Ai có thể nghĩ 2 phút ngắn ngủi lại có thể cứu sống một sinh mạng? Câu chuyện tựa như kỳ tích chỉ có trên phim ảnh, nay lại hiện diện ngay trong đời sống của chúng ta.

Sự việc xảy ra vào ngày 04/4/2020, khi một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối (tên A, 41 tuổi) được tiến hành phẫu thuật cấy tim, sau 8 năm ròng rã điều trị tại bệnh viện Gil, Đại học Gachon.

Trước đó, A đã được phẫu thuật cấy ghép thiết bị hỗ trợ tâm thất, có tác dụng thay thế một phần, hoặc thay thế hoàn toàn chức năng của tim bị suy. Tuy nhiên với bệnh nhân đang trong giai đoạn cuối như ông A, càng được cấy tim sớm ngày nào, cơ hội thoát khỏi lưỡi hái tử thần sẽ càng cao.

Cuối cùng, sau 8 năm chờ đợi mòn mỏi, kỳ tích đã xảy ra khi xuất hiện một người hiến tặng nội tạng có quả tim hoàn toàn tương thích với ông A. Theo đó, vào đúng 8h30 tối ngày 04/4, quả tim của người hiến tặng sẽ được vận chuyển đến bệnh viện Gil, Đại học Gachon từ một bệnh viện ở tỉnh Nam Jeolla phía Tây Nam Hàn Quốc.

Tuy nhiên lúc này, một vấn đề đã phát sinh. Chính là thời gian. Do những ảnh hưởng nặng nề của trận cuồng phong diễn ra vào cùng ngày, khiến trực thăng không thể cất cánh. Vì thế quả tim có khả năng sẽ phải xuất phát trễ hơn thời gian dự kiến. Cuối cùng, đội ngũ y bác sỹ đã quyết định chọn tàu tốc hành KTX làm phương án thay thế.

Vào thời điểm đó, chuyến tàu sớm nhất xuất phát từ ga Songjeong Gwangju đến thủ đô Seoul sẽ khởi hành vào lúc 9h tối. Nếu chẳng may lỡ chuyến tàu này, đội ngũ y tế phải đợi thêm 1 tiếng 30 phút nữa. Đây thật sự là một tình huống cực kỳ khẩn cấp.

Bởi ngay khi được tách khỏi cơ thể người hiến tạng, quả tim phải được ghép vào cơ thể chủ nhân mới trong vòng 4 tiếng sau đó. Nếu vượt quá thời gian quy định, quả tim sẽ dần mất chức năng và không còn giá trị sử dụng.

Do đó bằng mọi cách, các y bác sĩ phải lên được chuyến tàu vào lúc 9h tối ngày 04/4. Tuy nhiên, lúc này lại tiếp tục phát sinh một tình huống “ngàn cân treo sợi tóc”. Quả tim có khả năng không thể đến kịp ga Songjeong Gwangju vào đúng 9h.

Vì thế, để giải quyết vấn đề, bác sĩ Lee Sun Mi – Giám đốc Trung tâm Cấy ghép bệnh viện Gil, Đại học Gachon đã phải đích thân trực tiếp gọi điện đến Ban quản lý ga Songjeong Gwangju giải thích tình hình nguy cấp này, đồng thời đưa ra lời đề nghị xin phép phía nhà ga cho chuyến tàu khởi hành chậm hơn 10 phút.

Sau khi nắm được thông tin, Ban quản lý nhà ga Songjeong Gwangju đã lập tức nhận lời và điều phối nhân viên thông báo khẩn về giờ khởi hành mới với các hành khách.

Thật may mắn, trong lúc toàn bộ nhân viên nhà ga đang gấp rút điều chỉnh lại giờ khởi hành, quả tim của người hiến tạng đã đến nhà ga sớm hơn thời gian dự kiến. Cuối cùng, chuyến tàu cũng đã được xuất phát vào lúc 9h2, trễ đúng “2 phút” so với thời gian ban đầu.

Sau khi cập bến ga Gwangmyeong, quả tim ngay lập tức được đưa lên chiếc xe cấp cứu đã đợi sẵn từ trước và nhanh chóng đến thẳng bệnh viện Gil, Đại học Gachon vào lúc 11h khuya cùng ngày. Sau 12 tiếng phẫu thuật đầy thách thức với nhiều rủi ro, bệnh nhân A cũng được thay tim thành công.

Lúc này, đội ngũ y bác sĩ mới thở phào nhẹ nhõm. Đồng thời cũng không quên gửi lời cảm ơn chân thành đến Ban quản lý ga Songjeong Gwangju vì sự hợp tác nhiệt tình, cũng như tất cả các hành khách trên chuyến tàu đã chấp nhận chờ đợi, dù chỉ là 2 phút ngắn ngủi, nhưng cũng đủ làm nên kỳ tích.

Trước đó, câu chuyện tương tự cũng đã xảy ra tại Việt Nam vào năm 2018, khi một chuyến bay đã hoãn thời gian cất cánh đến tận 29 phút để đón trái tim hiến tặng từ một nam thanh niên được xác định chết não sau khi gặp tai nạn giao thông kinh hoàng. Gia đình chàng trai đã quyết định hiến tặng toàn bộ mô tạng để anh được sống thêm một lần nữa và cũng là cứu sống những bệnh nhân khác.

Chính vì thế, để vận chuyển kịp thời trái tim từ bệnh viên Việt Đức đến bệnh viện Trung Ương Huế, nhà chuyên chở đã quyết định dành riêng một chiếc ghế trên máy bay cho thùng chứa quả tim của nam thanh viên, đồng thời hoãn cả thời gian cất cánh để đảm bảo quả tim này được vận chuyển thành công đến cơ thể người chủ mới.

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).