Có người cho rằng thi vào đại học ở Hàn Quốc giống như một canh bạc mà người thua trả giá quá đắt trong khi người thắng hưởng lợi quá nhiều.

Sự khốc liệt này khiến gian lận thi cử trở thành vấn đề hết sức nhạy cảm và rất được quan tâm tại quốc gia này.

Một vụ việc “đánh tráo người thi” đã xảy ra ở Hàn Quốc với đối tượng là những người trong quân ngũ.

Vụ việc xảy ra vào năm ngoái, một binh sĩ đã nhận lời tham gia thi đại học (수능, tên tiếng Anh: College Scholastic Ability Test, viết tắt CSAT) hộ cho cấp trên của mình. Sự việc bại lộ, dư luận dấy lên nỗi hoài nghi về hệ thống giám sát kỳ thi cấp quốc gia.

Theo thông tin từ chính quyền quân sự vào ngày 9/11/2019, binh sĩ (tạm gọi tên A), trực thuộc một đơn vị không quân đã “thay mặt” cho cấp trên của mình-tạm gọi là B (hiện vị lãnh đạo này đã xuất ngũ), tham dự kỳ thi tại Seoul.

Đến khi sự việc bị phát giác mới vỡ lẽ rằng hình ảnh trên phiếu dự thi là của đồng chí B (vị lãnh đạo) chứ không phải của anh lính A. Vậy nhưng ngay lúc đó, vị binh sĩ này vẫn trót lọt qua cửa xác nhận danh tính của giám thị coi thi.

Vì điều này, những lời chỉ trích về hệ thống giám sát hành vi gian lận của kỳ thi đại học càng trở nên mạnh mẽ hơn trong dân chúng.

Để ngăn chặn hành vi gian lận, đã có quy định khi nộp đơn dự thi đại học, thí sinh phải nộp kèm hai bức ảnh theo tiêu chuẩn của ảnh hộ chiếu (ảnh chụp chính diện, màu tự nhiên không chỉnh sửa, được chụp trong vòng 6 tháng tính đến ngày nộp đơn, không đeo kính, đội mũ, tóc không được che mắt…).

Thí sinh phải chuẩn bị một bức ảnh được dán vào đơn xin dự thi và bức ảnh còn lại được dán vào phiếu dự thi.

Đơn xin thi sẽ được chuyển ngay lập tức đến giám thị phòng thi tại các điểm tiếp nhận như trường học. Phiếu dự thi sẽ được phát cho các thí sinh vào ngày thi đại học.

Vào ngày thi, các thí sinh phải đặt chứng minh thư lên bàn. Giám thị mang theo một file tài liệu bao gồm hồ sơ dự thi của thí sinh có dán ảnh và so sánh với chứng minh thư.

Quy trình kiểm tra đối chứng đủ ba loại giấy tờ: đơn xin dự thi, phiếu báo dự thi và chứng minh thư để đảm bảo đúng người.

Theo quy định, việc này được triển khai trước khi bắt đầu tính giờ thi.

Vậy bằng cách nào binh sĩ A đã hoàn thiện bài thi bằng thẻ dự thi dán ảnh cấp trên của mình mà không bị phát hiện? Một giả thiết được đưa ra đó là hình thức cải trang để qua mặt giám thị.

Vấn đề là không chỉ có một hoặc hai giám thị bị lừa (hoặc cố tình bị lừa?)

Như chúng ta đã biết, mỗi kỳ thi luôn có rất nhiều giám thị luân phiên. Giám thị trong phòng thi, giám thị bên ngoài (còn gọi giám thị hành lang) và được thay thế theo từng môn thi để đảm bảo tính công bằng, khách quan.

Điều đó có nghĩa là, toàn bộ cán bộ, nhân viên, giáo viên sẽ phải chịu trách nhiệm về việc giám sát tại địa điểm tổ chức.

Trước tiên, cảnh sát quân sự đang truy tố binh sĩ A với tội danh cản trở thi hành công vụ của công chức và điều tra động cơ phạm tội cụ thể (có bị ép buộc, mua chuộc hay vụ lợi gì từ việc này không?).

Vị lãnh đạo hiện nay đã xuất ngũ cũng bị Phòng Giáo dục Thành phố Seoul tố cáo với cảnh sát và sẽ tiến hành điều tra.

Năm 2005, một vụ bê bối liên quan đến kỳ thi CSAT cũng được phát hiện.

Vào thời điểm đó, thí sinh đã gian lận theo hình thức sử dụng thiết bị di động được giấu kín, mang vào phòng thi. Thiết bị này được kết nối với một đối tượng bên ngoài để trao đổi đáp án bài thi.

Sau vụ việc này, Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã ban hành các biện pháp để ngăn chặn hành vi gian lận. Tất cả các thiết bị điện tử bị cấm mang vào khu vực thi, đồng thời tăng cường các thủ tục xác nhận thí sinh.

Một quan chức của Bộ Giáo dục cho biết: “Trước tiên, chúng tôi sẽ xem xét kết quả điều tra có phải là do lỗi của giám thị hay không, đồng thời chúng tôi sẽ xem xét liệu hệ thống giám sát có “lỗ hổng” về cơ cấu hay không”.

XEM THÊM: Học sinh Hàn Quốc & áp lực ĐẠI HỌC: Học thêm xuyên đêm, học đến phát điên!

Tổng hợp từ YNA

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).