Đã hơn 2 tháng kể từ ngày người dân Hàn biết đến sự hiện diện của virus COVID-19, và phải sinh hoạt trong sự bất an, lo lắng hàng ngày hàng giờ.

Nỗi lo phòng ngừa dịch bệnh khiến cho con người ta cảm thấy mệt mỏi, vấn đề khủng hoảng kinh tế ảnh hưởng toàn bộ mạng kinh tế hoạt động trên toàn thế giới.

Trong lúc cả thế giới đang chiến đấu với bệnh dịch, những cô dâu Việt ở Hàn Quốc cũng đang phải “chiến đấu dũng cảm” trong cuộc chiến mang tên “sự nghiệp trông con” (육아전쟁).

Đằng sau những câu chuyện hài hước vì phải trông con 24/24, cô dâu Việt ngán ngẩm thở dài và đang tự hỏi: “Cuộc chiến này bảo giờ mới chấm dứt?”.

24/24 giờ bên con, mỗi khoảnh khắc là một niềm vui?

Là bố mẹ, ai cũng muốn dành thời gian chăm sóc và ở bên con. Cuộc sống lo toan kinh tế khiến cho người làm bố làm mẹ phải ra ngoài để bươn trải kiếm tiền. Hẳn bạn đã từng cảm thấy có lỗi và thương con khi chứng kiến cảnh con khóc ở trước cửa trường mầm non đòi mẹ.

Nếu bạn đi làm và gửi con đi học thì cơ hội bên con cả ngày hẳn là sẽ vô cùng hiếm hoi. Tuy nhiên, vào thời gian này lịch khai giảng liên tục bị hoãn lại, tâm lý muốn bảo vệ con an toàn trước dịch bệnh khiến cho các cô dâu Việt phải sinh hoạt cùng con trong căn nhà 4 bức tường hết ngày này sang ngày khác.

Hạnh phúc vì được ở với con cả ngày, có thể làm món ngon cho con ăn, có thể theo dõi cử chỉ của con bất kỳ lúc nào là một trong những niềm vui hiếm hoi trong mùa bệnh dịch. Nhưng 2 tháng liệu có phải là quãng thời gian quá dài để họ tận hưởng niềm vui đó?

Nếu làm phép so sánh nho nhỏ, chúng ta có thể thấy cuộc sống của những người làm vợ, làm mẹ của cô dâu Việt đã thay đổi đáng kể.

Do các trung tâm giáo dục tiếng Hàn không hoạt động, cô dâu Việt không có không gian để gặp bạn bè và học tiếng. Việc hẹn hò tụ tập cũng bị giảm đi, nếu đi thì phải dắt theo cả con.

Đối với những cô dâu Việt không thể đi làm kiếm tiền, họ ở nhà nhưng lại như đang “ngồi trên đống lửa”. Không còn cách nào khác là cầu nguyện cho virus COVID-19 bị “tóm gọn”, khi đó các con đươc tung tăng tới trường và bản thân có thể đi làm lại, vớt vát những ngày tháng ở nhà chơi không lương.

Một cô dâu Việt ngậm ngùi tâm sự và chia sẻ lịch “làm việc không có ngày nghỉ” rằng: Mình có 2 con, tất cả đều đang ở nhà. Đứa lớn là con trai 5 tuổi nghịch vô cùng, đứa nhỏ là con gái nhưng đang tập đi. Cả ngày chỉ ở trong 4 bức tường, có chăng thì được ra ngoài chơi 1 tiếng nhưng vẫn phải đeo khẩu trang.

Nếu kêu ca việc trông con với chồng hoặc với ai khác thì có vẻ như mình là người mẹ không tốt. Nhưng hôm qua mình đã thử viết ra những việc mình làm trong ngày để cho chồng xem. Chồng mình đã phải công nhận sự vất vả của mình.

Đối với mình, 2 tháng qua thật khủng khiếp. Mình muốn đi học tiếng Hàn, dù chỉ là 1 tiếng mình cũng muốn ở yên tĩnh một mình.

Biết rằng, ai làm mẹ cũng thế, tuy nhiên mình là cô dâu Việt chưa sõi tiếng Hàn nên việc ở nhà cũng là một cản trở lớn. Và mình nhận ra, kỹ năng làm mẹ của mình còn thiếu. Mình rất lúng túng khi nói chuyện, tâm sự với con trai của mình.

Công việc ở nhà

6h30: Dậy chuẩn bị cơm cho chồng đi làm
7h30: Rửa mặt, vệ sinh, thay bỉm cho 2 đứa
8h: Chuẩn bị bữa sáng cho 2 đứa
8h30: Cho 2 đứa ăn cơm trong 1 tiếng
9h30: Giặt quần áo trong lúc bọn trẻ xem hoạt hình

10h15: Cùng bọn trẻ phơi quần áo
10h45: Cùng chơi đồ chơi và dạy con học
11h45: Chuẩn bị bữa trưa cho bọn trẻ
12h50: Cho con ăn cơm xong rồi cùng vật nhau với bọn trẻ trên giường
13h35: Bọn trẻ đã ngủ

Khi bọn trẻ ngủ, mình quay ra nhìn ngôi nhà, thấy không khác “bãi rác” là bao. Vừa bật tivi xem tin tức dịch bệnh vừa dọn đồ chơi và lau nền nhà. Do bé thứ 2 nhà mình đang tập đi nhưng vẫn chủ yếu bò trên nền nhà, nên lúc nào cũng phải lau sạch. Có lần, bé nhặt sợi tóc rớt trên nền nhà rồi cho vào mồm.

Mình vội vã lấy cơm và kim ra ăn – đây là bữa cơm sáng kiêm trưa của mình. Vì sợ đang ăn mà con dậy thì sẽ bị nghẹn nên mình ăn rất đơn giản.

14h50: Đứa lớn đã tỉnh ngủ! Và cuộc chiến lại bắt đầu. Bé kêu đói!

15h10: Mình vội đưa đồ ăn phụ cho con (sữa, phomai, bánh kẹo, bánh mỳ…), con gái mình lúc đó ngủ đủ giấc nên đã dậy.

15h30 ~ 17h: Mình chơi nấu ăn, chơi ôtô và xem hoạt hình cùng con. Đứa lớn đã hỏi mình rất nhiều thứ. Và mình nhớ là mình chỉ trả lời là “Ừ” (응) thì phải.

17h ~ 17h30: Mình và 2 con ra ngoài vừa đi đổ rác, vừa đi dạo. Đứa lớn chạy như “chim sổ lồng” và mình thì lẽo đẽo địu đứa thứ 2 đuổi theo.

Ở nhà và ra ngoài, 2 lựa chọn đều có cái vất vả khác nhau. Mình đã rất mệt mỗi khi đưa con đi ra ngoài.

17h45: Về đến nhà, mình lao vào nấu cơm. Do đứa thứ 2 nhà mình không thể chơi với anh (anh luôn tranh đồ chơi của em) nên mình phải địu ra đằng sau để nấu cơm cho nhanh.

18h30: Bữa tối đơn giản gồm cơm và trứng rán đã xong. Dạo này, mình bị stress vì “thực đơn” cho bọn trẻ. Nhưng lại không có thời gian tìm hiểu về những món đơn giản dễ làm.

18h45 ~ 19h45: 1 tiếng để cho 2 đứa ăn cơm, mình bắt đầu la hét bọn trẻ và cảm thấy khó chịu khi vai bắt đầu đau, lưng cũng ê ẩm.

Chúng ngồi không yên, luôn làm đổ nước và lấy đồ chơi bỏ vào bát cơm. Sự kiên nhẫn của mình đang bị trêu trọc. Để không bị mệt thêm nữa, mình lại mở tivi cho con xem. Kết quả, chúng lại dán mắt vào tivi và há miệng tự động.

Cả ngày, loanh quanh chạy trong nhà nhưng chân mình không còn sức lực nữa rồi. Mình muốn đi ngủ. Nhưng những việc mình còn phải làm đó là sắp cơm cho chồng, cho bọn trẻ tắm rửa và dỗ ngủ…

Những ngày qua, mình luôn luôn kêu mệt mỏi và không có tâm trí suy nghĩ đến chuyện khác. Ngoài kia hoa đã nở, mình muốn làm một điều gì đó hơn là phải ở trong không gian này.

Con của mình chắc chắn cũng đang rất muốn đi chơi ở đâu đó, hoặc gặp bạn để cùng chơi ôtô. Nó đã hỏi mình rằng: “Có phải ở với con mẹ mệt mỏi lắm không?” (엄마~ 나랑 같이 있어서 많이 힘들어?).

Ánh mắt ngây thơ của con khiến mình cảm thấy có lỗi, nhưng dường như cảm xúc của mình đang bị dồn lên và chỉ trực “tuôn trào”. Mình đã nhận ra nhiều điều trong quãng thời gian này.

Tuy rằng, cô dâu Việt đang sống từng giờ từng phút vì gia đình, tuy nhiên họ cần “một phút chậm lại” để nhận thấy rằng họ là những người phụ nữ vĩ đại.

Cô dâu Việt cần thời gian cho bản thân

Dù luôn hết lòng vì gia đình, nhưng một ngày cả tâm trí họ chỉ dành cho gia đình. Bản thân họ cũng cần “thời gian tự do” để được khuây khỏa. Đây không phải là nỗi niềm của riêng cô dâu Việt mà là nỗi niềm chung của tất cả các bà mẹ hiện nay.

Cô dâu Việt cần thời gian để học tiếng Hàn

Bạn có chắc nếu ở nhà dịp này, bạn có thể học tiếng Hàn một cách yên tĩnh?

Sự nghiệp học hành vốn đã có nhiều gian nan, phần lớn cô dâu Việt cho rằng “chữ không vào đầu” khi tự học ở nhà. Đặc biệt, là phải nghe tiếng phim hoạt hình Pororo (뽀로로) “léo nhéo” bên cạnh.

Cô dâu Việt muốn nghe câu nói “Em vất vả nhiều rồi!”

Đây không phải mong muốn chỉ xuất hiện trong mùa dịch, nhưng với cường độ stress gấp nhiều lần gây ra gián tiếp bởi COVID-19, cô dâu Việt càng có nhu cầu được nghe câu nói này hơi bao giờ hết.

Bởi cuộc sống sinh hoạt bị thu hẹp lại trong 4 bức tường, 1 ngày 3 bữa cơm và “n” bữa ăn phụ của con cũng khiến cô dâu Việt “phát hờn”. Chưa kể, việc tắm rửa cho con, chuẩn bị cơm cho chồng, dọn dẹp nhà cửa, chơi cùng con là một danh sách việc “nhất định phải làm” trong ngày.

Nếu như lúc này, người chồng của họ chỉ cần đi đổ rác giúp 1 lần, chơi cùng con, thay bỉm giúp, hoặc nói câu “Em vất vả nhiều rồi rồi!” (고생했다! / 수고많았다), thì sự vất vả của cô dâu Việt ít nhiều cũng được vơi đi.

Tuy ở cùng con, nhưng cô dâu Việt lại phải lo lắng rất nhiều chuyện, cũng bởi cuộc sống thời buổi bệnh dịch bị xáo trộn quá nhiều. Cô dâu Việt lo lắng vì sợ con xem quá nhiều phim hoạt hình. “Bất lực” trước việc quản lý giờ giấc ăn ngủ của con, kỹ năng chơi cùng con còn “nghèo nàn” khiến cô dâu Việt bị stress rất nhiều.

Một số cô dâu Việt còn bị đau lưng, quá mệt mỏi và. Tâm trạng bức bối do không được thư giãn còn khiến nhiều người không thể kìm chế cảm xúc và trút giận lên con.

Liệu các cô dâu Việt có thể kiên cường chịu đựng được tới bao giờ? Và liệu cuộc chiến trong sự nghiệp trông con 24/24 bao giờ mới chấm dứt?

author-avatar

About Nguyễn Vân

Hàn Quốc sẽ thật đẹp khi biết trân trọng vùng đất này. Sự khác nhau về ngôn ngữ, văn hoá sẽ cho chúng ta những trải nghiệm thú vị.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).