Ở những quốc gia phát triển, mức lương tối thiểu (최저임금) là một trong những công cụ giúp Nhà nước đảm bảo quyền lợi cho người lao động (đặc biệt là những lao động phổ thông/ không có chuyên môn/ tay nghề thấp).

Là quốc gia có hàng trăm ngàn lao động nước ngoài nhập cư, Hàn Quốc hàng năm đều đưa ra mức lương tối thiểu để các chủ sử dụng lao động có cơ sở tính toán lương cho người lao động theo đúng luật định.

Ngày 31/3/2020 vừa qua, theo Luật tiền lương tối thiểu, Bộ Lao động Việc làm Hàn Quốc đã yêu cầu Ủy ban Tiền lương tối thiểu đưa ra đề xuất về mức lương tối thiểu năm 2021 cho người lao động.

Ủy ban tiền lương tối thiểu họp đưa ra đề xuất lương tối thiểu năm 2019

Thông thường mức này sẽ thay đổi theo từng năm, nhưng luôn tăng dù nhiều hay ít. Tuy nhiên, với sự ảm đạm của bức tranh kinh tế năm nay vì COVID-19, chưa thể phỏng đoán chắc chắn rằng mức lương tối thiểu năm 2021 có tăng hay là không.

Nhiều chuyên gia dự đoán, rất có thể mức lương tối thiểu năm 2020 sẽ “đóng băng” – nghĩa là không hề tăng như bình thường. Nếu dự đoán này trở thành sự thật, thì đây sẽ là lần đầu tiên mức này không tăng, kể từ khi Hàn Quốc áp dụng mức lương tối thiểu.

Người lao động dĩ nhiên luôn mong đợi mỗi năm tiền lương đều tăng lên, nhưng năm nay có nhiều người mong muốn mức lương tối thiểu “đóng băng”.

Tại sao lại như vậy?

Mức lương tối thiểu năm 2020 – tỷ lệ tăng thấp thứ 3 trong lịch sử

Nhìn vào biểu đồ trên có thể thấy: mức lương tối thiểu năm 2020 là 8.590 KRW, tăng 2,9% (240 KRW) so với mức 8350 KRW của năm 2019. Năm 1998, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, mức lương tối thiểu chỉ tăng 2,7%, được xem như mức tăng thấp nhất từ khi áp dụng Luật tiền lương tối thiểu.

Năm 2009, mức lương tối thiểu cũng chỉ tăng 2,75%, còn mức tăng 2,9 % của năm 2020 được xem là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây và thấp thứ 3 trong lịch sử.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng mức tăng hạn chế của năm 2019 và 2020 có liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng đột biến mức lương tối thiểu năm 2018 (sau khi tổng thống Moon Jae In lên thay thế người tiền nhiệm Park Geun Hye). Khi mức lương tối thiểu tăng tới gần 1/5 so với mức cũ, rất nhiều chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ đã bày tỏ thái độ không đồng tình.

Việc mức lương tối thiểu năm 2020 tăng chậm lại, cộng với tình hình kinh tế toàn cầu hậu COVID-19, chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đáng kể lên việc xác định mức lương tối thiểu năm 2021. Và xem ra, sự ảnh hưởng này không mấy tích cực.

Bối cảnh nền kinh tế năm 2020 dưới tác động của COVID-19

Sự xuất hiện không mong đợi của coronavirus cộng với những hệ lụy tiêu cực của nó chính là yếu tố tác động lớn nhất lên việc xác định mức lương tối thiểu năm 2021. Dịch bệnh lan rộng khiến cho Hàn Quốc đang trải qua thời kì suy thoái kinh tế chưa từng có.

Các cơ sở kinh doanh đường phố chịu thiệt hại nặng nề nhất từ dịch bệnh

Theo khảo sát của Viện nghiên cứu kinh tế Hàn Quốc, 22 trong số 24 cơ sở kinh doanh trong các con hẻm nhỏ dự đoán có doanh số và lợi nhuận ròng sụt giảm trong tháng 2 và 3. Tới 58,1 % số người được hỏi cho rằng “đóng băng” mức lương tối thiểu sẽ làm giảm thiệt hại cho các các cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ này.

Biểu đồ tác động của dịch bệnh lên ngành công nghiệp

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp hàng đầu cũng khó tránh khỏi những ảnh hưởng từ dịch bệnh. Các ngành công nghiệp tập trung vào xuất khẩu như chất bán dẫn, ôtô… vốn rất phát triển. Tuy nhiên khi hầu hết quốc gia trên thế giới gần như “bế quan tỏa cảng” vì dịch bệnh, xuất khẩu đã giảm đáng kể.

Nhiều Hiệp hội kinh tế của Hàn Quốc dự đoán dịch bệnh làm giảm 17,5% doanh số trong ngắn hạn, và có thể làm giảm 24% trong dài hạn. Về nhu cầu tuyển dụng, mức giảm là 4,4% trong ngắn hạn và lên tới 10,5% trong dài hạn.

Lo ngại khủng hoảng kéo dài ngay cả khi đã hết dịch

Dù hiện tại (tháng 5/2020), Hàn Quốc và một số nước trên thế giới đã phần nào khống chế được dịch bệnh; nhưng có thể thấy là vẫn chưa một ai dám chắc khi nào thì dịch bệnh sẽ kết thúc và cuộc sống có thể thực sự trở lại bình thường. Hiện tại khi chưa có vắc xin phòng bệnh thì không có gì đảm bảo dịch không bùng phát trở lại bất cứ lúc nào.

Hàn Quốc và nhiều quốc gia thực hiện “giãn cách xã hội” để làm giảm tốc độ lây nhiễm dịch bệnh

Dù hiện tại mọi thứ bắt đầu dễ thở hơn, nền kinh tế vẫn cần một khoảng thời gian nhất định để phục hồi, tuy nhiên câu hỏi thời gian cụ thể là bao lâu thì cũng chưa có câu trả lời. Tại thời điểm này, “đóng băng” mức lương tối thiểu có thể giúp giảm bớt thiệt hại cho nền kinh tế đang vô cùng “yếu ớt” sau dịch bệnh.

Điều gì sẽ xảy ra nếu không “đóng băng” mức lương tối thiểu 2021?

Các cơ sở kinh doanh thông báo tạm ngừng hoạt động vì tình hình virus corona lan rộng

Thoạt nhìn, có thể nhiều người cho rằng nếu “đóng băng” mức lương tối thiểu thì chắc chắn sẽ xảy ra xung đột lợi ích, cụ thể thì giới chủ sẽ là bên có lợi và người lao động sẽ là bên chịu thiệt thòi.

Tuy nhiên, nhiều nhận định cho rằng, “đóng băng” mức lương tối thiểu không những không gây thiệt hại mà còn có thể có lợi cho người lao động. Kể từ khi Hàn Quốc áp dụng mức lương tối thiểu đến nay, mức này luôn tăng lên hàng năm và chưa bao giờ giảm.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu mức lương tối thiểu vẫn tăng theo đà này?

Câu trả lời là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể sẽ buộc phải cắt giảm chi phí nhân công bằng cách sa thải bớt người lao động để vừa duy trì hoạt động kinh doanh sản xuất vừa phục hồi sau khủng hoảng.

Với các công ty lớn, điều tương tự cũng có thể xảy ra. Cụ thể, họ có thể tái cấu trúc công ty, phân bố lại và tinh giản nhân sự để giảm chi phí. Thường việc này sẽ ảnh hưởng nhiều nhất lên các nhân công không có chuyên môn hay tay nghề cao – đối tượng luôn chịu “tổn thương” trực tiếp và lớn nhất mỗi khi doanh nghiệp lao đao.

Bảng thông tin tái cấu trúc tại một số công ty

Bảng thông tin tái cấu trúc tại một số công ty bên trên cho thấy: thời điểm cuối tháng 3 đầu tháng 4 năm nay, công ty Doosan có ít nhất 2.600 nhân sự từ 45 tuổi trở lên thôi việc; với công ty đóng tàu Hyundai thì nhân sự từ 52 tuổi trở lên được khuyến nghị thôi việc; Lotte Shopping rà soát và giảm bớt nhân sự sau khi 200 cửa hàng bị đóng cửa…

Do đó “đóng băng” mức lương tối thiểu được mong đợi là giải pháp “đôi bên cùng có lợi” đối với cả chủ sử dụng lao động lẫn người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định “đóng băng” này không phải là một quyết định dễ dàng đối với những người làm chính sách. Mức lương tối thiểu chính là cơ sở để xác định thu nhập cụ thể của người lao động. Nếu tiền lệ này xảy ra, rất có thể sẽ tạo ra một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ người lao động.

Ông Lee Jae Gap – Bộ trưởng đương nhiệm Bộ Lao động việc làm Hàn Quốc

Một số người quan sát cho rằng có thể Ủy ban tiền lương tối thiểu sẽ đề xuất một mức tăng chấp nhận được cho cả chủ lẫn người lao động. Sau đó, thông qua những buổi điều trần, Bộ Lao động việc làm sẽ chốt lại con số cuối cùng. Có thể thấy, năm nay đây thực sự là một áp lực khá lớn đối với những người chịu trách nhiệm đưa ra quyết sách.

Mức lương tối thiểu năm 2021 sẽ được công bố chậm nhất là ngày 5/8. Hãy cùng chờ đợi xem con số cuối cùng có biến động thế nào nhé.

Tổng hợp từ Naver, Aju News, Korea.kr1boon

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).