Ngày 1/7/2020, Ủy ban Lương tối thiểu Hàn Quốc (최저임금위원회) đã tổ chức cuộc họp toàn thể lần thứ 4 tại tòa nhà chính phủ Seoul (정부서울청사), bắt đầu thảo luận đề xuất của người lao động và người sử dụng lao động về mức lương tối thiểu năm 2021. Đây là lần đầu tiên Ủy ban nhận được đề xuất lương tối thiểu từ hai nhóm đối tượng này.

Phía người sử dụng lao động (chủ doanh nghiệp) đề xuất mức lương tối thiểu năm 2021 là 8.410 KRW/giờ, giảm 2.1% so với mức lương tối thiểu năm nay là 8.590 KRW/giờ.

Lý giải cho đề xuất này, chủ doanh nghiệp cho rằng tốc độ tăng lương tối thiểu của Hàn Quốc là quá nhanh khiến cho giới kinh doanh gặp không ít khó khăn, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Ngoài ra, dịch COVID-19 bùng phát trên diện rộng cũng khiến tình hình kinh doanh xấu đi. Nhiều công ty đã phải tạm ngưng hoạt động trong một thời gian dài, không có nguồn thu trong khi ít nhất vẫn phải chi trả tiền thuê mặt bằng.

Tuy nhiên, đó chỉ là lý lẽ từ phía chủ doanh nghiệp.

Trái ngược với chủ sử dụng lao động, người lao động đề xuất mức lương tối thiểu năm tới là 10.000 KRW/giờ, tăng 16.4% so với năm 2020.

Mức lương tối thiểu này được người lao động đưa ra trên cơ sở nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động thu nhập thấp và xóa bỏ chênh lệch về tiền lương trong thị trường lao động. Các tập đoàn lớn trả lương cho nhân công rất cao, nhưng cũng có doanh nghiệp lại sử dụng người lao động với mức lương rẻ mạt.

Hiện nay, vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ khi cả hai bên đều đưa ra những lý do chính đáng làm cơ sở cho đề xuất của mình.

Trong trường hợp không thể đạt thỏa thuận sớm, Ủy ban bắt buộc phải kết thúc việc thẩm định muộn nhất giữa tháng 7 và đưa ra thông báo chính thức chậm nhất vào ngày 5/8/2020.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Hội đồng tiền lương quốc gia đã tiến hành thảo luận về lương tối thiểu cho năm tiếp theo từ ngày 23/6.

Cũng do tác động nặng nề từ đại dịch COVID-19, người lao động và doanh nghiệp đều đang gặp khó khăn. Chính vì vậy, việc thương lượng về mức lương tối thiểu vùng cho người lao động năm nay có khác biệt so với những năm trước.

Theo đó, Bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đề xuất 02 phương án tiền lương tối thiểu vùng năm 2021:

Phương án 1: Khuyến nghị tiếp tục thực hiện mức lương tối thiểu vùng năm 2020 đến hết năm 2021 (đồng nghĩa với không điều chỉnh lương tối thiểu năm 2021, tiếp tục thực hiện theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP).

Phương án 2: Mức lương tối thiều vùng năm 2021 chia làm 2 giai đoạn.

– Giai đoạn 1 (6 tháng đầu năm 2021), giữ nguyên theo mức hiện nay.
– Giai đoạn 2: Từ 01/7/2021 (chậm hơn 06 tháng so với các năm trước), điều chỉnh bình quân 2.5% để duy trì, đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động (tính trên cơ sở CPI năm 2021 dự kiến 4% trừ phần đã tăng vượt 1.51% của năm 2020).

Nếu thực hiện phương án này, mức tăng dao động từ 80.000 đến 110.000 đồng, tương ứng từ vùng I đến IV lần lượt là 4.53 triệu; 4.02 triệu; 3.52 triệu và 3.15 triệu đồng một tháng.

COVID-19: Cú giáng chí mạng cho triển vọng kinh tế mỗi quốc gia

Năm 2020 đã từng được kỳ vọng là một năm tăng trưởng với những bước đi “chậm mà chắc”. Vậy nhưng, với sự bùng phát của COVID-19, mọi kỳ vọng dần trở nên mong manh hơn. Đơn cử như hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Bộ Kế hoạch và tài chính nhận định nền kinh tế Hàn Quốc ngày càng có dấu hiệu xấu đi. Thị trường trong nước thu hẹp đã dẫn đến các chỉ số về tuyển dụng lao dốc, xuất khẩu cũng sụt giảm mạnh.

Cụ thể, lượng khách du lịch Trung Quốc đến Hàn Quốc đã giảm đến 99.1%, mức giảm chưa từng có kể từ khi bắt đầu thống kê liên quan tháng 1/1999.

Giá trị tiêu dùng bằng thẻ tín dụng trong nước tiếp tục lao dốc 5.7% (thống kê hồi tháng 5/2020). Sau hơn 2 năm, Hàn Quốc mới lại ghi nhận mức tăng trưởng âm của chỉ số này. 

Số người có việc làm trong tháng 4 đã giảm 476.000 người so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung ở các ngành dịch vụ và công nghiệp chế tạo. Đây là mức giảm nhiều nhất trong hơn 21 năm trở lại đây.

Ở Việt Nam, báo cáo đánh giá, do COVID-19 tác động tiêu cực tới nhiều mặt đời sống kinh tế – xã hội của đất nước, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3.82% là mức tăng thấp nhất 10 năm qua, nhưng so với các nước trong khu vực và trên thế giới đây là mức tăng trưởng khá.

Tính chung 4 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 4.3% so với cùng kỳ năm trước.

Số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm có xu hướng chững lại, số vốn bổ sung hoặc cam kết đưa vào kinh doanh giảm so với cùng kỳ năm 2019. Tỷ trọng vốn đăng ký bình quân trên một doanh nghiệp đạt khoảng 11.8 tỉ đồng, giảm 5.5%.

Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn tăng mạnh so với cùng kỳ (tăng 33.6%), đặc biệt là các lĩnh vực: kinh doanh bất động sản; nghệ thuật, vui chơi và giải trí; dịch vụ lưu trú và ăn uống; du lịch; giáo dục và đào tạo và vận tải, kho bãi.

Tỉ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục. Quý I, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước giảm 144.200 người so với cùng kỳ năm 2019; tỉ lệ tham gia lực lượng lao động ước đạt 75.4%, giảm 1.3 điểm phần trăm, thấp nhất 10 năm qua.

Tổng hợp từ DongA, News1KBS

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).