⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 ở châu Âu, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19 Việt Nam đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiếp nhận, tổ chức cách ly và lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả người về từ hoặc đi qua khu vực khối Schengen và Vương quốc Anh (bao gồm Bắc Ireland), bên cạnh Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran từ ngày 14/3/2020.

26 quốc gia thuộc khối Schengen bao gồm: Áo, Bỉ, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Phần Lan, Pháp, Đức, Hy Lạp, Hungary, Iceland, Ý, Latvia, Liechtenstein, Litva, Luxembourg, Malta, Hà Lan, Na Uy, Ba Lan, Bồ Đào Nha, Slovakia, Slovenia, Tây Ban Nha,Thụy Điển và Thụy Sĩ.

Theo Tuổi Trẻ Online, cùng ngày, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông báo tạm dừng nhập cảnh đối với khách du lịch từ 27 quốc gia Châu Âu trong vòng 14 ngày trước ngày dự kiến đến Việt Nam, đồng thời tạm dừng cấp thị thực tại cửa khẩu. Quyết định có hiệu lực 30 ngày kể từ 12:00 ngày 15/3/2020, không áp dụng với người nhập cảnh vì mục đích ngoại giao vào công vụ.

Mới đây, một thanh niên quốc tịch Anh có tên Gavin Wheeldon bất ngờ gây xôn xao cộng đồng mạng Việt Nam nhờ bài phóng sự về hành trình đi cách ly ở Hà Nội của anh được đăng tải trên tờ South East Asia Globe.

Gavin Wheeldon đáp xuống sân bay Nội Bài từ chuyến bay thẳng London (Anh) – Hà Nội hôm 14/3/2020 vừa qua. Ngay lập tức, anh được đưa đi cách ly trong khu vực doanh trại thuộc xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, Hà Nội.

Dưới đây là bản trích lược nhật ký cách ly của Wheeldon – một công dân người Anh ở Việt Nam trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn thế giới.

5 giờ sáng, tôi đáp xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội) với hy vọng tràn trề về cuộc sống mới ở đất nước mà tôi yêu mến. Khi rời khỏi máy bay, điều đầu tiên chào đón chúng tôi là những hàng rào và quy định hoàn thành tờ khai y tế.

Tất cả mọi người đều được sát khuẩn, toàn bộ nhân viên đều đang mặc quần áo bảo hộ. Khung cảnh khẩn trương và căng thẳng hiển hiện trước mắt chứ không còn là tiêu đề của một bài báo nào nữa.

Từng hành khách một đều phải chờ đợi để được khử trùng và nộp hộ chiếu. Tôi cảm thấy thật may mắn vì đã điền vào tờ khai trực tuyến trước đó nên không phải xếp một hàng dài đằng đẵng. Sau khi bối rối với một loạt các mẫu khai báo khác, cuối cùng nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm từ cổ họng và mũi của tôi, đồng thời ra hiệu cho tôi ngồi chờ ở khu vực được chỉ định.

Trong hàng người rồng rắn chờ làm thủ tục, có cả người Việt lẫn người phương Tây. Thời gian trôi qua, bầu không khí bất ổn càng rõ rệt hơn. Không ai trong chúng tôi được thông báo thêm tin gì mới. Kể cả đội ngũ nhân viên cũng có vẻ bối rối và không biết phải làm gì với chúng tôi. Sau một lúc quan sát tình hình, tôi nhận ra họ đang có một cuộc họp để bàn việc đưa chúng tôi đến điểm dừng chân tiếp theo.

Khoảng 4 -5 tiếng sau, các nhân viên thông báo hành khách chúng tôi có 2 sự lựa chọn. Một là lấy lại hộ chiếu, mua vé chuyến bay khác. Hai là thực hiện cách ly trong vòng 14 ngày và nhập cảnh vào Việt Nam.

Chúng tôi sẽ không phải mất xu nào nếu kết quả xét nghiệm với COVID-19 là âm tính. Ngược lại, nếu nhận kết quả dương tính, người nước ngoài như chúng tôi cần phải thanh toán chi phí điều trị trong thời gian ở đây. Người quốc tịch Việt Nam sẽ được miễn phí toàn bộ chi phí phát sinh trong quá trình cách ly lẫn điều trị nếu có.

Đến lúc này, mọi người bắt đầu phàn nàn và lặp đi lặp lại những câu hỏi. Tôi cảm thấy có phần áy náy với vị thông dịch viên đang thông dịch cho chúng tôi. Cô ấy đến đây để giúp đỡ tất cả chúng tôi. Bỗng nhiên tôi cảm nhận được một bầu không khí tràn ngập tình người ở một nơi xa lạ.

Chúng tôi là khách ở một quốc gia đang rất nỗ lực trong việc bảo vệ người dân của họ, và họ cũng không quên dành cho chúng tôi điều tương tự với phép lịch sự nhất có thể. Thật là một bản tính tuyệt vời của người Việt Nam.

Toàn bộ hành khách người Việt đều tự nguyện vào khu vực cách ly, và chúng tôi phải đưa ra sự lựa chọn cho mình. Dù chọn thế nào, cũng không có đường quay trở lại. Chỉ còn 4 hành khách phương Tây, hoàn toàn không quen biết nhau nhưng chúng tôi có chung mục đích là vượt qua điều này. Chúng tôi không hay điều gì đang chờ đợi mình phía trước, cũng không biết sẽ được đưa đến đâu, chỉ nghe loáng thoáng rằng khu cách ly nằm ở nơi khá xa.

Chúng tôi được đưa đến một nơi giống như cửa ra vào vận chuyển hàng hoá và lưu thông xe khách. Hộ chiếu được đặt trong túi sinh học y tế màu vàng. Điều này khiến tôi nhận ra, chúng tôi là những “vị khách có nguy cơ cao”.

Khi chiếc xe chở chúng tôi từ từ lăn bánh khỏi sân bay, tất cả bắt đầu suy đoán về điều kiện trong khu cách ly sẽ như thế nào. Liệu chúng tôi sẽ được cho ăn đầy đủ? Chúng tôi có phải ở quá gần với người bệnh không? Khung cảnh qua ô cửa xe thay đổi từ những con đường đông đúc, đến làn đường cao tốc, cuối cùng là vùng nông thôn trải dài trước mắt. Chúng tôi đã đến một khu doanh trại quân đội.

Cả thế giới còn đang chờ đợi, Việt Nam đã trong tư thế sẵn sàng

Khi chúng tôi tiến vào, các nhân viên phun thuốc khử trùng và đưa chúng tôi đến một khoảng sân rộng, nơi toàn bộ hành lý cũng đang được phun xịt. Tôi nhìn xung quanh và thấy có hai khu nhà lớn và hàng rào. Mọi người đều mặc quần áo bảo hộ. Chúng tôi từng người một làm thủ tục đăng ký và được hướng dẫn đến phòng cách ly.

Họ có ý xếp những người đến từ châu Âu ở một khu riêng, tách biệt nam nữ. Người có sức khoẻ yếu hoặc đi cùng trẻ em được ở một phòng riêng. Khung cảnh ở sân bay Nội Bài tuy có phần hỗn loạn, nhưng công tác kiểm dịch và cách ly được tổ chức một cách bài bản và sát sao. Một điều quá rõ ràng, trong khi cả thế giới còn đang chờ đợi, Việt Nam đã trong tư thế sẵn sàng.

Vào đến phòng, khung cảnh xung quanh đập vào mắt tôi là những dãy hàng rào, sân tập huấn, xa xa là những cánh đồng nơi người nông dân làm việc. Điều kiện khu cách ly tốt hơn nhiều so với mong đợi của tôi. Bốn người khách phương Tây chúng tôi ở chung một phòng với 10 chiếc giường tầng quân sự. Nói chuyện, ngó nghiêng xung quanh chán chê, chúng tôi đánh một giấc ngon lành để nạp lại năng lượng sau một ngày dài mệt mỏi.

Bữa sáng hôm sau được phục vụ là món bánh mì đã thoả mãn cơn đói cồn cào của chúng tôi. Tôi đã rất nhớ nhung hương vị bánh mì thứ thiệt này.

Lát sau, một người lính mua thẻ SIM mang đến cho tôi. Tôi muốn tip cho anh ấy vì đã giúp đỡ tôi suốt kể từ khi đến đây, nhưng anh đã từ chối và chỉ nhận đúng số tiền thẻ SIM. Người phiên dịch cho chúng tôi đến từ khá sớm và hỏi han tình hình ở khu cách ly ra sao. Cô ấy nói rằng bản thân không phải người đến từ đại sứ quán nào mà chỉ tình nguyện đến. Cô chấp nhận mạo hiểm để giúp đỡ chúng tôi – những vị khách châu Âu xa lạ mà cô không hề quen biết.

Theo nguồn tin không chính thức tôi nghe ngóng được, kết quả xét nghiệm đã có chỉ sau một đêm. Tất cả chúng tôi đều âm tính trừ một quý ông ngồi ở hạng thương gia. Tôi thở phào nhẹ nhõm, song cũng không tránh khỏi bất an. Tôi có đứng gần ông ta ở sân bay không? Tôi có chạm vào thứ gì ông ấy đã chạm trước đó? Điều duy nhất tôi biết được là ông ấy đã không đến khu cách ly cùng chúng tôi sau khi rời khỏi sân bay.

Ổn định việc ở, chúng tôi bắt đầu liên lạc với người thân và trấn an họ rằng chúng tôi sẽ ở đây trong vòng 14 ngày tới.

Ngoài kia, khung cảnh thật thanh bình. Khu vực toạ lạc doanh trại quân đội này rất yên tĩnh. Những người lính làm việc không mệt mỏi để khử trùng từng phòng một mỗi ngày, ghi nhận thân nhiệt cho từng cá nhân và dọn sạch thùng rác giúp chúng tôi.

Những người lính sống ở đây để phụng sự cho đất nước của họ. Mặc cho những tin đồn thất thiệt mà có lẽ mọi người đều biết, họ rất thân thiện và chu đáo với chúng tôi. Cho đến thời điểm hiện tại, tôi có cảm giác như đang ở một kỳ nghỉ cắm trại hơn là khu cách ly tập trung.Trong phòng, các thành viên chia sẻ đồ ăn nhẹ, trái cây và bắt đầu nhận đồ tiếp tế do người thân gửi đến.

Khi tôi đi dạo trong khu vực được dành riêng cho người cách ly, một người đàn ông Việt Nam mở lời chào. Sau một vài câu hỏi, anh ta thắc mắc có bao nhiêu người trong phòng của tôi. Tôi trả lời với anh ta là 4, anh chia sẻ mình đang cách ly cùng 16 người khác.

Chúng tôi biết rằng sẽ sớm có thêm 700 người được đưa đến doanh trại quân đội để cách ly. Trong vòng 12 tiếng kế tiếp, một dòng xe khách nối đuôi nhau liên tục đến trong đêm. Tảng sáng, chúng tôi có “hàng xóm” mới, và khu nhà đối diện thì đã kín người. Chỉ cần ngồi trong phòng và nghe tiếng ồn cũng có thể biết được lượng người đông cỡ nào. Nỗi sợ hãi bắt đầu bủa vây, liệu chúng tôi có bị lây nhiễm từ những người mới đến?

Dù vậy, tôi vẫn chụp một vài bức ảnh và tản bộ xung quanh. Vì lý do nào đó, một vài kiện hành lý vẫn còn sót lại ở bên ngoài, giữa chúng là một chiếc xe đẩy. Cảnh tượng trông có vẻ khá lạnh lẽo.

Đến giờ phút này, tình hình ở đây vẫn ổn định, nhưng tôi lo sợ mọi thứ vẫn còn thay đổi. Có thể căng thẳng sẽ leo thang khi đám đông ngày càng lớn, cả những nỗi sợ bị lây nhiễm từ người khác và sự cảnh giác cũng sẽ theo đó được cường điệu hoá.

Tương lai sắp tới vẫn còn là ẩn số, nhưng tất cả đều cùng nhau ở đó, vì mục đích phòng chống dịch bệnh. Một điều rất rõ ràng, nhưng cần được nhấn mạnh, Việt Nam đang nỗ lực hết sức để đảm bảo an toàn cho toàn thể người dân.

XEM THÊM: Điều kiện cách ly du khách Hàn Quốc ở Đà Nẵng có tệ như YTN nói không?

Tổng hợp từ South East Asia Globe

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).