Bên cạnh một số món ăn giải rượu truyền thống, đồ uống giải rượu (숙취해소음료) là một phần không thể thiếu trong văn hóa giải rượu – văn hóa haejanghada – của người Hàn Quốc. Cùng với kẹo dẻo và thuốc giã rượu, những chai nước nhỏ này đã tạo nên một ngành công nghiệp khổng lồ ở đất nước của những bợm nhậu.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu nhiều nhất thế giới. Theo thống kê năm 2014 của Tổ chức Y tế Thế giới và Euromonitor, Hàn Quốc đứng đầu toàn cầu về lượng rượu mạnh tiêu thụ với mức trung bình một người Hàn uống 13.7 ly rượu mỗi tuần, nhiều hơn gấp đôi so với quốc gia đứng ở vị trí thứ hai là Nga với 6 ly mỗi tuần.

Trong một bữa tiệc rượu, một người phụ nữ đang rót chai rượu vào miệng một người phụ nữ khác.

Cụ thể hơn, hãng đồ uống Hite Jinro bán ra 150 triệu chai soju Chamisul (참이슬) mỗi tháng. Nếu chia trung bình cho 37 triệu người Hàn Quốc ở độ tuổi uống rượu là 20 đến 70 tuổi có nghĩa là trung bình mỗi tháng một người Hàn uống gần 5 chai soju của Hite Jinro. Và dĩ nhiên, Hite Jinro không phải là hãng sản xuất soju duy nhất tại nước này.

Năm 2015, chính phủ Hàn Quốc ước tính có khoảng 1.6 triệu người Hàn nghiện rượu với tổng thiệt hại xã hội liên quan đến đồ uống có cồn vào khoảng 23 tỉ KRW mỗi năm, trong đó ung thư gan là một trong những nguyên nhân tử vong hàng đầu.

Cảnh sát Hàn Quốc đang dìu một cô gái say rượu trong club đi ra.

Văn hóa kết nối và phát triển mối quan hệ công sở qua những ly soju, những vại bia maekju, hay thậm chí là “bom” – sự kết hợp của soju & bia – ở các bữa tiệc “bắt buộc” của công ty khiến nhiều người luôn phải tìm đến phương thức giải rượu đơn giản, sẵn có và không quá đắt đỏ mang tên nước uống giải rượu để duy trì sự tỉnh táo cho những giờ làm việc ngày kế tiếp. Đặc biệt là khi những bữa tiệc như vậy có thể diễn ra tới vài lần mỗi tuần.

Condition (컨디션) là món đồ uống giải rượu đầu tiên được ra mắt vào năm 1992 và chỉ được bán tại các hiệu thuốc với mức giá khá cao tại thời điểm đó là 2500 KRW.

Ban đầu, nhiều người cho rằng người Hàn đã quá quen thuộc với haejangkuk, món canh giải rượu danh bất hư truyền có hàng trăm năm lịch sử, nên chẳng mấy ai mặn mà với món đồ uống trong lọ này. Tuy nhiên, ngoài dự kiến, đồ uống giải rượu nhanh chóng thu hút được nhiều chú ý. Trong vòng 14 tháng, số chai Condition được bán ra vượt mốc 10 triệu chai.

Đồ uống giải rượu của Hàn Quốc: Chai đồ uống của Condition.

Năm 1998, thị trường nước giải rượu đạt kỷ lục mới với mức doanh số lên tới 20 tỉ KRW và tăng gấp 3 lên 60 tỉ KRW vào năm 2006. Kể từ năm 2016, thị trường này tiếp tục tăng trưởng bền vững ở mức 15% mỗi năm với tổng giá trị lên tới 135 tỉ KRW vào năm 2015, 155 tỉ KRW vào năm 2016, gần 175 tỉ KRW vào năm 2017 và dự kiến vượt mốc 250 tỉ KRW vào năm 2019.

Lý do cho sự phát triển này được cho là nhóm khách hàng mục tiêu của các hãng đồ uống giải rượu đã mở rộng ra thế hệ thanh niên ở độ tuổi 20 thay vì tập trung vào độ tuổi 30 và 40 như trước đó.

Theo nghiên cứu thị trường năm 2011, khoảng 2/3 dân số Hàn Quốc thường xuyên phụ thuộc vào liệu pháp đồ uống giải rượu. Tác dụng thực sự hiện vẫn đang được tranh cãi.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng nước quả lê Hàn Quốc có vai trò xoa dịu cảm giác khó chịu sau cơn say, một số nghiên cứu khác cho thấy hồng sâm và sô-đa chanh giúp thúc đẩy quá trình phân hủy phần tử rượu, giảm thiểu nồng độ cồn trong máu.

Ngoài ra, một số nước giải rượu được quảng bá có tác dụng bảo vệ tế bào gan, hạn chế ảnh hưởng tới niêm mạc ruột và bảo vệ dạ dày.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất cũng thừa nhận rằng cảm giác nôn nao khó chịu sau khi nhậu nhẹt vốn là cảm giác mang tính chủ quan rất khó định lượng, hơn nữa các sản phẩm nước giải rượu chỉ là thực phẩm chức năng, không phải thuốc, do đó không có nhiều các thí nghiệm lâm sàng nhằm chứng minh hiệu quả được tiến hành.

Nhiều người Hàn cũng nhận thấy nước uống giải rượu chỉ có tác dụng tâm lý, dù vậy họ vẫn mua chúng như một thói quen, hoặc thậm chí như một phần không thể thiếu trong quá trình kết nối với đồng nghiệp, tương tự như màn uống rượu trước đó.

Bàn tay của người tiêu dùng cầm các chai đồ uống giải rượu của Morning Care.

Cũng có phân tích cho rằng nhu cầu sử dụng đồ uống giải rượu thể hiện một thay đổi mới trong nhận thức của người tiêu dùng Hàn Quốc có tên Nasimbi (나심비) trong đó ‘나’ là tôi, ‘심’ là tâm, ‘비’ là phí. Xu hướng Nasimbi do đó mang ý nghĩa về một tâm lý tiêu dùng hiện đại rằng giá cả không quan trọng, miễn sao thỏa mãn tâm lý của chính tôi.

Nước uống giải rượu có thể được uống vào bất kỳ thời điểm nào trong quá trình nhậu nhẹt. Một số được dùng trước khi uống, một số khác ngay sau khi kết thúc bữa tiệc và một số khác nữa lại phù hợp với buổi sáng ngày hôm sau.

Ngoài ra, có sản phẩm độc lập sử dụng một lần duy nhất, sản phẩm khác lại là một phần trong liệu pháp nhiều bước, sử dụng kết hợp với thuốc viên.

Các loại đồ uống giải rượu được bày bán đa dạng trong siêu thị.

Thị trường đồ uống nước giải rượu Hàn Quốc có vô số chủng loại khác nhau với các thành phần đa dạng như chiết suất raisin, hồng sâm, cây kế sữa, sen, nước lê… Trong số đó, chỉ có 3 thương hiệu chiếm lĩnh tới 90% thị trường.

Nổi tiếng nhất là Condition (컨디션) của CJ HealthCare với hơn 42% thị phần, giữ vững vị trí số 1 trong suốt 27 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt. Kế đó là Dawn 808 (여명808) của hãng Grammy (1998) với 34% thị phần và Morning Care (모닝케어) của hãng dược phẩm Dong-A (2005) với khoảng 12% thị phần.

Đồ uống giải rượu của Hàn Quốc: Biểu đồ thị phần của các thương hiệu.

Condition (컨디션) là nước uống vitamin có thể mua tại các cửa hàng tiện lợi với thành phần chính là men gạo, được làm bằng cách lên men mầm gạo cùng thành phần chiết suất đậu nành. Condition có vị ngòn ngọt tương tự như nước lê, nước uống tăng lực hay siro ho.

Morning Care (모닝케어) cũng là một loại nước uống vitamin khác với thành phần hoạt tính của cây kế sữa cùng chiết suất cây raisin giúp bảo vệ gan, xoa dịu cảm giác khô họng và đau đầu vào buổi sáng sau đêm nhậu.

Morning Care có nhiều phiên bản khác nhau như Goodbye Alcohol, Morning Care+, Morning Care Tumeric, Morning Care X hay Morning Care Lady.

Đồ uống giải rượu của Hàn Quốc: Dòng sản phẩm đa dạng của Morning Care.

Dawn 808 (여명 808) với mức giá chỉ 3.000 KRW, Dawn 808 được nhiều coi là “nước thần” nhờ đem lại cảm giác dễ chịu trông thấy chỉ sau 10~30 phút sử dụng. Tuy nhiên, vị thuốc khá nặng trong nước uống cũng khiến nhiều người không chuộng dùng Dawn.

Đồ uống giải rượu của Hàn Quốc: Lon Dawn 808.

Không chỉ có mặt tại thị trường nội địa, cả ba loại nước uống này hiện đã được xuất khẩu chính thức sang nhiều nước. Condition được bán tại Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam; Dawn được bán tại Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Indonesia, Việt Nam, Philippines, Dubai, Malaysia, Ghana, Úc và New Zealand; và Morning Care được bán tại Nga.

Thời gian gần đây, các nhà sản xuất cũng rất tích cực thay đổi hình thức sản phẩm nhằm hướng tới các đối tượng tiêu dùng ưa thích sự mới mẻ, thú vị như giới trẻ và phụ nữ.

Cũng là đồ uống giải rượu nhưng được cung cấp dưới nhiều hình thức ngon miệng hơn, phá bỏ hình tượng gắn với “nước thuốc” và gần như món đồ uống vặt trong ngày gồm có trà giải rượu, nước sô-cô-la, nước ngọt có ga hay cà phê.

XEM THÊM: Kinh doanh mại dâm ở Hàn Quốc & Sự biến mất của những khu phố đèn đỏ

(TTHQ sẽ nhận được một phần lợi nhuận thông qua chương trình Coupang Partner).

Tổng hợp từ Vice

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).