Khi bạn xem phim Hàn Quốc hay vào những nhà hàng Hàn Quốc sẽ thấy sự xuất hiện của rượu soju. Đặc biệt trong những siêu thị, cửa hàng tiện lợi hiện cũng có bày bán những chai rượu soju với vỏ màu xanh bắt mắt.

Nhiều người vẫn lầm tưởng rượu soju là đồ uống truyền thống lâu đời nhất của Hàn Quốc nhưng thực tế không phải vậy. Soju chỉ xuất hiện ở Hàn Quốc vào những năm 1960 khi nạn đói xảy ra sau Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.

Bên cạnh soju thì Hàn Quốc còn có những loại rượu truyền thống nổi tiếng khác là makgeolli, takju và cheongju.

Soju không phải là một thương hiệu rượu cụ thể, mà là tên gọi của các loại rượu được chưng chất và pha chế, là loại rượu trắng. Soju còn có các tên gọi khác như noju, hwaju, baekju…

Ban đầu soju được làm từ gạo hoặc các loại ngũ cốc, nhưng từ năm 1965 đến 1991, để giảm bớt tình trạng thiếu hụt gạo, chính phủ Hàn Quốc đã cấm việc áp dụng những phương pháp chưng cất rượu soju truyền thống từ lúa gạo tinh.

Soju từ đấy được sản xuất chính thông qua việc pha loãng ethanol nguyên chất với nước và hương liệu. Phần lớn rượu soju rẻ tiền thời đó đều được sản xuất theo phương pháp này.

Lịch sử ra đời của rượu soju thật giống với nguyên nhân lý giải tại sao người Hàn Quốc thích ăn Bunsik (분식), những món ăn được làm từ bột mì như Tteokbokki (떡볶이), Eomuk (어묵)… Vào những năm 1960, khi đất nước Hàn Quốc còn nghèo đói, thiếu gạo, chính phủ đã phải động viên người dân ăn thức ăn độn bột.

Soju được sản xuất thông qua việc pha loãng từ ethanol được gọi là soju pha loãng (희석식 소주), còn soju được sản xuất bằng phương pháp chưng cất từ lúa gạo gọi là soju chưng cất (증류식 소주).

Nguyên liệu chưng cất soju là gạo và ngũ cốc như là lúa mì, lúa mạch, khoai lang, hoặc bột sắn… Rượu soju không màu, trong suốt. Nồng độ rượu soju pha loãng được quy định phải thấp hơn 35%.

Rượu soju Hàn Quốc có những nhãn hiệu nổi tiếng như: Yipsejoo (잎새주), Chum Churum (처음처럼), Good Day (좋은 데이), Chamisul (참이슬), C1 Blue, Cham (참)… Trong đó 2 nhãn hiệu Chamisul & Chum Churum nằm trong top 10 thương hiệu bán chạy nhất thế giới, Chamisul đứng số 1, còn Chum Churum đứng thứ 4.

Ngày nay còn xuất hiện các loại rượu soju hương trái cây như soju nho, soju chanh, soju bưởi, soju đào, soju táo…

Rượu soju pha loãng có giá thành rẻ nên được bán phổ biến hơn, nhưng rất nhiều vùng miền ở Hàn Quốc lại có một thương hiệu rượu soju riêng.

Một chai rượu soju bán ở cửa hàng tiện ích có giá 1.800 KRWW (36.000 VND), bán ở quán ăn thông thường có giá 4.000 ~5.000 KRW (84.000 ~ 100.000 VND). Cũng như cà phê quốc dân Maxim, chính vì giá cả phải chăng như vậy nên rượu soju mới được gọi là rượu quốc dân.

Đa số các loại rượu soju Hàn Quốc đều có vị ngọt dịu nhẹ và nồng độ rượu tương đối thấp. Vị của rượu soju rất êm dịu nên khi uống không gây sốc, ngay cả phụ nữ cũng có thể uống được.

Rượu soju khi uống vào thời tiết nóng nực thường sẽ được để vào ngăn mát của tủ lạnh hoặc ướp đá. Một số người còn dốc ngược chai lại để kiểm tra độ sủi tăm của rượu, sau đó lắc đều rồi mới rót ra chai.

Chai soju – Jinro mang hơi hướng “hoài cổ” đang được giới trẻ Hàn Quốc ưa thích.

Bạn có biết?

Người Hàn Quốc hay hỏi nhau về tửu lượng bằng câu 주량 어떻게 되세요? Tửu lượng trung bình của nam giới Hàn Quốc là 2~3 chai soju, còn nữ giới là 1.5 chai.

Năm 2015, ảnh ca sĩ IU quảng cáo rượu soju đã bị gỡ bỏ vì Hàn Quốc thông qua luật: cấm tất cả những người dưới 24 tuổi (bao gồm nghệ sĩ & VĐV) tham gia quảng cáo đồ uống có cồn dưới bất cứ hình thức nào.

Vào những tối thứ Sáu và cuối tuần bạn có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người say nằm vạ vật trên tàu điện hoặc ven đường ở Hàn Quốc. Nhưng điều đặc biệt là sáng hôm sau họ vẫn tỉnh táo để đi làm “như chưa hề có cuộc say”. Sở dĩ có điều này vì người Hàn Quốc biết rất nhiều phương pháp giải rượu hiệu nghiệm.

Người Việt Nam ta quen thưởng thực vị rượu đậm đà sẽ thấy vị rượu soju khá “ngang”, có cảm giác ban đầu như đang uống cồn công nghiệp chứ không phải là thưởng thức rượu theo đúng nghĩa. Nhưng nếu ở Hàn Quốc đủ lâu bạn sẽ cảm nhận về soju giống như người Hàn Quốc vậy.

Ở Hàn Quốc còn có một “phái” chuyên uống rượu theo phonng cách Somaek (소맥) – tức là pha rượu soju (소주) với bia (맥주) vì họ cho rằng, chỉ uống soju không sẽ chưa đủ độ. Somaek rất dễ khiến người uống bị say mà không biết.

Ngoài somaek còn có boktanju (폭탄주), một loại rượu pha bia, và rất nhiều nghi lễ về văn hóa uống rượu của người Hàn Quốc.

XEM THÊM: Những điều chưa biết về cơm cặp lồng dosirak – Niềm hạnh phúc của học sinh Hàn Quốc

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).