Ở Việt Nam, việc sang đường vẫn thường được du khách hài hước đánh giá là cả một “nghệ thuật”. Điều thú vị của vạch sang đường ở Việt Nam có thể gọi là “có như không có”. Đối với những ai không quen với lối sống của người Việt thì đây không khác nào một trò chơi mạo hiểm.

Tại đây, vạch kẻ đường gần như “có chỉ cho có” và tín hiệu đèn giao thông trong nhiều trường hợp chỉ là vật trang trí. Người Việt đa phần không quan tâm đến tín hiệu đèn, vô cùng “tự tin” khi băng qua các ngả đường dù giao thông có phức tạp đến đâu.

Một góc phố nhộn nhịp tại Hà Nội, Việt Nam.

Nếu biết rằng văn hóa qua đường của người Hàn Quốc gần như khác hẳn, có lẽ người Việt Nam cũng sẽ thấy thú vị và“sửng sốt” không kém.

Nếu là người đang hoặc đã từng sinh sống tại Hàn, bạn có thể đã biết rằng, văn hóa tham gia giao thông của người Hàn khá tốt. Họ tuân thủ tín hiệu đèn và sử dụng vạch kẻ đường một cách cẩn trọng.

Chính phủ Hàn Quốc cũng đầu tư khá mạnh cho lĩnh vực này và một trong số đó là sự tồn tại của các vạch sang đường độc đáo – vạch đi chéo.

Một ngã tư thuộc Seoul, Hàn Quốc.

Để thuận tiện cho người đi bộ, chính quyền Thủ đô Seoul đã quyết định tăng gấp đôi số vạch chéo sang đường dạng chữ X (대각선 횡단보도). Bên cạnh đó, kế hoạch liên quan đến điều tiết thời gian vận hành phương tiện giao thông này cũng đang được xem xét.

Ngày 13/11, chính quyền Seoul thông báo sẽ tăng lượng vạch đường chéo cho người đi bộ từ 120 lên 240 vào năm 2023. Thành phố đã tiến hành khảo sát 5.700 nút giao thông để xác định các khu vực có thể triển khai công trình. Dự kiến từ năm sau sẽ có thêm khoảng 30 địa điểm sẽ được thi công vạch kẻ chéo.

Vạch đường chéo là phương tiện giao thông được thiết kế với mục đích bảo đảm an toàn cho người đi bộ. Công trình này đồng thời giúp người đi bộ tiết kiệm được đáng kể thời gian khi băng qua ngã tư – nơi vốn dĩ phải chờ tín hiệu đèn đến hai lần.

Thực tế, vào năm 2016, thành phố Uijeongbu tỉnh Gyeonggi đã có báo cáo rằng tỉ lệ tai nạn giao thông đã giảm đi đáng kể sau khi vạch đường chéo được nhân rộng.

Mặc dù có ưu điểm lớn, cho đến nay vạch đường chéo chỉ chủ yếu xuất hiện ở nơi có lưu lượng giao thông thấp hoặc nơi có làn đường hẹp. Trong tương lai, Seoul muốn nhân rộng phương tiện này ở cả những khu đại lộ. Ngã tư trước cổng chính Đại học Yonsei và ngã tư Văn phòng quận Jongno sẽ là nơi thí điểm trong năm tới.

Dự án thi công vạch đường chéo cho người đi bộ tại ngã tư dẫn vào Đại học Yonsei.

Tất nhiên, nếu thực thi dự án này, khả năng cao giao thông một số khu vực trong nội thành Thủ đô có thể sẽ tắc nghẽn do lượng người đi bộ đông. Hiểu được điều đó,chính quyền Seoul đang xem xét kế hoạch điều chỉnh khung giờ áp dụng.

Sau khi khảo sát toàn diện nhu cầu đi lại và tần suất di chuyển của người dân cũng như trao đổi với Sở Cảnh sát, hệ thống tín hiệu mới dành cho người đi bộ trước tiên sẽ được lắp đặt tại khu vực chấn hưng giao thông xanh gần Bức tường thành phố Hanyangdoseong.

XEM THÊM: 8 Điều cần biết về văn hóa tham gia giao thông cực tốt của người Hàn Quốc

Tổng hợp từ Kyunghang ShinmunGyeonggi Shinmun

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).