Nhân việc các bạn tranh luận về vấn đề “lao động bất hợp pháp”, TTHQ xin chia sẻ tới các thành viên clip này. Phóng sự do báo Tuổi trẻ trực tiếp sang Hàn Quốc và gặp gỡ với các lao động bất hợp pháp để nghe họ chia sẻ về những hoàn cảnh của mình. Đây chỉ là một vài trong số rất rất nhiều những mảnh đời chìm khuất khác. Họ là những con người bấp bênh trong cuộc mưu sinh, lưu lạc quê hương, lưu lạc cả tâm hồn.

Có nhiều người khi nghe đến từ “lao động bất hợp pháp” thì lắc đầu, tỏ vẻ sợ hãi, coi đó là một “thành phần xã hội” cần phải xa lánh. Thậm chí có nhiều người còn nhắn tin hỏi TTHQ là “có nên tố cáo (điểm chỉ) những lao động bất hợp pháp cùng làm việc chung ở xưởng với mình không?”

Chúng ta không có quyền phán xét hay lên án về tư cách, đạo đức những người “lao động bất hợp pháp”. Trước hết các bạn cần hiểu, “bất hợp pháp” ở đây là “cư trú bất hợp pháp” chứ không phải là vi phạm pháp luật. Bản thân họ là những người lao động lương thiện như những lao động cư trú hợp pháp khác, nhưng họ hoàn toàn không có quyền cơ bản như một lao động hay một cư dân nước ngoài bình thường. Bởi vậy, “cư trú bất hợp pháp” ở đây là vấn đề LỰA CHỌN của một cá nhân, không thuộc phạm trù NHÂN CÁCH.

Bản thân xã hội Hàn Quốc cũng đã chấp nhận hiện trạng một phần không nhỏ những người “cư trú bất hợp pháp” vẫn làm việc và sinh sống tại đất nước của họ. Và để bảo vệ nhân quyền cho những “công dân không được đón chào” này, từ năm 2013 đã có luật người “cư trú bất hợp pháp” khi bị xâm hại về quyền lợi, nhân quyền có thể khai báo lên cảnh sát và cảnh sát sẽ không được quyền chuyển thông tin của họ cho Cục quản lý xuất nhập cảnh.

Vậy tại sao số lượng “lao động bất hợp pháp” (không chỉ tại Hàn mà còn tại Nhật, Đài Loan, Nga hay nhiều quốc gia khác) lại ngày càng tăng lên? Câu trả lời rất đơn giản: Vì họ không muốn về nhà, vì họ tìm thấy con đường sống tốt hơn tại quốc gia mình cư trú. Có nhiều người vì nợ nần chưa trả hết, có nhiều người vì muốn tích lũy thêm vốn làm ăn, có người chỉ đơn giản là không thể thích nghi với cuộc sống ở quê nhà vì đã quen với cuộc sống ở nước ngoài trong một thời gian dài. Về quê hương, dù bạn muốn chăm chỉ những cũng không có đủ việc làm và cơ hội cho bản thân; nhưng ở Hàn Quốc chỉ cần chăm chỉ và tiết kiệm là một lao động nông nghiệp cũng có thể dành dụm chút tiền gửi về cho gia đình. Về quê hương, bạn phải sống trong sự so sánh, để ý của những người xung quanh, nhưng ở đây bạn có một công việc ổn định và sự tự do tuyệt đối. Tuy nhiên, đó sẽ là “sự tự do” trong cô đơn và một tương lai không rõ ràng, ổn định.

Bản thân người trong cuộc nắm rõ nhất những hệ lụy từ việc “cư trú bất hợp pháp”. Nhưng thay vì việc phê phán họ, thay vì việc ràng buộc về tài chính như ký quỹ; chính phủ cần tổ chức lại cơ cấu việc làm trong nước, có sự chuẩn bị về việc làm cho người lao động lành nghề ngay từ trước khi xuất khẩu lao động. Chính phủ có thể liên kết với các công ty nước ngoài, đề nghị họ nhận lao động về nước hay tổ chức những nhóm lập nghiệp, hướng dẫn người lao động chung vốn đầu tư làm ăn trong nước.

Bản thân những lao động hợp pháp cũng nên có sự chuẩn bị cho tương lai của mình. (Mời các bạn đọc lại bài 9 lời khuyên dành cho lao động nước ngoài) Và bài toán “lao động bất hợp pháp” có lẽ vẫn sẽ là một bài toán nan giải cần tìm câu trả lời từ nhiều phía.

XEM THÊM: Ansan – Nơi nhiều đồ ăn Việt & người Việt nhất Hàn Quốc

One thought on “Bấp bênh thân phận bất hợp pháp

  1. Mai Hiền viết:

    thật đáng buồn
    mong rằng họ sẽ có một cuộc sống tốt

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).