Chúng ta may mắn được sống trong thời bình, không phải chịu mối đe dọa chiến tranh như trong quá khứ. Tuy nhiên, với một dân tộc vẫn đang bị chia cắt hai miền Nam-Bắc như Hàn Quốc, mọi viễn cảnh xấu nhất đều có thể xảy ra, nếu một trong hai bên vi phạm Hiệp định ngừng bắn được thành lập vào ngày 27/7/1953.

Không có bất cứ quy ước hòa bình nào được thiết lập một cách chính thức. Do đó, những cuộc đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra thường xuyên, hai bên tiếp tục trong tình trạng chiến tranh “ngầm” và có thể phát động tấn công bất ngờ mà không cần tuyên chiến.

Chính vì vậy, để đề phòng những trường hợp rủi ro có thể xảy ra, chính phủ Hàn Quốc trong quá khứ đã bí mật xây dựng các khu căn cứ quân sự với nhiệm vụ bảo vệ toàn dân và đồng bào trong trường hợp khẩn cấp.

Một vài trong số đó đã tình cờ được phát hiện và công bố trong thời gian gần đây, khiến không ít người cảm thấy bất ngờ bởi mức độ hoành tráng và quy mô của những công trình trú ẩn những tưởng chỉ xuất hiện trên phim ảnh.

Không gian bí mật bị chôn vùi ở Yeouido

Không gian bí mật đầu tiên được nhắc đến chính là “Bunker” (Boong-ke), tọa lạc ngay tại Yeouido – nơi luôn có hàng triệu người qua lại mỗi ngày.

Trong quân sự, boong-ke (xuất phát từ tiếng Đức “bunker”, nhưng được phiên âm từ cách đọc của người Pháp) là một hầm trú dùng để ẩn nấp và chiến đấu, được bố trí trong trận địa phòng ngự hoặc tại các cứ điểm.

Boong-ke thường được xây nửa nổi nửa chìm hoặc hoàn toàn chìm dưới mặt đất, bằng các vật liệu bền vững như thép, bê tông, bê tông cốt thép, gạch, đá… được thiết kế nhằm bảo vệ những người bên trong không bị thương vong do bom hoặc các dạng tấn công khác.

Vào những năm 1970, cựu Tổng thống Park Chung Hee (박정희) đã bước lên một lễ đài tại Quảng trường Yeouido để phát biểu cảm nghĩ về sự kiện kỷ niệm Ngày quân đội quốc gia. Thế nhưng lúc bấy giờ không ai biết, ngay dưới lễ đài này, một boong-ke trú ẩn đã được xây dựng với quy mô rộng khoảng 871m², ở độ sâu 5m dưới mặt đất.

Boong-ke này lần đầu tiên được phát hiện vào năm 2005, khi chính quyền thành phố Seoul lên kế hoạch xây dựng khu trung chuyển các tuyến giao thông bằng xe bus.

Ngay sau khi được “khai quật”, chính quyền thành phố Seoul đã lập tức lao vào cuộc điều tra các tài liệu lịch sử trong quá khứ nhằm truy tìm danh tính của căn phòng trú ẩn này. Tuy nhiên, không một tài liệu hoặc bằng chứng lịch sử nào được tìm thấy.

Vào thời điểm khi được phát hiện, boong-ke tại Yeouido nhô cao khỏi mặt đất khoảng 30cm và được lắp đầy bởi nước. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn tìm thấy dấu tích của những chiếc gạch lát nền màu trắng, ghế sô-pha, hộp chìa khóa, cùng một số tài liệu được cất giấu.

Ngoài ra, với kích thước rộng khoảng 180m², phía bên trong boong-ke còn được trang bị cả nhà vệ sinh riêng có gắn vòi tắm hoa sen. Bên cạnh đó, trần nhà, sàn nhà và tường bao quanh căn hầm đều được phủ bằng một lớp bê tông cực dày 50cm cực có nhiệm vụ ngăn chặn các cuộc tấn công bom đạn từ quân địch.

Dựa trên kết quả điều tra dữ liệu vệ tinh, các nhà nghiên cứu cho rằng hầm boong-ke này được xây dựng vào khoảng năm 1976. Bởi cho đến tháng 11 cùng năm, vẫn chưa hề có bất cứ dấu tích nào về hầm trú ẩn nói trên. Mãi đến tháng 11 năm 1977, người ta mới phát hiện một bức ảnh cho thấy lối vào boong-ke.

Đồng thời vào thời điểm đó, một cuộc căng thẳng quân sự đã xảy ra khi hai sĩ quan quân đội Mỹ tấn công quân lính Bắc Hàn ngay tại khu vực An ninh chung Bàn Môn Điếm, làm dấy lên những lo ngại về một cuộc chiến tranh sẽ bùng nổ trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, do không có bất cứ ghi chép nào để lại, các nhà nghiên cứu đã không thể phân tích nguyên nhân chính xác của việc xây dựng boong-ke. Song, với những diễn biến căng thẳng xảy ra vào thời điểm lúc bấy giờ, không thể loại trừ khả năng boong-ke này được xây dựng nhằm bảo vệ quân dân Hàn Quốc khỏi sự uy hiếp từ quân đội phía Bắc.

Đáng tiếc vào thời điểm năm 2005, chính quyền thành phố Seoul không đưa ra bất cứ phương án nào trong việc sử dụng hoặc khôi phục hầm trú này, khiến nó bị bỏ mặc suốt 10 năm trời trong hoang phí.

Mãi cho đến ngày 01/10/2015, chính quyền thành phố mới bắt đầu tiến hành khắc phục những vấn đề hỏng hóc của hầm trú, đồng thời cho phép cánh nhà báo được ra vào tự do để đưa tin và ghi lại những khoảnh khắc chân thực nhất về quá trình khôi phục di tích lịch sử.

Hiện tại, hầm trú boong-ke này đã được di dời đến bảo tàng mỹ thuật và trưng bày như một minh chứng sinh động cho một Hàn Quốc luôn phải cảnh giác và sẵn sàng chiến đấu trước sự tấn công bất cứ lúc nào của quân địch.

Căn cứ phòng không Gyeonghui (경희궁, Khánh Hi) – nơi chôn vùi những ký ức đau thương

Trong số những cung điện được xây dựng trong triều đại Joseon, cung điện Gyeonghui luôn là nơi phải hứng chịu nhiều nỗi đau nhất trong suốt lịch sử hình thành đất nước, khi liên tục bị di dời hoặc phá hủy toàn bộ trong suốt khoảng thời gian dài từ triều đại Joseon cho đến giai đoạn thực dân Nhật đô hộ.

Thậm chí, quân Nhật còn biến nơi đây thành trường học, sân chơi khiến Gyeonghui dần mất đi uy phong vốn có của một cung điện hoàng gia. Đặc biệt trong suốt giai đoạn tồn tại của mình, Gyeonghui còn từng trở thành một căn cứ phòng không “bất đắc dĩ” – nơi chứng kiến không biết bao nhiêu nỗi đau đớn và sự bất hạnh của người dân Hàn Quốc dưới thời Nhật trị.

Căn cứ phòng không Gyeonghui là một cơ sở ngầm được hoàn thành vào năm 1944, với nhiệm vụ ngăn chặn các trận tập kích bằng máy bay, hoặc các cuộc không kích bằng đại bác, tên lửa của địch.

Nhìn từ bên ngoài, nơi đây chẳng khác gì bãi đỗ xe thời hiện đại. Tuy nhiên, xét về diện tích bên trong, căn cứ phòng không Gyeonghui thật sự là một hầm trú có quy mô hết sức ấn tượng, với đầy đủ các đồ nội thất thiết yếu như thiết bị thông gió, nhà vệ sinh, bồn rửa mặt, cho đến hệ thống chiếu sáng hiện đại.

Căn cứ phòng không Gyeonghui được xây dựng ngay trong giai đoạn Chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra khốc liệt nhất. Lúc này, hạm đội của Hải quân Nhật Bản đã bị tiêu diệt hoàn toàn trong trận chiến Midway, diễn ra tại chiến trường Thái Bình Dương, từ ngày 04~07/6/1942.

Chính vì vậy, với mục đích cứu vãn tình thế và tìm đường lui cho mình, quân Nhật đã tăng sức ép lên người dân nghèo Hàn Quốc, buộc họ phải hoàn thành nhanh chóng căn cứ phòng không Gyeonghui, nhằm ngăn chặn các cuộc công kích trên không của quân địch.

Ngoài ra, theo lời kể của một nhân chứng lịch sử lúc bấy giờ, có tin đồn cho rằng căn cứ phòng không này được kết nối ngầm với Phủ toàn quyền Joseon dưới thời Nhật thuộc, trước cung điện Gyeongbokgung (Cảnh Phúc). Tuy nhiên, vẫn chưa tìm thấy bất cứ tài liệu lịch sử nào có thể xác thực nhận định trên.

Sau thời kỳ thực dân Nhật đô hộ, Bảo tàng Lịch sử Seoul đã được xây dựng ngay cạnh căn cứ phòng không Gyeonghui. Tuy nhiên, trong suốt hàng chục năm sau đó, căn cứ này gần như bị bỏ hoang và không được trọng dụng xứng đáng với giá trị lịch sử của mình.

Mãi cho đến năm 2017, nơi đây mới được khôi phục và trở thành phòng triển lãm trưng bày toàn diện những hình ảnh tan thương và nỗi đau cùng cực của dân tộc Hàn Quốc trong giai đoạn Nhật trị.

Căn cứ trú ẩn của Đại sứ quán Thụy Sĩ xuất hiện ngay dưới nền đất Hàn Quốc

Vào tháng 5/2019, Đại sứ quán Thụy Sĩ đã được di dời đến một trụ sở mới ngay tại phường Songwol, quận Jongno, thủ đô Seoul.

Đây là đại sứ quán nước ngoài đầu tiên ở Hàn Quốc được thiết kế dựa trên sự hòa quyện giữa vóc dáng của những căn nhà Hanok truyền thống, cùng những đường nét tinh tế và sang trọng của kiến trúc phương Tây hiện đại.

Tuy nhiên, ngoài yếu tố bắt mắt nói trên, Đại sứ quán Thụy Sĩ còn trở thành một chủ đề nóng trên mạng xã hội nhờ căn hầm trú ẩn có một không hai của mình. Lúc bấy giờ, nhiều ý kiến cho rằng, đây là thông tin bịa đặt, vì không thể nào có chuyện một căn cứ phòng không lại xuất hiện ngay dưới tòa nhà đại sứ của một đất nước.

Thậm chí có người còn nhận định, đây chính là dấu tích còn lại của một căn cứ quân sự được xây dựng nhằm phòng tránh các cuộc tấn công của Bắc Hàn trong quá khứ.

Song trên thực tế, đây thật sự là căn cứ phòng không của Đại sứ quán Thụy Sĩ, được xây dựng dưới sự chỉ thị của chính phủ nước này. Người phát ngôn đại sứ cho biết:

“Theo Luật Phòng thủ dân sự Thụy Sĩ, một công trình kiến trúc nhất định phải được trang bị một căn phòng trú ẩn bí mật. Do đó, không chỉ Đại sứ quán Thụy Sĩ tại đất nước Hàn Quốc, mà bất cứ tòa đại sứ nào trên thế giới thuộc sự chỉ đạo của chính phủ Thụy Sĩ, đều phải có hầm trú ẩn”.

Luật Phòng thủ dân sự Thụy Sĩ được chính thức thông qua vào năm 1963. Đây là thời điểm cả thế giới lâm vào giai đoạn hết sức căng thẳng, do những xung đột chính trị giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong cuộc Chiến tranh Lạnh.

Với tính chất là một quốc gia nhỏ và chủ trương trung lập, Thụy Sĩ đã quyết định đề ra đạo luật nói trên, nhằm chuẩn bị đối phó với mọi tình huống xấu nhất.

Kể từ thời điểm đó, ước tính có khoảng 300.000 hệ thống phòng không và hầm trú ẩn được xây dựng trên toàn lãnh thổ Thụy Sĩ, bao gồm tại nhà dân, bệnh viện và những khu vực công cộng.

Ngoài ra, hơn 5.000 căn hầm trú ẩn chung với quy mô cực lớn cũng đồng thời được thiết lập nhằm bảo vệ nhiều nhất có thể công dân nước này khỏi các cuộc chiến tranh.

XEM THÊM: 10 Điểm check-in cực kỳ sang chảnh ở thủ đô Seoul nhất định phải ghé!

Tổng hợp từ Naver News

author-avatar

About Minh Thảo

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đến với Hàn Quốc như một cơ hội. Hy vọng bản thân vẫn đang sử dụng tốt cơ hội của chính mình để ngày càng có thể khám phá rõ nét hơn về đất nước xa lạ nhưng cũng thật quen thuộc này.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).