Cũng giống như Việt Nam, người Hàn Quốc cũng rất thích “nhậu”. Việc ngồi nhâm nhi chén rượu cùng nhau được coi là cách để làm quen và hiểu nhau hơn.

Đối với người Hàn Quốc, có những câu chuyện không thể nói tại nơi làm việc hay các địa điểm khác, chỉ khi trên bàn nhậu họ mới hoàn toàn thoải mái bày tỏ suy nghĩ và thái độ của mình đối với người khác.

“Phi tửu bất thành lễ” – Trong các sự kiện quan trọng của đời sống xã hội, đặc biệt như đám hỏi, tiệc tùng, rượu được xem như một thức uống quan trọng góp phần làm cho bầu không khí thêm sôi động và giúp con người xích lại gần nhau hơn.

Thậm chí, ngay cả trong thờ cúng tổ tiên, người Việt và người Hàn cũng dâng rượu như một lễ vật tôn nghiêm.

“Tửu lượng càng cao càng “oai”, “quý” nên mới ép

Người Hàn Quốc trước cuộc nhậu hay hỏi 주량 (tửu lượng), người Việt Nam lại có câu “nam vô tửu như kì vô phong”. Trong văn hoá châu Á từ xa xưa tửu lượng vẫn luôn được xem là thước đo cho sự nam tính và bản lĩnh của một đấng nam nhi.

Đối với nữ giới, nếu ngày xưa việc uống bia rượu là hành động đánh mất sự đoan trang, thì bây giờ việc trụ vững trên bàn nhậu lại thể hiện được nét cá tính và táo bạo của một người phụ nữ hiện đại.

Phụ nữ uống rượu ở Hàn Quốc là chuyện bình thường, thậm chí họ còn có khả năng uống nhiều hơn nam giới. Vô hình chung, bàn nhậu đã trở thành “võ đài” và “sàn runway” nơi đàn ông lẫn phụ nữ đều tranh thủ biểu diễn, phô bày khí thế của mình.

Ở Việc Nam, rượu, bia được đem ra như thứ để chứng minh cho sự tôn trọng nhau, quý mến nhau. Vậy nên mới có chuyện “anh không uống là không tôn trọng tôi”, “tôi rất quý anh nên mới mời anh chén này”, “anh em ta hôm nay quyết không say không về”…

Việc mời mọc nhau theo kiểu ép buộc, uống đến mức say xỉn, không làm chủ được mình là hành vi lạm dụng rượu, bia. Điều này khiến văn hóa rượu bia trở nên lệch lạc.

Cũng từ đây, những vụ tai nạn giao thông vì điều khiển xe trong tình trạng không tỉnh táo hay những vụ xô xát, thậm chí án mạng vì không làm chủ được bản thân… trở thành nỗi ám ảnh thường trực sau mỗi cuộc vui trên bàn nhậu.

Sợ mất lòng nên mới không dám từ chối

Ở Hàn Quốc thì sao? Việc từ chối đi nhậu không được coi là thất lễ, nhưng thường nếu bạn từ chối mọi cuộc nhậu thì dần dần sẽ tạo nên một bức tường vô hình ngăn cách giữa bạn và những người xung quanh.

Người Hàn không ép bỗ bã, trực diện nhưng lại có kiểu “để ý ngấm ngầm”, thỉnh thoảng lại đưa đẩy một câu như: “Hôm nay cả công ty đi uống rượu nào. Mà cậu A lại bận không đi được đúng không?”

Đặc biệt là ở Hàn Quốc còn tồn tại văn hoá “nunchi” (눈치), tức là luôn phải để ý, quan sát xem thái độ của cấp trên như thế nào để có cách cư xử cho “đẹp lòng” mọi người xung quanh. Nếu không có nunchi này, bạn sẽ khó thăng tiến cũng như giành được sự thiện cảm với các đồng nghiệp ở công ty Hàn Quốc.

Sinh viên mới nhập trường đại học, nhân viên mới vào công ty – càng là ma mới thì bạn càng phải tỏ ra tích cực, xông xáo trong mọi việc, kể cả trên bàn nhậu. Nếu từ chối, các seonbae (tiền bối) hay sếp sẽ cho rằng bạn không nể mặt, đồng nghiệp đánh giá chảnh choẹ, làm ngắt mạch cuộc vui, đánh mất thiện cảm. Cứ thế, các bạn không giữ được quyền lợi cơ bản của mình là từ chối.

Cũng chính vì vậy mà nhiều khi các nhân viên cấp dưới người Hàn Quốc vẫn phải “bằng mặt mà không bằng lòng” trước mặt cấp trên. Sếp rủ: “Trưa nay ăn cơm canh thịt heo nhé!”, mặc dù muốn ăn mì Ý nhưng vẫn phải ngậm ngùi trả lời “Vâng, em cũng rất thích ạ!”.

Hết giờ làm, sếp hô “Tối nay đi liên hoan rồi tăng hai là quán karaoke” nhé! Mặc dù rất mệt, chỉ muốn về nghỉ ngơi nhưng vẫn phải tham gia cho tới cùng.

Những thay đổi trên bàn nhậu ở Hàn Quốc

Thật may là gần đây, văn hóa nhậu nhẹt ở Hàn Quốc đã có những thay đổi tích cực. Thay vì kéo nhau đi uống rượu, giới văn phòng lại kéo nhau đi thưởng thức nhạc kịch, kịch nói hay chơi các môn thể thao, giải trí trong nhà.

Một số công ty Hàn Quốc tiến bộ còn phát tiền liên hoan (회식비) cho nhân viên và nhân viên có thể tự sắp xếp thời gian để đi ăn, đi xem phim với đồng nghiệp.

Do phong trào #Metoo lan rộng ở Hàn Quốc trong những năm vừa qua, nhiều công ty cũng tránh không dẫn nhân viên đi liên hoan tại quán karaoke để tránh những động chạm không cần thiết.

Nếu như trước kia, những nhân viên nữ thường bị ép ngồi cạnh sếp để rót rượu rồi cùng uống và nhảy múa thì ngày nay, người Hàn Quốc đã có ý thức hơn về khả năng quấy rối.

Hiện nay ở Hàn Quốc đã không còn cảnh sếp hoặc đồng nghiệp nam nhiều tuổi ép buộc đồng nghiệp nữ phải uống rượu nữa và việc nhân viên từ chối không tham dự tiệc công ty là hoàn toàn được chấp nhận.

Ngoài lý do “sợ phiền toái” bởi phong trào #Metoo, một trong những nguyên nhân chính dẫn tới sự thay đổi của văn hoá nhậu ở Hàn Quốc là do luật xử phạt ngày càng nghiêm minh. Chỉ cần uống một ly rượu soju, tương đương 0.03% nồng độ cồn là bạn đã bị xử phạt và nếu có nồng độ cồn từ 0.08% trở lên là bạn đã bị tước bằng lái.

Ở Hàn Quốc, việc uống rượu lái xe được xếp vào một dạng tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, có thể ngang với tội giết người, bởi một lập luận giản đơn: Lái xe trong tình trạng mất kiểm soát có khả năng cao gây tai nạn chết người.

Bởi vậy, nếu đã xác định uống rượu, người Hàn Quốc sẽ để xe ở nhà hoặc gọi dịch vụ lái xe thay (대리운전) để đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân và người tham gia giao thông.

Thêm vào đó, nếu biết bạn phải lái xe về nhà mà vẫn cố tình ép rượu, khiến bạn gây tai nạn thì có thể bị khép vào tội đồng phạm với người uống rượu lái xe (음주운전방조죄), bị phạt từ 3~5 triệu KRW hoặc phạt tù từ 06~12 tháng.

Bản lĩnh từ chối

Rõ ràng, không thể đổ lỗi cho rượu. Vấn đề là con người phải biết nhận thức đúng về văn hóa uống và mời rượu.

Gần đây ở Việt Nam đang quan tâm tới dự thảo về nghị định xử phạt nhiều hành vi bị cấm trong luật Phòng chống tác hại rượu, bia; bao gồm các hành vi như xúi giục, lôi kéo người khác uống rượu, bia… Chẳng hạn những người ép người khác uống rượu, bia có thể bị phạt tiền từ 1~3 triệu VND.

Tuy nhiên, cũng có người đưa ra ý kiến: Rõ ràng phải thay đổi văn hoá ép bia rượu, nhưng uống hay không uống là quyền của mỗi người. Vấn đề quan trọng là bạn phải có bản lĩnh từ chối và nếu đã uống rượu thì không tham gia giao thông.

Bởi khi uống rượu bia mà tham gia giao thông rất dễ gây tai nạn giao thông, có thể gây ra thiệt hại về tài sản, sức khoẻ, tính mạng cho bản thân mình và cho người khác.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).