Ngày 24/10/2019 Tòa án Hàn Quốc đã duyệt đề nghị bắt giữ bà Chung Kyung Shim (정경심), vợ của cựu bộ trưởng tư pháp Cho Kuk (조국).

Quyết định nằm trong khuôn khổ cuộc điều tra về các khoản đầu tư tài chính của gia đình ông Cho và những ưu ái xét tuyển đại học cho con gái ông.

Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk từ chức sau 35 ngày tại vị

Cáo buộc với vợ cựu Bộ trưởng Tư pháp

Trong đơn đề nghị bắt giam, Viện Kiểm sát nêu tổng cộng 11 cáo buộc với bà Chung Kyung Shim, ví dụ như:

  • Cản trở nghiệp vụ của người người thi hành công vụ khi sử dụng giấy khen giả trong hồ sơ tuyển sinh của con gái vào Đại học quốc gia Seoul và hệ Thạc sĩ Đại học Y Busan
  • Khai báo gian dối về hợp đồng vốn đầu tư, lợi dụng thông tin chưa được công khai, mượn tên người khác để mua cổ phiếu.
  • Cố ý tiêu huỷ chứng cứ, che giấu ổ cứng máy tính ở phòng nghiên cứu tại trường Đại học nơi bà công tác và nhà riêng.

Viện Kiểm sát nhấn mạnh bà Chung đã lợi dụng vị thế xã hội của bản thân là vợ của một công chức cấp cao để thực hiện những hành vi bất chính.

Giáo sư Chung gần đây đã được chẩn đoán mắc u não, xơ vữa động mạch, và đã trình giấy xác nhận nhập viện, kết quả chụp cắt lớp (MRI). Tuy nhiên, các giấy tờ này bị che tên bệnh viện, tên bác sĩ, và không có ý kiến phân tích kết quả chụp cắt lớp của bác sĩ.

Một mặt khác, bà Chung còn bị phát hiện đã sai người quản lý tài sản giấu ổ cứng máy tính ngay sau khi Viện Kiểm sát bắt đầu điều tra. Khi tổng hợp tất cả các yếu tố trên, toà án Hàn Quốc đã cho phép bắt giam bà Chung để đề phòng khả năng bà tiêu huỷ chứng cứ.

Bên cạnh đó, trong số 11 cáo buộc nêu trong đề nghị bắt giam, có ít nhất 4 cáo buộc được cho là liên quan tới ông cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk. Ông Cho đã từ chức hôm 14/10/2019, sau hơn đúng 35 ngày được bổ nhiệm, động thái được cho là gây ra cuộc khủng hoảng không hề nhỏ cho Tổng thống Moon.

Sắp tới, nếu Viện Kiểm sát chứng minh được ông Cho có dính líu tới những nghi ngờ này, thì đây sẽ là những hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và ông Cho chắc chắn cũng sẽ không tránh khỏi sự phán xét của pháp luật.

Vấn nạn “con ông cháu cha”

Những cáo buộc rằng con gái của bà Chung và ông Cho đã được đối xử đặc biệt khi được nhận vào một trường đại học hàng đầu ở Seoul và một trường y ở Busan đã gây chấn động Hàn Quốc – một đất nước mà các thanh thiếu niên phải sống trong một môi trường học tập siêu cạnh tranh vì việc tốt nghiệp đại học ưu tú được coi là rất quan trọng đối với triển vọng nghề nghiệp.

Một sinh viên Hàn Quốc bức xúc: “Cô ta (con gái ông Cho) có được cơ hội mà một sinh viên thông thường tại các trường trung học, đại học sẽ không bao giờ có được, chỉ bởi cô ta là con gái của tầng lớp quan chức”.

Một trong những cáo buộc nhằm vào con gái của ông Cho khiến dư luận phẫn nộ nhất chính là việc cô được vinh danh là tác giả hàng đầu của tờ tạp chí dược phẩm có tiếng của Hàn Quốc vào năm 2009, khi chỉ mới đang ở độ tuổi học sinh trung học và vừa mới hoàn thành khóa thực tập kéo dài 2 tuần lễ ở Viện Khoa học dược phẩm trực thuộc đại học Dankook.

Con gái của ông Cho đã 2 lần trượt kỳ thi vào khoa dược của trường đại học Quốc gia Pusan, thế nhưng lại không bị đuổi học mà còn nhận được nhiều học bổng khác nhau với tổng giá trị lên tới 12 triệu KRW (9.900 USD) trong suốt 6 học kỳ trong khoảng thời gian 2016~2018.

Trước đó, chính ông Cho Kuk một mặt đã thừa nhận đã sử dụng mối quan hệ của mình để giúp con gái nhập học vào trường nổi tiếng cùng lúc thể hiện sự hối tiếc của mình vì “đã gây thất vọng và tổn thương cho thế hệ trẻ” nước nhà; nhưng một mặt ông vẫn khẳng định gia đình mình không làm điều gì sai.

Ông Cho là một giáo sư luật nổi tiếng với tư duy cấp tiến tại Đại học Quốc gia Seoul, từng giữ vai trò trưởng cố vấn pháp lý cho Tổng thống Moon Jae In. Người dân Hàn Quốc đã không chấp nhận thái độ “đạo đức giả” này và kiên quyết yêu cầu ông phải từ chức.

Trong quãng thời gian ông Cho nhậm chức, dòng người biểu tình đổ xuống đường với số lượng chưa từng thấy trong hai năm cầm quyền của tổng thống Moon Jae In. Tỷ lệ ủng hộ của người dân dành cho Tổng thống Moon đầu tháng 10 rơi xuống 41,1% và là mức thấp nhất kể từ khi ông nhậm chức vào tháng 5/2017.

Mặc dù hiện nay ông Cho đã từ chức, nhưng làn sóng giận dữ của người dân, đặc biệt là từ giới trẻ vẫn ngày càng lan rộng. Họ cho rằng đây là một vụ bê bối cho thấy rõ vấn nạn đặc quyền đặc lợi và “con ông cháu cha” trong bộ máy nhà nước và sự việc.

Nhiều người cảm thấy họ đang sống trong một môi trường không công bằng, vì có những người không đủ năng lực nhưng vẫn được hưởng đặc cách và những vị trí tốt, trong khi họ phải trải qua trong một môi trường cạnh tranh đầy khốc liệt mới có thể được vào các trường học có tiếng hay được tuyển vào các vị trí làm việc.

Phải thành lập ban điều tra quan chức cấp cao

Từ ngày 25 đến 26/10/2019 người dân Hàn Quốc đã tổ chức cuộc biểu tình lớn ở quảng trường Gwanghwamun, phía trước Trung tâm văn hóa Sejong.

Đây là cuộc biểu tình xuyên đêm (diễn ra từ chiều ngày 25 và kéo dài đến chiều ngày 26/10/2019). Theo thống kê của ban tổ chức, đã có hơn 50.000 người tham gia với các khẩu hiệu như hãy “Bắt giam Cho Kuk”, “Thành lập ban điều tra sai phạm của quan chức cao cấp (공수처 설치)…

Ngoài ra có một số cuộc biểu tình quy mô nhỏ đã diễn ra tại đại lộ Yeouido và ga Seocho (tuyến tàu điện ngầm số 2) với các khẩu hiệu như “cải cách Viện Kiểm sát”, “xóa bỏ gốc rễ tiêu cực ngành tư pháp”, “trả tự do cho cựu Tổng thống Park Geun-hye”…

Qua sự việc của cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk, người dân Hàn Quốc không chỉ yêu cầu xử lý bắt giam một cá nhân, mà đòi hỏi chính phủ phải ban hành các ban điều tra, thiết chặt luật pháp để dẹp bỏ tận gốc vấn nạn con ông cháu cha.

Người dân đề nghị phải thành lập một ủy ban điều tra những trường hợp sai phạm của quan chức cao cấp nhà nước (공수처 – 고위 공직자 비리 수사처). Cụ thể như lợi dụng địa vị, danh tiếng để tham nhũng, đầu cơ mua bất động sản, chứng khoán; con cái, người thân được ưu đãi, đặc cách tại trường học, nơi làm việc hoặc khi phạm tội thì được xử “giơ cao đánh khẽ”.

Tham nhũng là cáo buộc khá phổ biến trên chính trường Hàn Quốc, nơi ba trong số 7 tổng thống đã phải ngồi tù vì nhiều tội danh kể từ năm 1987. Cựu tổng thống Roh Moo Hyun đã tự sát vào năm 2009 khi các công tố viên điều tra gia đình ông vì nghi ngờ tham nhũng.

Người tiền nhiệm của tổng thống Moon Jae In, bà Park Geun Hye, mất chức sau khi bị buộc tội tham nhũng và bê bối xoay quanh người phụ tá bí ẩn Choi Soon Sil, người được hưởng nhiều đặc ân, bao gồm việc đưa con gái vào học trường đại học nữ danh tiếng Ewha.

Bà Park bị kết án hơn 30 năm tù sau một phiên tòa năm 2018, với các tội danh như lạm quyền, hối lộ và can thiệp vào cuộc bầu cử quốc hội năm 2016. Người tiền nhiệm của bà Park, ông Lee Myung Bak cũng bị kết án 15 năm tù vì nhận hối lộ và biển thủ.

Trong bài phát biểu lúc nhậm chức, tổng thống Moon Jae In cam kết trở thành một tổng thống “liêm chính” và chấm dứt “lịch sử không may” về các vụ bê bối tổng thống ở Hàn Quốc. Gần một nửa nhiệm kỳ 5 năm trôi qua, cam kết của ông đang đối mặt thách thức lớn nhất. Chính quyền của ông bị lên án là đang “vô cảm” với những khó khăn và sự phẫn nộ của người dân.

Chắc chắn vấn nạn “con ông cháu cha” sẽ không thể giải quyết một sớm một chiều. Nhưng sự phẫn nộ được thể hiện thành tiếng nói, các cuộc biểu tình của người dân Hàn Quốc hiện nay là những tín hiệu đáng mừng. Đây sẽ là những viên gạch đặt nền móng cho một nền dân chủ vững chắc và công bằng tại quốc gia này.

Phong trào dân chủ Gwangju

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).