Bắt đầu từ ngày 14/5/2020, giá của nhãn hiệu nổi tiếng Chanel (샤넬) sẽ tăng mạnh. Đặc biệt những chiếc túi “hút khách”, giá tăng khoảng 1 triệu KRW.

Hiện tượng “Phục thù tiêu dùng” đang diễn ra theo đúng nghĩa đen do hàng hóa không thể xuất khẩu ra nước ngoài vì đại dịch và mọi người lại “bí bách” sau một thời gian dài không được ra ngoài do giãn cách xã hội. Lo ngại về sự tăng giá, từ sáng sớm ngày 13/5, khi bách hóa còn chưa mở hàng, từng đoàn người đã xếp hàng chờ đợi.

8:00 sáng ngày 13/5, trước một trung tâm thương mại cao cấp ở Seoul, còn hơn 2 giờ nữa mới tới giờ mở cửa nhưng người xếp hàng đã rất dài. Do thời gian chờ đợi khá dài nên cửa hàng đã bố trí ghế ngồi cho khách.

Các trung tâm thương mại khác cũng tương tự. Dòng người bắt đầu từ trước 6:00 sáng bao các quanh trụ sở hàng hiệu. Cảnh tượng giống như thời điểm xếp hàng đón chờ siêu phẩm công nghệ đỉnh cao của Apple.

Vì 13/5 là ngày cuối cùng trước khi tăng giá nên số người tập trung gấp 3 lần so với ngày 12. Riêng buổi sáng đã vượt quá 200 lượt khách.

Chưa rõ mức tăng chính xác là bao nhiêu, nhưng Chanel dự kiến sẽ tăng giá túi xách được yêu thích từ 7~17% so với giá hiện tại.

Khách hàng chờ đợi từ sớm nhưng hầu hết các sản phẩm được yêu thích đều cháy hàng.

Đại diện truyền thông của Lotte Shopping (롯데쇼핑) Moon Ho Ik (문호익) cho biết: “Doanh số bán hàng xa xỉ phẩm đã tăng 30% trong thời gian từ ngày 1-10/5 so với cùng kỳ năm trước. Hàng xa xỉ có mức tăng trưởng cao bất thường so với các sản phẩm khác. Số lượng người xếp hàng mua sắm ở những cửa hàng này nhiều gấp hai đến ba lần so với bình thường”.

Trong tình hình nền kinh tế bị đóng băng bởi COVID-19, các sản phẩm hàng hiệu như Chanel (샤넬), Louis Vuitton (루이비통) và Tiffany (티파니) đã liên tục tăng giá nhưng sức mua vẫn không vì giá cao mà giảm đi.

Doanh thu các mặt hàng xa xỉ tăng vọt do nhu cầu mua sắm bị dồn nén của những người ở nhà để tránh virus. Đồng thời, những người trước đây thường mua hàng cao cấp ở nước ngoài cũng không thể đi du lịch lúc này khiến doanh thu trong nước tăng mạnh. 

Tâm lý “sính đồ hiệu” của người Hàn và “miếng mồi béo bở” từ các ông trùm hàng hiệu

Đừng vội nghĩ nhà lầu và xe hơi là thước đo sự giàu có. Đó là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Nhiều người Hàn Quốc coi những phụ kiện xa xỉ như đồng hồ, túi xách hay đồ trang sức chính là thước đo đẳng cấp và sự giàu có.

Một chiếc túi hiệu Louis Vuitton hay đồng hồ hãng Rolex sẽ giúp chủ nhân của nó có được đẳng cấp vượt trội và sự kính nể và trầm trồ thán phục của những người xung quanh. Vậy nên họ coi chúng quan trọng hơn bất cứ món đồ xa xỉ nào khác.

Nhiều người thậm chí chấp nhận ăn uống kham khổ để góp tiền mua đồ hiệu cho thỏa mãn đam mê (còn gọi là “Ăn tiện xài sang”). Hàn Quốc thực sự trở thành “miền đất hứa” của thị trường hàng hiệu.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Euromonitor International, thị trường xa xỉ phẩm tại Hàn Quốc được định giá 14.200 tỉ KRW (tương đương 12.1 tỉ USD) trong năm 2018, tăng so với mức 11.460 tỉ KRW trong năm 2014. Hàn Quốc cũng là thị trường xa xỉ phẩm tăng trưởng nhanh thứ tư thế giới, sau Ấn Độ, Malaysia, và Indonesia.

Đáng chú ý, thị trường túi xách xa xỉ của Hàn Quốc được định giá 3.200 tỉ KRW trong năm 2017, đứng thứ tư thế giới sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản, đồng thời vượt xa Pháp, quê hương của các “ông lớn” như Louis Vuitton và Chanel.

Các thương hiệu trang sức và thời trang cao cấp cũng đã tổ chức một loạt các sự kiện ra mắt và trình diễn thời trang độc quyền trên thế giới tại Seoul. Dự kiến trong tương lai, những “gã khổng lồ” ngành thời trang toàn cầu sẽ tiếp tục đổ xô vào Hàn Quốc, trong bối cảnh nước này đóng vai trò là môi trường thử nghiệm cho thị trường châu Á.

Tổng hợp từ MTN, YNANewsway

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).