Ngày 26/11/2019, phó thẩm phán Kim Jeong Jung thuộc toà án hành chính Seoul đã huỷ đơn kháng cáo cho phán quyết thu hồi quốc tịch của một phụ nữ đến từ đất nước hồi giáo.

Người phụ nữ này lấy chồng Hàn Quốc năm 2004, được nhập tịch năm 2014 và sau đó ly dị chồng năm 2015.

Tuy nhiên, Bộ tư pháp Hàn Quốc phát hiện ra người phụ nữ này đã lấy thêm một người chồng khác ở quê nhà vào năm 2009, tức vẫn trong khoảng thời gian chung sống cùng người chồng Hàn Quốc.

Thậm chí họ còn có con với nhau tại quê nhà, nhưng người phụ nữ đã giấu kín việc này trong quá trình xét duyệt quốc tịch. Ngoài ra, các quốc gia Hồi giáo lại chấp nhận chế độ “đa phu”.

Sau khi ly hôn với người chồng Hàn Quốc, người phụ nữ này đã tìm cách đưa người chồng mới và con cái sang Hàn Quốc định cư.

Xét thấy có nhiều điểm đáng nghi, Bộ tư pháp Hàn Quốc đã kiểm tra lại quá trình xét duyệt quốc tịch và kết luận người phụ nữ trên đã được cấp quốc tịch theo cách gian lận nên đáng bị tịch thu quốc tịch.

Người này sau đó đã đệ đơn kháng cáo với lý do, tại quê nhà cô ta không hề đăng ký kết hôn. Như vậy, xét về mặt giấy tờ, cô vẫn duy trì quan hệ hôn nhân hợp pháp với người chồng Hàn Quốc.

Toà án Hàn Quốc đã không chấp nhận đơn kháng cáo này vì pháp luật Hàn Quốc chỉ chấp nhận chế độ một vợ một chồng.

Bởi vậy, trong thời gian kết hôn, nếu có chứng cớ ngoại tình rõ ràng thì người vợ nước ngoài hoàn toàn có thể bị thu hồi quốc tịch tại Hàn Quốc.

Trước đó, sau nhiều vụ cô dâu Việt bị gặp thiệt thòi, Bộ tư pháp Hàn Quốc đã nới lỏng cơ hội cư trú cho cô dâu người nước ngoài, cho các cô dâu có cơ hội được quyền tự chứng minh về quyền nhập cư của mình tại Hàn Quốc.

Luật nhập cư trước đây của Hàn Quốc quy định chồng là người bảo lãnh thị thực và tình trạng nhập cư cho vợ cũng như khi xin gia hạn visa hoặc nộp đơn thường trú.

Những người vợ ngoại quốc cần được chồng bảo lãnh để có thể gia hạn lưu trú mỗi năm một lần. Nếu đã kết hôn được hơn hai năm, các cô dâu có thể nộp đơn xin nhập tịch. Thậm chí, ngay cả khi cô dâu đi phỏng vấn thi quốc tịch cũng phải có chồng đi kèm.

Điều này khiến đàn ông Hàn Quốc như được trao quyền kiểm soát số phận của vợ ngoại quốc bằng việc gây sức ép với họ trong vấn đề xin thường trú. Nhiều người suy nghĩ “Tôi bảo trợ cho vợ tôi sang sống bên này, thì vợ phải dưới trướng của tôi chứ không thể ngang hàng”. Khi cãi nhau họ sẽ nói những câu như “hãy về Việt Nam đi”.

Những người vợ ngoại quốc chỉ được quyền sinh sống hợp pháp tại Hàn Quốc mà không cần sự giúp đỡ của chồng trong trường hợp chồng chết hoặc bị bỏ rơi. Ngoài ra, khi vợ nước ngoài muốn ly dị chồng Hàn Quốc, họ phải đấu tranh trước tòa để chứng minh đó là lỗi của chồng.

Nếu có con, người vợ có thể xin ở lại để bảo trợ cho con, khi ấy cần chứng minh được năng lực kinh tế, điều kiện nuôi dạy con cái. Nhưng nếu không đủ điều kiện đó, vẫn có thể ở lại nhưng gia hạn visa một năm một lần với lý do thăm nuôi con – tức không sống với con – khi ấy phải có bằng chứng là hàng tháng vẫn đến thăm con và đang lao động kiếm tiền chu cấp cho con.

Trong trường hợp không có con chung thì khi chia tay, nếu không chứng minh được đối phương (chồng) là người có lỗi, việc gia hạn visa lưu trú cho cô dâu nước ngoài rất khó khăn.

Qua vụ án trên, có thể rút ra thêm một bài học khác là mặc dù đã xin được quốc tịch, nhưng nếu phát hiện ra bằng chứng ngoại tình rõ ràng thì người chồng vẫn có thể đâm đơn kiện để xét huỷ quốc tịch của cô dâu nước ngoài.

⇢ Những điều cần biết dành cho người đang cư trú ở Hàn Quốc:

Tổng hợp từ Segye

2 thoughts on “Lấy chồng Hàn nhưng cô dâu vẫn có nguy cơ bị huỷ quốc tịch vì lý do này

  1. Trần thị diệu loan viết:

    Cho em hỏi e kết hôn Hàn quốc giấy chứng minh được 2 năm nhưng em đã bỏ trốn vậy e có thể về Việt Nam không ạ

    1. Thông tin Hàn Quốc viết:

      Chào bạn! Nếu không vi phạm pháp luật Hàn Quốc bạn hoàn toàn có thể quay về Việt Nam nhưng sẽ khó nhập cảnh trở lại Hàn Quốc sau này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).