Giao lưu văn hóa, có vẻ là cơ hội trải nghiệm thú vị cho bất cứ ai yêu thích, nghiên cứu một nền văn hóa khác. Ngày nay, không ít các chương trình trải nghiệm văn hóa ngắn hạn được tổ chức. Vừa quảng bá văn hóa nước nhà, vừa đẩy mạnh hợp tác quốc tế.

Người tham gia các chương trình này thường sẽ cảm thấy văn hóa nước bạn thật thú vị, và muốn trực tiếp hòa mình vào dòng chảy đó.

Thế nhưng, khi mọi thứ thoát ra khỏi phạm vi chương trình ngắn hạn, bức tranh tươi sáng đó cũng lập tức biến mất. Do khác biệt giữa các nền văn hóa, người nước ngoài sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn khi thích nghi với nền văn hóa khác.

Và Hàn Quốc cũng tương tự. Sau đây là 5 điểm nhỏ trong văn hóa Hàn Quốc mà người nước ngoài khó thích ứng.

1. “Ăn cơm một lần nhé!” (?) (밥 한번 먹자)

Người Hàn Quốc thường nói: “Ăn cơm một lần nhé” khi chia tay, chào tạm biệt. Người nước ngoài khi nghe vậy lại cứ ngỡ: họ muốn mời mình đi ăn, rồi định bụng hẹn đối phương ngày giờ thuận tiện. Hoặc bạn có rơi vào tình huống tương tự không, khi nhiệt tình đồng ý, sau đó lại chẳng thấy họ liên lạc lại.

Tương tự, khi gặp nhau, người Hàn thường chào hỏi bằng câu: “Ăn cơm chưa?” (밥 먹었어? 밥 먹었니?…) Khi cảm ơn, họ cũng dùng biểu hiện: “Tôi sẽ đãi bạn một bữa cơm” (밥 한번 사겠다)…

Rất nhiều người nước ngoài cảm thấy kỳ lạ, và không tài nào hiểu được tại sao đột nhiên họ lại hỏi: bạn ăn cơm chưa. Nếu chưa tìm hiểu văn hóa Hàn Quốc, hẳn không ít người sẽ nghĩ đây là những câu hỏi tọc mạch, kỳ quặc.

Nhưng thật oan uổng cho người Hàn khi bị đánh giá như thế. Bởi những câu chào hỏi tọc mạch ấy thật sự mang đậm dấu ấn lịch sử, xã hội Hàn Quốc từ lâu đời.

2. Bàn rượu (술자리)

Tương tự, bàn rượu cũng là một trong những nét văn hóa Hàn Quốc làm đau đầu bạn bè quốc tế. Hãy thử nghĩ: bạn chỉ đơn giản muốn làm vài ly với bạn bè. Ở trên bàn rượu thường là lúc chúng ta thoải mái nhất, tự do nhất.

Và Hàn Quốc cũng “na ná” như thế, khi họ thoải mái ở trong một khuôn khổ. Họ vạch sẵn ra những việc sẽ làm khi uống rượu như game rượu (술 게임), làm bom rượu (폭탄주)… Đặc biệt nhất, xuyên suốt buổi tiệc nhậu, họ luôn phải tuân thủ theo “một sớ” các quy tắc (술자리 예절).

Ở Hàn Quốc, các quán rượu hầu như làm việc thâu đêm. Không khó để có thể bắt gặp hình ảnh một nhóm người đang say khướt tại bàn nhậu vào rạng sáng. Thậm chí chỉ cần ghé cửa hàng tiện lợi, bạn có thể dễ dàng tiếp cận với đồ uống có cồn này.

Hơn nữa khi đi liên hoan (회식), hiếm có công ty nào chỉ dừng lại ở quán rượu đầu tiên. Họ thường đi tăng 1, tăng 2, thậm chí tăng 3, từ quán ăn, quán rượu, karaoke… cho tới tận sáng hôm sau.

Vậy nên, những người nước ngoài khi tới Hàn Quốc lần đầu tiên đã không khỏi bất ngờ. Tại sao họ uống tới tận tờ mờ sáng, nhưng vẫn có thể tỉnh táo đến công ty, trường học… vào sáng hôm sau.

3. Văn hóa kết hôn (결혼 문화)

Trong tập 6 của chương trình 신동엽의 고수외전 của MBN Entertaimen, chủ đề văn hóa kết hôn của người Hàn Quốc đã được mang ra thảo luận. Khách mời Daniel, đến từ Đức chia sẻ: anh đã vô cùng ngạc nhiên khi tham dự tiệc cưới của người Hàn.

Khác với các nước Á Đông như Hàn Quốc, Việt Nam, các quốc gia Tây phương tổ chức tiệc cưới đơn giản. Khách mời chỉ gồm bạn bè thân thiết của chú rể và cô dâu. Họ cùng nhau ăn tiệc, khiêu vũ.

Daniel cũng cho biết: ở Đức không có khái niệm về tiền mừng (축의금), và bữa tiệc chỉ gói gọn trong 50~70 vị khách thật sự thân thiết với cặp đôi. Ở những nước không đi tiền mừng, khách dự tiệc sẽ tặng quà cho cặp vợ chồng mới.

Những người chủ nhà Hàn Quốc đã giải thích cho Daniel về văn hóa kết hôn ở Hàn Quốc. Người Hàn Quốc tin rằng hôn lễ thành công phải là một lễ đường đông khách tham dự.

Do đó khách nước ngoài đương nhiên sẽ vô cùng bất ngờ khi chứng kiến những lễ đường đông nghẹt người. Thậm chí trong số khách mời có cả bạn của… cha mẹ đôi uyên ương.

Tại phương Tây, tân lang tân nương có thể tổ chức tiệc cưới tự do như mình mong muốn. Nhưng ở Hàn Quốc và các nước Á Đông, lễ cưới sẽ do cha mẹ hai bên quyết định và phải theo truyền thống dân tộc.

Bình luận của tài khoản Kiwi Bangsong trên video của MBN tại kênh Youtube cũng thu hút nhiều sự chú ý. “Tôi là người nước ngoài, và tôi thật sự rất bất ngờ trước quy mô tiệc cưới của người Hàn Quốc. Khách tham dự vô~ cùng đông. Nhưng đối với tôi điều bất ngờ hơn nữa: là những người Hàn xung quanh hầu như chả ai thích nét văn hóa này cả”.

4. Văn hóa ngồi trên sàn (좌식 문화)

Có thể nói, người Hàn Quốc có “văn hóa ngồi sàn”. Nhiều gia đình hiện vẫn giữ nếp sinh hoạt truyền thống, ngồi bệt khi tiếp khách, dùng bữa, sinh hoạt… Điều này khiến người nước ngoài gặp không ít khó khăn khi thích ứng.

Tuy nhiên, tại các ngôi nhà được trang trí nội thất theo hướng hiện đại, những chiếc nệm bệt này hiếm thấy hơn. Dù các gia đình hiện đại trang bị sô pha thay cho nệm bệt, họ vẫn có một thói quen kỳ lạ: ngồi bệt dưới sàn, tựa lưng vào sô pha. Dù sô pha có êm ái và dễ chịu thế nào, đối với người Hàn, có lẽ ngồi bệt vẫn còn thoải mái hơn.

5. Nhanh nhanh (빨리빨리)

Người Hàn Quốc nổi tiếng với tính cách gấp gáp. Do đó, người Hàn khi đến các quốc gia khác, đa số đều gặp phải khó khăn trong sinh hoạt. Cũng vậy, người nước ngoài khi đặt chân đến Hàn Quốc đều gặp không ít khó khăn để tập thích ứng với văn hóa 빨리빨리 này.

Một người nước ngoài khi đến nhà hàng thường chỉ gọi nước trước, sau đó nhân nha, đọc menu, rồi mới gọi món. Trong khi đại đa số người Hàn Quốc khi vừa ngồi vào ghế nhà hàng, họ sẽ yêu cầu gọi món ngay.

Khi thanh toán, nhân viên thường yêu cầu khách ký tên xác nhận. Ở nước ngoài, đây là một việc quan trọng đến mức, thỉnh thoảng nhân viên sẽ hỏi xin chứng minh thư của khách. Tuy nhiên, không ít người nước ngoài đã vô cùng bất ngờ, khi nhân viên thu ngân Hàn Quốc “nhanh tay” làm thay cho khách luôn!

Tổng hợp từ NAVER

author-avatar

About Mai Huyên

Mình không biết tại sao lại thích Hàn Quốc. Có lẽ do ly kem mát lạnh và ngọt ngào đó; hay là buổi nắng rực rỡ nơi hòn đảo xinh đẹp; cũng có thể do cơn mưa hè, ngày mọi người nói 안녕 lần cuối.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).