Món lá vừng ngâm (깻잎 장아찌) là một trong những món ăn dân dã của người Hàn Quốc. Chúng ta dễ dàng có thể bắt gặp món ăn kèm này tại các quán ăn hay các cửa hàng bán thức ăn sẵn.

Đôi khi người Hàn cảm thấy nhạt miệng họ thường tìm đến thức ăn kèm như lá vừng ngâm. Vì khi ăn kèm cơm sẽ tạo vị đậm đà cùng mùi thơm của lá vừng khiến người ăn bớt “nhạt miệng”

Người nước ngoài khi mới đến Hàn Quốc đều rất “bỡ ngỡ” trước mùi vị của lá vừng (깻잎). Có một sự so sánh khá hài hước là khi người Việt Nam lần đầu ăn lá vừng sẽ có cảm giác y hệt như người Hàn ăn rau thơm của Việt Nam.

Lá vừng là loại nguyên liệu không được sử dụng phổ biến trong các món ăn Việt Nam nên sẽ có rất nhiều bạn nói chung và các cô dâu Việt nói riêng sẽ rất lúng túng trong việc chế biến món lá vừng ngâm.

Sau đây là công thức làm món lá vừng ngâm vô cùng đơn giản vị “chuẩn Hàn”, có thể ăn cả tháng mà không sợ “hỏng”. Để giúp bạn dễ hình dung hơn về lượng gia vị, đây là công thức dành cho gia đình 2 người ăn trong 2 tháng.

– Nguyên liệu: 10 bó lá vừng (khoảng 100 ~ 120 lá).

– Chuẩn bị gia vị:

  1. Nước xì dầu 200ml
  2. Nước nấu cá cơm (멸치) và tảo bẹ (다시다) 100ml
  3. Nước dấm 100ml
  4. Ba thìa đường
  5. Bảy nhánh tỏi thái lát (có thể chuẩn bị thêm ớt, hoặc bột ớt nếu muốn ăn cay)

Chú ý khi chuẩn bị gia vị:

  • Cần chuẩn bị thêm 300ml nước + 4 con cá cơm (cỡ lớn) + 1 miếng tảo bẹ nhỏ kích cơ 3 × 5cm
  • 1 muỗng canh = khoảng 8 thìa cơm = khoảng 60ml
  • Có thể cho nước dấm hoặc không, tùy theo khẩu vị của bạn
  • Nếu muốn ăn ngọt hơn thì có thể cho thêm 1 thìa đường

Tuy sẽ tốn khá nhiều thời gian nhưng chúng ta cần phải rửa thật kĩ từng lá vừng trước khi chế biến. Sau khi rửa sạch từng lá, nên để lá như hình dưới đây cho dóc hết nước.

Các bước thực hiện:

Chuẩn bị nước gia vị với 3 bước sau đây:

– Bước 1: Cho 4 con cá cơm và miếng tảo bẹ đã chuẩn bị sẵn vào 300ml nước nấu trong 10 phút. 10 phút sau, vớt cá cơm và tảo bẹ ra để lấy nước (đậy nắp vung vặn nhỏ lửa khi nấu để tránh cạn nước).

– Bước 2: Cho 200ml nước xì dầu và 100ml nước dấm vào nồi nước nấu cá cơm tảo bẹ.

Lý do nấu nước xì dầu là vì thời chưa có tủ lạnh, người ta đã nấu nước xì dầu sau đó khử trùng để thức ăn không bị mốc và ôi thiu bởi vi khuẩn. Bằng cách này, việc nấu nước xì dầu cũng là cách giúp món lá vừng ngâm có thể ăn trong nhiều ngày mà không bị bốc mùi.

Cách để bảo quản món lá vừng ngâm cũng như các món “ngâm (장아찌)” là cứ 1 tuần lại nấu lại với nước xì dầu một lần để tránh xuất hiện vi khuẩn có hại.

– Bước 3: Cho thêm đường, tỏi vào nồi nước đun mạnh lửa một lúc, sau đó để nguội. Nếu muốn ăn cay có thể thái ớt theo lát hoặc rắc chút bột ớt vào nồi gia vị. Đến đây, nước gia vị đã hoàn thành.

– Bước 4: Xếp từng lá vừng vào trong hộp bảo quản thức ăn và dùng thìa tra nước gia vị lên bề mặt lá. Hãy xếp lá theo xấp khoảng 10 lá để được đẹp mắt hơn khi bày lên mâm cơm.

– Bước 5: Sau khi xếp lá và tra gia vị, hãy đổ phần nước gia vị còn lại vào hộp đựng lá vừng. Để lá vừng được “ngâm” mình trong nước gia vị.

Để tránh lá vừng ở trên không được tẩm gia vị đều, bị nhạt vị hơn so với lá ở dưới, nên dùng một vật nặng chèn lên trên bề mặt lá giúp lá vừng thấm gia vị đều không bị quá mặn hoặc quá nhạt.

Sau 3 ngày có thể lấy ra ăn. Lúc mới đầu lá có màu xanh đậm, càng để lâu lá sẽ đổi thành màu vàng đến nâu thẫm.

Dù lá đổi màu, cũng đừng “hoảng hốt” nhé! Món lá vừng ngâm này không dễ bị ôi thiu như chúng ta nghĩ đâu. Chỉ cần lưu ý, cứ 1 tuần các bạn lấy ra nấu lại với nước xì dầu thì việc bảo quản từ 1 tháng đến 2 tháng sẽ không hề khó.

Lá vừng tuy có mùi vị đặc trưng nhưng là món ăn ưa thích của người Hàn Quốc, và được nhận xét rằng dễ ăn như “lá kim” (김) vậy. Cuộn lá vừng ngâm này khi ăn thịt nướng hoặc thịt luộc cũng vô cùng “hết sảy” đấy nhé!

XEM THÊM:

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).