thay bạn nữa.

Cứ đến thời điểm phân loại rác, tôi chỉ cần gọi cho người đó nhờ làm giúp là được. Còn một điều nữa, tôi không hiểu vì sao ở Hàn Quốc phải mua túi đựng rác với giá đắt như vậy, đó chỉ là túi nylon thôi mà?

Sinh viên người Trung Quốc ở khoa Kinh tế Đại học Yonsei chia sẻ.

XEM THÊM: Hướng dẫn phân loại rác ở Hàn Quốc

6. Chỉ có thể kết bạn với những người bằng tuổi thôi sao?

Ở Myanmar, nếu khoảng cách tuổi tác không quá chênh lệch, chúng tôi sẽ gọi nhau bằng tên. Thông thường, chúng tôi chỉ thay đổi cách xưng hô khi giữa hai người chênh nhau khoảng 7~8 tuổi. Nhưng ở Hàn Quốc thì khác.

Ngay cả khi họ chỉ hơn bạn một tuổi, bạn cũng phải dùng cách xưng hô sao cho đúng. Vì thói quen gọi nhau bằng tên, đã nhiều lần đối phương là người Hàn nhìn tôi với ánh mắt khó chịu, thế là tôi phải nhanh chóng “gỡ gạc” bằng cách chuyển sang gọi là “형” (anh).

Ngoài ra, giữa sinh viên khoá trên và khoá dưới trong trường đại học còn có danh xưng “선배 – 후배” (tiền bối – hậu bối) riêng nữa. Khi mới nhập học, tôi đã từng gọi một tiền bối khoá trên là “형” (anh), một người bạn người Hàn ngồi bên cạnh đã hỏi tôi: “Cậu thân với tiền bối đó à?”. Đến lúc đó tôi mới vỡ lẽ ra, ở trường đại học, gọi người học khoá trên là “tiền bối” là chuyện bình thường, chỉ khi nào đã thân thiết rồi mới chuyển sang gọi là “anh”.

Du học sinh người Myanmar ở Đại học Korea chia sẻ.

XEM THÊM: Văn hóa tiền bối – hậu bối trong quan hệ xã hội ở Hàn Quốc

7. Thật khó tìm thực đơn cho người ăn chay ở Hàn Quốc

“Tôi không ăn thịt heo, vì vậy mỗi lần đi ăn ở nhà ăn sinh viên, tôi đều gặp phiền phức. Những lần đầu tôi đều hỏi nhân viên nhà ăn là trong thực đơn ngày hôm ấy có thịt lợn không. Nhưng có nhân viên bảo rằng họ cảm thấy phiền phức vì ngày nào tôi cũng hỏi, điều đó đã làm tôi bị tổn thương. Sau lần đó, tôi không dám hỏi thêm một lần nào nữa.

Ngoài tôi ra, trong trường cũng có nhiều sinh viên quốc tế, tôi nghĩ nhà ăn trong trường nên triển khai thêm thực đơn dành cho sinh viên quốc tế đến từ những nền văn hóa ẩm thực khác nhau như các quốc gia khác vẫn làm.

Sinh viên người Pakistan, khoa Kỹ thuật điện tử trường đại học E chia sẻ.

XEM THÊM:

Tổng hợp từ 대학내일

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).