⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Trong chiếc xe đỗ sau một bệnh viện tại Seoul, Rachel Kim kéo cửa kính ôtô và há miệng. Cô đã tới Daegu vào tuần trước, khu vực hiện có số lượng ca nhiễm virus Vũ Hán cao nhất tại Hàn Quốc.

Sau những trận ho nặng và thân nhiệt tăng, lo lắng cho tình huống tồi tệ nhất có thể diễn ra, cô quyết định làm xét nghiệm tại một trong số hàng chục các trạm drive-through được chính phủ lập ra. Hai nhân viên y tế trong trang phục bảo hộ kín mít từ đầu đến chân đã sẵn sàng đợi cô.

Một thanh tăm bông quét trong vòm miệng và cổ họng của Kim, sau đó được đặt cẩn thận trong một ống nghiệm dài.

Bước kế tiếp có chút khó khăn hơn. Tăm bông được đưa vào mũi. Cô nhướn mày, có chút khó chịu nhưng mọi chuyện nhanh chóng kết thúc chỉ trong vòng hơn 1 phút. Cô kéo cửa kính xe và lái xe, chưa hề bước chân ra khỏi xe trong toàn bộ quá trình.

Nếu kết quả xét nghiệm là dương tính, cô sẽ nhận được một cuộc gọi để sắp xếp điều trị. Nếu kết quả là âm tính, sẽ chỉ là một tin nhắn thông báo.

1. Xét nghiệm, xét nghiệm, xét nghiệm

Tới 15 ngàn người được xét nghiệm virus Vũ Hán mỗi ngày tại Hàn Quốc, đây là mức xét nghiệm cao nhất thế giới nếu tính trên bình quân đầu người. Trạm xét nghiệm drive-through mà Rachel Kim ghé thăm chỉ là 1 trong 40 trạm drive-through và trong tổng 500 điểm xét nghiệm virus trên khắp cả nước.

Mẫu xét nghiệm của Kim sẽ nhanh chóng được đưa đến một phòng thí nghiệm nơi các nhân viên làm việc 24 giờ mỗi ngày để cho ra kết quả chính thức.

Trong trận chiến dập dịch tại Hàn Quốc, những phòng thí nghiệm đã trở thành đội ngũ tiền tuyến. Hàn Quốc đã tạo ra một mạng lưới gồm 96 phòng thí nghiệm công và tư nhân để xét nghiệm virus Vũ Hán liên tục.

Trong toàn bộ 3 tuần cao điểm về bùng phát dịch vừa qua, mặc cho tốc độ xét nghiệm kỷ lục, Hàn Quốc chưa từng rơi vào tình trạng thiếu bộ xét nghiệm (kit thử).

Bốn công ty được cấp phép sản xuất và cung cấp cho chính phủ. Một trong số đó, Seegene, cho biết đã có trong tay sự chấp thuận từ KCDC chỉ trong vòng 1 tuần kể từ ngày nộp hồ sơ, đây là một khoảng thời gian chờ đợi chưa từng có trong tiền lệ nếu xét đến quy trình thông thường là vào khoảng 1 năm rưỡi.

Hiện tại chỉ mình Seegene cũng có thể sản xuất ra lượng kit thử đủ để xét nghiệm cho tới 1 triệu bệnh nhân mỗi tuần với chi phí dưới $20 một xét nghiệm.

Tính tới sáng ngày 15/3/2020, Hàn Quốc đã tiến hành xét nghiệm cho tổng số 268.212 người, chưa đầy 1 tháng kể từ khi ca siêu lây nhiễm đầu tiên – bệnh nhân số 31 – được phát hiện và đưa Hàn Quốc vào tình trạng cảnh báo khủng hoảng mức cao nhất.

Nếu so sánh, Nhật Bản, quốc gia láng giềng của Hàn Quốc mới chỉ xét nghiệm cho khoảng 10 ngàn người và tổng xét nghiệm được ước tính tại Mỹ chỉ vào khoảng 5 ngàn, chưa bằng nửa số xét nghiệm trong một ngày của Hàn Quốc. Ngay cả tâm dịch thế giới là Ý thì vào thời điểm số ca nhiễm 12 ngàn cũng chỉ xét nghiệm chưa đến 75 ngàn.

Với 8.162 ca dương tính, tỉ lệ dương tính tại Hàn Quốc chỉ vào khoảng 3%. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một sự lãng phí trầm trọng về mặt tài nguyên và hiệu suất xét nghiệm.

Tuy nhiên nếu nhìn vào tỉ lệ tử vong chỉ chưa đầy 1% (trung bình thế giới là 3.73%) và khả năng kiểm soát dịch bệnh của chính phủ Hàn Quốc tại thời điểm hiện tại, không khó gì để tin rằng chính năng lực xét nghiệm phi thường của quốc gia này đã giúp hạn chế thương vong ở mức tối thiểu.

2. Thông tin mở

Theo Đạo luật về Phòng ngừa và Quản lý Bệnh truyền nhiễm (감염병의 예방 및 관리에 관한 법률), mọi thông tin liên quan đến lịch trình di chuyển và tiếp xúc của người mang bệnh đều được theo dõi và công khai trước công chúng. Đây được gọi là “Quyền được biết”.

Theo đạo luật này, chính phủ được phép sử dụng mọi hình thức có thể để tìm hiểu quá trình di chuyển của người bệnh bao gồm tên tuổi, số CMT, địa chỉ, lịch sử sử dụng các loại thẻ tín dụng, thẻ thanh toán, hồ sơ xuất nhập cảnh cũng như hình ảnh ghi lại từ camera quan sát CCTV

Như vậy, các tiếp xúc trước đó với người nhiễm bệnh sẽ được rà soát nhằm cảnh báo và yêu cầu xét nghiệm, tránh tình trạng tiếp tục lây nhiễm mở rộng ra cộng đồng một cách vô thức.

Lịch trình di chuyển của người nhiễm cũng được công bố trên các phương tiện đại chúng, giúp người dân xác định rủi ro, hạn chế ghé qua những địa điểm này và tự cách ly nếu vô tình đã ghé qua trước đó.

Tin nhắn cảnh báo và cập nhật từ chính quyền thành phố liên tục được gửi tới người dân trong ngày, không ngừng nâng cao tinh thần cảnh giác trong toàn dân.

Tuy nhiên, hơn hết thảy, một điều quan trọng nhất là tất cả các bệnh nhân virus Vũ Hán đều chỉ được công khai dưới dạng mã số. Ngay cả khi câu chuyện về bệnh nhân số 31 làm rung động cả nước, tất cả những thông tin cá nhân được công khai về bà chỉ là một người phụ nữ 61 tuổi và là tín đồ của giáo phái Sincheonji.

3. Dân chủ nhưng kỷ luật

Khác với quyết định phong tỏa hoàn toàn 56 triệu dân tỉnh Hồ Bắc của chính quyền Trung Quốc vào ngày 23/1 và Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ ghé thăm tâm dịch Vũ Hán khi lệnh phong tỏa được nới lỏng vào ngày 10/3 vừa qua, tâm dịch của Hàn Quốc chưa từng bị cô lập.

Ngay ngày 25/2, khi Daegu có số bệnh nhân chiếm tới 60% ca nhiễm trên toàn quốc, Tổng thống Moon Jae In đã trực tiếp ghé thăm thành phố này và nhấn mạnh trong buổi gặp với các quan chức của thành phố rằng chính quyền không hề có kế hoạch thực thi lệnh phong tỏa để cách ly thành phố.

Ông khẳng định hướng tiếp cận của chính phủ: “Điểm mấu chốt là thời gian và tốc độ.”

Bên cạnh đó, Hàn Quốc tập trung vào biện pháp cách ly bắt buộc đối với những người bị nhiễm và người tiếp xúc gần, khuyến khích người dân hạn chế ra ngoài trừ tình thế bắt buộc, luôn đeo khẩu trang và giữ gìn vệ sinh cá nhân, hủy bỏ các sự kiện công cộng…

Và thực tế đã chứng minh, ngoài một trường hợp duy nhất được báo chí đưa tin về việc một phụ nữ Daegu che giấu quê quán của mình để được khám bệnh tại bệnh viện Seoul sau nhiều lần bị từ chối trước đó thì hầu như không hề có trường hợp người dân Daegu “tháo chạy” khỏi thành phố.

Mặc cho mức tín nhiệm dành cho tổng thống có sụt giảm trong thời kỳ khủng hoảng, hầu hết người dân vẫn đặt niềm tin dành cho chính quyền và đề cao tính kỷ luật cùng lợi ích cộng đồng.

Cuộc vận động giữ khoảng cách xã hội được lan truyền khắp cả nước. Các nhà hàng đóng cửa, sự kiện thể thao và giải trí được hủy bỏ, các nhà thờ ngừng lễ thờ phượng hàng tuần để tránh việc tụ họp đông người, người dân luôn đeo khẩu trang khi ra đường…

Đặc điểm về một xã hội dân chủ nhưng vô cùng kỷ luật này của Hàn Quốc được đánh giá là yếu tố vô cùng quan trọng trong chiến lược chống dịch bệnh của chính phủ.

“Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy một quốc gia có thể ngăn chặn sự lây lan của virus trong thời gian tương đối ngắn mà không cần dựa vào các biện pháp phong tỏa hà khắc”, Yahzhong Huang, chuyên gia y tế toàn cầu từ Hội đồng Quan hệ quốc tế tại New York, nhận xét.

Mô hình nào cho Mỹ và châu Âu?

Trong khi Hàn Quốc đã đi qua đỉnh dịch và bắt đầu giai đoạn phục hồi với số người được điều trị không ngừng tăng lên nhanh chóng và số ca nhiễm mới giảm xuống chỉ còn 2 con số mỗi ngày, châu Âu và châu Mỹ lại trở thành điểm nóng của đại dịch, thu hút sự chú ý của toàn thế giới.

Việc lựa chọn hướng tiếp cận trong công tác phòng chống và xử lý dịch bùng phát không có một công thức tuyệt đối cho mọi quốc gia.

Reuters gần đây đã so sánh hai hướng tiếp cận của Hàn Quốc và Ý là hai quốc gia có khá nhiều đặc điểm tương đồng trong diễn biến liên quan đến dịch. Cùng phát hiện ra ca nhiễm đầu tiên vào cuối tháng 1, cùng có những ổ dịch bùng phát ban đầu tại các thành phố hoặc thị trấn nhỏ, cùng có dân số vào khoảng 50-60 triệu người.

Tuy nhiên, trái ngược với tình trạng ổn định hiện tại của Hàn Quốc, chính phủ Ý có vẻ đã bỏ lỡ thời cơ thích hợp để kiểm soát dịch bệnh thông qua việc xét nghiệm mở rộng và rà soát tối đa, dẫn đến quyết định cuối cùng là buộc phải phong tỏa cả nước vào ngày 9/3 vừa qua.

Trong con mắt của một số quốc gia châu Âu và Mỹ, hướng tiếp cận của Hàn Quốc trong việc xét nghiệm bắt buộc có thể xâm phạm vào quyền riêng tư cá nhân. Tuy nhiên có thể thấy, so với hướng tiếp cận phong tỏa và giới nghiêm mà Trung Quốc đã áp dụng, có lẽ những kinh nghiệm rút ra từ công tác đối phó dịch bệnh của Hàn Quốc là bớt cực đoan và hữu dụng hơn nhiều.

Tiến sĩ Masahiro Kami, trưởng Viện nghiên cứu Quản trị Y tế tại Tokyo, Nhật Bản cũng bình luận “Xét nghiệm là bước đi ban đầu quan trọng để kiểm soát virus. Đây là mô hình tốt cho mọi quốc gia.”

XEM THÊM: Bộ Y tế Việt Nam đề nghị Hàn Quốc hỗ trợ kit chẩn đoán nhanh virus Vũ Hán


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

Tổng hợp từ Straits TimesBBC

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).