Năm 1970, Samsung cho ra đời chiếc TV trắng đen đầu tiên và chỉ 6 năm sau đó đã đạt doanh số 1 triệu chiếc. Cuộc đua công nghệ bắt đầu và những chiếc TV màu lần lượt được xuất xưởng.

Thời kỳ hoàng kim của TV màu bắt đầu từ năm 1980 và dần trở thành vật dụng không thể thiếu đối với mọi gia đình. Trải qua một quá trình phát triển lâu dài, hàng loạt mẫu TV mới lạ, kết hợp nhiều chức năng được đưa ra thị trường như TV treo tường, TV màn hình cong, TV siêu mỏng OLED, QLED…

Tuy nhiên, gần đây TV không còn được ưa chuộng như trước và thậm chí đang dần biến mất trong phòng khách của nhiều gia đình Hàn Quốc.

Xu hướng nội thất mới

Đa số gia đình hiện đại đều quyết định chuyển TV vào phòng ngủ, thay vì để ở phòng khách như trước đây. Thị trường đồ nội thất phong phú là một trong những yếu tố tác động đến sự thay đổi này.

Những phụ kiện, vật phẩm trang trí độc lạ vừa tận dụng tối đa không gian trong phòng vừa đáp ứng sở thích cá nhân, tạo cảm giác thoải mái khi về nhà là sự lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng hiện nay.

Ngoài ra, bên cạnh những người có thói quen “dán mắt” vào màn hình TV lúc rảnh rỗi, lượng người tìm đến các hoạt động giải trí khác như đọc sách đang tăng lên từng ngày.

Đồng thời, trào lưu “Phòng khách không có TV” đang trở nên phổ biến ở nhiều gia đình, nhất là những hộ có con cái. Thực tế cho thấy, xóa bỏ sự tồn tại của TV là cách các bậc cha mẹ ngày nay chọn để dành nhiều thời gian ở bên cạnh chăm sóc con.

Một lý do khác khiến các cặp vợ chồng trẻ không sử dụng TV trong quá trình dạy con chính là do sức ảnh hưởng của các chương trình truyền hình đến việc giáo dục con trẻ tại nhà.

Nhiều nghiên cứu khoa học chứng minh rằng thời gian tiếp xúc với TV quá nhiều chính là thảm họa đối với sức khỏe của trẻ em. Theo The Lancet Child & Adolescent Health, xem TV hơn 2 giờ mỗi ngày có thể dẫn đến tình trạng trẻ kém nhận thức và chậm chạp trong suy nghĩ cũng như các vấn đề về thị lực như hội chứng khô mắt và thị lực kém.

Ủy ban Truyền thông Hàn Quốc (방송통신위원회) cũng cho biết, ngày càng xuất hiện nhiều bộ phim truyền hình và chương trình giải trí có nội dung không phù hợp, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển tâm lý của trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Chỉ riêng năm 2019, Ủy ban này phát hiện tới 51 trường hợp vi phạm các quy định liên quan đến sản xuất và phát sóng.

Cuộc “xâm lăng” của thị trường OTT

Thập niên 2000, hầu như không có bất kỳ đối thủ cạnh tranh nào có đủ khả năng “đe dọa” chiếm lấy thị phần vững chắc của TV.

Tuy nhiên, vị thế “độc tôn” này chính thức bị lung lay bởi sự xuất hiện của thị trường OTT – dịch vụ truyền hình có thu phí trên nền Internet và điển hình là YouTube.

YouTube không đơn thuần là một website cập nhật video mà đó còn là nơi người dùng chia sẻ về mọi điều trong cuộc sống thường nhật, quan điểm và kinh nghiệm của bản thân.

Đồng thời, xu hướng người nổi tiếng sử dụng YouTube cũng tăng rõ rệt, đặc biệt là những nghệ sĩ hài. Youtube trở thành nền tảng vô cùng quan trọng với sự nghiệp của các diễn viên hài Hàn Quốc, những người gặp khó khăn trong việc sáng tạo nội dung, điều mà họ không thể thực hiện trong các show truyền hình bị hạn chế về thời gian và giới hạn nội dung.

Không chỉ đơn thuần nhằm mục đích quảng bá hình ảnh, các ngôi sao còn thỏa sức thể hiện ý tưởng một cách tự do mà không bị kìm kẹp và trên hết, họ có thể xích lại gần với khán giả nhờ vào các chức năng đa dạng như bày tỏ cảm xúc, để lại comment phía dưới…

Fan hâm mộ sẽ theo dõi, ủng hộ thần tượng bằng cách đón xem các video trên Youtube thay vì háo hức chờ đợi giờ phát sóng trên TV như ngày xưa. Đây cũng là lý do khiến các nhà đài vô cùng lo lắng cho rating của các chương trình giải trí trên TV.

Hộ gia đình 1 người tăng đột biến

Sự gia tăng “chóng mặt” của hộ gia đình 1 người (1인 가구) cũng có tác động không nhỏ đến sự thay đổi của thị trường TV.

Từ sau năm 2010, số người chọn sống một mình ở Hàn Quốc đã vượt quá 4 triệu người. Năm 2019, gia đình 1 người là loại hộ gia đình có tỷ trọng cao nhất trong nước, chiếm 29.8% tổng số hộ gia đình, tương đương với 5.59 triệu hộ.

Khác với gia đình 4 người bình thường, người theo xu hướng độc thân ưu tiên sử dụng các thiết bị điện tử, đồ gia dụng kích thước nhỏ. Vì vậy, TV không còn là thiết bị thường thấy trong nhà mà thay vào đó là máy tính xách tay, điện thoại thông minh…

Thêm vào đó, áp lực công việc cũng khiến giới trẻ chỉ muốn tận hưởng toàn bộ thời gian nghỉ ngơi ở nhà hơn là đến các địa điểm vui chơi đông đúc.

Chính những thay đổi về suy nghĩ, phong cách sống này đã tạo điều kiện cho trào lưu “Phòng khách không có TV” ngày càng lan rộng hơn.

Tổng hợp từ Radio KoreaMground

author-avatar

About Thu Thảo Phạm

Chuyển hướng sang học tiếng Hàn là một quyết định chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, tình cảm tôi dành cho Hàn Quốc ngày càng trở nên sâu đậm hơn.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).