⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Mới đây, một bệnh viện lớn tại Hàn Quốc đã bắt đầu sử dụng huyết tương từ người khỏi bệnh để điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở tình trạng nặng.

Đây là một trong những nỗ lực thử nghiệm nhằm cải thiện diễn tiến bệnh cho các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới khi các bác sĩ hiện vẫn chưa tìm ra các vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị cho loại virus gây chết người này.

Vào thứ Tư, ngày 1/4 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) cho biết KCDC hiện đang tiến hành soạn thảo các hướng dẫn về việc sử dụng an toàn đối với huyết tương sau khi Bệnh viện Severance Sinchon thực hiện tiêm huyết tương của các bệnh nhân bình phục hoàn toàn cho ba bệnh nhân khác trong tình trạng nặng.

Giáo sư Choi Jun Yong, khoa truyền nhiễm bệnh viện Severance, cho biết vào ngày 3/4: “Mặc dù không thể tiết lộ các chỉ số cụ thể nhưng chúng tôi xác nhận rằng tình trạng bệnh ở các bệnh nhân viêm phổi được điều trị huyết tương đã cải thiện, ví dụ như chỉ số viêm đã giảm xuống.”

Huyết tương là phần chất lỏng trong suốt và có màu vàng nhạt, chiếm 55% tổng lượng máu và từng được sử dụng trong điều trị nhiều rối loạn.

Bởi hiệu quả trong điều trị chưa có bằng chứng rõ ràng, huyết tương chủ yếu được sử dụng để điều trị các bệnh truyền nhiễm mới khi chưa có cách chữa trị cụ thể.

Về nguyên tắc, khi các bệnh nhân bình phục từ một căn bệnh, máu của họ có chứa kháng thể chống lại vi khuẩn hoặc virus gây ra bệnh đó. Kháng thể này là vĩnh viễn và có vai trò như một lá cờ cảnh báo đối với hệ miễn dịch.

Khi bệnh nhân tái nhiễm cùng một chủng vi khuẩn hoặc virus, các kháng thể này sẽ báo hiệu cho hệ miễn dịch và giúp cơ thể chống lại chúng.

Sau khi huyết tương của người khỏi bệnh được thu thập và kiểm tra mức độ an toàn, các bác sĩ sẽ tinh lọc kháng thể bảo vệ và tiêm vào bệnh nhân mới, đặc biệt là các bệnh nhân có sức đề kháng thấp.

Liệu pháp từ huyết tương này tạo ra “tính miễn dịch thụ động” trong cơ thể người bệnh cho đến khi hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể tự mình tạo ra kháng thể.

Như vậy, các nhà khoa học hy vọng huyết tương giàu kháng thể từ những người khỏi bệnh có thể thúc đẩy phản ứng miễn dịch ở cơ thể người bệnh đối với virus và hỗ trợ quá trình hồi phục.

Đây là hướng điều trị đã có từ lâu đời và được sử dụng trong nhiều đợt bùng phát dịch khác nhau, từ đại dịch cúm năm 1918, dịch sởi những năm 1930 cho đến dịch Ebola năm 2014.

Phó giám đốc KCDC, ông Kwon Jun Wook, cũng cho biết vào năm 2015, khi dịch bệnh Viêm phổi Trung đông (MERS) bùng phát tại Hàn Quốc, phương pháp điều trị bằng huyết tương cũng được sử dụng để hỗ trợ 9 bệnh nhân hồi phục ở nước này.

Các nghiên cứu lâm sàng quy mô nhỏ tại Trung Quốc cũng cho thấy huyết tương có thể giảm thiểu sự lây nhiễm của coronavirus.

Trong buổi họp báo ngắn thường lệ vào thứ Tư, ngày 1/4, ông Kwon chia sẻ: “Khi chưa có các phương pháp điều trị khoa học cho coronavirus, đây có thể là một lựa chọn để điều trị cho bệnh nhân ở tình trạng nặng.”

Iran đã bắt đầu sử dụng phương pháp điều trị huyết tương từ tuần trước.

Nước Mỹ cũng khởi động việc thử nghiệm liệu pháp huyết tương tại một bệnh viện ở Texas vào ngày 31/3 sau khi Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận việc sử dụng huyết tương từ người hồi phục trong các trường hợp khẩn cấp.

FDA cũng nhấn mạnh: “Hiện tại đây là một hướng điều trị có khả năng. Đây không phải là phương pháp đã được chứng minh.” Cần có thêm nhiều thí nghiệm chứng tỏ mức độ an toàn và hiệu quả của việc sử dụng huyết tương.

Ngoài ra, một giới hạn của việc sử dụng huyết tương từ người bình phục trong điều trị đó là một lần điều trị cần tới 6-7 lít máu (bất kể nhóm máu) trong khi mỗi bệnh nhân chỉ có thể hiến tối đa 300-400ml máu/lần hiến.

Do đó, nếu tác dụng của việc điều trị bằng huyết tương tại Hàn Quốc tiếp tục được xác nhận, các chuyên gia tại đây hy vọng với chi phí điều trị vốn là hoàn toàn miễn phí, những bệnh nhân COVID-19 đã bình phục sẽ hợp tác hiến máu hỗ trợ người đang bệnh nặng.

Tính tới sáng ngày 4/4, Hàn Quốc hiện có 6325 bệnh nhân đã hoàn toàn bình phục và 55 bệnh nhân ở tình trạng nặng cần điều trị đặc biệt.

Celltrion Hàn Quốc bước vào giai đoạn hai phát triển thuốc điều trị COVID-19

Trong một diễn biến khác, Celltrion Hàn Quốc cho biết đã bước vào giai đoạn hai của quá trình sản xuất thuốc điều trị COVID-19.

Cùng với SK Bioscience, Celltrion là một trong hai hãng sinh học hiện đang hợp tác với Viện nghiên cứu Y tế Quốc gia (NIH) Hàn Quốc trong dự án phát triển vaccine phòng ngừa và thuốc điều trị cho bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới.

Dự án của Celltrion hướng tới phát triển điều trị kháng thể đơn dòng nhờ phân tích và đánh giá các loại kháng thể trong máu của bệnh nhân đã khỏi bệnh.

Khác với huyết tương từ người khỏi bệnh vốn chứa tổng hợp nhiều các loại kháng thể khác nhau và chủ yếu dành cho đối tượng người cao tuổi hoặc có rủi ro biến chứng cao, thuốc điều trị từ kháng thể đơn dòng có thể áp dụng cho số lượng bệnh nhân lớn hơn nhiều khi được sản xuất đại trà.

Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi sản phẩm cần trải qua nhiều giai đoạn kiểm nghiệm về cả độ an toàn lẫn tính hiệu lực.

Để đảm bảo tính hiệu quả của kháng thể điều trị và bắt đầu thử nghiệm lâm sàng trên bệnh nhân, Celltrion đã tìm được các kháng thể mục tiêu cho quá trình thử nghiệm bước đầu trong phòng thí nghiệm.

Từ ngày 2/4, Celltrion cho biết hãng đã bắt tay vào việc xác minh các kháng thể để xem xét liệu chúng có khả năng trung hòa virus trong ống nghiệm hay không và bắt đầu sàng lọc nhóm kháng thể ứng viên thứ hai.

Celltrion cho biết việc thử nghiệm lâm sàng trên động vật sẽ bắt đầu ngay khi kết thúc quá trình sàng lọc.

“Trong quá trình này, tất cả nguồn nhân lực sẽ được huy động để có thể đưa ra sản phẩm áp dụng trên cơ thể người trong khoảng thời gian ngắn nhất,” một nhân viên của Celltrion cho hay. Hãng hy vọng có thể tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người vào tháng 7 tới đây.

Trước đó Hàn Quốc đã sản xuất thành công bộ kit xét nghiệm COVID-19 cho ra kết quả nhanh nhất thế giới với độ chính xác 85% và đang được sử dụng ở nhiều quốc gia trên thế giới.

XEM THÊM: Ba đặc điểm khiến Hàn Quốc trở thành hình mẫu chống dịch hiệu quả

Tổng hợp từ HankookilboChosunBiz

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

One thought on “Điều trị COVID-19: Hàn Quốc có kết quả tích cực với liệu pháp huyết tương

  1. long nguyen viết:

    Nếu các quốc gia vượt qua các rào cản, tăng cường hợp tác thì quá trình nghiên cứu thuốc trị, vaccine cho Covid-19 sẽ nhanh, đó là điều ai cũng mong muốn vào lúc này. Ví dụ việc phân lập các tổ hợp kháng thể trong máu của người đã khỏi bệnh, là một ví dụ về việc học hỏi từ thiên nhiên, cơ thể tự làm việc đó và con người xem kết quả nó đã tạo cái gì. Lấy đó làm cơ sở để tạo thuốc, kháng thể nhân tạo với tốc độ và quy mô lớn hơn, chủ động hơn. Có tin Trung Quốc đã phân lập được 200 tổ hợp kháng thể kiểu này, nếu chia sẻ được dữ liệu thì quốc gia khác sẽ bắt đầu bước tiếp theo, đó là ý nghĩa của việc hợp tác quốc tế. Trong việc tạo ra các kết quả khả thi thì một siêu máy tính IBM của Mỹ cũng được thử dùng để chọn lọc các tổ hợp hóa chất khả thi nhất làm gợi ý cho các chuyên gia y tế tiếp tục nghiên cứu, đó cũng là một thế mạnh khác của máy tính mà Mỹ có ưu thế.
    Tương tự như việc tạo ra phần mềm Android cho điện thoại thông minh, nó bắt nguồn từ một công ty khởi nghiệp nhỏ ở Mỹ, đã tạo ra một phần mềm mã nguồn mở, chia sẻ dữ liệu, để các bước thực hiện cứ thế nối tiếp nhau được phát triển bởi nhiều người và càng ngày hoàn thiện như bây giờ.
    Dù các phương pháp trên của Hàn Quốc có hy vọng bao nhiêu phần trăm thì cũng là tin vui cho mọi người, nó cho thấy con người đang cố chạy đua để đến đích là ngăn chặn, tiêu diệt được n-covi. 🙂 Chúc mừng cho một tín hiệu lạc quan.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).