Thứ 5 ngày 7/11/2019, Bộ Giáo dục Hàn Quốc quyết định sẽ chính thức bãi bỏ nhóm các trường cấp ba đặc biệt trên toàn quốc từ tháng 3/2025 trong nỗ lực cải thiện sự công bằng trong giáo dục.

“Năm 2025, tất cả các trường tư thục, trường phổ thông chuyên ngoại ngữ và trường quốc tế sẽ đồng loạt được chuyển đổi về dạng trường thường. Chúng tôi sẽ thiết lập nền móng để xây dựng hệ thống tín chỉ ở trường phổ thông trung học và nền giáo dục định hướng tương lai”, bộ trưởng bộ Giáo dục, bà Yoo Eun Hae cho biết tại buổi họp báo.

“Tôi nghiêm túc cân nhắc các mối quan ngại rằng bất bình đẳng trong giáo dục dẫn đến bất bình đẳng trong tầng lớp xã hội,” bà phát biểu.

Chất lượng của hệ giáo dục trung học phổ thông cũng sẽ được cải thiện nhờ các chương trình giảng dạy đa dạng hóa và một hệ thống tín chỉ mới sẽ được triển khai từ năm 2025.

Ban đầu các trường học đặc biệt được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh nhưng ngày càng nhận nhiều chỉ trích về việc trở thành con đường để vào được các trường đại học danh giá. Ở Hàn Quốc, một tấm bằng đại học là yếu tố chính quyết định tương lai một cá nhân – từ vấn đề sự nghiệp đến khả năng kết hôn.

Nhiều chỉ trích đã chỉ ra rằng các trường học đặc biệt này chủ yếu dành cho con nhà giàu, do đó ngày càng củng cố sự phân hóa cấp bậc giữa các trường cấp ba, khuyến khích cạnh tranh giữa các học sinh và thúc đẩy chi tiêu dành cho giáo dục tư.

Học phí tại các trường cấp ba này cao gấp ba so với mức trung bình và các bậc cha mẹ thường chi tiêu nhiều gấp 1.4 đến 1.7 lần vào các chương trình học tư thục nằm giúp con mình trúng tuyển.

Cho đến năm 2024, các trường mục tiêu sẽ vẫn duy trì hiện trạng và được phép tuyển sinh như cũ. Bắt đầu từ tháng 3/2025, các trường này sẽ tiếp nhận học sinh theo phương thức tương tự như trường thường, tuy nhiên vẫn được giữ lại tên trường và các chương trình giảng dạy chuyên.

Tính tới tháng 9/2019, có tổng số 79 trường cấp ba dạng đặc biệt với khoảng 4% học sinh cấp ba trong cả nước đang theo học. Có 1,555 trường cấp ba dạng thường với 1.1 triệu học sinh.

Theo bộ, hệ thống giáo dục trung học phổ thông sẽ được đơn giản hóa và cải thiện nhằm theo sát nhu cầu của học sinh. Các chương trình học đa dạng hơn, bao gồm môn học từ nghệ thuật tới đào tạo nghề, sẽ được triển khai tại các trường cấp 3 thường.

Bắt đầu từ năm 2025, một hệ thống tín chỉ mới sẽ được tiến hành tại các trường cấp ba. Học sinh năm hai và năm ba có thể tự lựa chọn môn học theo nhu cầu, tương tự như ở các trường đại học.

Để tăng cường giáo dục bậc trung học phổ thông, 2 tỉ won trong ngân sách nhà nước sẽ được chi ra trong giai đoạn 5 năm. Trước đó, Hàn Quốc cũng đã quyết định miễn phí giáo dục với toàn bộ các cấp từ tiểu học đến trung học.

Quyết định này được ủng hộ bởi các nhà quản lý tại các thành phố lớn như Seoul tuy nhiên bị lên án bởi chính các trường hệ đặc biệt và các bậc phụ huynh có con đang theo học tại đây.

Ông Cho Hee Yon, người đã nhiều năm vận động bãi bỏ các trường học dạng đặc biệt, cho rằng “Ngày hôm nay chính là ngày mà (đất nước) bắt đầu chuyển đổi sang một hệ thống giáo dục phổ thông trung học ngang hàng và đa dạng hơn.”

Ngược lại, đại diện của Liên đoàn giáo viên Hàn Quốc lại coi quyết định này “là một tuyên bố từ bỏ sự đa dạng trong hệ thống trường học.”

Ông Kim Chul Kyeong, lãnh đạo hiệp hội các hiệu trường trường tư thục tự chủ cho rằng việc bãi bỏ các trường tư thục tự chủ là một sự suy thoái đội lốt công bằng.

“Chính các học sinh và bậc phụ huynh sẽ là người phải gánh chịu hậu quả của quyết định chính sách vô trách nhiệm từ chính phủ.”

Giáo dục Hàn Quốc – Động lực phát triển kinh tế

Tổng hợp từ The Korea Herald

author-avatar

About Huong Tran

Làm việc tự do, sống và hưởng thụ từng ngày ý nghĩa trên mảnh đất vừa xa lạ vừa thân quen Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).