Ở Việt Nam, Nghị định 100 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt chính thức có hiệu lực từ 1/1/2020. Nghị định mới tăng mạnh chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm nồng độ cồn kể cả xe máy và xe đạp.

Cụ thể, tăng mức phạt tối đa với người đi ôtô có nồng độ cồn lên đến 30 – 40 triệu đồng, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 22 – 24 tháng (Nghị định 46 chỉ quy định phạt đến 16 – 18 triệu VND, tước quyền dùng giấy phép lái xe 4 – 6 tháng)…

Nghị định cũng ra quy định mới về xử phạt đối với người điều khiển xe máy trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn chưa vượt quá 50mg/100ml máu hoặc 0,25mg/ 1l khí thở bị phạt tước bằng lái xe từ 10 – 12 tháng và phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng (trước đây không bị phạt tiền, không bị tước bằng… đồng thời bổ sung hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe thô sơ với mức phạt từ 400.000 – 600.000 VND.

Ngay sau khi Nghị định 100 có hiệu lực, người dân Việt Nam bắt đầu quan tâm tới dịch vụ đưa người say về nhà. Các công ty startup làm về lĩnh vực này cũng bắt đầu tham gia vào đường đua cung cấp dịch vụ “bạn uống, tôi lái”. Tuy nhiên, dịch vụ này ở Hàn Quốc đã có tuổi đời 2 thập kỉ.

XEM THÊM: Đồ uống giải rượu – Thị trường khổng lồ ở quốc gia uống rượu hàng đầu thế giới

Uống 3 ly soju lái xe, ngồi tù 3 năm

Tại Mỹ, người 18 tuổi trở lên dù có thể đi bầu cử hoặc gia nhập quân đội nhưng vẫn chưa được uống rượu, bia. Chỉ những người 21 tuổi trở lên mới được phép mua đồ uống có cồn.

Các cửa hàng, quán bar đều phải xin giấy phép bán đồ uống có cồn và phải kiểm tra giấy tờ tùy thân để đảm bảo khách hàng đủ tuổi uống bia, rượu.

Giới hạn mức độ cồn cho phép trong máu ở Mỹ là 80mg/100ml máu. Nếu nhiều hơn sẽ bị khép vào tội lái xe dưới tác động của chất kích thích (DUI). Lần đầu tiên vi phạm, người lái xe phải trả số tiền phạt 300-1.000 USD (tương đương 7-23 triệu VND), từ lần thứ 2 trở đi sẽ là 5.000 USD trở lên (tương đương 116 triệu VND).

Ngoài việc phạt tiền, tài xế còn đối mặt với việc ngồi tù từ 06 tháng đến 03 năm và tịch thu bằng lái. Sau thời hạn giam còn phải tham gia chương trình giáo dục, cải tạo dành cho người vi phạm lái xe trong tình trạng có độ cồn.

Ở Hàn Quốc, quy định còn khắt khe hơn khi chỉ cần 3 ly rượu soju – tương đương nồng độ cồn 0,05mg/lít khí thở là có thể ngồi tù 3 năm, tịch thu bằng lái và phạt hàng ngàn USD (tùy theo mức độ nghiêm trọng).

Hầu hết các nước đều có khung hình phạt tù cho người vi phạm. Riêng ở Singapore, người vi phạm còn phải đi lao động công ích. Trong khi đó ở Nhật Bản, do số lượng người đi xe đạp rất nhiều, chính quyền cũng ban hành quy định khắt khe về bia, rượu đối với người đi xe đạp. Điều này đồng nghĩa chạy xe đạp ở Nhật sau buổi nhậu cũng bị phạt.

Tại những thành phố đông dân của Hàn Quốc như Seoul, cảnh sát thường đặt chướng ngại vật trên nhiều con đường để phát hiện người lái xe say xỉn. Sợ bị tước bằng lái, một số người để xe lại bên đường và tìm cách khác về nhà, vì dù sao tội đỗ xe trái phép vẫn nhẹ hơn.

Một số người khác chọn giải pháp đi taxi, nhưng việc đón taxi vào nửa đêm là quá khó đến nỗi họ phải chấp nhận trả gấp đôi giá cước thông thường. Vì thế, nhiều người hay nhậu vào ban đêm ở Seoul nhất trí rằng giải pháp tốt nhất chính là dịch vụ tài xế thay thế.

Dịch vụ có tuổi đời 2 thập kỷ

“Daeri unjeon” (대리운전) trong tiếng Hàn Quốc có nghĩa là “lái xe thay thế”. Đây là một loại dịch vụ xuất hiện từ cuối thập niên 1990, với đối tượng khách hàng là những doanh nhân nhậu xỉn quắc cần câu nhưng vẫn muốn về nhà trên chiếc xe của chính mình.

Dịch vụ này hiểu đơn giản là các công ty cung cấp dịch vụ sẽ phái người đến cầm lái hộ khách hàng. Các tài xế sẽ xuất hiện mọi lúc, mọi nơi, và khách hàng thì không cần quay trở lại lấy xe vào ngày hôm sau.

Ước tính trên toàn Hàn Quốc trong một ngày, có khoảng 100.000 tài xế thay thế phục vụ chừng 700.000 khách hàng. Riêng trong ngày thứ Sáu hàng tuần, con số này tăng khoảng 30%,

Trong vòng 2 thập kỷ vừa qua, “daeri unjeon” trở thành một trong những ngành dịch phụ phát triển nhanh nhất nhờ vào sự phổ biến của công nghệ không dây. Các công ty dịch vụ lái xe thay thế quảng cáo số điện thoại của họ qua radio, Internet, tin nhắn điện thoại di động hay tờ rơi được kẹp trên xe hơi khách hàng tiềm năng.

Dịch vụ này hiện không chỉ cung cấp cho người say, mà còn dành cho những khách hàng cảm thấy quá mệt mỏi, không thể tự mình cầm lái nữa. Sự phát triển này âu cũng bởi giá thành của daeri unjeon ngày càng trở nên phải chăng hơn, vì mức cạnh tranh ngày càng tăng.

“Chúng tôi thấy lượng khách hàng dùng dịch vụ tăng lên vào ban ngày, đặc biệt các doanh nhân sẵn sàng thuê người lái cho những chuyến công tác ngắn ngày bởi giá dịch vụ là tương đối rẻ nếu so với việc phải thuê cả xe lẫn tài xế.”

Như Jung Mi Yeong, một bà nội trợ cho biết cô thường gọi dịch vụ này khi cần chở con đi khám, hoặc thậm chí là khi muốn đi shopping một mình – “Thực sự là tiện lợi hơn so với việc tôi phải tự lái hoặc gọi taxi.”

Cách thức sử dụng dịch vụ cũng ngày càng dễ dàng. Trước kia, bạn sẽ phải gọi điện cho công ty, cung cấp địa điểm. Tại các thành phố lớn như Seoul, tài xế sẽ xuất hiện sau khoảng 10 ~ 15 phút. Còn ngày nay, mọi thứ có thể được thực hiện thông qua ứng dụng smartphone mà chẳng mất công gọi cho bất kỳ ai cả.

Dịch vụ daeri unjeon hiện đã lan rộng trên khắp Hàn Quốc. Dịch vụ lái xe thuê này thường có giá cao hơn taxi nhưng lại tiết kiệm chi phí đỗ xe qua đêm và giảm sự bất tiện cho khách hàng khi không phải quay lại lấy xe vào ngày hôm sau.

Với khoảng 20km, những người làm nghề lái xe thuê có thể kiếm được 15.000 KRW (khoảng 300.000 VND). Ước tính, mỗi tháng, nghề lái xe thuê ở Hàn Quốc mang về thu nhập khoảng 2 triệu KRW (khoảng 40 triệu VND).

Một nghề cực nhọc

Một số công ty daeri unjeon thường cử tài xế theo cặp di chuyển khắp thành phố trên một chiếc xe máy. Một người chịu trách nhiệm gặp gỡ khách hàng, lái xe đưa họ đến địa điểm. Người còn lại sẽ lái xe máy đến đón đồng nghiệp và cả hai tiếp tục di chuyển tới chỗ khách hàng tiếp theo.

Làm như vậy thì các tài xế daeri unjeon sẽ phải chia đôi phần lợi nhuận của mình. Vì vậy, các tài xế lái thay thường đi phương tiện công cộng đến chỗ khách hàng.

Công việc của các tài xế daeri unjeon thường bắt đầu lúc 11, 12 giờ đêm – khi các bữa nhậu chuẩn bị tàn và kết thúc vào lúc 5-6 giờ sáng ngày hôm sau.

Đặc điểm của các tài xế này là luôn ôm khư khư chiếc điện thoại di động. Mỗi lần có khách hàng ở khu vực lân cận yêu cầu, tổng đài sẽ gửi thông tin đến thiết bị số không dây cầm tay của họ. Nguyên tắc là người nào nhấp vào “đơn đặt hàng” trước sẽ giành được khách hàng. Thắng bại chỉ trong chớp mắt, vì thế có tài xế chia sẻ họ phải xem điện thoại kể cả lúc đi toilet!

Ngoài giờ giấc làm việc khác thường, tài xế thay thế còn đối mặt với không ít khó khăn. Công việc của họ bị xem là tầm thường và có lúc bị khách hàng đối xử thô lỗ.

Vấn đề phổ biến nhất là gặp phải những khách hàng say khướt đến nỗi không thể phân biệt được phương hướng ngay cả khi ở gần nhà họ. Rồi có một số người không chịu tỉnh dậy, buộc tài xế phải lục bóp họ để tìm địa chỉ hay kiểm tra điện thoại di động để biết số điện thoại ở nhà.

Một tài xế chia sẻ: “Nếu khách hàng say khướt, tôi buộc phải kiếm số nhà từ các bạn nhậu của họ. Bạn có thể phải vật lộn với một người say trong cả nửa giờ đồng hồ, cầu xin, lôi kéo, thức tỉnh anh ta, nhưng anh ta vẫn không lay chuyển. Và bạn bị mắc kẹt cùng với khách hàng giữa một rừng chung cư, tốn nhiều thời gian trong khi đó bạn có thể có thêm nhiều khách hàng khác.”

Một số khách hàng có nhà ở ngoại thành thủ đô Seoul nên sau khi đưa khách về xong, nhiều tài xế không tìm được phương tiện giao thông công cộng để trở về nội thành.

Nếu may mắn, họ có thể đi nhờ xe trở lại Seoul để tiếp tục công việc. Bằng không, họ thường ở lại qua đêm tại quán cà phê Internet để chờ chuyến xe bus đầu tiên về Seoul lúc 5 giờ sáng.

Những vị khách say rượu đôi khi không tránh khỏi nôn mửa hoặc có hành vi gây rối. Tuy nhiên, không giống như đi taxi, họ đang ở trong xe của chính mình nên khả năng gây rối ít hơn.

Một tài xế kể lại: “Tôi đã từng gặp một anh chàng nôn mửa mà phải ngậm trong miệng cho đến khi dừng đèn đỏ mới dám xả ra ngoài cửa sổ vì anh ta sợ làm bẩn chiếc xe của mình”.

XEM THÊM: 8 điều cần biết về giao thông & văn hoá đi xe ôtô của người Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).