Theo báo cáo “Tình trạng mất trí nhớ ở Hàn Quốc 2018” được công vố về tình trạng mất trí nhớ ở 260 đô thị và 17 đại đô thị trên toàn quốc, ước tính có 705.473 bệnh nhân mắc chứng lú lẫn.

Trong số những người ở độ tuổi 65 trở lên, cứ 10 người lại có 1 người mắc bệnh, số bệnh nhân mắc chứng mất trí dự kiến sẽ tiếp tục tăng và vượt con số 1 triệu người trong năm 2024, 2 triệu người vào năm 2039 và 3 triệu người vào năm 2050.

Tỷ lệ người mắc chứng mất trí nhớ so với bệnh nhân sa sút trí tuệ ước tính 93.7%. Chi phí quản lý hàng năm cho người mất trí ước tính là khoảng 2.074 triệu KRW và chi phí quản lý chứng mất trí quốc gia được ước tính là khoảng 1.4 ngàn tỉ KRW, chiếm 0.8% GDP. Tổng chi phí y tế hàng năm cho bệnh nhân sa sút trí tuệ trên 65 tuổi là khoảng 2.300 tỉ KRW và chi phí y tế hàng năm cho bệnh nhân sa sút trí tuệ là khoảng 344 triệu KRW.

Những con số khổng lồ này chứng minh một điều, bệnh mất trí nhớ đang ngày càng trở nên nghiêm trọng tại Hàn Quốc. Với việc mất cân bằng dân số, tỷ lệ sinh ít hơn tỷ lệ tử, dân số bị già hoá nhanh chóng khiến cho số người mắc căn bệnh đáng sợ này ngày càng tăng cao, hiện đã chiếm 10%.

Nếu như trước đây, ai cũng nghĩ chứng bệnh này chỉ xảy ra ở người già thì hiện nay, ngày càng có nhiều người trẻ mắc phải căn bệnh này. Nhẹ thì “nhớ nhớ quên quên”, hay nhiều người gọi là bệnh “não cá vàng”, nhưng nặng thì sẽ quên sạch ký ức, quên cả bản thân và những người thương yêu bên cạnh.

Chưa kể đến những gánh nặng cho xã hội, những người mắc bệnh lú lẫn còn gặp phải vô số những bất tiện trong sinh hoạt. Đã có rất nhiều bộ phim của điện ảnh Hàn Quốc lấy chủ đề này và tập trung khai thác tâm lý nhân vật của những bệnh nhân mắc căn bệnh bất hạnh này.

Một Thời Để Nhớ (내 머리 속의 지우개)

“A Moment to Remember” (tựa Việt: Một Thời Để Nhớ) là bộ phim điển ảnh tình cảm, lãng mạn Hàn Quốc sản xuất năm 2004, dựa trên một bộ phim truyền hình Nhật Bản có tên là Pure Soul.

Phim do Son Ye Jin và Jung Woo Sung. Woo Sung thủ vai đã lấy bao nước mắt của khán giả thời điểm đó, nằm trong TOP 5 bộ phim ăn khách nhất Hàn Quốc năm 2004. Bộ phim cũng thành công ngoài mong đợi khi công chiếu tại Nhật Bản, và thu về doanh thu kỷ lục.

“Một Thời Để Nhớ” đi theo mô típ các mối quan hệ xung quanh nhân vật chính và sự mất mát đau thương do bởi căn bệnh Alzheimer mang lại. Su Jin (Son Ye Jin) là một nhà thiết kế thời trang, một cô gái hiền hậu có tính hay quên lớn lên trong một gia đình khá giả và hạnh phúc. Chul Soo (Jung Woo Sung) là một chàng thợ mộc thô lỗ cục cằn, bị mẹ mình ruồng bỏ từ nhỏ, lớn lên trong sự nuôi dạy có phần khắc nghiệt của một người xây chùa.

Soo Jin là một nhà thiết kế thời trang nhưng mắc căn bệnh mất trí nhớ ngắn hạn. Mỗi lần đến cửa hàng mua đồ cô đều để quên ví tiền và đồ đã mua. Một ngày, Soo Jin mua một chai nước ngọt rồi cứ thế mà đi về, đến khi sực nhớ quay lại cửa hàng thì chai nước ngọt đã bị một chàng trai cầm mất, Soo Jin đã cầm lon nước và uống hết một mạch.

Khi lên xe bus, cô mới phát hiện ra rằng mình còn quên ví tiền, lúc quay trở lại Soo Jin mới biết rằng hoá ra chai nước của chàng trai kia không phải là của cô. Khi công ty của Soo Jin phải sửa sang lại thì cô lại gặp chính chàng trai ấy có tên là Chul Soo, một người mơ ước sau này có thể làm kiến trúc sư.

Quá trình tìm hiểu của cặp đôi cũng vô cùng thú vị, chi tiết mang tính bước ngoặt là khi cả 2 gặp lại nhau ở quán rượu và câu nói: “Uống hết chén này là quen nhau nhé!” kết thúc bằng một nụ hôn vô cùng ngọt ngào, chi tiết này cho đến nay trở nên quen thuộc trong ký ức của nhiều bạn trẻ Hàn và vẫn luôn được nhắc đến như một cách tỏ tình kinh điển.

Sau khi yêu nhau và bị gia đình ngăn cấm, Soo Jin đã chủ động cầu hôn với Chul Soo. Nhưng sau khi kết hôn, căn bệnh mất trí của Soo Jin ngày càng nghiêm trọng đến nỗi nhiều khi cô còn không biết mình là ai, ban đầu cô tưởng mình chỉ hay quên quên nhớ nhớ, nhưng rồi bệnh ngày càng nặng hơn, đến lúc không thể nhớ nổi gương mặt người chồng mình.

Chuỗi ngày đau khổ sau đó diễn ra khi chồng cô biết được bệnh tình, cả hai đã tìm đủ mọi cách để cải thiện tình hình bệnh tật của Soo Jin. Câu chuyện về đôi vợ chồng trẻ để lại nhiều giá trị nhân văn về tình yêu, hôn nhân và cuộc sống.

“나는 당신을 기억하지 않아요. 당신은 그냥 나한테 스며들었어요.. 나는 당신처럼 웃고, 당신처럼 울고, 당신 냄새를 풍겨요.. 당신 손길은 그대로 내 육체에 새겨져 있어요”.

“Em không nhớ anh. Anh chỉ như cơn gió thoảng qua. Nhưng em sẽ cười, sẽ khóc, sẽ ấp ủ làn hơi của anh. Và hơi ấm nơi bàn tay anh sẽ lưu mãi trên cơ thể em..”.

Điều Ba Mẹ Không Kể (로망)

Chuyện phim “Điều Ba Mẹ Không Kể” (Romang) xoay quanh hai vợ chồng già Nam Bong (Lee Soon Jae) và Lee Mae Ja (Jung Young Sook) vốn đã ở bên nhau suốt 45 năm.

Tuy đã lớn tuổi, ông Nam Bong vẫn hàng ngày lái taxi để làm trụ cột gia đình thay cho chàng quý tử tiến sĩ nhưng thất nghiệp. Rắc rối bỗng ập đến khi cả hai vợ chồng già cùng mắc phải căn bệnh mất trí nhớ.

Mỗi khi lên cơn bệnh, ông Nam Bong như trở thành đứa con nít chỉ biết nghịch đồ chơi, còn bà Mae Ja thì khóc lóc, đập phá, rồi lại quên hết mọi điều mình đã làm. Những lúc này, người còn tỉnh buộc phải chịu đựng và chăm lo cho đối phương cho đến khi bình phục.

Dần dần, họ chỉ còn có thể nói chuyện với nhau thông qua những mảnh giấy được dán khắp nhà. Những giây phút hiếm hoi cùng giữ được lý trí, cả hai chia sẻ bữa cơm đầm ấm, làm công việc nhà, hay cùng nhau ôn lại thời thanh xuân từ những kỷ niệm suốt 45 năm bên nhau.

Vợ chồng Mae Ja và Nam Bong tuy không đủ sức làm những hành động lãng mạn cho đối phương nhưng cách mà họ chăm sóc lẫn nhau, cách họ nhắc nhở nhau những điều nhỏ nhặt nhất, hay cùng phơi đồ… lại là điều mà bất kỳ khán giả nào cũng mong mỏi về một mái ấm gia đình.

Con cái rồi một ngày sẽ rời bỏ ta khi chúng “đủ lông đủ cánh” nhưng người bạn đời, người mà ta kề cạnh mỗi đêm sẽ đi cùng ta đến cuối đường đời, như ông Nam Bong đã chiêm nghiệm rằng: “Hai người dù sao vẫn tốt hơn một”.

Ngoài chủ đề về tình cảm gia đình, tình yêu, tác phẩm còn để lại thông điệp về ảnh hưởng của bệnh sa sút trí tuệ, khiến con người dần cảm thấy chính “cái tôi” của mình đang tan rã.

Những trải nghiệm giúp định nghĩa con người nhưng sẽ ra sao nếu họ dần quên đi hoặc không còn nhớ chính xác chúng? Đây là đề tài không mới với điện ảnh thế giới nhưng được khắc họa chân thật trong Romang, thông qua diễn xuất của hai diễn viên gạo cội của làng điện ảnh Hàn Quốc.

Phân cảnh người con trai về thăm bố mẹ và phát hiện những mảnh giấy nhớ được dán khắp nơi, anh mới biết cả bố và mẹ mình đều mắc bệnh. Kết phim là cảnh đôi vợ chồng già cùng nhau ngồi ngắm bình minh trên bờ biển.

Khi yêu nhau thời trẻ, cặp đôi cũng từng ngồi ngắm biển và hỏi về ước mơ của nhau. Những ước mơ rất đỗi bình dị như mong có thể lấy vợ và làm người cha tốt, mong sẽ trở thành người vợ chăm lo cho chồng con của hai nhân vật mặc dù giản dị nhưng lại lấy nước mắt của bao khán giả xem phim.

“Điều Ba Mẹ Không Kể” chính là một bản tình ca đầy day dứt về tình cảm gia đình mà không phải lúc nào chúng ta cũng có cơ hội để thưởng thức. Giữa những bộn bề cuộc sống có đôi lúc vì hạnh phúc của bản thân mà ta quên mất cha mẹ cũng đã già và chẳng còn nhiều thời gian để ở bên.

Những tình tiết đời thường mà khi xem phim, ai cũng thấy gia đình mình trong đó. Cuộc sống luôn có những khó khăn và biến cố, không ai biết tương lai và tuổi già của mình sẽ thế nào. Vậy nên hãy trân quý quá khứ, hiện tại và tương lai đừng quên rằng: “Chỉ có ba mẹ luôn sẵn sàng dang tay ôm ta vào lòng giữa những giông tố cuộc đời”.

author-avatar

About 수하

“Chúng ta không cần phải học giỏi Văn để có thể viết truyện, chúng ta chỉ cần sống ý nghĩa cuộc đời của mình. Và Hạnh Phúc chính là một hành trình!”

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).