“Cho dù có cố gắng học tiếng Hàn, tìm hiểu văn hoá Hàn thật nhiều đi nữa… Thì rốt cuộc bạn cũng chỉ là người nước ngoài ở đây mà thôi. Mãi mãi là như vậy”.

Giảng viên tiếng Anh đến từ Canada chia sẻ với phóng viên kèm theo một nụ cười buồn. Anh gọi đó là hiện thực phải chấp nhận khi được hỏi về cuộc sống của những người nước ngoài tại Hàn Quốc.

Rào cản ngôn ngữ

Theo một báo cáo được thực hiện vào năm 2018, có đến 47.2% sinh viên quốc tế đang theo học tại Đại học Quốc gia Seoul, cơ sở giáo dục hàng đầu cả nước không theo kịp bài giảng ở lớp tiếng Hàn.

Mặc dù họ là những sinh viên ưu tú, đã nhận được học bổng Chính phủ và đang theo học chương trình ngôn ngữ để chuẩn bị cho lớp chuyên ngành, tiếng Hàn vẫn là quá khó đối với người nước ngoài.

IMG_256

“Tôi có một kỉ niệm vui với tiếng Hàn như thế này” – một nữ sinh viên từ Malaysia chia sẻ – “Tôi rất nhanh đói bụng. Và lúc mới bắt đầu học tiếng thì tôi cứ cố nói tôi đói bụng bằng tiếng Hàn”.

“Tuy nhiên, thay vì nói 배고파 (tôi đói) tôi lại cứ liên tục 보고 싶어 보고 싶어(em nhớ anh) với những bạn cùng nhóm thực hành. Trớ trêu là nhóm của tôi lại toàn con trai nữa chứ. Bạn thử tưởng tượng một cô gái nước ngoài cứ liên tục nói em nhớ anh em nhớ với một nhóm người Hàn toàn con trai xem”.

Một số người nước ngoài cũng phản ánh về việc bị “gài” vào thế khó do không thạo tiếng Hàn.

“Mới đây thôi tôi đã gặp rắc rối với một tài xế taxi” – doanh nhân đến từ Châu Âu vừa cười vừa lắc đầu ngao ngán – “Tôi nhờ anh ta chở từ ga Yongsan đến Itaewon. Tôi thấy rất rõ ràng anh ta đi lòng vòng, tôi thấy bảng Ga Yongsan cứ vụt qua trước mắt tới mấy lần cơ mà”.

“Lúc xuống xe, anh ta đòi tôi 17.000 KRW (~330.000 VND). Tôi nhất quyết nói không và chỉ đưa 6.000 KRW (~120.000 VND) thôi. Tôi đã ở Hàn được 4,5 năm rồi và cũng đi taxi từ Yongsan đến Itaewon suốt, chả bao giờ giá xe quá bấy nhiêu tiền”.

“Tất nhiên là anh ta làm ầm lên và đòi báo cảnh sát. Nhưng tôi cũng thẳng thắn nói anh ta cứ việc mời, tôi sẵn sàng lên đồn giải thích. Đến thế anh ta mới chịu thôi”.

Loạt câu hỏi lạ lùng

“Bạn bao nhiêu tuổi. Bạn có bạn trai chưa. Tại sao bạn vẫn chưa có bạn trai ?” – những câu hỏi này được người nước ngoài xếp vào hàng “kinh điển” khi nói về việc giao tiếp với người Hàn Quốc.

“Tôi không hiểu tại sao họ nhất định cứ phải hỏi những câu như vậy vào lần gặp mặt đầu tiên” – Chris, một thầy giáo tiếng Anh cho biết. “Họ thậm chí còn khai tuổi giả. Có những người cứ chăm chăm hỏi tuổi của tôi cho bằng được. Nhưng đến khi tôi hỏi ngược lại tuổi họ thì họ lại nói đó là bí mật…”.

Thậm chí, có những trường hợp người nước ngoài bị tiếp cận bởi những người mang mục đích không rõ ràng (quảng cáo, truyền bá tôn giáo…) cùng những câu hỏi “khó đỡ”.

“Tự dưng người đó lại gần rồi nói với tôi thế này. Này anh, tôi biết một chuyện động trời lắm. Nếu anh muốn nghe thì mời tôi cà phê đi, tôi sẽ kể cho” – anh chàng sinh viên từ Campuchia nhớ lại – ” Phản ứng của tôi lúc đó là nghệch mặt ra rồi nói, tại sao tôi lại muốn nghe chuyện đó chứ”.

Những định kiến đau lòng

“Người da đen thì không được làm việc ở khách sạn sao” – anh A kể lại câu chuyện xin việc của mình trong nước mắt. Được biết, anh đến xin làm việc tại phòng giặt là của một khách sạn và đã được nhận.

Tuy nhiên, vào ngày hôm sau, anh lại đột nhiên nhạn được tin nhắn từ quản lí khách sạn báo lại là mình không cần đi làm nữa.

“Nếu anh đi làm thì quản lí phòng giặt sẽ không tập trung làm việc được” – phía khách sạn nhắn cho anh một tin ngắn ngủi như vậy.

IMG_256

Báo cáo thống kê cho thấy, 69.1% người nước ngoài đã từng bị phân biệt, 85.5% đã từng chứng kiến hoặc nghe nói về nạn phân biệt chủng tộc tại Hàn

Kết quả khảo sát 208 người nước ngoài tại Hàn Quốc về nạn phân biệt chủng tộc cho thấy, 7 trên 10 người cho rằng màu da quyết định xem một người có bị phân biệt hay không.

Trong đó, hơn 66% ý kiến cho rằng người da đen bị phân biệt nhiều nhất tại Hàn Quốc, kế đến là người Đông Nam Á với khoảng 30% ý kiến đồng tình.

Khi nói về Hàn Quốc, những kỉ niệm buồn cũng được chia sẻ lại phần nhiều đến từ những người nước ngoài gốc Phi.

“Tôi có một cô bạn nữ, cô ấy cũng là người da màu. Khi cô ấy đến một quán bar tại Seoul, nhân viên ở đó đã từ chối phục vụ cô ấy. Họ nói rằng cô ấy không phù hợp với hình ảnh của quán nên không được vào”.

“Hình ảnh của quán… Những người khác ăn mặc bình thường, cô ấy cũng ăn mặc bình thường. Vậy tại sao chỉ mình cô ấy là bị đối xử phân biệt?” – một trong những người nước ngoài chia sẻ về chuyện bị phân biệt tại Hàn nói trong cay đắng.

“Tôi theo đạo Hồi. Những người xung quanh lúc nào cũng hỏi tôi có vợ chưa, tôi có tới bốn bà vợ đúng không” – cậu sinh viên đến từ Palestine cười lớn.

“Khi tôi hỏi họ, mọi người nghe những chuyện đó từ đâu đấy thì họ bảo TV báo đài nói thế. Tôi nghĩ có trách thì chỉ còn cách trách truyền thông”.

BODA, một Youtuber gốc Phi sống tại Hàn Quốc cũng từng chia sẻ một câu chuyện khó quên tại Itaewon. Khi đó anh đang đi cùng bạn gái cũ thì đột nhiên có một người đàn ông Hàn Quốc lao đến trước mặt cả hai và mắng anh bằng tiếng Hàn với những lời rất nặng nề.

“Tôi thật sự không hiểu” – anh nói. “Tôi ở đây một cách hợp pháp. Tôi đóng thuế đầy đủ cho Chính phủ, tôi không làm hại ai và cũng không gây rắc rối gì cả. Vậy tại sao tôi phải bị đối xử như vậy.”

XEM THÊM: 76% người nước ngoài có cái nhìn tích cực về Hàn Quốc, mong muốn 2 miền Nam – Bắc hòa bình

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).