Các bảng xếp hạng (BXH) âm nhạc là nơi tập hợp những bài hát xuất sắc nhất. Nó được tính toán tự động dựa trên lượt nghe ca khúc, xếp hạng thời gian thực, lượt tải bài hát… Do đó, nhiều người dùng BXH để tiếp cận với bài hát mới khi họ không có chủ đích nghe nhạc của một ca sĩ cụ thể nào.

Tuy nhiên, BXH ngày nay đã không còn là một “sân chơi lành mạnh” nữa. Thay vì những bài hát hay, xuất sắc, nhóm nhạc nào có đông fan, sản phẩm âm nhạc của nhóm đó tự khắc xếp hạng cao. Điều này dễ dàng lý giải: do họ có cộng đồng fan hùng hậu chỉ chờ sản phẩm phát hành để ùa vào streaming nhạc (phát trực tuyến).

Cuộc chạy đua thành tích này đã làm biến chất BXH âm nhạc. Dường như đây trở thành bảng vàng vinh danh nghệ sĩ đông fan hơn là vinh danh các bài hát hay. Các ca sĩ hay nhóm nhạc ít fan gần như không có cơ hội góp mặt, dù họ có làm ra sản phẩm tuyệt vời đến thế nào.

Giữa hoàn cảnh đó, một số nghệ sĩ và công ty lựa chọn phương án bất hợp pháp để đưa tên tuổi mình đến với công chúng. Sajaegi (사재기, nghĩa đen là đầu cơ tích trữ) là thuật ngữ chỉ hành động thao túng BXH âm nhạc cách bất chính. Không ít người đã lựa chọn con đường này.

SJ SINXITY Shin, cựu giám đốc sáng tạo của YG, nhà sáng lập của công ty riêng AXIS đã lên tiếng về nạn sajaegi trên Instagram cá nhân. Theo đó, ông nhận được một “bảng báo giá” cho các loại dịch vụ gian lận, gọi mỹ miều là “dịch vụ digital marketing”. Bảng giá này liệt kê dịch vụ thao túng nhiều BXH khác nhau, kèm theo đó là chi phí trên thời gian sử dụng.

Bảng giá được chia sẻ trên Instagram của giám đốc Shin

Ông còn chia sẻ: “Tuy không biết ai thực sự điều hành đường dây này, nhưng ông tin là “dịch vụ gian lận” thực sự tồn tại.

Một số “vụ án” nghi ngờ gian lận nhạc số

Số trường hợp các ca khúc của nghệ sĩ kém nổi tiếng bất ngờ xuất hiện lên trên BXH tại Hàn Quốc không phải hiếm. “Up & Down” của EXID đã vụt sáng trên BXH, cứu nhóm ngay trước bờ vực tan rã, sau khi fancam của Hani nổi lên.

Gfriend nhận được sự chú ý của công chúng sau tiết mục tại sân khấu trơn, khiến các thành viên trượt ngã đến gần chục lần. Thu hút được sự chú ý, ca khúc “Me Gustas Tu” nổi lên trên BXH sau ngày phát hành khá xa. Tuy vậy, đây là những trường hợp dễ hiểu và không có gì khúc mắc để nghi ngờ.

Fancam của thành viên Hani đưa “Up & Down” vào BXH, cứu nhóm trước bờ vực tan rã

Sân khấu đưa Gfriend đến gần với công chúng. Nhiều lần té đau, các thành viên vẫn tươi cười biểu diễn.

Dễ dàng khẳng định gian lận là nước cờ kém khôn ngoan, vì người hâm mộ sẽ nhanh chóng “nhìn thấu” đâu là kết quả giả, đâu là xếp hạng thật. Thậm chí, họ dường như còn nhạy cảm hơn với kết quả giả. Họ nghi ngờ cả các nghệ sĩ tên tuổi, miễn là thấy một chút “phi lý” trong BXH.

Những điểm phi lý thường gặp là nghệ sĩ có fandom nhỏ đạt xếp hạng cao hơn so với nghệ sĩ có fandom lớn; bài hát tăng hạng nhanh chóng trên BXH vào sáng sớm và buổi sáng (hay một mốc thời gian cụ thể nào đó, lặp đi lặp lại). Người hâm mộ K-Pop thường thuộc giới trẻ, nên khi tỷ lệ người sử dụng ở độ tuổi 40 ~ 50 cao, bài hát đó có thể đã gian lận.

Ngày 17/7/2018, ca khúc “Way Back Home” của Shaun, một ca sĩ có độ nhận diện không cao đánh bật Dance The Night Away (TWICE) và DU-DDU DU-DDU (Blackpink) dẫn đầu BXH âm nhạc. Điều này khiến cộng đồng mạng một phen nháo nhào bất bình vì nghi ngờ Shaun đã gian lận. Nhiều người để lại bình luận chửi bới ca sĩ và công ty khiến Shaun bị tổn thương tâm lý.

Way Back Home – Shaun

Ca khúc đứng đầu BXH, vượt mặt 2 nhóm nhạc có lượng fan hùng hậu là Twice và Blackpink

Dù vậy, nhiều fan bênh vực Shaun nhờ chất lượng của ca khúc. Thậm chí trong một video được đăng tải Shaun trình diễn bài hát tại một quán bar ở Seoul, khán giả đồng thanh hát theo, kể cả khi Shaun đã tắt nhạc và ngừng hát. Có thể nói, đây là một ca khúc đủ tư cách để trở thành một hit lớn.

Shaun hòa giọng cùng khán giả tại một quán bar ở Seoul

Video trên cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi về độ phổ biến thực sự của các BXH âm nhạc Hàn Quốc. Vì Shaun là DJ hoạt động độc lập, không có nghĩa sản phẩm âm nhạc của anh không hay và không được đón nhận.

Ca khúc “True Song” của Kassy được phát hành vào ngày 28/3/2019 đã bị dính nghi ngờ là sajaegi. Bài hát này luôn giữ hạng 11 vào ban ngày, nhưng lại nhảy lên chiếm lĩnh hạng 2 vào ban đêm. Đối với một nghệ sĩ nữ không mấy nổi tiếng, trụ hạng 11 trên Mellon là một việc chẳng hề dễ dàng.

True Song (진심이 담긴 노래) leo lên chiếm giữ hạng 2 BXH, chỉ sau Tae Yeon (trưởng nhóm SNSD)

Thời điểm bấy giờ, “Four Seasons” của Tae Yeon đang đứng vị trí đầu bảng, “당신과는 천천히” của Jang Beom June giữ vị trí thứ 2. Việc lý giải fan của cả 2 ca khúc này nghe nhạc vào ban ngày, vào ban đêm khi số người dùng ít đi, lại chỉ có “True Song” nổi lên là vô cùng khó tin. Hơn nữa việc nhảy hạng này diễn ra liên tục nhiều lần, khiến cộng đồng mạng không khỏi nghi ngờ.

Vì sao gian lận nhạc số vẫn xảy ra dù “lộ liễu”?

Dù dễ dàng bị nghi ngờ, nhưng nhiều ca sĩ vẫn lựa chọn cách làm không trung thực này.

Một trong các nguyên nhân được kể đến là: so với những gì bị mất, họ nhận lại được nhiều hơn. Họ bị fandom các ca sĩ khác chỉ trích, cũng nhờ đó, độ nhận diện trước công chúng được nâng cao.

Nhiều người có thói quen nghe nhạc ở BXH, sau đó sẽ tìm hiểu sơ về ca sĩ chủ nhân bài hát. Có thể nói, không phải ca sĩ vô danh nào cũng có thể xuất hiện trên BXH một lần nếu không gian lận. Vì đây là việc làm đòi hỏi thời gian dài, và rất nhiều sự nỗ lực.

Do đó, ca sĩ lựa chọn sajaegi để xuất hiện, sau đó cùng với việc “nhận gạch đá”, họ trở nên nổi tiếng hơn. Nếu bài hát của họ đủ sức thuyết phục, những sản phẩm sau của họ đương nhiên được chú ý.

Một nguyên nhân khác chính là, họ có thể “nhờ cậy” fandom của mình. Khi bị hỏi tới, công ty chỉ cần trả lời theo công thức như: chúng tôi không liên quan đến chuyện này, có lẽ các fan đã stream nhạc cho idol của họ.

Tiêu biểu của màn “ngồi không dính đạn” này là fandom của Song Ha Ye, khi cô bị đảng Jeongmin tố cáo gian lận nhạc số. Đảng Jeongmin (정민당) công khai bức ảnh được cho là lấy từ một người liên quan đến N Star Company, công ty chủ quản của Song Ha Ye. Bức ảnh này cho thấy công ty can thiệp vào BXH, khiến ca khúc “Your Regards” đạt thứ hạng cao.

Tuy nhiên, trả lời cho nghi vấn cáo buộc, công ty lại “mạnh dạn” đổ xuống đầu fan. N Star Company cho biết họ học theo fan stream nhạc cho idol và làm một cuộc thử nghiệm trên ca khúc “Your Regards” của Song Ha Ye. Tuy nhiên ngay từ lần nghe thứ 2, họ đã bị hệ thống chặn. Cuộc thử nghiệm thất bại và không làm ảnh hưởng đến thứ hạng của BXH. Có lẽ người hâm mộ đã thực sự stream ca khúc của Song Ha Ye.

Lời giải thích trên được dịp thu “gạch đá” về cho cả ca sĩ lẫn công ty. Nhiều cư dân mạng giải thích: chẳng ai ngố đến mức stream cho một thần tượng bằng một máy, cùng một lúc như thế cả. Họ cho rằng tất cả chỉ là bằng chứng giả công ty này tạo ra nhằm tiện “đối đáp” với giới nhà báo, đổ tội lên fan, trong khi sau lưng lại đi gian lận.

Dễ bị nghi ngờ, nhưng lại khó bị nắm đuôi thiệt sự. Đây chính là nguyên nhân lớn nhất khiến nhiều ca sĩ lựa chọn gian lận để nổi tiếng. Ngay cả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc (문화체육관광부) cũng cho biết chưa có cách nào để ngăn chặn các vụ gian lận trong BXH.

Sau nghi án gian lận nhạc số của Nilo và Shaun vào năm 2018, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã vào cuộc điều tra. Sau hơn 4 tháng, Bộ này công bố không có gian lận và chuyển vụ án cho một đơn vị khác để tiếp tục điều tra. Đến tháng 1/2019 công bố “자료 부족으로 판단이 어렵다” (Khó kết luận do thiếu dữ liệu).

Màn leo hạng khiến Nilo vướng vào tranh cãi thao túng BXH

Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Hàn Quốc cho biết tiếp tục cuộc điều tra bằng cách giao cho bên thứ ba phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, do nguồn dữ liệu bị hạn chế, khó có thể kết luận hành vi gian lận. (데이터 전문 분석업체 외 조사를 의뢰했지만, 해당 음원에 대한 자료들이 제한적이고 부족해 사재기 행위를 했는지를 판단하기 어렵다는 결론을 내렸다)

Một nguyên nhân nhức nhối khác khiến sajaegi khó bị phát hiện là “lượt tiếp cận ngầm” của sản phẩm âm nhạc. Khi người dùng muốn xem một video trên youtube hay facebook, họ phải xem quảng cáo trước. Và công ty giải trí lợi dụng điểm này để “tăng điểm” cho nghệ sĩ của mình.

Nhiều người có thói quen để video chạy liên tiếp, do đó không để ý các video quảng cáo. Vô tình, họ cũng vừa stream cho một nhóm nhạc. Nhiều người hâm mộ còn chia sẻ câu chuyện nực cười khi họ vào stream nhạc hoặc xem video của Idol nhưng lại gặp quảng cáo MV của chính idol đó.

Xem fancam của Izone, “tiện thể” xem luôn quảng cáo MV của nhóm

Tuy nhiên cách làm này có hạn chế, khi youtube hoặc facebook lọc hệ thống, các lượt “view ảo” này sẽ bị trừ đi. Dù vậy, không thể phủ nhận chạy quảng cáo là một cách hay để vừa tăng độ nhận biết, tăng điểm trên BXH, vừa “không lén lút hay bất hợp pháp”.

Cuối cùng, không thể đổ lỗi cho nguyên nhân khách quan, bởi nguyên nhân chủ quan từ chính nghệ sĩ và công ty giải trí chính là yếu tố quyết định. Quyết định lừa công chúng, chọn đường tắt của nghệ sĩ và công ty, có thể lý giải do sự khắc nghiệt của thị trường K-Pop hiện nay.

Các ca sĩ mới, từ công ty nhỏ, khó có cơ hội tiếp cận công chúng. Hơn nữa, số lượng nhóm nhạc được ra mắt mỗi năm như nấm, nhưng số người thực sự trụ lại đấu trường lại chẳng được bao nhiêu. Chính điều này có tác động không hề nhỏ đến quyết định của người làm nghệ thuật: thành thật để sống không biết tương lai, hay gian lận để vụt sáng.

Dù vậy, không thể phủ nhận sajaegi là hành động sai trái của nghệ sĩ, gây ảnh hưởng đến những nghệ sĩ “làm ăn chân chính” khác.

IU, nữ ca sĩ solo thành công, được cho là luôn có lợi thế trên các BXH đã từng lên tiếng về nạn sajaegi này: “Dù thế, nhưng làm ơn đừng (gian lận) như vậy” bằng Instagram cá nhân của mình. IU mong muốn các nghệ sĩ làm nhạc bằng khả năng và cạnh tranh công bằng trong thị trường âm nhạc đầy chông gai này.

BXH âm nhạc vào năm 2009 được cư dân mạng Hàn Quốc chia sẻ lại

Cư dân mạng Hàn Quốc đã nhiều lần “hoài niệm” về BXH âm nhạc những năm 2009, thời kỳ MXH còn nhiều chưa phổ biến. BXH khi đó thực sự là danh sách những bản nhạc hay. Nhiều người phải thốt lên: ai đã bày ra trò stream nhạc cho thần tượng vậy? Hãy trả lại BXH như ngày xưa cho chúng tôi…

Hiện tại, gần như chỉ idol nhiều fan mới có thể “đưa” bài hát của mình lên vị trí cao. Nếu một ca sĩ vô danh cho ra sản phẩm hay, lọt BXH tìm kiếm ở vị trí cao, lập tức sẽ bị nghi ngờ là gian lận nhạc số. Gian lận nhạc số đúng là lừa đảo quy mô lớn, nhưng có phải là nước cờ cuối cho đam mê của nghệ sĩ?

Ganh thành tích, đồng nghĩa với việc có gian lận. Thật khó để có thể thấy lại một lần nữa BXH gồm toàn bài hát chất lượng như xưa.

XEM THÊM: Homma – Nhân vật quyền lực giấu mặt của K-Pop

Tổng hợp từ NamuwikiThe Qoo

author-avatar

About Mai Huyên

Mình không biết tại sao lại thích Hàn Quốc. Có lẽ do ly kem mát lạnh và ngọt ngào đó; hay là buổi nắng rực rỡ nơi hòn đảo xinh đẹp; cũng có thể do cơn mưa hè, ngày mọi người nói 안녕 lần cuối.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).