Hàn Quốc được xem là cường quốc kinh tế ở châu Á. Bên cạnh đó, văn hóa Hàn Quốc cũng phát triển rất mạnh mẽ.

Những năm gần đây, làn sóng Hàn Quốc đã mang văn hóa K-Pop đi khắp thế giới. Dưới ảnh hưởng của phim ảnh, âm nhạc, đa số mọi người vẫn thường nghĩ về đất nước Hàn Quốc với sự thịnh vượng, phát triển, giàu đẹp.

Tuy nhiên, thực tế, sự thịnh vượng lại không đi liền với hạnh phúc. Bởi theo báo cáo “Nghiên cứu hạnh phúc của người Hàn Quốc dựa theo chỉ số hạnh phúc” đăng trên Diễn đàn kinh tế Hàn Quốc của Hiệp hội kinh tế Hàn Quốc (KEA) ngày 5/2/2020, chỉ số hạnh phúc của người Hàn về nền tảng kinh tế, xã hội năm 1990 và 2017 đều đứng thứ 23 trong số 31 nước thuộc Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) được điều tra. 

Giáo sư Park Myung Ho thuộc trường Đại học Ngoại ngữ Hàn Quốc và nhà nghiên cứu Park Chan Yeol thuộc Viện nghiên cứu Gyeongnam đã tiến hành tính toán chỉ số hạnh phúc của 31 trên 36 nước OECD (loại trừ những nước nhỏ), dựa trên 27 chỉ số liên quan mật thiết tới chất lượng đời sống.

Nhóm nghiên cứu tính toán chỉ số hạnh phúc theo hai lĩnh vực: liên quan đến nền tảng kinh tế, xã hội; và liên quan đến cách biệt kinh tế, xã hội.

Ở lĩnh vực liên quan đến nền tảng kinh tế, xã hội, thứ hạng của Hàn Quốc tương tự như cách đây gần 30 năm. Tuy nhiên, có sự khác biệt nhỏ theo từng hạng mục cụ thể.

Thu nhập của Hàn Quốc từng đứng thứ 28 OECD năm 1990, nhưng đã tăng lên 8 bậc, đứng thứ 20 năm 2017. Tuổi thọ kỳ vọng tăng nên chỉ số về sức khỏe vươn từ thứ 26 lên thứ 10.

Ngược lại, chỉ số về an toàn từng đứng thứ 15 năm 1990 lại giảm xuống thứ 30 năm 2017. Chỉ số về nhà ở giảm từ thứ 22 xuống 24.

Ở lĩnh vực liên quan đến cách biệt kinh tế, xã hội, chỉ số hạnh phúc của người Hàn giảm một bậc từ thứ 29 năm 1990 xuống thứ 30 năm 2017.

Cách biệt về thu nhập rơi từ vị trí 21 xuống 27. Mặc dù thu nhập của toàn bộ dân số đã tăng, nhưng khoảng cách thu nhập giữa các tầng lớp trong xã hội lại càng nới rộng, làm giảm mức độ hạnh phúc của người dân. Cách biệt giới tính đứng thứ 31, vị trí cuối cùng trong số các nước điều tra, cả trong năm 1990 và 2017.

Giáo sư Park Myung Ho chỉ ra rằng mức độ hạnh phúc của người Hàn đang nằm trong top cuối so với các nước OECD. Đặc biệt ở lĩnh vực liên quan đến cách biệt kinh tế, xã hội, chỉ số hạnh phúc của Hàn Quốc đang xấu đi nhanh chóng.

Ngoài ra, theo báo cáo“Hạnh phúc thế giới” của Liên hợp quốc, chỉ số hạnh phúc của Hàn Quốc đã giảm từ thứ 47 năm 2015 xuống thứ 54 năm 2019.

Trước đó đã từng có nhiều thông tin liên quan đến các vụ tự tử do trầm cảm, từ các ngôi sao K-Pop đến người bình thường. Áp lực từ hệ thống giáo dục cho đến môi trường làm việc cạnh tranh cùng kỳ vọng từ phụ huynh, gia đình khiến giới trẻ Hàn Quốc“kém hạnh phúc nhất” thế giới, theo nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) năm 2017.

Theo dữ liệu của Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia công bố ngày 15/10/2019, số thanh thiếu niên điều trị trầm cảm đã tăng 65,2%, từ 22.538 ca năm 2016 lên 37.233 ca vào năm 2018.

Không chỉ trầm cảm, các chứng bệnh tâm thần khác cũng gia tăng trong giới trẻ xứ sở kim chi. Cụ thể, số thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn lo âu tăng từ 14.126 lên 18.220, rối loạn hoảng loạn tăng từ 1.966 lên 2.928. Số người trẻ tuổi bị mất ngủ, rối loạn ăn uống, ám ảnh cưỡng chế… đều tăng từ năm 2016 đến 2018.

Đại diện Park Kyung Mee của Đảng Dân chủ Hàn Quốc cho rằng giới trẻ nước này đang phải đối mặt với quá nhiều căng thẳng trong học tập, công việc và mối quan hệ xã hội. Theo bà Park, để nâng cao sức khỏe tinh thần của người trẻ Hàn Quốc, ngoài việc giải quyết các vấn đề áp lực trong cuộc sống.

Còn tại Việt Nam, báo cáo World Happiness Report 2019 của Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc đã xếp hạng chỉ số hạnh phúc của 156 quốc gia, Việt Nam đứng thứ 94 trong bảng xếp hạng, tăng 1 bậc so với năm ngoái.

Việt Nam đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á. Singapore vẫn dẫn đầu ASEAN, theo sau là Thái Lan, Philippines, Malaysia và Indonesia.

Ông Jeffrey Sachs, giám đốc Mạng lưới giải pháp phát triển bền vững cho biết:“Dữ liệu này sẽ cung cấp cho các chính phủ trên thế giới cơ hội để cân nhắc lại các chính sách công cũng như để các cá nhân lựa chọn cuộc sống cá nhân, nâng cao hạnh phúc. Chúng ta đang sống trong thời đại mà căng thẳng gia tăng. Báo cáo sẽ chỉ ra những thách thức tiềm ẩn cần được giải quyết”.

XEM THÊM:

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).