“Những lời hứa về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên mà Chủ tịch Kim Jong Un đưa ra với 80 triệu dân không thể rút lại. Bắc Hàn không nên cắt liên lạc, tăng căng thẳng và quay lại thời kỳ đối đầu trước đây”.

Đó là lời phát biểu của tổng thống Moon Jae In ngày 15/6, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều (15/6/2000). Ông Moon cho rằng không thể “đảo ngược lời hứa với 80 triệu dân” về hòa bình trên bán đảo Hàn Quốc.

Tuy nhiên, dường như hành động Bắc Hàn cho nổ văn phòng liên lạc hai miền Nam – Bắc chỉ một ngày sau bài phát biểu của tổng thống Moon (ngày 16/6/) đã khiến “giọt nước tràn ly”.

Văn phòng liên lạc hai miền Nam – Bắc do Hàn Quốc đầu tư 20 tỉ KRW tu sửa đã bị đánh sập vào 14:49 phút ngày 16/6.

Ngay sau sự việc này, Phủ tổng thống Hàn Quốc đã nhận định: hành động của miền Bắc là tuyệt đối không thể chấp nhận, chưa từng có trong tiền lệ quan hệ hai miền. Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc và kịch liệt phản đối động thái trên và tuyên bố Bắc Hàn sẽ phải chịu toàn bộ trách nhiệm về những tình huống phát sinh sau này.

Nguyên nhân Bắc Hàn phá huỷ văn phòng liên lạc hai miền Nam – Bắc

Gây sức ép với Seoul

Các bước đi của Bình Nhưỡng gần đây, như chỉ trích gay gắt Seoul và đơn phương cắt đứt các kênh liên lạc hai miền không khỏi khiến người dân Hàn Quốc và toàn thế giới kinh ngạc. Đặc biệt, những động thái này diễn ra trước thềm kỷ niệm 20 năm Tuyên bố chung liên Triều 15/6/2000 đã làm sụp đổ niềm hy vọng về hòa bình bán đảo Hàn Quốc.

Cần lưu ý việc các đoàn thể người Bắc Hàn đào tẩu thả bóng bay đã có từ những năm 2000 chứ không phải là việc mới phát sinh trong thời gian gần đây.

Một số chuyên gia chính trị cho rằng, Bắc Hàn đang mượn cớ việc truyền đơn để gây sức ép lên Seoul cho các mục tiêu chiến lược.

Bà Duyeon Kim, chuyên gia từ tổ chức nghiên cứu chính tị quốc tế International Crisis Group cho rằng Bình Nhưỡng đang cảm thấy bị phản bội bởi Seoul từng dự đoán Mỹ sẽ dỡ bỏ một số lệnh cấm vận để đổi lại miền Bắc đóng cửa các cơ sở hạt nhân. “Bắc Hàn thất vọng bởi Seoul đã không làm gì để thay đổi tình hình và đang một lần nữa yêu cầu Seoul tránh khỏi các cuộc đàm phán hạt nhân với Washington”, bà Kim nhận định.

Ngoài ra, Bắc Hàn cũng muốn Hàn Quốc khôi phục hoạt động của tổ hợp công nghiệp Gaesung. Hoạt động từ tổ hợp công nghiệp này duy trì một nguồn lợi nhuận cho Bắc Hàn nhưng đã bị đình trệ từ năm 2016 sau vụ thử vũ khí hạt nhân của Bắc Hàn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh các lệnh cấm vận quốc tế của Liên Hợp Quốc vẫn đang siết chặt với Bình Nhưỡng, Hàn Quốc hoàn toàn bị “trói tay” trong triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế với Bắc Hàn, bất kể giới lãnh đạo tại Seoul có tính toán như thế nào.

Lôi kéo sự chú ý của Mỹ

Các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Bắc Hàn đã đóng băng và hầu như không có tiến triển kể từ tháng 3/2019, sau khi Hội nghị thượng đỉnh lần 2 đổ vỡ do bất đồng về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un gặp nhau tại Singapore năm 2018. Ảnh: AFP.

Tuy không đạt được kết quả cụ thể nào trong đàm thoại với Bắc Hàn, nhưng tổng thống Trump lại tuyên bố với báo giới rằng “không còn đe doạ hạt nhân nào từ Bắc Hàn”. Ngoài ra, Trump đang phải chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, phải đối mặt với các cuộc khủng hoảng về đối nội và dịch bệnh COVID-19 nên rõ ràng Bắc Hàn không phải là mối quan tâm của tổng thống Trump vào lúc này.

Về phía Bắc Hàn, mặc dù từ đầu năm 2020 đã tiến hành 5 vụ thử vũ khí, nhưng không có thêm vụ thử hạt nhân hay tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nào vì những hạng mục này vốn được coi là giới hạn đỏ mà Mỹ đưa ra.

Rõ ràng, Bắc Hàn muốn “tạo căng thẳng” lên Mỹ để hoàn thành cuộc đàm phán còn bỏ ngỏ và đã chọn quân cờ là khiêu khích Hàn Quốc, đồng minh quan trọng hàng đầu của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Liệu có khả năng tấn công Seoul?

Theo các chuyên gia, việc Bắc Hàn cho nổ tung văn phòng liên lạc hai miền Nam – Bắc nhằm gia tăng áp lực cho Hàn Quốc và tiến tới hủy bỏ tất cả những thỏa thuận đã đạt được với chính quyền Tổng thống Moon.

Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại khu phi quân sự liên Triều. Ảnh: AP.

Ngay sau khi cho đánh sập văn phòng liên lạc hai miền Nam – Bắc, Bắc Hàn lại có động thái mới khi điều động quân đội tới khu công nghiệp Gaesung và khu nghỉ dưỡng chung ở phía tây núi Geumgang. Ngoài ra, Bắc Hàn còn cho huấn luyện quân đội dồn dập ở khu vực phía biển Tây, khu vực giáp ranh biên giới.

Khu công nghiệp Gaesung chỉ nằm cách Seoul 66km về phía Tây.

Những điều này nằm trong kế hoạch mà Kim Yo Jong đã phát ngôn từ trước đó: sẽ cắt đứt quan hệ với Hàn Quốc và dùng quân đội để đối mặt với “kẻ thù”. Không chỉ thế, ngôn luận Bắc Hàn còn đưa tin sẽ “biến Seoul thành biển lửa”.

Các chuyên gia cho rằng, Bắc Hàn chắc chắn sẽ có hành động, bao gồm hành động quân sự, vì tuyên bố của Kim Yo Jong không chỉ được đăng trên các ấn phẩm báo tiếng Anh cho độc giả nước ngoài mà cả trên báo Rodong Sinmun của đảng Lao động Bắc Hàn và các ấn phẩm khác dành cho độc giả trong nước.

Tuy nhiên, Bắc Hàn sẽ không đi xa đến mức có hành động khiêu khích lớn, như tấn công trực tiếp Hàn Quốc, phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa hay thực hiện một vụ thử hạt nhân nữa.

Giáo sư Lim Eul Chul (Viện Nghiên cứu Viễn Đông, Đại học Kyungnam) cũng cho rằng: “Mức độ phản ứng của Bắc Hàn sẽ phụ thuộc vào hành động của chính phủ Hàn Quốc. Bằng cách tuyên bố sẽ có “bước đi tiếp theo”, họ đang sử dụng chiến tranh tâm lý để tạo căng thẳng nhằm đạt được điều họ muốn”.

Nhà nghiên cứu này dự đoán Bình Nhưỡng có thể tháo bạt phủ dàn pháo đặt ven biển phía tây để thể hiện rằng họ sẵn sàng khai hoả, nhằm gây sức ép lên Seoul. Nhưng ông cũng cho rằng, Bắc Hàn khó có khả năng thực hiện những vụ tấn công nghiêm trọng như vụ đánh chìm tàu Cheonan hay pháo kích đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc.

Hiện tại, Hàn Quốc đã có những bước xử lý đầu tiên như: cắt điện cung cấp cho Văn phòng liên lạc hai miền Nam – Bắc tại Gaesung, huy động quân đội và các trang bị giám sát cả trên không và trên biển, theo dõi chặt chẽ 24/24 các động thái của quân đội Bắc Hàn tại cả khu vực biên giới.

Quân đội Hàn Quốc đang lên đối sách đối phó theo từng giai đoạn tùy theo các động thái khiêu khích tiếp theo của nước này. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã đưa ra lập trường chính thức là duy trì trạng thái sẵn sàng chiến đấu, đối phó quyết liệt nếu Bắc Hàn khiêu khích quân sự. Trong khi đó, quân đội Mỹ cũng đang chuẩn bị điều động trang thiết bị trinh sát, giám sát các bước đi tiếp theo của Bình Nhưỡng.

Phản ứng của người dân Hàn Quốc

Trái với lo ngại diễn ra “chiến tranh” của dư luận quốc tế, người dân Hàn Quốc chỉ tỏ ra bất mãn trước các phát ngôn ngông cuồng và hành động phá hoại tài sản của Bắc Hàn chứ không hề tỏ ra lo lắng về nguy cơ chiến tranh.

Có một bộ phận người dân phê phán chính phủ đã quá “nhún nhường” trong nước cờ ngoại giao với Bắc Hàn và lãng phí của công để đầu tư cho những dự án chung hai miền mà không đạt được thành quả nào.

Mặc dù vậy, sự thăng trầm trong quan hệ giữa hai miền là một lịch sử đã lặp đi lặp lại trong nhiều thập niên. Ít nhất là dưới quyền của tổng thống Moon Jae In, khả năng xung đột vũ trang trên bán đảo Hàn Quốc là rất thấp.

Tổng thống Moon đã miêu tả về quan hệ giữa hai miền: “Con đường hai miền Nam – Bắc phải đi là rất rõ ràng. Giống như dòng sông có lúc uốn lượn, nhưng cuối cùng đổ về biển cả, miền Nam và miền Bắc phải giữ vững niềm tin lạc quan, có những bước đi hướng về hòa giải, hòa bình và thống nhất dân tộc”.

Nguyên văn thông cáo của Phủ tổng thống ngày 17/6/2020:

문재인 대통령은 지난 15일 6·15 공동선언 20주년 기념사 등을 통해 현 상황에 대해 언급했습니다.

Tổng thống Moon Jae Jin đã đề cập tới tình hình hiện tại trong bài phát biểu nhân dịp kỷ niệm 20 năm tuyên bố chung liên Triều ngày 15/6/2020.

전쟁의 위기까지 어렵게 넘어선 지금의 남북관계를 후퇴시켜서는 안 되며 남과 북이 직면한 난제들을 소통과 협력으로 풀어나가자는 큰 방향을 제시한 것이었습니다.

Hai miền Nam – Bắc đã có nhiều nỗ lực để cùng đi đến thoả thuận đình chiến, cứu bán đảo Hàn Quốc khỏi nguy cơ chiến tranh nên không thể dễ dàng phá bỏ những thành tựu mà hai bên đã cùng xây đắp trong suốt thời gian qua. Vì vậy, tổng thống đã chỉ thị phương án hai miền cùng đối thoại và hợp tác để giải quyết những bài toán hiện tại.

그럼에도 불구하고 북측이 김여정 제1부부장 담화에서 이런 취지를 전혀 이해하지 못하고 매우 무례한 어조로 폄훼한 것은 몰상식한 행위입니다.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Ủy ban tuyên truyền đảng Lao động miền Bắc Kim Yo Jong đã bỏ qua thiện chí này, có những phát ngôn vô lễ và thiếu hiểu biết.

이는 그간 남북 정상 간 쌓아온 신뢰를 근본적으로 훼손하는 일이며 북측의 이러한 사리 분별 못 하는 언행을 우리로서는 더이상 감내하지 않을 것임을 분명히 경고합니다.

Đây là hành vi phá hoại những thành quả hai miền đã tạo dựng trước đây và Hàn Quốc sẽ đáp trả mạnh mẽ nếu Bắc Hàn tiếp tục đưa ra những phát ngôn hay hành động quân sự mang tính khiêu khích như trên.

북측은 또한 우리 측이 현 상황 타개를 위해 대북 특사 파견을 비공개로 제의했던 것을 일방적으로 공개했습니다.

Bắc Hàn cũng đã công khai từ chối việc Hàn Quốc đề nghị cử đặc phái viên sang Bình Nhưỡng để nắm bắt tình hình giải quyết việc rải truyền đơn.

이는 전례 없는 비상식적 행위이며 대북 특사 파견 제안의 취지를 의도적으로 왜곡한 처사로서 강한 유감을 표명합니다.

Chính phủ Hàn Quốc bày tỏ lấy làm tiếc sâu sắc trước những hành vi xuyên tạc, hoàn toàn chưa từng có trong tiền lệ này.

최근 북측의 일련의 언행은 북측에도 도움이 되지 않을 뿐만 아니라 이로 인해 발생하는 모든 사태의 결과는 전적으로 북측이 책임져야 할 것입니다.

Hàn Quốc nhấn mạnh, một loạt những phát ngôn gần đây của Bắc Hàn hoàn toàn không có tác dụng hoá giải tình hình và Bắc Hàn sẽ phải chịu mọi trách nhiệm cho những hậu quả phát sinh.

특히 북측은 앞으로 기본적인 예의를 갖추기 바랍니다.

Đặc biệt, mong Bắc Hàn hãy giữ phép tắc tôn trọng tối thiểu trong các phát ngôn và hành xử sắp tới!

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).