Ngày nay, nhu cầu đọc sách của mọi tầng lớp lứa tuổi đang có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, để đi cùng nhu cầu đọc sách thì văn hóa đọc sách cũng cần phát triển cùng tốc độ.

Trong các nhà sách và thư viện, không khó để bắt gặp những người chọn đọc và chụp hình, sao chép sách tại chỗ thay vì mua sách về bởi những lý do sau: Muốn lưu lại và chia sẻ những trang sách chứa nội dung hay, muốn lưu ảnh lại đọc dần để giảm gánh nặng chi phí tiền sách trong trường hợp là học sinh-sinh viên.

Trong trường hợp này, việc chụp ảnh tại thư viện hoặc nhà sách có phải hành vi vi phạm bản quyền ở Hàn Quốc không?

Hợp pháp khi lưu giữ cá nhân

Theo Luật bản quyền Hàn Quốc Điều 136 – Hạng 1: “Hành vi sao chép hoặc phát tán tác phẩm tùy tiện có thể bị phạt tù tới 5 năm hoặc xử phạt hành chính lên tới 50 triệu KRW”.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp đều bị xử phạt. Cần phải xem xét và điều chỉnh giữa mối quan hệ lợi ích của tác giả và độc giả trong các phạm vi giới hạn, đặc biệt là trường hợp được bảo vệ khi “độc giả chỉ sử dụng nội dung với mục đích cá nhân có thể cân nhắc” (Điều 30 Luật Bản quyền Hàn Quốc).

Nói cách khác, nếu một tác phẩm đã công bố được sử dụng cho mục đích cá nhân, không nhằm mục đích thương mại hoặc chỉ phát tán trong phạm vi giới hạn tác giả cho phép như trong gia đình hoặc các phạm vi tương đương, người đọc được phép sao chép tác phẩm và không bị truy tố trách nhiệm hình sự.

Các tài liệu như phim ảnh và tài liệu liên quan đến bí mật kinh doanh không thuộc “Tác phẩm đã được công bố”.

Do đó, nếu chỉ sử dụng nhằm mục đích học tập hoặc nghiên cứu cá nhân, người đọc vẫn có quyền chụp ảnh chứa nội dung của những cuốn sách lớn trong thư viện.

Phạm pháp khi chia sẻ với người khác

Tuy nhiên, hành vi sao chép sách sẽ bị xem là vi phạm bản quyền khi người đọc không chỉ sử dụng tài liệu cho mục đích nghiên cứu cá nhân mà chia sẻ với bạn bè hoặc đăng tải lên mạng.

Trên thực tế, nhiều sinh viên đại học ở Hàn Quốc thường chụp ảnh, quét (scan), chia sẻ và sao chép lại các tài liệu trong thư viện của trường để tiết kiệm chi phí mua sách chuyên ngành.

Theo thống kê của Bộ Văn hóa Thể dục và Du lịch Hàn quốc, hành vi sao chép và phát tán sách trái phép ở phạm vi trường đại học có xu hướng liên tục tăng theo từng năm, từ 15.479 cuốn (369 trường hợp phát hiện) vào năm 2014, 16.335 cuốn (459 trường hợp) năm 2015 cho đến 21.304 cuốn (419 trường hợp) trong năm 2016.

Để ngăn chặn các hành vi trái phép này, ngành xuất bản đã áp dụng “Chế độ tiền tác quyền cho việc sử dụng tác phẩm với mục đích giáo dục”, và thư viện cũng cấm sao chép nhiều hơn một phần nhất định trong một cuốn sách.

Tuy nhiên, hoạt động sao chép, phát tán sách vẫn diễn ra ở nhiều nơi, nhất là gần khu vực các trường đại học. Nếu hành vi này bị phát hiện, bạn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Luật bản quyền của Hàn Quốc. Do đó, hãy cẩn thận khi đọc và chụp ảnh sách chuyên ngành trong thư viện trường và dừng lại ở phạm vi sử dụng cá nhân.

Để bảo đảm một môi trường cạnh tranh lành mạnh và thúc đẩy sự tăng trưởng của nền kinh tế, quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ bản quyền ngày càng được thắt chặt hơn. Những hành vi có thể gây ảnh hưởng tới quyền sở hữu trí tuệ và bản quyền ở Hàn Quốc cũng được liệt kê nhiều hơn, cụ thể hơn và nhận được sự quan tâm của cộng đồng.

Sắp tới đây, ngành xuất bản nói chung cần đẩy mạnh truyền thông và nâng cao nhận thức cho người đọc về ý thức chấp hành pháp luật về quyền tác giả và quyền liên quan, nhằm phát triển văn hoá đọc đúng đắn bên cạnh xây dựng thói quen đọc sách cho cộng đồng.

XEM THÊM:

author-avatar

About Ngọc Vũ

Kết nối với Hàn Quốc như một cái duyên và gắn bó cùng Hàn Quốc như một định mệnh. Quan tâm tới văn hoá, xã hội, các tin tức thời sự và mối quan hệ quốc tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).