Ngày 23/10/2019, cảnh sát Anh phát hiện 39 người chết (38 người trưởng thành và một trẻ vị thành niên) bên trong một xe container tại khu công nghiệp Waterglade ở thị trấn Grays, cách thủ đô London 32km về phía đông. 39 người này có thể đã chết cóng ngay trong xe khi nhiệt độ xuống tới mức -24ºC.

Cảnh tượng kinh hoàng trong thùng container

Theo điều tra, thùng container đã xuất phát từ cảng Zeebrugge (Bỉ) ngày 22/10/2019, và được chở bằng phà Clementine tới thị trấn Purfleet ở hạt Essex thuộc miền nam nước Anh, khoảng 0h30 ngày 23/10/2019.

Trong khi đó, phần xe đầu kéo (do tài xế Mo Robinson 25 tuổi người Bắc Ireland điều khiển) di chuyển từ Cộng hòa Ireland từ vài ngày trước và đến Purfleet cùng ngày để nhận thùng container. Chiếc xe container sau đó lên đường lúc 1h05 để di chuyển tới khu công nghiệp ở Grays. Đến 1h40 cùng ngày thì các thi thể được phát hiện.

Những người có mặt tại hiện trường cho biết ngoài các nạn nhân, không có hàng hóa trong conntainer. Các nhân viên cứu thương Anh tìm thấy thi thể của 39 người, 31 nam giới và 8 phụ nữ trong container chở hàng đông lạnh.

Khi cửa container mở ra, những người chứng kiến đầu tiên đã bị sốc khi thấy hàng chục thi thể chồng chất lên nhau. Trong khi đó, các thi thể nằm sát cửa container bị trào nước bọt ra miệng và đang trong giai đoạn đầu co cứng. Một nguồn tin cho biết: “Có những dấu tay máu dọc theo cánh cửa. Có lẽ họ đã đập mạnh vào cửa để cầu cứu”.

Thêm một nguồn tin khác cho biết, mặc dù bên trong container cực kỳ lạnh nhưng các nạn nhân lại mặc ít quần áo, trong khi một số trường hợp không mặc quần áo.

Cảnh sát Anh công bố danh tính 39 nạn nhân người Việt

Tin nhắn của cô gái Việt

Ban đầu, cảnh sát Anh đã thông báo với các phương tiện truyền thông rằng tất cả các cơ thể trong xe tải đều có quốc tịch Trung Quốc. Nhưng trong quá trình xác minh danh tính, họ phát hiện trong số những người chết có ít nhất hai người mang quốc tịch Việt Nam.

Một trong những nạn nhân tử vong là Phạm Thị Trà My (sinh năm 1993), cô đã dùng chút sức lực cuối cùng để nhắn tin cho cha mẹ mình ở quê nhà. Trong tin nhắn trước đi qua đời, cô viết mình chết vì không thở được, cô gửi lời xin lỗi bố mẹ, và nhắn nhủ rằng cô thương bố mẹ nhiều.

Tin nhắn được gởi đi vào lúc 4 giờ 28 sáng thứ Tư, ngày 23/10/2019 (giờ Việt Nam, 22h28 giờ Anh Quốc), đúng vào thời điểm chiếc xe tải đang di chuyển giữa Zebrugge và Purrfleet. Thi thể của tất cả 39 nạn nhân được tìm thấy tại khu công nghiệp Grays 3 giờ sau đó.

Trong cuộc phỏng vấn với BBC, anh trai của cô Trà My cho biết, họ đã trả 30.000 bảng Anh, tức khoảng 38.000 USD, để được đưa lậu từ quê nhà ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh sang Anh quốc.

Đến ngày 25/10/2019, gia đình cô Trà My đã tiến hành làm các thủ tục pháp lý gửi sang Anh để xin nhận dạng thi thể xem đó có phải con gái mình hay không.

Còn rất nhiều nạn nhân người Việt khác

Gia đình của một người Việt Nam thứ hai, là anh Nguyễn Đình Lương (20 tuổi) cho biết họ lo rằng anh Lương có thể cũng đã có mặt trong container, do họ không nhận được tin tức gì từ anh Lương từ ngày 22/10/2019 đến nay. Được biết anh Nguyễn Đình Lương đã từng sống tại Pháp 2 năm trước khi đi qua Anh.

Một tổ chức của cộng đồng người Việt tại Anh nói rằng ít nhất 10 gia đình đã liên lạc với họ nhờ giúp đỡ.

Trong khi đó, 7 gia đình cũng tìm đến một tổ chức phi chính phủ của Anh đặt tại Việt Nam, để nhờ tìm hiểu xem liệu người thân của họ có ở trong chiếc container định mệnh hay không. Cảnh sát Anh quốc hiện đang hợp tác với các Đại sứ Việt Nam và Trung Quốc để xác định danh tính những người thiệt mạng.

Theo tờ Guardian đưa tin, một nghiên cứu sinh gốc Việt thuộc Đại học Tây Anh cơ sở London (West England University) là anh Phạm Văn Nho đã được yêu cầu trợ giúp để xác định danh tính các nạn nhân.

Sau khi làm việc với cảnh sát, anh Phạm Văn Nho xác nhận rằng Phạm Thị Trà My không phải là nạn nhân người Việt duy nhất, số nạn nhân từ Việt Nam cao hơn rất nhiều so với con số được phỏng đoán ban đầu là 6 – 8 người.

Anh Nho cho biết không thể đưa ra nhiều thông tin hơn cho đến khi có được cập nhật mới từ phía cảnh sát. Như vậy, ngoài Phạm Thị Trà My thì có ít nhất 20 người Việt khác đã chết trên chuyến xe tử thần kia nhưng chưa được công khai danh tính, khả năng cả nhóm đều người Việt cũng rất cao.

Tại sao lại nhập cư trái phép sang Anh?

Hoàn cảnh dẫn đến cái chết thảm thương của 39 người trong thùng xe tải ở Anh chưa được xác minh, nhưng đến giờ phút này nhiều người tự hỏi tại sao người di cư bất chấp nguy hiểm để đến nước Anh hoặc châu Âu?

Đây không phải là lần đầu thảm kịch như thế này xảy ra với người Trung Quốc toan vào Anh trái phép. Hồi tháng 6/2000, người ta cũng phát hiện ra thi thể của 58 người Trung Quốc, 54 nam giới và bốn phụ nữ, tại cảng biển Dover nhìn sang Pháp, vốn cách nơi xảy ra vụ hiện tại hơn một tiếng lái xe.

Con đường nhập cư chính thức thường phải mất nhiều năm đi kèm với những rào cản phức tạp về pháp lý và thiếu sự hỗ trợ, do đó người di cư buộc phải chọn cách bất hợp pháp.

Ngoài các các trường hợp phải ra đi do chiến tranh, lý do chính trị thì cũng có không ít trường hợp ra đi vì động cơ kinh tế. Các trường hợp di dân kinh tế theo đường nhập lậu thường có người nhà, người quen đã định cư sẵn ở quốc gia mà họ nhắm đến hoặc cũng có khi họ là nạn nhân của những đường dây lừa đảo vẽ ra “khung trời ảo mộng” với việc nhẹ lương cao ở Anh hoặc một quốc gia Âu Mỹ nào đó.

Nhiều người Việt Nam chọn Anh vì Anh là nước giàu có ở châu Âu và người dân nước này không có căn cước. Họ chỉ có bằng lái xe hoặc hộ chiếu và luật pháp không buộc công dân Anh phải mang bất kỳ giấy tờ tuỳ thân nào theo người. Nếu vi phạm luật giao thông, họ cũng được cho thời gian để gửi giấy tờ tới cảnh sát thay vì xuất trình tại chỗ. Xã hội Anh cũng bao dung với người nhập cư hơn một số nước châu Âu khác.

Từ khi Pháp đóng cửa các trại di dân trong năm 2016-2017, số người nhập cư trái phéo vào Anh theo cách riêng lẻ giảm đi nhiều, thay vào đó số vụ vượt biên quy mô do các băng đảng tội phạm tổ chức tăng vọt.

Một con đường di cư tiêu biểu từ Trung Quốc đến Anh qua cửa ngõ Bulgaria ở Đông Âu.

Đáng lo ngại nhất là các biện pháp chuyển lậu người bọn tội phạm sử dụng mỗi lúc một nguy hiểm hơn, trong đó bao gồm nhét hàng chục người trong thùng container hoặc thùng xe tải đông lạnh – như container mới được phát hiện ở Essex.

Nếu sống sót sau hành trình nguy hiểm đó, không có gì bảo đảm di dân sẽ có cuộc sống bình yên ở Anh. Những người này có thể bị các băng nhóm bán vào nhà thổ, ép lao động khổ sai trong các nhà hàng, tiệm nail, tiệm massage…

Nhiều người sang Anh hàng chục năm nay, kể cả những người vào theo dạng tị nạn, nhưng vẫn khá vất vả. Họ làm đầu bếp hoặc thợ xây và không có lương hưu nên có lẽ sẽ phải đi làm tới hơi thở cuối cùng.

Thảm kịch nhân đạo ở Anh Quốc này là lời cảnh báo cho những ai đang có ý định xuất ngoại bằng mọi giá để kiếm tiền việc nhẹ lương cao.

Thân phận của những người Việt bất hợp pháp ở châu Âu

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).