Vấn đề làm tròn số lẻ hoặc trả kẹo thay tiền thừa tại các cửa hàng, siêu thị Việt Nam lâu nay vẫn là một trong những đề tài gây tranh cãi nhất.

Trong khi các nhân viên thu ngân ngày ngày vẫn luôn viện cớ: “Không đủ tiền lẻ”, để thoái thác nhiệm vụ trả tiền thừa cho khách, khách hàng thì lại cho rằng đây là hành vi gian lận và dối trá. Đồng thời khẳng định trả kẹo thay cho tiền thừa chỉ là một mánh khóe của các cửa hàng, siêu thị khi muốn tăng thêm lợi nhuận.

Mặt khác, một số người “dễ thích nghi với hoàn cảnh” lại đơn giản nghĩ rằng, trong thời đại khan hiếm các đồng tiền lẻ trị giá 200~500 VND như hiện nay, việc nhận kẹo thay cho tiền thừa đã trở thành một điều hiển nhiên như quy luật tất yếu của thị trường.

Trước khi phân tích đúng sai, hãy cùng đối chiếu hình thức giao dịch mua bán ở Việt Nam và văn hóa trả tiền thừa của người Hàn Quốc. Chúng ta sẽ thấy người dân xứ kim chi đang thực hiện hết sức minh bạch và rõ ràng trong vấn đề này.

Văn hóa thối tiền của người Hàn Quốc

Hàn Quốc có hệ thống tiền tệ khá phát triển so với Việt Nam. Nói một cách cụ thể, đồng tiền Hàn Quốc không chỉ có giá hơn một số nước, mà còn đa dạng về thể loại, bao gồm tiền giấy và tiền xu.

Đặc biệt, tiền xu xứ Hàn còn nhiều và thông dụng đến mức có hẳn đơn vị nhỏ nhất là 10 KRW (~190 VND), cho đến lớn nhất là 500 KRW (~9.600 VND).

Do đó, dĩ nhiên các đồng tiền này luôn được ứng dụng một cách triệt để trong đời sống hàng ngày, từ việc là người bạn đồng hành không thể thiếu của các bà nội trợ khi đi mua sắm, cho đến là dụng cụ thối tiền thiết yếu của những người bán hàng hoặc nhân viên quầy thanh toán.

Nếu từng có kinh nghiệm đi chợ tại Hàn Quốc, không khó để phát hiện giá cả hàng hóa ở đây đa số đều là những con số lẻ. Ví dụ một nải chuối trị giá 1.250 KRW (~24.000 VND), hay một bó rau giá 990 KRW (~19.000 VND).

Vì vậy, việc thường xuyên sử dụng những đồng xu có mệnh giá từ 10~500 KRW để thanh toán những số tiền lẻ như trên là điều hiển nhiên, bởi không phải lúc nào cũng có thể “cà thẻ”. Đồng nghĩa với việc, các nhân viên quầy thanh toán cũng phải dùng đến những đồng xu có mệnh giá nhỏ tương tự để trả lại tiền thừa cho người mua hàng.

Ngoài ra, trong trường hợp người mua hàng thanh toán bằng tiền mặt, nhưng không muốn nhận lại tiền thừa bằng đồng xu, chính phủ Hàn Quốc cũng sẵn sàng chiều lòng dân bằng cách thực hiện thí điểm giải pháp mới mang tên “잔돈 계좌적립 서비스” (Dịch vụ trả tiền thừa vào tài khoản), tại một số cửa hàng tiện lợi và siêu thị từ đầu năm 2020.

Đây là hình thức thối tiền thừa thông qua ứng dụng quản lý tài khoản được cài đặt trên điện thoại di động. Như vậy, thay vì phải nhận những đồng xu lỉnh kỉnh, khó quản lý, khách hàng vẫn có thể nhận lại đúng số tiền thừa của mình và kiểm soát một cách dễ dàng.

Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng đang đặt mục tiêu hướng đến thời đại mới “hạn chế sử dụng đồng xu và tiền giấy”, tương tự như một số nước tiên tiến khác như Thụy Điển, Hà Lan và Đan Mạch.

Vì vậy, có thể thấy loại hình dịch vụ này sẽ còn phát triển hơn trong tương lai, giúp người dân có thể yên tâm về tính minh bạch trong giao dịch tài chính, đồng thời giảm hẳn rủi ro về những sự cố thất thoát tiền bạc không đáng có.

Tuy nhiên, trong những trường hợp “bất khả kháng” như khi mua sắm tại các khu chợ truyền thống và những cửa hàng nhỏ lẻ không đủ điều kiện kết nối các ứng dụng thông minh, đồng xu vẫn là một nguyên tố không thể thiếu trong việc giúp người mua và người bán thực hiện giao dịch một cách minh bạch, rõ ràng và chính xác nhất.

Văn hóa thối tiền ở Việt Nam

Những điều diễn ra ở Hàn Quốc thật sự rất khó để nhìn thấy ở Việt Nam. Bởi thực tế chứng minh, người bán hàng tại đất nước chúng ta từ lâu đã “giả lơ” việc trả tiền thừa mệnh giá 200~1.000 VND cho khách, hoặc tự ý làm tròn luôn con số lẻ để người mua phải trả nhiều hơn hóa đơn thực tế.

Xét một cách khách quan, đây cũng là điều khó tránh khỏi. Bởi ngày nay, không dễ có thể bắt gặp tờ tiền 200, 500 VND tồn tại trên thị trường. Thậm chí, đồng xu cũng không hề được ưa chuộng tại Việt Nam. Hơn hết, văn hóa “cà thẻ” khi mua hàng cũng chưa thật sự phát triển như một số nước khác, điển hình Hàn Quốc.

Trong suốt một thời gian dài, tiền lẻ tại Việt Nam nhất là đồng 500 VND không được sử dụng đúng vai trò trong thanh toán. Còn đồng 100~200 VND coi như mất tích. Từ đó, dẫn đến việc nhiều siêu thị, cửa hàng tự quy ước hình thức trả kẹo thay tiền thừa. Tuy nhiên, giá trị có tương đương với số tiền đáng ra khách phải được nhận hay không thì… không ai biết.

Thậm chí, không loại trừ khả năng nhân viên thu ngân chỉ trả cho khách những viên kẹo rất rẻ, ít người mua, giá trị của chúng có khi cũng chẳng bằng giá bán lẻ. Như vậy, đây khác nào hành vi gian lận trong mua bán?

Bởi việc họ bắt khách hàng nhận thứ đồ mình không cần cũng đồng nghĩa với việc những viên kẹo trả thay cho tiền thừa sẽ trở thành những mặt hàng “được mua” nhưng không in hóa đơn. Trong trường hợp này, doanh thu sẽ không được ghi nhận, vì thế họ có thể không phải trả thuế thu nhập cho những mặt hàng đó.

Chính vì vậy, với các cửa hàng, siêu thị, hình thức giao dịch này luôn mang đến cho họ một món hời. Bởi không chỉ tránh thuế thu nhập doanh nghiệp, họ còn có thể tạo ra lợi nhuận khổng lồ từ số tiền thừa mà khách không được trả, hoặc thu về lợi nhuận gấp bội từ số dư trong khoản tiền làm tròn vô lý mà đáng ra khách không phải chịu.

Trong khi đó, với các khách hàng, nhiều người chắc chắn sẽ không khỏi cảm thấy “nhức nhối”, vì rõ ràng bản thân đang bị ép nhận thứ hàng hóa (kẹo, sô-cô-la…) không có nhu cầu dùng đến.

Đó là chưa kể đến việc, khách hàng còn bị mất tiền oan. Bởi ngoài việc không được trả khoản tiền mình đáng được nhận, họ còn phải chịu thiệt thòi cho những lần mua hàng tiếp theo.

Chính vì lý do này mà những câu chuyện như một người chia sẻ một tháng nhận 156 viên kẹo “tiền thừa” từ siêu thị nhưng không dùng được, cũng không thể đổi ra tiền lại thu hút đến vậy trên mạng xã hội.

Hoặc việc các du khách nước ngoài đến Việt Nam luôn thắc mắc và khó hiểu vì sao không bao giờ được trả lại tiền thừa trị giá 200~1.000 VND khi đi mua hàng. Thậm chí khi hỏi lý do, nhân viên thu ngân chỉ đơn giản trả lời: “Không đủ tiền lẻ”, và thế là họ tự cho phép mình không phải trả tiền thừa cho khách?

Tuy nhiên, điều này có lý hay không? Bởi dù chỉ mang con số nhỏ lẻ, nhưng đây vẫn là những đồng tiền có giá trị.

Trên thực tế, người mua hàng hoàn toàn có quyền yêu cầu siêu thị phải trả đủ số tiền còn thiếu, nếu không họ có quyền khởi kiện cơ sở mua bán này đã lợi dụng tình trạng thiếu tiền lẻ để kiếm lời với số tiền tích dần từ nhiều khách hàng. Tương tự, nếu khách hàng không đồng ý nhận kẹo thay tiền, nhân viên thu ngân bắt buộc phải có trách nhiệm trả đủ tiền thừa cho khách bằng tiền mặt.

Việc người bán hàng trả tiền thừa bằng kẹo hoặc làm tròn số lẻ là một hành vi sai trái, bởi chẳng khác nào đang “đánh cắp” tiền từ khách hàng một cách bất chính. Vì thế các doanh nghiệp nên có hình thức thanh toán hóa đơn và trả tiền thừa cho khách minh bạch và rõ ràng hơn để đạt được sự văn minh trong văn hóa giao dịch giữa người mua và người bán.

Người tiêu dùng cũng có thể chủ động hạn chế những trường hợp bị rơi vào cảnh mất tiền oan và gián tiếp tạo nguồn lợi cho các cửa hàng, siêu thị bằng cách thanh toán thông qua thẻ tín dụng hoặc các ứng dụng kích hoạt mã QR như TPBank QuickPay, VNPayQR…

Điều này hẳn còn khá mới mẻ với một số người dân Việt Nam vốn đã quen sử dụng tiền giấy. Tuy nhiên việc tập thói quen dùng công nghệ không chỉ giúp bản thân kiểm soát được ngân sách hiện có, mà đồng thời còn dễ dàng thực hiện giao dịch mua bán đến từng đồng nhỏ nhất.

XEM THÊM: TOP 5 khác biệt trong văn hóa nhà hàng giữa Hàn Quốc & Việt Nam

Tổng hợp từ SobilifeMoneys

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).