⁉️UPDATE: (16:00 ngày 18/8/2020) Hàn Quốc có 15.761 ca nhiễm COVID-19 (306 chết), toàn thế giới là 22.053.734 ca nhiễm và 782.730 chết.

Bộ Y tế Việt Nam chiều ngày 7/3/2020 xác nhận hai người tiếp xúc gần với nữ bệnh nhân thứ 17 là bác ruột và tài xế riêng đã nhiễm COVID-19.

Sáng ngày 8/3, trường hợp thứ 21 được ghi nhận liên quan đến ca nhiễm 17 là người ngồi hàng ghế trên người bệnh trong chuyến bay VN0054.

Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận 21 ca nhiễm COVID-19 với 16 người đã khỏi bệnh và 5 người đang điều trị.

Chỉ còn 4 ngày để chính thức công bố hết dịch tại Việt Nam sau chuỗi 22 ngày không có ca bệnh. Ca nhiễm thứ 17 xuất hiện khiến nhiều người liên tưởng đến “siêu lây nhiễm số 31”, một tín đồ Tân Thiên Địa (Sincheonji) ở thành phố Daegu (대구), Hàn Quốc.

Việt Nam bình tĩnh phản ứng nhanh trước ca nhiễm COVID-19 mới

Sáng ngày 7/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế cùng các chuyên gia. Bộ Y tế khẳng định có thêm bệnh nhân COVID-19 thứ 17 nhưng mọi thứ vẫn trong tầm kiểm soát.

Theo ông Trần Đắc Phu, người phát ngôn của Bộ Y tế về dịch COVID-19, đây là ca nhiễm xâm nhập từ nước ngoài, ngay khi phát hiện Hà Nội đã rà soát, cách ly những người có liên quan (hiện có 123 người được cách ly).

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, bà Lê Quỳnh Mai cho biết, bệnh chỉ lây lan khi nồng độ virus ở người bệnh cao; người sức khỏe yếu, có tiền sử nhiều bệnh lý trước đó sẽ có khả năng lây nhiễm cao hơn.

Người khỏe mạnh có sức đề kháng tốt dù có tiếp xúc cũng chưa chắc mắc bệnh. Hiện Hà Nội đã cách ly chặt chẽ người bệnh và người tiếp xúc nên nguồn lây nhiễm đã được kiểm soát.

Hai đầu phố Trúc Bạch, Hà Nội đã được rào chắn từ tối ngày 6/3/2020, ngay sau khi có kết quả xét nghiệm của bệnh nhân COVID-19 thứ 17. (Ảnh Hà Thanh)

Ngay khi nhận được thông báo xác nhận ca nhiễm COVID-19 thứ 17, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. HCM đã phát thông báo khẩn tìm kiếm các hành khách trên chuyến bay VN0054 của Hãng Hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines).

Chiều ngày 7/3, đã tìm thấy 11 hành khách đi cùng chuyến VN0054 từ Anh hạ cánh xuống Sân bay Nội Bài lúc 4:30 sáng ngày 2/3. Xác minh được 2 người trong số 4 trường hợp đăng ký hộ khẩu tại TP. HCM và đã chuyển đến khu cách ly tập trung. Thành phố cũng đã lấy mẫu xét nghiệm và đưa vào khu cách ly tập trung 9 hành khách nước ngoài trên chuyến bay này.

Người dân ở khu phố bệnh nhân số 17 sinh sống khai báo y tế tại chỗ vào ngày 7/3/2020. (Ảnh Hà Thanh)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội và nhiều quận, huyện của Hà Nội cũng đã thực hiện rà soát suốt đêm ngày 6/3 ngay khi phát hiện ca nhiễm mới.

“Rất may mắn khu phố Trúc Bạch chỉ có dãy nhà số lẻ. Dãy số chẵn là vườn hoa và Trạm y tế phường, trụ sở UBND phường. Để vào khu vực này chỉ có hai lối và cả hai đầu đường đều đã có chốt kiểm soát với lực lượng công an chốt trực 24/24”, ông Tạ Nam Chiến, chủ tịch UBND quận Ba Đình cho biết.

Khoảng 200 người các diện tiếp xúc với bệnh nhân thứ 17 đã được cách ly, 25 người xét nghiệm âm tính. Bộ Y tế khẳng định tình hình dịch COVID-19 đang trong tầm kiểm soát. Khuyến cáo người dân không hoang mang, bình tĩnh thực hiện theo các hướng dẫn của Bộ Y tế để phòng tránh dịch.

Dập tắt những tin đồn “gây bão” cộng đồng mạng

Từ một ca nhiễm mới nhưng có rất nhiều thông tin giả về COVID-19 được tung lên mạng và nhiều nạn nhân của tin giả bất ngờ bị tấn công.

“Bạn ấy có khách sạn ở Trúc Bạch, nhà ở Hapulico, đi chơi ở Time và khai đã tiếp xúc 32 người. Đấy là tiếp xúc gần. 32 người này lại tiếp xúc với bao nhiêu người nữa”, theo tiết lộ từ người tham gia một nhóm chat trên mạng.

Tất cả thông tin trên đều hoàn toàn không đúng sự thật. Tuy nhiên, trước khi được kiểm chứng, thông tin này đã được lan truyền khắp mạng xã hội gây tâm lý hoang mang vì dịch bệnh. Thậm chí, rất nhiều người bị chửi rủa và phải đính chính khắp nơi do trở thành nạn nhân của tin giả.

Chị N.H.N (30 tuổi, Hà Nội) vô tình bị người lạ ùa vào trang cá nhân chửi bới chỉ vì… trùng tên với cô gái nhiễm COVID-19. Á khôi 1 cuộc thi Hoa khôi Trí tuệ Học viện Ngoại giao 2018, Trần Hồng Hạnh phải đi đính chính rằng mình chưa từng tiếp xúc với nữ bệnh nhân thứ 17. Cô cho biết mình thực sự lo sợ khi hình ảnh bị tô đỏ và tung tin khắp nơi trên mạng xã hội.

Đầu bếp nổi tiếng người Thổ Nhĩ Kỳ, Nusret Gökçe (biệt danh Salt Bae), hiện là chủ chuỗi nhà hàng có chi nhánh khắp Âu, Mỹ, Trung Đông, cũng trở thành nạn nhân của tin giả.

Do bị đào mộ lại ảnh chụp với bệnh nhân N vào năm 2019, Salt Bae hiện nhận được rất nhiều bình luận “Cẩn thận nhé” trên trang cá nhân. Thậm chí, hình ảnh rắc muối của Salt Bae chụp với N cũng bị chế thành rắc virus.

Cư dân mạng “đào mộ” hình ảnh của đầu bếp nổi tiếng Salt Bae cùng N vào năm 2019. (Ảnh FB)

Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, tin giả là vấn đề còn nghiêm trọng hơn cả dịch bệnh, theo Bộ trưởng Y tế Malaysia Dzulkefly Ahmad cảnh báo.

Tại Việt Nam, vào ngày 30/1, Đại tướng Tô Lâm nhấn mạnh Bộ Công an đã phối hợp công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận để không gây dao động cho người dân. Công an cũng đã mời nhiều trường hợp lên làm việc và xử phạt hành chính các đối tượng tung tin giả hiện nay.

Ngày 7/3, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch thành phố Hà Nội đã đề nghị công an xử lý và công khai những người tung tin đồn thất thiệt, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng. “Phải xử lý căng, bởi vì khi tung tin thất thiệt được rất nhiều người truy cập – đây là hành vi gây rối, có thể xử lý hình sự”, ông Chung cho biết.

Ông Vương Đình Huệ, Bí thư Hà Nội cũng nói thêm, không có chuyện chị N.H.N đi vũ trường, đi bar hay tham dự khai trương cửa hàng thời trang UNIQLO, tất cả đều là tin giả.

Một bình luận của người Hàn khiến nhiều người phải suy ngẫm. (Ảnh chụp màn hình)

Trước những thông tin giả lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội, nhiều bạn bè quốc tế cũng tỏ vẻ bất an. “Đi Ý về tưởng phải cách ly chứ… sao lại không cách ly? Người Việt Nam từ Hàn Quốc về cũng đang phải cách ly mà nhỉ. Không phải vì giàu nên được tha chứ?”, một bình luận đáng suy ngẫm từ người Hàn.

Chế định Luật áp dụng đối với trường hợp thứ 17?

Cô gái nhiễm COVID-19 thứ 17 đã có dấu hiệu ho trước đó nhưng không khai báo y tế khi về nước. Xét hành vi của người này đã có dấu hiệu tội phạm hình sự hay phải xử lý hành chính là câu hỏi đang được nhiều người đặt ra.

Căn cứ theo Điều 240 Bộ Luật Hình sự năm 2015 (BLHS 2015) về “Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người”, xét thấy đối tượng tác động của tội phạm là môi trường sống lành mạnh, từ đó ảnh hưởng tới sự an toàn tính mạng, sức khỏe của con người.

Chủ thể của tội phạm là “Người nào” theo Luật định, tức cá nhân – người có năng lực trách nhiệm hình sự. Mặt khác, chủ thể của hành vi cho phép đưa vào Việt Nam động vật, thực vật hoặc sản phẩm động vật, thực vật bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh nguy hiểm có khả năng truyền cho người là người có chức vụ, quyền hạn.

Ngoài ra, hành vi khách quan của tội phạm này là làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho con người, cụ thể theo điểm a, b khoản 1 Điều 240 BLHS 2015.

Trích Điều 240 BLHS 2015

Đáng chú ý, không phải tất cả các bệnh có dấu hiệu trên đều thuộc đối tượng quy định tại Điều luật này, mà phải là các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Sự nguy hiểm được thể hiện qua các triệu chứng như:

– Gây chết người nhanh;
– Chết hàng loạt;
– Những căn bệnh có khả năng gây tổn hại nặng cho sức khỏe của người bị nhiễm;
– Những căn bệnh khó chữa trị hoặc chưa có khả năng chữa trị trong điều kiện hiện nay.

Những loại dịch bệnh nguy hiểm này do Bộ y tế quy định, nhưng ta có thể thấy một số loại bệnh lây nhiễm nguy hiểm như dịch tả, đậu mùa, phong hủi, thương hàn… Còn các loại bệnh khác có khả năng lây lan nhanh nhưng không nguy hiểm như ghẻ lở, hắc lào không thuộc trường hợp điều chỉnh của Điều luật này.

Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người theo điểm c khoản 1 Điều này có thể là các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về phòng chống dịch bệnh hiểm nghèo như:

– Cố tình không tiêm vacxin phòng bệnh cho nhân dân;
– Không tổ chức kịp thời khoanh vùng tẩy uế khu vực có dịch bệnh để bệnh lây lan…

Khoản 2, 3, 4 Điều 240 BLHS 2015.

Đặc biệt, mặt chủ quan của tội phạm là hình thức lỗi cố ý. Như vậy, trong trường hợp của chị N, nếu người này không biết mình bị nhiễm virus corona mà chỉ là ho do cảm cúm thông thường (lưu ý thời điểm về nước vẫn chưa rõ dấu hiệu sốt, khó thở là những triệu chứng phân biệt với cảm thường), thì không thể cấu thành tội do không có lỗi cố ý ở đây.

Vậy với hành vi từ chối hoặc trốn tránh việc thực hiện quyết định cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo Điều 10 của Nghị định 176/2013/NĐ-CP, chị N có thể bị phạt tiền từ 5.000.000VND đến 10.000.000VND.


Người Việt Nam ở Hàn Quốc có thể sử dụng Bản đồ Virus Corona để theo dõi tình hình lây lan của dịch viêm phổi cấp ở Hàn Quốc cũng như các địa điểm bệnh nhân đã đến để tránh không bị lây nhiễm.

🚒 BẠN CẦN BIẾT: Hướng dẫn cách phát hiện triệu chứng nhiễm virus COVID-19 & Cách phòng tránh lây nhiễm hiệu quả từ các chuyên gia y tế.

⁉️ ĐỪNG HOANG MANG: 6 Tin đồn về virus COVID-19 & Lời giải thích hợp lý.

🔴 Theo dõi cập nhật tình hình lây lan của virus COVID-19 ở Hàn Quốc và trên thế giới tại đây.

Nguồn tổng hợp

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).