Xưa nay, việc làm thêm luôn là một trong những vấn đề “sống còn” của sinh viên, nhất là với những ai không quá dư dả về kinh tế. Thực tế, thị trường làm thêm của du học sinh Việt Nam tại Hàn có thể đánh giá là khá sôi động.

Một mặt, về tương đối, Chính phủ Hàn Quốc đã tạo điều kiện cho sinh viên quốc tế có cơ hội tăng thu nhập bổ trợ trang trải cuộc sống. Mặt khác, vì nhiều lí do, nhìn chung, du học sinh Việt Nam có động lực và “đam mê kiếm tiền” khá mạnh.

Ấy thế mà, COVID-19 đã làm đảo lộn mọi thứ. Với sinh viên Việt Nam đang học tập và sinh sống tại Hàn Quốc, COVID-19 đã mang đến nhiều tình huống oái oăm, tiến thoái lưỡng nan trước giờ chưa từng có.

Bỏ của chạy lấy người

Với số lượng chiếm tỉ lệ lớn trong cấu trúc sinh viên quốc tế ở Hàn Quốc hiện tại, tìm được việc làm thêm với nhiều du học sinh Việt Nam không phải là chuyện dễ dàng. Bình thường, các bạn phải lăn lộn khắp nơi, lùng sục trên hàng loạt các hội nhóm, ứng dụng tìm việc để mong tìm được công việc như ý.

Ai mà tưởng tượng được, có một ngày, sinh viên chủ động bỏ việc, nhường việc, thậm chí còn “nài nỉ” xin sinh viên khác hãy nhận việc giúp mình. Chuyện “không tưởng” này rốt cuộc đã trở thành “có thật”, tất cả là “nhờ” COVID-19.

Cuối tháng Hai, khi COVID-19 mới chớm bùng ở Hàn Quốc, một chủ nhà hàng ở quận Gangbuk (Seoul) cho biết sinh viên làm thêm người Việt đã nhắn tin cho mình: “Cháu cũng muốn làm lắm nhưng cha mẹ ở nhà đang lo lắng. Việc học quan trọng nhưng sức khỏe còn quan trọng hơn. Vé máy bay cháu cũng đặt luôn rồi, ngày mai cháu sẽ về Việt Nam”.

Được biết, vì kĩ năng viết tiếng Hàn chưa thành thạo, sinh viên này đã nhờ người quen viết hộ tin nhắn để gửi cho chủ. Trong tin nhắn, bạn nói sẽ không quên sự quan tâm của chủ quán đã dành cho mình và hứa sẽ giúp tìm người thay thế.

Ngay lập tức, trên một group của hội sinh viên Việt Nam tại Hàn Quốc liền “bùng nổ” tin tức tìm người làm thay.

Áp đảo trong số này là tin tìm nhân viên cho các cửa hàng tiện lợi (편의점), điển hình là CU, GS25 và 7leven. Bên cạnh việc phục vụ ở quán ăn, nhà hàng, thì bán hàng tại cửa hàng tiện lợi là việc làm thêm được đông đảo du học sinh lựa chọn.

Thế nên khi dịch bệnh xảy ra, các chủ cửa hàng tiện lợi chính là những người phải loay hoay nhất, một phần là bởi tại đây mở cửa 24/24, không có chuyện đóng cửa hay giảm giờ làm.

Tin nhắn tìm người làm thay của bạn P.H, vốn là nhân viên làm thêm tại một cửa hàng tiện lợi gần khu vực sân bay Incheon

Đơn cử như bạn T, sinh viên học tiếng tại Đại học Soongsil, vốn là nhân viên làm ca đêm tại một cửa hàng CU thuộc quận Dongjak. Cá nhân T cho biết dù bản thân không quá lo lắng khi dịch vừa bùng phát, nhưng vì chiều lòng song thân ở nhà, bạn quyết định đặt vé máy bay và tìm nguòi làm thay. Thời gian bạn nhờ làm thay cũng chỉ vỏn vẹn 2 tuần.

Một trường hợp khác, du học sinh Việt chọn ở lại Hàn Quốc phải cuống quýt giúp chủ tìm người làm thay vì đồng loạt nhân viên làm thêm bỏ về Việt Nam. Đó là trường hợp của bạn T.H, nhân viên một cửa hàng CU ở quận Jung. Là người có thời gian làm việc khá lâu, được bà chủ tin tưởng, T.H được giao luôn nhiệm vụ tìm người làm thay.

Tin nhắn tìm người làm thay của H

T. H cho biết, chủ cửa hàng tiện lợi mà bạn tìm người làm thay cũng đã giảm lương từ lương cơ bản 8.590 KRW xuống còn 8.000 KRW/tiếng.

Hàng loạt nơi giảm giờ làm

N (25 tuổi), sinh viên trường Seojeong (서정대학교), là nhân viên ruột của quán nhậu G thuộc khu phố sầm uất Itaewon. Vốn dĩ, hàng ngày, ngoài việc học, N “tối tăm mặt mũi” với lịch đi làm kín mít từ 6 giờ chiều đến 2~3 giờ sáng.

Khi COVID-19 “đổ bộ”, quán của N vẫn duy trì giờ mở cửa vốn có, cũng không cắt giảm nhân viên nhưng số ngày làm đã phải giảm bớt. Cụ thể, vào trường hợp của N, từ làm 6 ngày/tuần, nay chỉ còn 3 ngày/tuần.

N cho biết, quán nhậu mình làm việc vốn dĩ phụ thuộc nhiều vào lượng khách đi bar ở Itaewon. Nhưng giờ đây, toàn bộ quán bar ở Itaewon đóng cửa, việc làm ăn của quán cũng trở nên ngày càng ế ẩm khó tránh.

N cũng tiết lộ thêm, thu nhập của quán giờ chỉ “đủ trả cho nhân viên”. Và chia sẻ: “Dịch bệnh xảy ra, đây là tình trạng chung nên cùng mọi người đồng lòng, chờ khi hết dịch mong sao mọi chuyện sẽ khá khẩm hơn”.

Hay như chị M.T, nhân sự Phòng Quốc tế thuộc Đại học C ở Seoul, trong 2 tuần cao điểm của COVID-19, thời lượng làm việc của chị đã được văn phòng giảm đi 10 tiếng/tuần.

Tuy nhiên, chị T cho biết, môi trường làm việc trong trường đại học thoải mái hơn ở ngoài khá nhiều. Thêm nữa, công việc chính của T là nghiên cứu và chị không chịu quá nhiều áp lực về kinh tế như nhiều bạn sinh viên khác.

Tranh thủ “chạy show”

Trước dịch, H.H (19 tuổi), đang theo học tại Đại học S, có 2 việc làm thêm tại một quán cà phê và một cửa hàng tiện lợi. Nhưng sau khi dịch bùng, cô nàng còn “chạy show” ác liệt hơn với 3 công việc làm thêm và lịch trình gần như kín tuần. Với sức trẻ của mình, H hiện tranh thủ thời gian tối đa “chạy qua chạy lại” giữa quận Yongsan, quận Gwangjin và quận Seongdong.

H. cho biết, “trước dịch quán đông khách, sau dịch khách ít hơn” nên quán cà phê tên T.R.F.A.D bạn đang làm đã phải cắt giảm ngày làm của nhân viên. Cụ thể, thời gian làm trung bình tại quán vẫn duy trì 6 tiếng/ngày, nhưng số ngày làm đã giảm xuống từ 4 ngày/tuần xuống còn 3 ngày /tuần. Được biết, đây là quyết định có được sau khi cả cửa hàng đã họp bàn và nhất trí với nhau.

Đó cũng chính là lí do khiến H. quyết định tìm thêm việc ca đêm ở cửa hàng tiện lợi C tại quận Seongdong. Theo H, đây chính là lúc cần tranh thủ để bản thân vững mạnh thêm về tài chính.

Lại nói thêm, H vốn muốn nghỉ việc ở cửa hàng C thuộc quận Gwangjin nhưng do “mọi người nghỉ việc đột ngột”, được chủ “níu kéo”, H đã nhận lời tiếp tục ở lại.

Mùa tìm việc sắp nóng trở lại

Gần đây, khi tình hình dịch bệnh tại Hàn đang trở nên dịu xuống, tin tức về việc làm thêm tiếp tục dần lấy lại sức nóng trên các hội nhóm sinh viên.

Tình hình này đã được dự đoán từ trước, bởi chưa tính số sinh viên mới, số sinh viên về Việt Nam tránh dịch đã và đang “rục rịch” quay trở lại Hàn Quốc.

Một bài đăng tìm việc của một DHS Việt Nam ở một group trên Facebook

Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc (교육부) năm 2019, số lượng du học sinh Việt Nam tại Hàn Quốc hiện đang vô cùng áp đảo, đứng thứ 2 chỉ sau Trung Quốc với 37.426 người, chiếm gần 23.4% tổng lượng sinh viên quốc tế tại Hàn Quốc.

Với xu thế lượng sinh viên quốc tế tại Hàn ngày càng tăng, tỉ lệ cạnh tranh việc làm thêm của sinh viên Việt Nam tại đây được dự đoán sẽ trở nên ngày một “cam go”.

Và dù dịch có xảy ra hay không, kết thúc sớm hay muộn, dễ thấy rằng việc làm thêm vẫn sẽ là một trong những vấn đề khiến du học sinh Việt phải “đau đầu”.

Vậy nên làm thế nào giữa tình thế này, đâu là phương án hiệu quả? Câu trả lời tốt nhất và đơn giản nhất cho các bạn chính là: trau dồi hơn nữa và giỏi giang hơn nữa.

Biết rằng, việc làm thêm là điều cần thiết, giúp mang tới cho phần đông du học sinh cả trải nghiệm và tài chính. Nhưng, nếu chỉ nghĩ đến cái lợi ngắn hạn trước mắt, bạn khó có thể làm giàu cho bản thân trong dài hạn về sau.

XEM THÊM: Nhật ký cách ly khó tin của những du học sinh Việt khi vừa nhập cảnh vào Hàn Quốc

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).