Nếu đạt điểm tối đa trong kỳ thi đại học, có chắc chắn các trường danh tiếng nhất Hàn Quốc sẽ mở rộng cửa chào đón bạn?

Hầu hết mọi người ai cũng đều nghĩ rằng, điểm số càng cao thì sẽ càng dễ vào được trường có chất lượng tốt. Nhưng thực tế không phải như vậy do tiêu chuẩn tuyển sinh mỗi trường mỗi khác.

Hãy cùng điểm qua danh sách những ngành học nào tại trường đại học nổi tiếng ở Hàn Quốc không xem điểm số là điều kiện tiên quyết nhé.

Tất cả các ngành của POSTECH – Đại học Khoa học và Công nghệ Pohang

POSTECH (포스텍 – 포항공과대학교) nổi tiếng là trường không xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi cố định của chính phủ. Trong suốt 10 năm qua, với mục đích tuyển chọn những học sinh ưu tú đến từ nhiều địa phương khác nhau, toàn bộ sinh viên của trường đều được chọn theo hình thức tuyển thẳng – 수시모집.

Hiệu trưởng Kim Do Yeon (김도연) đã chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn: “Kỳ thi đại học là một cuộc “cạnh tranh” để tìm ra những học sinh không mắc sai lầm. Để không bị mắc bẫy, các em đã phải luyện tập nhiều đến mức nào”.

Ông cũng làm rõ phương hướng mà POSTECH theo đuổi khi nhấn mạnh: “Học thi đại học chính là một khóa huấn luyện giết chết sức sáng tạo. Thật là vô lý khi gọi những em thi tốt là “nhân tài”, nhất là trong thời đại của cuộc cách mạng công nghiệp lần 4 này”.

Đó là lý do tại sao, ngay cả khi được điểm tối đa trong kỳ thi đại học, bạn vẫn không thể nộp đơn vào trường POSTECH.

Mặt khác, Bộ Giáo dục cho biết: “Nếu không tăng tỷ lệ tuyển sinh dựa theo kết quả kỳ thi đại học 2020 từ 30% trở lên, Bộ sẽ tạo áp lực bằng việc xem xét lại mức hỗ trợ tài chính”.

Tuy nhiên, nhà trường tiết lộ vẫn giữ nguyên chế độ tuyển sinh hiện hành và khẳng định không có lý do gì để thực hiện yêu cầu trên.

Khoa Thống kê Đại học Quốc gia Seoul

Đại học Quốc gia Seoul (서울대 통계학과) được thành lập năm 1946 và là một trong những trường đại học công lập đầu tiên của Hàn Quốc. Được xem là trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc, vì vậy, tất cả mọi thế hệ học sinh Hàn Quốc đều khát khao được học tập tại đây. Điểm đầu vào của trường rất cao và tỉ lệ chọi luôn ở mức khiến thí sinh “giật mình”.

Nếu tất cả các khoa của trường đại học Khoa học và Công nghệ Pohang chỉ áp dụng hình thức tuyển thẳng thì một số khoa của trường đại học Seoul cũng thực hiện phương pháp tuyển sinh này.

Trong đó, tiêu biểu nhất chính là thống kê – khoa chưa bao giờ xảy ra tình trạng thiếu sinh viên. Rất nhiều học sinh khối 12 mơ ước được trở thành sinh viên thống kê của trường khi mà triển vọng phát triển của ngành vô cùng tích cực.

Điểm phỏng vấn là điều mà đại học Seoul chú trọng hơn cả, đã có rất nhiều trường hợp phải từ bỏ giấc mơ đại học vì phỏng vấn không đạt. Như vậy, để có thể bước chân vào ngôi trường danh giá bậc nhất ở Hàn Quốc này, bạn cần chuẩn bị cho mình thêm cả những kỹ năng trả lời phỏng vấn bên cạnh kiến thức chuyên môn cần có.

Khoa Trị liệu nghệ thuật Đại học Nghệ thuật Daegu

Không tự tin với điểm thi đại học nhưng lại có năng khiếu và tình yêu nghệ thuật, bạn hãy mạnh dạn ứng tuyển vào trường đại học Nghệ thuật Daegu (대구예대 예술치료학과).

Trường được thành lập vào năm 1992, đào tạo nhiều ngành bao gồm nhiếp ảnh, mỹ thuật, âm nhạc, thiết kế… Với nhiệm vụ mang đến các cơ hội và dịch vụ chất lượng tốt nhất cho sinh viên, các giảng viên công tác tại trường luôn coi giáo dục là chìa khóa cho sự nghiệp, cống hiến hết mình nhằm tạo ra thế hệ họa sĩ, nhiếp ảnh gia tài ba cho đất nước.

Vì là nơi chuyên đào tạo về nghệ thuật, do đó sẽ có một số ngành đặc biệt, ngành mà tài năng của học sinh không thể phản ánh qua các con số. Trị liệu nghệ thuật là một ngành như vậy. Sinh viên sẽ được xét tuyển trên hai tiêu chí: học bạ (70%) và phỏng vấn (30%).

Ngoài ra, không chỉ có đại học Nghệ thuật Daegu, nhiều trường đại học khác cũng không sử dụng hình thức tuyển sinh truyền thống. Điển hình như đại học Daeshin ở thành phố Gyeongsan, tỉnh Gyeongbuk xét tuyển 100% bằng học bạ, hay phỏng vấn quyết đinh 40% kết quả tuyển sinh của đại học Woosong, Daejeon.

Không phải tất cả các trường đại học đều phải vượt qua kỳ thi đại học “khắc nghiệt” mới có thể vào được. Nếu tìm hiểu kỹ và nắm rõ tiêu chuẩn xét tuyển, bạn sẽ dễ dàng tìm được “bến đỗ” và tiến gần hơn với ước mơ của đời mình.

XEM THÊM: Cùng giải đề thi tiếng Việt trong kỳ thi đại học ở Hàn Quốc năm học 2020

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Thu Thảo Phạm

Chuyển hướng sang học tiếng Hàn là một quyết định chưa bao giờ khiến tôi thất vọng. Và cũng bắt đầu từ ngày đó, tình cảm tôi dành cho Hàn Quốc ngày càng trở nên sâu đậm hơn.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).