Khái niệm Masternim không còn xa lạ gì đối với những người theo dõi K-Pop. Họ là những fan nhiệt huyết với Idol, có uy tín với cộng đồng fandom và được các fan khác tôn trọng.

Cộng đồng người hâm mộ quốc tế quen gọi “Masternim”, nhưng không mấy ai biết được “Homma” (홈마) là từ tiếng Hàn dùng để gọi riêng những fan này.

Homma có thật là một công việc “làm vì đam mê” và chỉ ngập tràn những điều thú vị? Bài viết này sẽ khai thác những khía cạnh độc đáo của Homma mà không phải ai cũng biết.

Bộ phim “Bí mật nàng fangirl” (그녀의 사생활) của đài TvN với sự tham gia của Park Min Young, đã khai thác những mặt thú vị về Homma

“Homma” – danh từ sinh ra dành cho những “người quyền lực mới”

Trong tiếng Hàn, người ta gọi các Masternim là “Homma” (홈마) (Hompage Master – 홈페이지 마스터). Đây là từ chỉ những người mang máy ảnh chuyên nghiệp đi theo chụp hình Idol. Nơi Homma “tác nghiệp” được gọi là Kong-chul-mok (sân bay, nơi đi làm, tan sở, tình cờ bắt gặp) (공출목: 공항, 출퇴근, 목격).

Homma bám theo lịch trình các buổi họp fan, radio, ghi hình các sân khấu âm nhạc, concert… của Idol họ yêu thích để chụp hình. Sau khi chỉnh sửa, những tấm ảnh lung linh của Idol được đăng lên website riêng do họ quản lý, thường là SNS như Twitter. Tại đây, các fan khác gọi họ là “Masternim”.

Cách gọi thêm -nim này đủ cho thấy tầm ảnh hưởng của Homma to lớn thế nào đối với fan và Idol. Công ty chủ quản để fan chờ mòn mỏi mới tung ra sản phẩm, hình ảnh Idol để thỏa mãn các fan vào các dịp đặc biệt. Trong khi đó Homma theo dõi và cập nhật tin tức thường xuyên, mang đến những bức hình độc quyền của Idol cách chân thực nhất.

Ở một khía cạnh tích cực, Homma giống như chiếc cầu nối giữa Idol và fandom. Thông qua Homma, các fan có thể cảm thấy Idol gần gũi, thân thuộc hơn. Nhờ đó, mức độ phổ biến của Idol cũng được gia tăng.

Homma được các fan khác ngưỡng mộ, kính trọng, được gần gũi Idol… Các Homma cao cấp còn được mời làm nhiếp ảnh gia, quay phim, quản lý website, lịch trình sự kiện cho Idol. Đây quả là một “nghề nghiệp” có mê lực lớn đối với rất nhiều fan hâm mộ.

Ngày càng có nhiều bạn trẻ muốn trở thành Homma. Nhưng trở thành Homma liệu có dễ dàng đến thế? Hãy cùng tìm hiểu độ “chịu chi” của các Homma cho công việc này.

Đầu tư khủng, làm vì đam mê

Trước tiên, Homma cần trang bị camera đủ xịn để có thể bắt được mọi khoảnh khắc của Idol, với chất lượng hình ảnh cao. Gần đây, máy ảnh được các Homma sử dụng thường là loại Full-Frame DSLR. Ống kính (lens) cũng phải thuộc hạng chuyên dụng, như loại 70-200 F2.8 có chức năng chống rung, giúp ổn định chất lượng hình ảnh.

Đại đa số camera được dùng để tác nghiệp là loại chuyên nghiệp mà giới nhà báo cũng phải ao ước. Những loại thường được chuộng như Canon ‘EF 70-200mm F2.8L IS II USM’, chiếc máy ảnh trong mơ của những người yêu thích chụp ảnh; hay Canon ‘EF 100-400mm F4.5-5.6L IS II USM’; hoặc Canon 1DX, 5D Mark III, 5D Mark IV…

Với những “vũ khí” chuyên nghiệp này, giá của một món second hand là từ 3 triệu KRW trở lên. Nếu mua máy mới, số tiền phải bỏ ra không dưới 4 triệu KRW. Trường hợp các Homma muốn trang bị lens 300mm, 400mm, họ phải chi số tiền lên đến chục triệu KRW.

Bên cạnh camera, Homma phải chuẩn bị sẵn thẻ nhớ, pin, ổ cứng ngoài, stroboscope, chân máy… Tổng trị giá những vật dụng hỗ trợ này vào khoảng 500.000 ~ 1.000.000 KRW, đôi khi còn vượt qua con số này.

Chưa dừng lại ở đó, phần lớn Homma sử dụng trên 2 máy ảnh khi đi tác nghiệp. Tùy vào tình hình hiện trường, “thế trận” ra sao, họ sẽ mang một số lens phù hợp nhất. Họ chuẩn bị nhiều thiết bị để đề phòng những trường hợp bất trắc xảy ra: vỡ lens, làm rớt máy khi chen chúc…

Sau trang thiết bị tối tân, điều kiện tiếp theo một Homma phải đáp ứng chính là sức khỏe. Họ phải theo Idol và cạnh tranh với các Homma khác, nhưng đó chưa phải là hết. Trang thiết bị “vác theo” trong một lần theo chân thần tượng nặng như cả balo quân trang.

2 máy ảnh trở lên, một vài ống kính phù hợp, chân máy, pin, những thiết bị hỗ trợ khác, thậm chí cả thang xếp khi cần thiết. Một người thể trạng không tốt không thể vác theo “quân trang” này, chen chúc giữa các Homma khác mà vẫn cho ra bức ảnh đẹp.

Ngoài ra, các Homma sau khi chụp ảnh luôn chỉnh sửa trước khi “phát hành” sản phẩm. Họ sẽ phải trả phí hàng tháng cho các phần mềm chỉnh sửa hình ảnh. Ngoài ra, máy tính của Homma cũng phải đảm bảo thuộc hàng mạnh, có khả năng chạy các phần mềm chuyên dụng với cường độ cao.

Chi phí “đu Idol” cũng là một phần không hề nhỏ. Homma phải thường xuyên, thậm chí luôn luôn tham gia các sự kiện ở địa phương, họp fan, concert… Do đó, kinh phí họ bỏ ra đương nhiên lớn hơn rất nhiều so với fan thông thường.

Khi tham gia concert, Homma không đơn thuần là người thưởng thức âm nhạc. Họ phải bỏ ra số tiền lớn để có được vị trí thuận tiện nhất: gần sân khấu, góc chụp đẹp, dễ bắt khoảnh khắc… Ở các sự kiện khó săn vé, Homma thậm chí phải mua lại vé từ người khác (vé chợ đêm) với giá trên trời.

Đối với trường hợp sự kiện địa phương, hoặc chụp hình Idol đi làm, tan sở, Homma cũng phải chi kha khá cho phí đi lại. Số tiền này nhiều hoặc ít tùy thuộc vào nơi mà Homma sống xa hay gần nơi Idol xuất hiện.

Đặc biệt, những Homma theo chân Idol tại các sự kiện ở nước ngoài sẽ phải chi thêm tiền vé máy bay, khách sạn… Hơn nữa, các sự kiện lớn tại ngoài nước luôn ẩn chứa mối nguy hiểm nhất định cho Homma. Họ không biết rõ về nơi đất khách quê người, lại mang theo những trang thiết bị đắt đỏ, dễ trở thành mục tiêu của tội phạm.

Không chỉ tiền của, các Homma dành gần như toàn thời gian cho thần tượng. “Mai phục” tại nơi tổ chức sự kiện, theo chân thần tượng đi làm, tan sở… Sau khi tác nghiệp thì chỉnh sửa cho Idol “lung linh” nhất có thể. Đây không phải là một công việc đơn thuần chỉ “bỏ vốn” ra là có thể làm.

Hết lòng vì thần tượng, lấy tiền ăn đâu ra?

Không chỉ riêng hình ảnh, việc sưu tầm goods, các vật phẩm dựa trên Idol ngày một phổ biến. Cùng với đó, thị trường Homma cũng phát triển nhanh chóng. Các Homma bắt đầu tự làm goods, và bán chúng trên SNS như Twitter, Instagram …

Khái niệm “Homma” mới chỉ xuất hiện thời gian gần đây, chỉ những fan nhiệt huyết đi theo chụp hình Idol và chia sẻ chúng. Nhưng gần đây, Homma đã trở thành nhà kinh doanh. Họ bán các vật phẩm đa dạng về Idol như ly, eco-bag, lightstick (gậy cổ vũ)… Doanh thu từ công việc này từ khoảng vài trăm ngàn, hoặc có khi lên đến hàng chục triệu KRW.

Một Homma nổi tiếng bán sách ảnh (photo book) do họ tự sưu tập với giá khoảng 50.000 KRW. Cũng có khi họ tự tổ chức triển lãm tại phòng trưng bày, với giá vé khoảng 10.000 KRW/ người. Thời gian gần đây, có nhiều Homma vẽ lại Idol theo phong cách nhân vật truyện tranh, hoạt hình… và bán sản phẩm đó.

Hankook Ilbo viết về quá trình “đầu tư” của Homma Lee (24 tuổi). Lee dành 1 năm để chuẩn bị xin việc, đến cuối năm 2015, Lee đầu quân doanh nghiệp lớn. Từ một người không ai biết đến, Lee mơ ước trở thành một Homma nổi tiếng.

Vừa nhận được tháng lương đầu tiên, Lee đầu tư vào camera pháo (loại máy ảnh có ống kính hiệu suất cao) và phần mềm chỉnh sửa ảnh. Cũng vào năm đó, Lee kiếm được doanh thu khủng từ công việc “làm vì đam mê” này.

Lee đăng tải thông tin bán placard (thẻ thông báo nhỏ) được thiết kế có hình nhóm nhạc yêu thích với giá 13.000 KRW/ thẻ lên homepage. Ngay sau đó, Lee nhận được 100 đơn hàng. Trừ đi chi phí sản xuất, Lee thu được 500.000 KRW cho lần bán thẻ này.

Chia sẻ với Hankook Ilbo, Lee cho biết: “Dù chưa phải là Homma nổi tiếng, nhưng tôi thu được 500.000 KRW ngay trong lần bán đầu tiên, thật bất ngờ”.

Vào tháng 6/2019, một tài khoản Twitter đã đăng dòng thông báo “bán slogan mùa hè năm 2019”. Người này tự nhận là Homma của BTS và hiện có hơn 400.000 người theo dõi. Kèm theo thông báo này là một tấm ảnh biểu diễn của thành viên BTS, đã qua chỉnh sửa.

Slogan là sản phẩm fan dùng để cổ vũ thần tượng khi tham gia concert, thường được thiết kế bằng hình của Idol. Giá của loại vật phẩm này giao động từ 10.000 ~ 30.000 KRW tùy loại. Người mua chỉ cần để lại thông tin không công khai trên Twitter và nộp tiền, họ sẽ nhận được hàng trong vòng 1 tháng.

Người hâm mộ thường thích sản phẩm do Homma làm ra hơn là những sản phẩm chính thức do công ty quản lý bán. Do Homma làm sản phẩm lưu niệm từ những hình ảnh “hiếm” của thần tượng, là những thứ không thể mua được tại cửa hàng chính thức.

Một fan độ 20 tuổi đã chia sẻ với báo DongA: “Sản phẩm do Homma làm ra vừa đẹp, lại đa dạng hơn rất nhiều so với công ty chủ quản. Vậy nên so với cửa hàng chính thức, goods Homma làm được yêu thích hơn”.

Các goods không chính thức này do Homma tự tay chụp hình, chỉnh sửa, và thiết kế nên. Khâu sản xuất được giao cho doanh nghiệp chuyên dụng khác. Giá thành của sản phẩm thường mắc gấp đôi “hàng xịn” do công ty quản lý phát hành.

Cơn sốt Hallyu đang lan mạnh ra toàn thế giới. Thị trường của Homma không chỉ gói gọn tại Hàn Quốc, mà còn mở rộng ra nhiều nước khác. Thu nhập một năm của những Homma nổi tiếng theo Idol có fandom lớn lên đến hàng chục triệu KRW.

“Nghề Homma” vừa có thu nhập khủng, lại được gần gũi Idol, nhưng không phải là việc ai cũng có thể làm. Ngoại trừ khoản đầu tư khủng, sức khỏe tốt, họ còn có tình cảm vô cùng lớn với thần tượng.

Đã có rất nhiều Homma từ bỏ công việc này vì không còn giữ được nhiệt huyết, bận lo cho gia đình, cuộc sống riêng… Hơn nữa, ở một góc độ khác, có nhiều vấn đề tiêu cực xảy ra quanh các Homma như xâm phạm sinh hoạt cá nhân của Idol, vi phạm bản quyền…

Bạn nghĩ sao về “công việc vì đam mê” này?

Tổng hợp từ Hankook Ilbo, Donga, DaumDigital Times

author-avatar

About Mai Huyên

Mình không biết tại sao lại thích Hàn Quốc. Có lẽ do ly kem mát lạnh và ngọt ngào đó; hay là buổi nắng rực rỡ nơi hòn đảo xinh đẹp; cũng có thể do cơn mưa hè, ngày mọi người nói 안녕 lần cuối.

One thought on ““Homma” – nhân vật quyền lực giấu mặt của K-Pop

  1. SrMai Trang viết:

    Bài hay.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).