⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho người dân, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất cho người nước ngoài đang sinh sống tại đất nước của họ.

Điển hình là các trung tâm điều trị COVID-19 ở Hàn Quốc, nơi cố gắng cung cấp những dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người nước ngoài nhiễm bệnh.

Những trung tâm điều trị đã được thiết lập như một cách để giảm bớt tình trạng thiếu giường. Bệnh nhân có triệu chứng nhẹ được theo dõi, chăm sóc tại nhà, để nhường chỗ cho những người bệnh nặng hoặc nguy kịch.

Một trong những trung tâm như vậy đã được ra mắt vào tháng 3/2020 tại Paju, tỉnh Gyeonggi, chỉ dành cho bệnh nhân người nước ngoài.

Vào ngày 5/4, một người phụ nữ Trung Quốc (35 tuổi) đã quyên góp khoảng 1.2 triệu KRW tiền mặt như một lời cảm ơn đến các nhân viên y tế tại trung tâm Paju. Được biết, cô đã dành 11 đêm ở đây trước khi hồi phục hoàn toàn.

Trong bức thư để lại, cô nói rằng mình biết ơn tất cả mọi thứ và mong ước có thể giúp đỡ người khác theo cách cô đã nhận được.

Bức thư cùng số tiền mặt khoảng 1.2 triệu KRW được một bệnh nhân người Trung Quốc gửi lại. Như một lời cảm ơn chân thành cho sự chăm sóc tận tình từ đội ngũ y tế tại Trung tâm điều trị COVID-19 ở Paju, Hàn Quốc.

Chang Eun Jin, một quan chức chỉ đạo các trung tâm Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc cho biết, “Chúng tôi tập hợp một trung tâm chỉ dành cho bệnh nhân người nước ngoài để phục vụ các nhu cầu khác nhau của họ. Bởi họ có thể gặp khó khăn trong giao tiếp do rào cản ngôn ngữ”.

Được biết, 7 nhân viên dịch vụ y tế nhà nước đã được phái đến trung tâm, trong đó, một số người có thể nói nhiều hơn một ngoại ngữ.

“Một số thông báo được đưa ra mỗi ngày tại trung tâm, chẳng hạn như giờ ăn và trước khi nhân viên y tế thực hiện kiểm tra. Nhân viên của chúng tôi giao tiếp bằng cả tiếng Anh hoặc tiếng Trung Quốc”, ông Chang nói thêm.

Trung tâm ở Paju ban đầu là một ký túc xá dành cho các cầu thủ bóng đá và đã được sửa chữa lại trước khi mở cửa vào ngày 25/3 như một cơ sở y tế. Một hệ thống thông báo âm thanh, phòng giải quyết tình huống và xe bus y tế với thiết bị X-quang là một trong những bổ sung mới tại trung tâm.

Hiện tại, khoảng 50 nhân viên của Bộ Y tế, Bộ Môi trường, cơ quan cảnh sát huyện, một cơ sở quân sự và công ty dịch vụ khử trùng gần đó, cùng với 7 bác sĩ, 4 y tá và 2 trợ lý điều dưỡng đang được điều động để điều hành cơ sở gồm 56 phòng bệnh này.

Được biết, kể từ khi mở cửa hoạt động, trung tâm đã tiếp nhận điều trị cho 21 bệnh nhân người nước ngoài. Trong đó, 3 người hồi phục đã được xuất viện, 2 người được chuyển đến bệnh viện vì các triệu chứng xấu đi.

Bệnh nhân được kiểm tra và chụp X-quang lồng ngực 1-2 lần/tuần. Kiểm tra âm tính 2 lần liên tiếp đủ điều kiện có nghĩa là chính thức hồi phục.

Bác sĩ trưởng của trung tâm, ông Cho Sung Yun, một bác sĩ phẫu thuật thần kinh với 18 năm kinh nghiệm cho biết, ban đầu ông cảm thấy “ngần ngại” về việc đưa ra lời đề nghị, khi tập hợp đội ngũ bác sĩ gồm 7 thành viên cho trung tâm.

“Công việc này cũng đồng nghĩa là không được gặp gia đình trong một thời gian, phải làm thêm ca sau giờ làm việc thường xuyên ở bệnh viện. Thậm chí, khả năng bị lây nhiễm là rất cao. Nhưng không ai từ chối lời đề nghị và họ sẵn sàng nắm lấy cơ hội”, ông Cho nói.

Được biết, đội ngũ y tế bao gồm các đồng nghiệp của bác sĩ Cho từ Bệnh viện New Korea, ở thành phố Gimpo. Một người là chuyên gia phục hồi chức năng và người khác là bác sĩ thần kinh, không ai trong số họ thường điều trị các bệnh về đường hô hấp trước đây. Đặc biệt, 7 bác sĩ chia ca làm việc ở chế độ chăm sóc cho bệnh nhân trong 24/7.

“Bởi vì tình hình dịch bệnh hiện tại giống như một cuộc chiến tranh, các bác sĩ của tất cả các khoa và chuyên khoa được huy động cho nhiệm vụ COVID-19”, ông nhấn mạnh.

Một đoạn hội thoại giữa một nhân viên y tế tại trung tâm điều trị COVID-19 với bệnh nhân người nước ngoài

Khi được hỏi phần khó nhất trong công việc của mình là gì, bác sĩ Cho nói rằng, khi họ phải thông báo cho bệnh nhân về kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19.

“Họ thường sẽ phản ứng kiểu ‘ôi lạy Chúa’. Điều này khiến tôi không khỏi áy náy vô cùng”, bác sĩ xúc động bày tỏ.

Bác sĩ Cho cũng chia sẻ thêm, vì bệnh nhân không thể rời khỏi phòng của họ, chỉ có các nhân viên y tế và nhân viên khác được tiếp xúc với họ. Như vậy, thật dễ hình dung cảm giác cô đơn, đặc biệt ở một nơi xứ lạ của người nước ngoài.

“Thử tưởng tượng mình chỉ có một mình khi bị bệnh ở nước ngoài”, ông Cho nói thêm. Một phần vì trung tâm dành cho những trường hợp bệnh nhẹ nên cuộc “đấu tranh cảm xúc” mới là cuộc chiến khó khăn mà bệnh nhân phải đối mặt, cảm giác xa nhà và gia đình.

Nhằm giúp xoa dịu cho những bệnh nhân, vào mỗi buổi sáng, các bác sĩ và y tá sẽ gọi điện, hỏi thăm họ cảm thấy thế nào và họ có cần gì không. Ngoài việc chăm sóc y tế, các nhân viên cũng cố gắng làm cho bệnh nhân cảm thấy như đang ở nhà.

Một số bệnh nhân còn nói rằng tình hình có thể tồi tệ hơn ở nhà. Do đó, họ rất biết ơn khi được điều trị ở trung tâm này.

Đội ngũ nhân viên y tế làm việc tại phòng giải quyết tình huống khẩn cấp tại Trung tâm điều trị COVID-19 ở Paju.

Trên thực tế, các chuyên gia từ trung tâm quốc gia về thảm họa thiên tai chỉ cung cấp dịch vụ tư vấn hầu hết bằng tiếng Hàn. Vì vậy, các nhân viên y tế phải chú ý nhiều hơn đến các bệnh nhân người nước ngoài, theo bác sĩ Cho.

Ở trung tâm, nhờ có đường truyền mạng tốt, bệnh nhân và nhân viên y tế có những cuộc trò chuyện nhóm trên ứng dụng nhắn tin KakaoTalk. Không những vậy, đội ngũ y tế còn tổ chức tiệc sinh nhật cho các bệnh nhân. Được biết, có 2 trong số các người bệnh đã được trải nghiệm một mùa sinh nhật đáng nhớ tại đây.

Ngoài ra, phòng bệnh còn được trang bị các tiện nghi, tạo cảm giác như đang thưởng thức một kỳ nghỉ tại các khách sạn cho người bệnh. Với cà phê, trà, mỳ cốc, máy sấy tóc, ấm đun nước điện và các sản phẩm vệ sinh.

Đôi khi, bệnh nhân sẽ đưa ra yêu cầu đặc biệt, như cần cung cấp trà thảo dược, đồ ăn nhẹ hoặc một cái gì đó để đọc. Trong trường hợp này, các y tá luôn cố gắng để tạo điều kiện đáp ứng.

Các nhân viên y tế sử dụng những chiếc ghế trải nệm trong những ca trực đêm.

Y tá trưởng Jo Hyo Jung cho biết, trong hơn hai tuần làm việc tại trung tâm, cô chỉ được nghỉ 2 ngày. Trước khi đội hỗ trợ gồm 2 trợ lý điều dưỡng và một y tá khác đến, 3 y tá tại trung tâm đã làm việc hơn 10-12 giờ/ngày. Trong ca đêm, họ có những giấc ngủ ngắn trong khu vực nghỉ ngơi, trên những chiếc ghế trải nệm thay cho giường ngủ.

Bộ Y tế Hàn Quốc cũng đã thuê một số tầng của một cơ sở lưu trú cách trung tâm khoảng 10 phút đi bộ, nhằm giảm rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Với tổng số 60 nhân viên hoặc hơn, hầu hết họ đã quên đi cảm giác được gặp gia đình trong thời gian làm việc ở đây.

“Chúng tôi không bao giờ ăn ở ngoài cũng như giới hạn nghiêm ngặt việc đi đến trung tâm và nhà nghỉ”, ông Chang cho biết.

Các bữa ăn đựng trong hộp, được giao 3 lần/ngày từ một doanh nghiệp địa phương. Trong thời điểm hiện tại, đồ ăn nóng là thứ gì đó rất xa xỉ đối với nhân viên y tế làm việc tại trung tâm.

“Tôi biết chính xác những gì tôi phải đối mặt khi đăng ký làm tình nguyện tại trung tâm. Bố mẹ tôi lo lắng vô cùng, nhưng họ hiểu công việc của tôi là ở đây, vì bệnh nhân”, y tá Jo xúc động.

Cô chia sẻ cảm giác nhớ gia đình da diết, nhưng chính những đánh giá cao của bệnh nhân là điều giúp cô vượt qua mỗi ngày.


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

Tổng hợp từ Korea Herald

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).