Nếu có một tài sản nào đó đáng để đầu tư nhất, thì đó chính là con người, đặc biệt là thế hệ trẻ – tương lai của mỗi quốc gia.

Cũng chính vì quan điểm đó, không ít bậc cha mẹ có xu hướng dồn toàn tâm toàn lực, chắt chiu từng đồng để đầu tư cho con cái của mình được đi du học, vươn ra thế giới và tiếp cận nền giáo dục tiên tiến.

Việc đi du học tại các nước phát triển và thu được gì sau đó là câu hỏi không dễ trả lời, bởi nó khác nhau với từng trường hợp. Có một điều chắc chắn, trừ những du học sinh có học bổng toàn phần, số còn lại, dù học tự túc hay học bổng bán phần thì số tiền gia đình phải bỏ ra cũng không hề nhỏ.

Cơn sốt du học không vì số tiền phải chi trả mà hạ nhiệt. Ở Hàn Quốc, xu hướng đưa con cái ra nước ngoài học tập đã có từ… thời Silla. Điều đó đủ để cho thấy sự quan tâm, đầu tư của các bậc phụ huynh cho con em của mình đến nhường nào.

Học giả Choi Chi Won khởi nguồn cho xu hướng du học thời Silla

Bán đảo Hàn Quốc có 5000 năm lịch sử. Dangun đã lập ra nước đầu tiên, Cổ Joseon, vào năm 2333 trước Công Nguyên. Sau đó Cổ Joseon lại chia thành ba vương quốc với tên gọi Goguryeo, Baekjae và Silla.

Ngay từ thời kỳ đầu thành lập, vương quốc Silla là vương quốc yếu thế nhất trong ba vương quốc, nhưng sau đó đã đủ lớn mạnh để thống nhất với hai vương quốc còn lại thành một thể chế duy nhất vào năm 676.

Sau khi thống nhất, Silla đã đẩy mạnh hoạt động giao thương với nước ngoài. Điều đó cũng góp phần không nhỏ vào việc hình thành tâm lý đi học ở nước ngoài để mở mang tầm mắt.

Hơn 1.100 năm trước, học giả Choi Chi Won (최치원, 857~?) của triều đại Silla đã có cơ hội để du học.

Năm 12 tuổi, ông du học tại Quốc Tử Giám (국자감), cơ quan giáo dục quốc gia của nhà Đường ở Trung Hoa. 6 năm sau đó, ông đã nhận được chức quan. Trong cuốn sách lịch sử Trung Quốc “Tân Đường thư (신당서)” đã giới thiệu “Khế Quyển Bút Canh” (계원필경, tên một tuyển tập thơ văn thời Silla) của Choi Chi Won.

Đó là tác phẩm duy nhất của người nước ngoài được giới thiệu tại Trung Quốc. Ngoài ra, “Loạn Hoàng Sào (황소의 난)” được viết vào năm 875 đã trở nên nổi tiếng đến mức sau này nhận được sự khen thưởng từ hoàng đế.

Vào thời điểm đó, phong trào du học đã bùng nổ không thua kém gì thời hiện tại. Theo ghi chép, mỗi năm có 216 người đi du học ở nhà Đường. Phần lớn là học sinh đi du học sớm do sự khắt khe của chế độ Lục đầu phẩm (6두품).

Trong xã hội Silla lúc bấy giờ, nếu xuất thân từ gia đình Lục đầu phẩm (chế độ đánh giá thân phận, phân tầng cao thấp theo huyết thống một cách nghiêm ngặt của Silla) thì dù có tài năng xuất chúng đến mấy cũng không thể bổ nhiệm vào các chức quan cao từ chức quan cấp 6 trong 17 cấp quan tước của Silla là Achan (Á Xan) trở lên.

Phương thức duy nhất để vượt qua rào cản của chế độ khắt khe là bằng con đường du học.

Năm 868, khi Choi Chi Won vừa tròn 12 tuổi, cha của ông là Choi Gyeon Il đã gửi ông sang nhà Đường của Trung Quốc để du học. Hiểu được nỗi lòng và kỳ vọng của cha, Choi Chi Won đã học hành rất chăm chỉ. Năm 874, Choi Chi Won đã thi đỗ trạng nguyên của Tân Cống khoa, khóa thi nhà Đường thực hiện dành cho người ngoại quốc.

17 năm sống tại Trung Quốc, trải qua nhiều lần thăng chức, đồng thời Choi Chi Won cũng trở nên nổi tiếng, được ghi danh trong cuốn “Đường Tống bách danh gia tập”, một cuốn sách tập trung tác phẩm của 100 văn nhân có tên tuổi thời Đường và thời Tống, trong khi nguồn gốc của ông không phải là người Trung Quốc.

Sau một thời gian dài cống hiến nơi xứ người, năm 884 Choi Chi Won đã lên đường trở về Silla với mong muốn được góp sức xây dựng cho nguồn cội nơi mình sinh ra.

Trở về nước, với những tư tưởng tiến bộ được học hỏi trong nhiều năm, Choi Chi Won không ngừng nỗ lực đưa ra chính sách cải cách. Chỉ có điều ở Silla thời điểm đó vẫn mang nặng tư tưởng về tầng lớp, Choi Chi Won vẫn bị ràng buộc bởi xuất thân nên ông không có cơ hội để hiện thực hóa mong ước của mình.

Những ý tưởng mà ông đề ra vốn không được xã hội Silla chấp nhận, khi sang đến thời Goryeo đã có cơ hội để phát triển rực rỡ. Điều đó cũng thể hiện cho tư tưởng cấp tiến, đi trước thời đại của Choi Chi Won, tiếc rằng lúc đương thời lại không được như ý nguyện.

Xu hướng du học thời hiện đại: Lý do và những hệ lụy phía sau

Từ thời Silla đã có những tư tưởng tiến bộ như cha của Choi Chi Won thì tất nhiên trong thời hiện đại, xã hội càng phát triển, khát khao đi học ở nước ngoài ngày càng mạnh mẽ hơn.

Một đứa trẻ phát biểu trôi chảy bằng tiếng Anh, nhận được những tràng pháo tay nhiệt liệt hưởng ứng từ những người bạn quốc tế khiến cho biết bao bậc cha mẹ ngưỡng mộ. Mỗi khi nhìn thấy cảnh tượng đó, họ không ngừng thốt lên: “Giá con tôi cũng được như vậy”. Và không ít phụ huynh coi đó là mục tiêu và con của mình phải đạt được.

Hơn 10 năm trước, mục đích lớn nhất của học sinh và các bậc cha mẹ ở Hàn Quốc khi gửi con cái ra nước ngoài học tập là để cải thiện năng lực tiếng Anh. Việc học tiếng Anh ở các quốc gia coi tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ (như Hoa Kỳ, Canada) sẽ tốt hơn rất nhiều so với việc học ở Hàn Quốc. Mỗi đứa trẻ được đắm mình trong môi trường ngôn ngữ hàng ngày, hàng giờ, buộc phải học để sinh tồn.

Những xu hướng này bây giờ đã trở thành câu chuyện cũ. Bởi vì bây giờ khả năng đào tạo tiếng Anh ở trong nước cũng đã tiến bộ rất nhiều. Trước đây, các trung tâm tiếng Anh trong nước chỉ là các trung tâm tiếng Anh để luyện thi đại học, tập trung vào nhóm đối tượng học sinh cuối cấp chuẩn bị thi. Còn hiện nay, số lượng các trung tâm tiếng Anh dạy kỹ năng nói và nghe đã tăng lên nhiều, học viên đủ mọi lứa tuổi theo học.

Nhiều em thậm chí còn chưa nói sõi tiếng mẹ đẻ nhưng đã được gia đình đầu tư học tiếng Anh. Giáo viên bản ngữ đến từ các quốc gia Anh, Mỹ, Úc… cũng rất nhiều. Người học không còn cần phải sang nước ngoài học tiếng Anh nữa.

Vì có môi trường trong nước đảm bảo cho việc học ngoại ngữ, sau năm 2010, số lượng học sinh đi du học từ nhỏ đã liên tục giảm, trường hợp học sinh trao đổi đã giảm từ 1.400 học sinh năm 2010 xuống còn 800 học sinh năm 2017.

Thời gian gần đây, nhiều phụ huynh có xu hướng gửi con cái ra nước ngoài với mục đích khác.

Điều mà phụ huynh quan tâm bây giờ, không phải là tiếng Anh nữa mà là việc vào học đại học. Việc bãi bỏ các trường trung học đặc biệt, thay đổi chính sách tuyển sinh đại học dường như đã làm tăng thêm nhu cầu tìm cách “lách luật”, cái đích cuối cùng cũng là vì “tương lai con em chúng ta”.

Các gia đình thượng lưu đã gửi con cái đến ngôi trường danh tiếng từ sớm cho đến khi hoàn thiện chương trình đại học, thậm chí là sau đại học ở Mỹ. Dù sao môi trường học tập ở phương Tây cũng đỡ áp lực hơn so với Hàn Quốc.

Còn với các gia đình trung lưu, do nguồn chi phí đắt đỏ nên con cái họ sẽ quay trở lại Hàn Quốc sau 1~2 năm học xong trung học. Chừng đó cũng đủ làm “bước đệm” để có đà thuận lợi hơn bước chân vào trường đại học trong nước.

Một sinh viên năm 2 trường đại học nữ ở Seoul, Moon (22 tuổi) du học Trung Quốc theo chân người cha đi công tác tại đây từ khi còn nhỏ. Moon đã trở về nước khi đang học năm nhất trung học phổ thông.

Sau khi về nước, chỉ cần học thêm một năm nữa là đến kỳ thi Đại học. Nghiễm nhiên Moon chắc chân vào trường Đại học với chính sách ưu tiên Hàn kiều. Chính bản thân Moon chia sẻ:

“Không giống như những học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Hàn Quốc, những người có lý lịch học ở nước ngoài từ nhỏ sẽ vào đại học một cách tương đối dễ dàng vì họ (phía trường Đại học) không quan tâm đến bài kiểm tra năng lực học tập và thành tích học tập của mình”.

Tương tự như Moon là trường hợp của Jeong (23 tuổi) đang theo học tại một trường đại học tư thục nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông tại Indonesia, Jeong nhập học vào trường đại học.

Việc nhập học đặc cách vào các trường đại học ở Hàn Quốc theo tiêu chuẩn công dân nước ngoài dễ dàng hơn rất nhiều so với việc tốt nghiệp trung học phổ thông ở Hàn Quốc và dự thi Đại học.

Điều đó dẫn đến ngày càng nhiều Hàn kiều, sau một thời gian học tập ở nước ngoài (chỉ cần không phải học ở Hàn Quốc thì đều được coi là nước ngoài, trong đó có các nước Đông Nam Á) quay trở về Hàn Quốc để giành suất vào Đại học.

Như chân lý của ông chủ tập đoàn Daewoo từng phát biểu: “Thế giới quả là rất rộng lớn và có nhiều việc phải làm”. Để đạt được ước mơ của mình, bạn phải mạnh dạn thoát ra khỏi vùng an toàn và đương đầu thử thách. Du học sớm không phải là sự lãng phí ngoại tệ. Đó là một khoản đầu tư tiết kiệm để trải nghiệm toàn cầu có giá trị cao hơn nhiều so với việc học tiếng Anh.

Thế nhưng thực tế, việc đưa con em sang nước ngoài để du học sớm chứa đựng cả một sự tính toán ở phía sau. Đó chính là cơ hội vào Đại học ở một đất nước vốn nổi tiếng là có kỳ thi khắc nghiệt như Hàn Quốc.

Một lý do không kém phần quan trọng tác động đến xu hướng xính bằng cấp ngoại đó là nhu cầu làm việc tại các tập đoàn lớn và sự công nhận trình độ trong môi trường Quốc tế. Bởi lẽ có một thực tế đáng buồn là nhiều người tốt nghiệp bằng nọ bằng kia trong nước nhưng khi đến một môi trường giáo dục tiên tiến, gần như sẽ phải đào tạo lại.

Điều này đang trở thành nền tảng cho khả năng cạnh tranh quốc tế của Hàn Quốc. Chương trình tuyển dụng nhân tài hàng năm từ tập đoàn Samsung có đến hơn 90% là du học nước ngoài. Tiến sĩ Yoo Ji Sung của Viện nghiên cứu kinh tế Samsung cho biết:

“Những nhân tài cốt lõi có công nghệ hàng đầu thế giới và có khả năng nuôi sống hàng chục ngàn người. Vì vậy không thể tránh khỏi việc có sự chênh lệch giữa bằng cấp trong nước và bằng cấp đào tạo ở nước ngoài”.

Hầu hết các công nghệ mới mà Samsung Electronics và Samsung SDI công bố đều là công nghệ đầu tiên hàng đầu trên thế giới, điều quan trọng là nó đều xuất phát từ nhân tài du học nước ngoài.

Thomas L. Friedman, tác giả của cuốn sách “Chiếc lexus và cây oliu (Lexus and Olive)” đã phân tích rằng xã hội hiện đại đã vượt qua thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Hiện nay là thời đại của Lexus, tức là thời đại toàn cầu hóa, trong đó mọi người không ngừng chiến đấu, vươn lên để theo kịp thời đại.

Đây là thời đại mà robot phải tập trung năng lực quốc gia vào các ngành công nghiệp tiên tiến như ôtô Lexus mà không được có bất kỳ khiếm khuyết nào. Trong hệ thống kinh tế thế giới được thống nhất như một, sự thành công hay thất bại của quốc gia phụ thuộc vào việc ai tạo ra “Lexus” tốt hơn.

Và Hàn Quốc đã rất nhanh nhạy với “Thời đại Lexus”.

Dốc lòng dốc sức vì tương lai của con nhưng phía sau là bao nỗi niềm khó nói

Năm 2000, Lee Min Yong (16 tuổi, trường trung học khoa học Thomas Jefferson) giành huy chương vàng tại cuộc thi Vật lý Quốc tế lần thứ 36. Lee cũng giành chiến thắng tại Đại hội máy tính Hoa Kỳ, được đề nghị tham gia Thế vận hội toán học và máy tính, nhưng anh đã chọn vật lý vì lịch trình phù hợp.

Joseph Kim (36 tuổi), một nhà khoa học Hàn Quốc tại Mỹ và đại diện của công ty sinh học VGX đã phát triển VGX-410 (một loại thuốc điều trị AIDS) và đang thử nghiệm lâm sàng, cũng đã di cư sang Mỹ vào năm 1981.

Joseph Kim chứng kiến sự thành công của công ty liên doanh công nghệ sinh học Gentech khi còn học trung học phổ thông. Điều đó thôi thúc anh quyết tâm theo học chuyên ngành công nghệ sinh học tại Đại học Pennsylvania. Sau khi nhận được bằng MBA tại trường Wharton năm 2001, anh thành lập công ty với các bạn.

Lee Min Yong hay Joseph Kim chỉ là hai trong số vô vàn ví dụ du học sinh quyết định ở lại định cư nơi xứ người sau thời gian học tập. Họ quen với nhịp sống hiện đại, họ cảm thấy mảnh đất đó là nơi trọng dụng và họ được thể hiện hết mình. Họ không muốn trở thành một Choi Chi Won tài năng nhưng bị trù dập bởi chính quê hương của mình.

Viện Phát triển Giáo dục Hàn Quốc cho hay số học sinh cấp phổ thông đi du học nước ngoài đã tăng từ hơn 2.000 em năm 1995 lên gần 30.000 em năm 2006. Con số này chưa bao gồm các sinh viên có bố mẹ làm việc hay nghiên cứu ở nước ngoài. Năm 2009, số du học sinh đã giảm xuống còn hơn 18.000.

Từ những năm 1960, số lượng sinh viên du học quyết định không trở về quê hương đã dao động từ 400~500 người/năm. Khi chính sách mở cửa hội nhập quốc tế trở nên thông thoáng hơn từ năm 1981, số lượng du học sinh tăng lên và số người ở lại nước ngoài cũng theo đó mà tăng lên cùng. Con số dao động từ 24.632 năm 1984 đến 187.683 năm 2004, cao hơn gần 8 lần.

Không giống những sinh viên Mỹ thường chờ đến hết trung học hoặc cao đẳng mới du học, 77% du học sinh Hàn Quốc ở Mỹ năm 2009 đang học cấp tiểu học hoặc trung học cơ sở. Du học sớm cũng tăng từ 3.573 năm 1996 lên 10.149 vào năm 2003.

Mặc dù có nhiều vấn đề kéo theo như gia đình ly tán, gánh nặng chi phí, tâm lý con em chưa được định hình ổn định, rõ ràng nhưng cha mẹ vẫn quyết tâm theo đuổi mục tiêu “tương lai tốt đẹp cho con cái” ở nước ngoài.


Theo kết quả khảo sát với 10.000 người vào đầu năm 2003, 35.7% trả lời rằng “Họ chấp nhận hy sinh, trở thành gia đình ngỗng để tương lai con cái họ được tốt đẹp hơn” và 32.6% trả lời rằng “họ sẽ nhập cư nước ngoài vì môi trường học tập của con cái”.

Như đã nói ở trên, đưa con em ra nước ngoài học cũng có thể là một yếu tố gây xung đột trong hôn nhân, nhất là khi người chồng phải ở lại, còn vợ con ra nước ngoài, hình thành nên những “ông bố ngỗng”.

Vì sao lại gọi đó là những “ông bố ngỗng”? Đó là danh từ mà người Hàn Quốc dùng để gọi những người đàn ông cho con học ở nước ngoài và để vợ sống cùng con. Độc giả quan tâm có thể xem bộ phim Độc Hành (A Single Rider) với sự diễn xuất của Lee Byung HunGong Hyo Jin. Bộ phim không thực sự thành công về mặt doanh thu nhưng ý nghĩa ẩn giấu phía sau khiến người xem nhói lòng.

Bộ phim xoay quanh nhân vật Kang Jae Hoon (do Lee Byung Hun thủ vai), một doanh nhân quản lý chi nhánh thành đạt, trong phút chốc sự nghiệp và tiền tài bỗng tan thành mây khói khi sàn chứng khoán khủng hoảng và công ty của anh phá sản. Hàng ngàn khách hàng bao gồm người thân bạn bè tin tưởng được anh tư vấn đầu tư vào những sản phẩm tài chính rủi ro cao đều mất trắng.

Trong giây phút tuyệt vọng, anh quyết định bay sang Úc để thăm vợ (do Gong Hyo Jin đóng) và con trai 8 tuổi, người mà anh gửi sang Úc từ hai năm trước với niềm tin họ sẽ được hưởng chế độ giáo dục, phúc lợi xã hội tiên tiến của đất nước đó, bất chấp việc bị vợ phản đối.

Khi sang tới nước Úc, anh vô tình nhìn thấy vợ mình vô cùng thân thiết với người hàng xóm người Úc tên Kris (do Jack Campbell đóng), một nhân viên công trình có con gái chừng tuổi con trai anh. Nghi ngờ vợ có tình riêng, thay vì trực tiếp đối mặt, anh lặng lẽ theo dõi cuộc sống của vợ và người hàng xóm.

Khi âm thầm theo dõi mối quan hệ vụng trộm giữa Soo Jin và Chris tại vùng ngoại ô yên bình, anh mới cay đắng nhận ra chính vòng xoáy quay cuồng tất bật, hối hả ở Seoul đã khiến anh đánh mất những gì quý giá nhất đời mình.

Ý định ban đầu là hướng đến sự hoàn hảo, tốt đẹp hơn, nhưng chính quyết định đưa vợ con ra nước ngoài lại dẫn đến hàng loạt bi kịch. Người vợ tìm đến một bờ vai khác làm điểm tựa trong những ngày cô đơn nơi xứ lạ, người chồng ra đi trong cô độc và nỗi ăn năn, day dứt trong lòng người vợ… Điều đó chắc hẳn sẽ ám ảnh người xem rất nhiều.

Giáo sư Cho Yong Hwan(조용환), khoa giáo dục tại Đại học Quốc gia Seoul từng nói: “Pizza là món ăn nước ngoài, nhưng người Hàn Quốc đã phát triển nó thành “Pizza khoai lang” phù hợp với thực tế Hàn Quốc và xuất khẩu nó ra nước ngoài. Không có lý luận nào về việc nhân tài Hàn Quốc đang học tập ở nước ngoài sẽ đóng vai trò là cỗ xe kéo nâng cao giá trị Hàn Quốc và gia tăng giá trị toàn cầu”.

Theo quan điểm này, những chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cho rằng môi trường học tập trong nước không hề thua kém gì so với nước ngoài. Điều quan trọng là chúng ta biết lĩnh hội, biến đổi những tinh hoa từ các quốc gia phát triển cho phù hợp bối cảnh quốc gia. Như thế, dù ở đâu, bạn cũng tồn tại và được phát huy hết khả năng của mình, nâng tầm giá trị bản thân cũng như góp ích cho xã hội.

Vấn đề trọng điểm là nằm ở tư duy, quan điểm của các ông bố bà mẹ. “Bụt chùa nhà không thiêng”, đến chừng nào mới hết cảnh “những gia đình ngỗng hoang?”

XEM THÊM: Đồng tiền Hàn Quốc, Giá trị & Ý nghĩa của những họa tiết trang trí

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).