“Tteok” – bánh gạo – là món ăn truyền thống của Hàn Quốc được làm chủ yếu từ gạo hoặc gạo nếp. Dù được sáng tạo và chế biến thành nhiều phiên bản khác nhau với mùi vị đa dạng, tteok về cơ bản thường có vị ngọt và dai.

Tteok chính là một trong những nét văn hóa đặc sắc của Hàn Quốc, đồng thời là sản phẩm chủ lực xuất hiện phổ biến trong các nghi lễ khác nhau của người Hàn Quốc. Trong đời sống hàng ngày, nhiều người dân Hàn Quốc xem tteok như một món ăn quen thuộc không thể thiếu.

1. Chapssaltteok (찹쌀떡)

Chapssaltteok (찹쌀떡) truyền thống thường được làm bằng gạo nếp và bột đậu đỏ. Và vì nó rất giống với “mochi” của Nhật Bản, một số người cũng gọi chapssaltteok theo tên đó. Chapssaltteok có đặc trưng khá dày, ăn dai, thường được chuẩn bị làm món tráng miệng trong các bữa ăn ở Hàn Quốc.

Ngoài lớp vỏ ngoài màu trắng, chapssaltteok còn khá có màu xanh lá phổ biến khi người Hàn sử dụng và trộn thêm bột trà xanh matcha. Đôi khi, nếu một sinh viên nào đó chuẩn bị phải tham gia vào kì thi quan trọng, họ sẽ đươc tặng chapssaltteok để ăn lấy “may mắn”.

2. Garaetteok (가래떡)

Garaetteok (가래떡) rất dễ nhận biết với hình trụ dài, thường được cắt lát chéo thành những miếng mỏng nhỏ hơn khi thưởng thức. Loại tteok này có thể dùng riêng, nhưng thường nó được kết hợp với các nguyên liệu để tạo thành các món ăn khác nhau. Trong đó, bao gồm cả những món vô cùng phổ biến với người nước ngoài như canh “tteokguk”, “tteokbokki” hay xiên “tteok kkochi” cay.

3. Songpyeon (송편)

Hình bán nguyệt (반달, 반월) chính là đặc trưng của tteok “songpyeon” (송편), với ý nghĩa trăng khuyết rồi sẽ tròn, việc chưa tốt rồi sẽ thành tốt. Songpyeon có thành phần gồm lớp vỏ ngoài làm bằng bột gạo được nhuộm các màu sắc khác nhau, còn nhân bên trong được làm từ đậu xanh, đậu đỏ, bột mè hoặc kem hạt dẻ. Người Hàn Quốc thường hấp songpyeon trên một lớp lá thông, nhằm giúp bánh có được mùi thơm đồng thời giữ bánh được ráo nước và không dính vào nhau.

Songpyeon rất phổ biến trong các loại tteok, một phần vì nó chính là loại bánh được người Hàn dùng để ăn và làm quà tặng nhau trong dịp Tết Trung thu (추석).

4. Injeolmi (인절미)

“Injeolmi” (인절미) là loại tteok được làm bằng cách hấp và giã hỗn hợp bột gạo nếp, sau đó cắt nhỏ và tẩm bột đậu sấy khô, gọi là “gomul” (고물). Gomul có thể được làm từ đậu nành, đậu đỏ, mè, hoặc táo tàu khô.

Theo một truyền thuyết, injeolmi được phát minh bởi một thường dân mang họ Lim (임), người đã mời vua Injo ăn thử khi ông buộc phải lánh khỏi Seoul do một cuộc nổi loạn.

Thích thú trước mùi vị của loại bánh này, nhà vua đã đặt tên cho món ăn theo tên người đã làm ra nó, gọi là Imjeolmi, và dần được đổi thành injeolmi như bây giờ. Ngày nay, injeolmi chủ yếu được thưởng thức trong những dịp đặc biệt, và nó thường được cắt thành miếng chữ nhật có kích cỡ vừa miệng người ăn.

5. Gyeongdan (경단)

“Gyeongdan” (경단) thoạt nhìn có hình dạng khá giống với chapssaltteok và ăn cũng khá dai. Loại tteok này được làm từ bột gạo mềm bọc bên ngoài, nhân đậu đỏ ngọt bên trong. Sau khi luộc chín, gyeongdan thường được phủ bằng các loại bột khác nhau với nhiều màu sặc sỡ, từ vừng đen nghiền và đậu nành rang đến bột ngải cứu hay dừa nạo.

6. Yaksik (약식)

Một loại tteok khác được người Hàn sử dụng phổ biến trong các dịp lễ lạt chính là “yaksik” (약식) hay còn gọi là “bánh thuốc”. Yaksik được tạo thành bởi sự kết hợp của gạo nếp, mật ong, hạt thông, táo tàu khô và hạt dẻ. Người ta còn cho thêm vào yaksik hỗn hợp nước nâu sẫm gồm đường caramel, quế, nước tương và dầu mè.

Bánh sau đó được hấp cho đến khi tất cả các nguyên liệu hòa quyện hoàn toàn vào nhau và hương vị của nó cũng trở nên đậm hơn. Yaksik khi còn dẻo và nóng thường được múc ăn bằng muỗng. Nhưng khi nguội đi, nó được cắt thành các miếng nhỏ hơn và có cầm tay để ăn.

7. Sirutteok (시루떡)

“Sirutteok” (시루떡) là một trong những loại bánh gạo lâu đời nhất của Hàn Quốc. Loại sirutteok cơ bản được chế biến bằng cách hấp gạo (gạo nếp) cùng với một lớp đậu đỏ nghiền trong nồi hấp truyền thống được gọi là siru (시루). Ngoài dạng phổ biến này, sirutteok còn có thể được phủ bởi các loại đậu khác, trái cây hoặc các loại hạt.

Sirutteok có ý nghĩa mạnh mẽ trong văn hóa dân gian Hàn Quốc vì người ta tin rằng đậu đỏ có thể xua đuổi tà ma. Ngày nay, sirutteok vẫn thường được chuẩn bị để phục vụ trong những dịp đặc biệt của Hàn Quốc.

8. Baekseolgi (백설기)

“Baekseolgi” (백설기) được làm từ bột gạo, đường, nước và muối được trộn nhuyễn, sau đó hấp cho đến khi bánh trở nên nhẹ và dai. Baekseolgi luôn có màu trắng, tượng trưng cho sự thuần khiết và ngây thơ. Chính vì điều đó, thường được chuẩn bị để kỷ niệm 100 ngày em bé chào đời.

Baekseolgi truyền thống thường không được trang trí, nhưng đôi khi bánh sẽ được trang trí bằng trái cây hoặc hạt khô.

9. Jeolpyeon (절편)

“Jeolpyeon” (절편) là loại bánh gạo hấp có dạng dẹt của Hàn Quốc được chế biến với nguyên liệu chính là gạo nếp và có vị ngọt đậm. Trước khi ăn, người ta thường quét thêm lên jeolpyeon một lớp dầu mè, nhằm giúp bánh không dính vào nhau và tạo thêm hương vị.

Ngoài việc được sử dụng như một món ngọt thường ngày, jeolpyeon còn được chuẩn bị để phục vụ trong các đám cưới và tiệc trà đạo.

10. Jeungpyeon (증편)

“Jeungpyeon” (증편) có kết cấu lỗ rỗng nở, và ở chừng mực nào đó nó có thể khiến ta liên tưởng đến bánh bò của Việt Nam. Jeungpyeon được làm từ hỗn hợp gạo nếp, đường, men và rượu makgeolli. Chính vì thế, jeungpeyon có mùi thơm độc đáo của rượu, vị hơi chua và mềm.

Phía trên bánh thường được trang trí với táo tàu, hạt thông, hoặc các loại hạt. Jeungpyeon là món ăn được yêu thích trong mùa hè vì chúng lâu hư kể cả trong tiết trời nóng.

11. Ggultteok (꿀떡)

“Ggultteok” (꿀떡) là loại bánh gạo hấp đầy màu sắc của Hàn Quốc thường được nặn thành những viên tròn có kích thước nhỏ vừa miệng ăn. Vì được gọi là bánh gạo mật ong (“ggul” nghĩa là mật ong), theo truyền thống, ggultteok được ăn kèm với mật ong. Mặc dù thường được chế biến đơn giản, đôi khi ggultteok chứa đầy nhân vừng hoặc được phủ ngoài với lớp bột đậu nành rang.

author-avatar

About Eileen

Bằng một cách nào đấy, duyên phận là có thật. Tôi với Hàn Quốc, đơn giản chính là như vậy.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).