Tây ba lô ăn xin đang trở thành trào lưu, nói không ngoa thì nó dường như trở thành một nghề phổ biến ở nhiều quốc gia châu Á. Việt Nam xuất hiện rất nhiều, và Hàn Quốc cũng không phải là ngoại lệ.

Đánh vào tâm lý dễ thương người của đa số người dân châu Á, nhiều công dân châu Âu không ngại đứng ở những nơi công cộng như vỉa hè, bến xe bus, tàu điện ngầm, ăn mặc rách rưới, mất vệ sinh cùng tấm bảng xin tiền được viết bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng bản địa.

Tây ba lô bán hàng trên các khu phố du lịch với giá cắt cổ.

Số tiền xin thường rất nhỏ, chẳng đáng là bao với nhiều người. Nhưng nếu đứng xin cả ngày, số tiền xin được có thể lớn không tưởng. Đủ để người đứng xin ăn uống tiêu xài thoải mái. Vì lẽ đó mà ngày càng có nhiều Tây ba lô hành nghề ăn xin ở nhiều khu sầm uất ở Hàn Quốc.

Ăn mày Tây ba lô là gì?

Nếu như trước đây giới trẻ không mấy lạ lẫm với thuật ngữ “backpacker” dùng để chỉ “Tây ba lô”, thì ngày nay cũng không có mấy ai không biết đến từ “beg-packer”. Kết hợp giữa từ “ăn mày” (beg) và ba lô (backpack), đây là từ dùng để chỉ “ăn mày Tây” – nghề hành khất kiếm bội tiền để đi du lịch vòng quanh thế giới.

Thời gian đầu, vì thấy hiếu kỳ nên nhiều người không mấy để tâm. Nhưng việc ăn xin la liệt, biến tướng, cướp “khách” của những người nghèo khổ thật sự cần sự giúp đỡ thì việc “ăn xin đi du lịch” liên tục bị lên án và chỉ trích.

Không chỉ người dân địa phương cảm thấy khó chịu mà chính du khách phương Tây đến địa phương du lịch cũng cảm thấy vô cùng “chướng tai gai mắt” và mất mặt với những người bạn đồng hương.

Tây ba lô với các tờ giấy "kể lể" dán trên mặt đường để xin tiền du khách.

Trong khi người dân ở nhiều quốc gia đang phát triển mơ ước có được visa đi du lịch nước ngoài thì những người ngoại quốc có thể dễ dàng đến các nước châu Á và ngửa tay xin tiền từ những người có cuộc sống nghèo khổ hơn họ, chỉ để thoả mãn đam mê dịch chuyển.

“Ăn mày Tây” cũng có đủ loại. Nếu như ban đầu chỉ là những người da trắng vạ vật ở vỉa hè, nơi công cộng với một cái bát hay cái mũ để xin tiền, cùng tấm bảng viết bằng ngôn ngữ nước bạn, thì sau khi bị lên án quá gay gắt, họ chuyển sang “hành khất” theo kiểu hợp lý hơn.

Khách Tây bày bán những món đồ tẻ nhạt, vô dụng như ảnh chụp phong cảnh du lịch, vòng tay, móc chìa khoá, đồ lưu niệm rẻ tiền nhưng lấy giá… trên trời. Với mục đích “có qua có lại”, trao đổi để lấy tiền du lịch.

Tây ba lô với các món đồ lưu niệm bày bán trên vỉa hè.

Về lý, việc này không có gì sai, nhưng việc buôn bán ở một đất nước kém phát triển hơn với giá cắt cổ vì mục đích phục vụ sở thích cá nhân thì việc này khó có thể chấp nhận được. Nhất là khi ngay bên cạnh họ là những cụ già đang nằm co ro vì lạnh và đói, hay những đứa trẻ phải theo bố mẹ mưu sinh ngoài đường cả ngày không có gì để ăn.

Thay vì làm việc hăng say để tiết kiệm cho những chuyến phiêu lưu, hoặc tìm việc thỏa mãn sở thích xê dịch, nhiều phượt thủ phương Tây có xu hướng xin bố thí để lên đường. Điều này vô hình trung khiến họ biến mình thành gánh nặng của nền kinh tế địa phương và trở thành nét xấu xí trong văn hoá du lịch phượt.

Vì sao lại có trào lưu beg-packer?

Nếu như trào lưu “backpacker” với slogan “xách ba lô lên và đi” trở thành nguồn cảm hứng với biết bao bạn trẻ mê du lịch thì “beg-packer” lại có slogan “ngửa tay ra và đi”. Nghe thì có vẻ lố bịch và vô trách nhiệm nhưng đó lại là sự thật tồn tại suốt nhiều năm nay.

Những người da trắng đi du lịch vòng quanh thế giới bằng cách “ăn xin”, lợi dụng lòng tốt của người khác sẽ nhanh chóng khoe “chiến tích vẻ vang” lên mạng xã hội với cảm xúc tự hào rằng: “Tôi đi du lịch vòng quanh thế giới chẳng tốn một xu” hay “Chu du châu Á với giá 0 đồng”

Vốn dĩ chẳng phải là họ không có tiền, chẳng có ai mạo hiểm và ngu ngốc đến mức xách ba lô đi mà chẳng chuẩn bị gì cho bản thân. Họ có hộ chiếu có thể đi được nhiều nơi, họ có đủ tứ chi, có sức khoẻ nhưng vẫn ngửa tay xin tiền để đi du lịch trong khi những người ăn xin địa phương đã nhiều ngày không có bữa ăn nào tử tế.

Bên cạnh việc được sống ảo, việc đi ăn xin để có tiền du lịch còn tạo tâm lý tự đắc, nghĩ rằng mình rất ngầu khi đi chơi không mất tiền, vô tình tạo nên định kiến người châu Á rất “sính ngoại” và dễ bị lừa.

Đáng nói hơn, khi nhận ra không còn kiếm chác được ở những đất nước đang phát triển, thì Tây ba lô ăn xin chuyển sang ăn xin ở những đất nước giàu có, điển hình là Dubai, vùng đất siêu giàu ở Trung Đông.

Ăn xin ở đây mang tầm cỡ… tập đoàn, nhiều du khách xin visa du lịch ngắn hạn đến đây để hành nghề ăn xin bởi thu nhập không tưởng, một ngày có thể xin được 3 triệu KRW. Ban ngày làm hành khất, đêm về ở khách sạn 5 sao, một tháng bỏ tiết kiệm đến hàng chục ngàn USD.

Hàn Quốc dẹp “nạn” Tây ba lô ăn xin

Ở Hàn Quốc, du khách Tây ăn xin tập trung ở những khu sầm uất, đông người qua lại như Myeongdong, Hongdae… Những khu này không chỉ có người Hàn Quốc mà còn có cả du khách từ rất nhiều nước khác, việc ăn xin sẽ thuận lợi hơn.

Tây ăn xin ở Hàn Quốc bán nhiều đồ lưu niệm như bưu thiếp tự chụp, vòng tay tự đan với giá 10.000 KRW (khoảng 200.000 VND), đi cùng luôn là những tấm bìa các tông viết nguệch ngoạc dòng chữ trình bày hoàn cảnh bản thân bằng cả tiếng Anh và tiếng Hàn.

Cũng có nhóm người không bán đồ lưu niệm mà bán những cái ôm, cầm biển “Free Hug” nhưng lại chẳng phải “free”, sau khi ôm thì sẽ xin tiền tuỳ tâm hoặc xin một bữa ăn chay. Vậy mới nói, ở đời làm gì có thứ gì miễn phí, làm gì có ai cho không ai thứ gì?

Một nhóm Tây ba lô với tấm biển Free Hug (ôm miễn phí) trong khu phố du lịch.

Trong đợt dịch COVID-19, Seoul lại xuất hiện thêm nhiều Tây ba lô ăn xin với lý do cũng không có gì mới mẻ: vì không có tiền mua vé máy bay về nước. Một số người bị kẹt lại trong đợt dịch cũng tham gia biểu diễn nhạc cụ để xin tiền sinh hoạt qua ngày.

Hai Tây ba lô đánh đàn guitar trên phố cùng tấm bìa ghi lại hoàn cảnh éo le của mình.

Người nước ngoài thậm chí vô cùng tinh ranh khi thường lui đến những nơi có nhiều người già sinh sống, họ lợi dụng lòng thương của những người cao tuổi để xin tiền, xin ăn. Người già thấy mình giúp đỡ được Tây cũng sẽ có chút gì đó hãnh diện và đáng khoe.

Một bà cụ Hàn Quốc đang cúi người cho đồng xu một nữ du khách Tây ba lô có mái tóc màu xanh.

Đa số những người già đều nhẹ dạ và mủi lòng khi thấy Tây da trắng mũi cao phải ăn xin vạ vật lề đường

Vào năm ngoái, một công dân Hoa Kỳ 28 tuổi đã ăn trộm thực phẩm trong một cửa hàng tiện lợi ở ga Jamsil quận Songpa và tấn công nhân viên bằng một chiếc ô, kết quả là anh ta đã nhận án 3 năm quản chế. Rất nhiều du khách nếu không xin được tiền cũng sẽ trở nên hung hãn, gây nguy hiểm cho những người xung quanh, dù số này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ.

Beg-packer là một hành vi phạm tội được quy định rõ ràng trong Luật hiện hành ở Hàn Quốc. Trong Luật ghi rõ, ăn xin bất kể quốc tịch đều có thể bị phạt 100.000 KRW khi bị phát hiện vi phạm. Hành vi kiếm tiền sau khi nhập cảnh với loại visa du lịch ở Hàn Quốc cũng là vi phạm Đạo luật kiểm soát nhập cư.

Cảnh sát Hàn Quốc truy quét du khách Tây ba lô.

Thành phố Seoul luôn có những đội tuần tra trên các tuyến đường. Tuy nhiên việc dẹp “dịch peg-packer” không hề đơn giản khi thấy bóng dáng cảnh sát họ sẽ nhanh chóng biến mất như một cơn gió.

Chính vì thế văn phòng nhập cư đã kết hợp cùng chính quyền địa phương và cả sự giúp đỡ của người dân, tăng cường theo dõi sát sao và kiểm soát để vấn nạn Tây ba lô ăn xin không còn là điểm trừ xấu xí cho du khách.

Không chỉ mạnh tay khi kêu gọi người dân cùng tham gia, cảnh sát Hàn Quốc cũng quán triệt bằng cách phạt thẳng tay khi phát hiện, đồng thời tiến hành giữ lại sở cảnh sát trong vòng 24h hoặc 48h tuỳ từng trường hợp, tịch thu hộ chiếu hoặc giao cho văn phòng quản lý XNC xử lý theo đúng quy định. Rất có thể họ sẽ không được nhập cảnh trở lại Hàn Quốc nếu vẫn cố tình tái phạm quy định này.

Cảnh sát Hàn Quốc truy quét du khách Tây ba lô.

Phượt ăn xin là một trào lưu xấu xí nhiều hơn là cool ngầu, nhất là khi bạn đang ở một đất nước còn nghèo hơn đất nước mà bạn đang sinh sống. Nếu chưa đủ tiền cho một chuyến đi có nghĩa là chưa đến lúc để bắt đầu du lịch, hãy chờ thêm một chút.

Thay vào việc phó thác cho sự hên xui bằng việc ngửa tay xin tiền, hãy chăm chỉ làm việc và tiết kiệm để có một chuyến đi tận hưởng và thoải mái theo đúng nghĩa. Châu Á hay Hàn Quốc là những địa điểm du lịch tuyệt vời, tuy nhiên đừng để bản thân không được chào đón khi đến đây, thậm chí là không được quay lại thêm một lần nào nữa.

Du lịch chính là sự trải nghiệm mà suy cho cùng, chẳng ai muốn phải sở hữu những trải nghiệm không vui.

author-avatar

About 수하

“Chúng ta không cần phải học giỏi Văn để có thể viết truyện, chúng ta chỉ cần sống ý nghĩa cuộc đời của mình. Và Hạnh Phúc chính là một hành trình!”

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).