Người Hàn Quốc cuồng đồ hiệu. Thực ra thì đồ hiệu ai cũng thích, nhưng mức độ mua sắm hàng xa xỉ phẩm với cái giá trên trời để thể hiện đẳng cấp và độ chịu chơi thì Hàn Quốc được xếp hạng vượt trội so với các quốc gia trong khu vực.

Từ năm 2006, doanh số thường niên của những mặt hàng xa xỉ ở Hàn Quốc luôn tăng ít nhất 12% và ước tính đã đạt 4.5 tỉ USD vào năm 2010.

Trong 4 tháng đầu năm 2011, doanh số ở các cửa hàng chuyên cung cấp hàng hiệu đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2010. Cũng theo một khảo sát được thực hiện bởi công ty tư vấn McKinsey, người Hàn Quốc trung bình chi khoảng 5% thu nhập của họ cho các mặt hàng xa xỉ, vượt qua Nhật Bản (4%).

Đừng nghĩ chỉ có phụ nữ mới là “yêu nữ hàng hiệu”. Có một thực tế là nam giới ở Hàn Quốc cũng không hề kém cạnh.

Những số liệu thu thập tại các bách hóa lớn của Hàn Quốc cho thấy đàn ông ghé thăm các cửa hàng ít hơn nữ giới, nhưng một khi đã quyết định mua sắm họ thường chi tiêu gấp 4 lần so với khách hàng nữ. Tâm lý theo kiểu “Đã đi shopping sẽ không bao giờ tay trắng ra về”, đã mua thì phải mua cho đã.

Nếu là tín đồ hàng hiệu, chắc chắn không thể không thuộc nằm lòng các thương hiệu như: Louis Vuitton (루이비통), Hermes (헤르메스), Chanel (샤넬). Còn Goyard (고야드) thì sao? Sao lại thấy hơi lạ lẫm?

Bởi vì đây là thương hiệu chỉ nhóm giàu nhất thế giới biết. Và thương hiệu này sẵn sàng từ chối phục vụ khách hàng nếu cảm thấy đơn đặt hàng không phù hợp với phong cách hay hướng đi của mình.

Người sở hữu thương hiệu, nói cách khác là gia tộc của Jean-Pierre Signoles nắm toàn quyền quyết định về các hoạt động truyền thông và tiếp thị. Đối với họ, việc chạy đua quảng cáo tràn lan trên thị trường là không cần thiết, thậm chí còn làm giảm giá trị thương hiệu của họ. Cho nên không hề có hoạt động quảng bá rầm rộ như các thương hiệu khác. Không hề quảng cáo nhưng độ hot không hề suy giảm.

Đến đây độc giả đã phần nào mường tựa ra độ đẳng cấp của Goyard? Vì sao Goyard lại vượt mặt nhiều thương hiệu lẫy lừng khác và tại sao các bà mẹ bỉm sữa ở Gangnam lại chịu chơi tới độ dùng chiếc túi hàng hiệu với cái giá “cắt cổ” để đựng tã lót, đồ sơ sinh?

Lịch sử hình thành nên thương hiệu.

Năm 1792, Pierre-François Martin thành lập ra The House of Martin với nền tảng ban đầu chuyên về vận chuyển và chế tác hộp, rương đựng quần áo và bao bì.

Công việc kinh doanh lúc đó khá phù hợp với xu hướng phát triển của thế kỷ XIX khi các hình thức di chuyển, vận chuyển ngày càng tăng và có xu hướng phát triển. Sự thông thương buôn bán, trao đổi hàng hóa, nhu cầu đi lại của con người… đều cần sử dụng đến những món đồ là sản phẩm của The House of Martin.

Nhưng các sản phẩm của Martin hướng đến nghệ thuật sắp xếp và gấp đồ hơn là việc chỉ đơn thuần tạo ra những sản phẩm đựng đồ.

Câu chuyện lịch sử phát triển nhãn hàng khẳng định Maison Martin không chỉ cung cấp những hộp đựng hành lý mà còn mang đến dịch vụ đóng gói đạt chuẩn cho nhiều loại đồ vật dưới nhiều hình thức. Không chỉ là tiện lợi mà còn là cả nghệ thuật chứa đựng trong sản phẩm được tạo ra.

Vì thế, thương hiệu nhanh chóng được biết đến và yêu thích rộng rãi trên toàn nước Pháp.

Sau đó, Pierre-François Martin đã mai mối cuộc hôn nhân cho Pauline – người được ông đỡ đầu, với Louis-Henri Morel nhân viên của ông.

Martin dành tặng cho Pauline sự nghiệp kinh doanh bao năm xây dựng như một món quà hồi môn nhằm thể hiện thành ý và sự yêu thương của mình. Chồng của Pauline – Morel tiếp tục sự nghiệp của Martin tới năm 1845.

Morel thuê một thợ học nghề tên François Goyard. Chàng trai 17 tuổi dưới sự hướng dẫn của Martin và Morel đã dần trở thành cao thủ với nhiều kiến thức và kỹ năng nhờ tinh thần ham học hỏi và có nhiều ý tưởng mới lại.

Đến năm 1852, Morel đột ngột qua đời, François đã tiếp quản sự nghiệp sau 7 năm học nghề và giúp thương hiệu đạt đến một tầm cao mới trong vòng 32 năm. Một năm sau khi Morel qua đời, công ty cũng được đổi tên thành Goyard, mang tên chính người thợ học việc năm nào.

Tới năm 1885, François trao lại quyền lực cho người con trai của mình – Edmond. Với niềm đam mê mãnh liệt về nghề thủ công, sau khi lên nắm quyền, Edmond bắt đầu một cuộc cách mạng thương hiệu.

Edmond áp dụng một loại vải dệt đặc trưng từ cotton, lanh và cây gai đi kèm với hoạ tiết cách điệu bao phủ toàn bộ thiết kế để khiến nhãn hàng trở nên đặc biệt.

Đồng thời, ông cũng hiểu được ý nghĩa của việc tồn tại trong giới thời trang xa xỉ, các sản phẩm được tạo ra phải có sự hội tụ đầy đủ của chất lượng và thẩm mỹ. Mỗi thiết kế đều cần có sự tỉ mỉ, chỉnh chu đáp ứng được nhu cầu của mỗi đối tượng khách hàng khác nhau.

Trên cơ sở ý tưởng đó, những chiếc rương đựng đồ gắn mác Goyard ra đời. Đây cũng là một trang sử mới đánh dấu một cột mốc đáng nhớ của thương hiệu. Khi công chúng dần thấy sự xuất hiện đều đặn của các thiết kế Goyard bên cạnh các công tước quý tộc từ phương Tây đến phương Đông.

Sau nhiều năm gây dựng danh tiếng, thương hiệu ngày càng vững vàng với nhiều danh hiệu đạt được cùng sự yêu mến từ đông đảo cộng đồng.

Sự nghiệp kinh doanh của Goyard được truyền quan nhiều thế hệ nhưng không vì thế mà làm sụt giảm đi những giá trị cốt lõi. Ngược lại, thương hiệu không ngừng nhiều cải tiến và sáng tạo, đi đôi với việc giữ lại bản sắc làm nên tên tuổi của mình. Điển hình là năm 1931, Goyard đã có được giấy chứng nhận sáng chế cho thiết kế mang tên Malle Bureau.

Thiết kế là một sản phẩm thông minh và đầy sáng tạo khi có thể biến hoá từ kiện hành lý thành một bàn nhỏ có ngăn kéo. Sự phát triển của Goyard là không ngừng nghỉ và được tiếp nối qua nhiều đời kéo dài.

Trước khi được Signoles mua lại vào năm 1998, thương hiệu đã được truyền qua 5 thế hệ Goyard. Ông mua món đồ đầu tiên của hãng từ năm 1974 và dành 2 thập niên nghiên cứu về công ty trước khi thuyết phục gia đình Goyard bán. Kể từ đó, ông luôn cố gắng giữ di sản và giúp thương hiệu liên tục nhận danh hiệu cao nhất về tay nghề trong các Hội chợ Thế giới và Triển lãm Quốc tế.

“Goyard là người cung cấp hành lý cho Nga hoàng và Hoàng gia Anh. Thương hiệu cũng đã quyến rũ những người Mỹ giàu có, như John D. Rockefeller”, Signoles cho biết. (Rockefeller là người giàu nhất lịch sử Mỹ, với khối tài sản 400 tỉ USD vào năm 1913, tính theo giá trị 2017).

Đỉnh cao trong khâu chế tác

Không sản xuất đại trà để bán rộng rãi, các sản phẩm của Goyard trải qua quá trình sản xuất vô cùng cẩn trọng giúp đảm bảo chất lượng một cách tốt nhất nhờ nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ. Hàng của hãng không được bán trực tuyến mà đều bày bán trực tiếp tại cửa hàng.

Các thiết kế của thương hiệu đa dạng về chủng loại và màu sắc nhưng tất cả đều có một điểm chung là được bao phủ bởi Goyardine (một chất liệu khá tương tự với da nhưng thực chất được tạo nên từ vải lanh và bông).

Công thức tạo ra Goyardine được xem như bí kíp lưu truyền trong dòng họ một cách cực kỳ bảo mật. Những hoạ tiết được vẽ bằng tay và thực hiện một cách tỉ mỉ với nhiều quy trình hơn để tạo ra dấu ấn đặc trưng cho thương hiệu.

Mỗi sản phẩm của thương hiệu đều đi kèm cùng một mã code được giấu kín ở nhiều vị trí khác nhau cho mỗi thiết kế.

Logo của thương hiệu không chỉ cách điệu với một chữ cái như nhiều nhãn hàng khác. Tất cả chữ cái có trong tên “Goyard” đều được lồng ghép với nhau. Với chữ G bao bên ngoài chữ O và chữ Y tách biệt 3 chữ A, R, D bên trong. Trên các thiết kế, chữ Goyard sẽ được để trên hàng đầu tiên, tiếp đến là Paris và cuối cùng là dòng chữ Made in France. 

Thương hiệu còn nâng tầm khách hàng thông qua việc in tên theo yêu cầu của khách. Tất nhiên, càng đòi hỏi cầu kỳ thì thời gian sản xuất càng kéo dài. Mất đến hơn 6 tháng để hoàn thiện sản phẩm. Và việc viết tên lên sản phẩm được làm bằng tay hoàn toàn.

Ngay cả sơn được sử dụng cho dịch vụ này cũng là nguyên liệu tự nhiên do Goyard phát triển, vì vậy tính thời thượng của thương hiệu càng được nâng tầm bởi không ở đâu mà khách hàng tìm được mặt hàng như vậy.

Đẳng cấp thể hiện ở khách hàng

Những món đồ in họa tiết chevron và vali da của Goyard được nhìn thấy trong tay của Meghan Markle – Công nương xứ Sussex (Anh), nữ diễn viên Hollywood Gwyneth Paltrow và đầu bếp danh tiếng Michelin Alain Ducasse.

Tất cả thành viên trong gia đình rapper Kanye West và ngôi sao truyền hình thực tế Kim Kardashian đều dùng đồ Goyard. West mang theo cặp của hãng trong Tuần lễ Thời trang Paris 2009.

Vào tháng 2, cô con gái 4 tuổi của cặp đội xuất hiện ở Los Angeles với một chiếc túi Goyard St. Louis thiết kế riêng với giá khoảng 1.460 USD.

Khloe Kardashian, chị gái Kim, tới Tokyo với 2 vali hành lí đều từ thương hiệu này.

Danh sách khách hàng trong những thập kỷ trước bao gồm những tên tuổi kỳ cựu trong giới thời trang như Coco Chanel, Jacques Cartier hay Karl Lagerfeld, họa sỹ Pablo Picasso và nhà văn Arthur Conan Doyle.

Wallis Simpson, Công nương xứ Windsor (Anh), nổi tiếng với bộ sưu tập Goyard đồ sộ, từ phụ kiện thú cưng đến chiếc rương chứa 150 đôi giày.

Sự đổ bộ vào thị trường Hàn Quốc

Goyard tự hào về lịch sử 200 năm đã được giới thiệu lần đầu tiên tại Hàn Quốc sau khi mở cửa hàng tại “Thủ phủ hàng hiệu” Galleria (갤러리아 명품관) ở Apgujeong-dong (압구정동) vào năm 2007.

So với việc Chanel, Louis Vuitton và Hermes đã tiến vào thị trường Hàn Quốc từ năm 1997, thì Goyard đã muộn hơn 10 năm. Ngay khi mở cửa hàng tại Hàn Quốc, Goyard được cho là “món đồ xa xỉ trong số các sản phẩm xa xỉ”, thu được 130 triệu KRW doanh thu chỉ trong một ngày và trở thành chủ đề nóng trong giới săn đồ hiệu.

Thừa thắng xông lên, Goyard đã mở cửa hàng thứ 2 tại Trung tâm thương mại của Hyundai Department Store (현대백화점 무역센터점) vào năm 2013 và mở cửa hàng thứ 3 tại Shinsegae Gangnam (신세계 강남점) vào năm 2017. Thương hiệu ngày càng được giới mê hàng hiệu rỉ tai nhau và trở nên nổi tiếng.

Có một điều đặc biệt tại Hàn Quốc. Đó là việc tiếp viên hàng không được xem như biểu tượng thời trang. Những thứ họ sử dụng thường tạo thành xu hướng trên thị trường. Và quả nhiên, đây chính là hình thức quảng cáo đơn giản lại hữu hiệu nhất.

Tiếp viên hàng không đi lại nhiều nơi, lúc nào cũng có trong tay món đồ của Goyard. Vậy là chẳng cần tốn công sức tiếp thị, thương hiệu này vẫn siêu hot trên thị trường.

Cụm từ “đồ dùng các tiếp viên hàng không sử dụng” hoặc “đồ cần thiết cho các tiếp viên hàng không” sẽ thu hút sự chú ý của mọi người, từ cái kẹp tóc, khăn quàng cổ, mỹ phẩm, cho đến cái túi xách. Phi hành đoàn được xem như bộ phận đón đầu xu thế, cực kỳ nhanh nhạy với thương hiệu nổi tiếng.

Họ có nhiều cơ hội tiếp cận với quê hương của các thương hiệu xa xỉ trong thời gian lưu trú ở nước ngoài và có thể mua hàng hiệu với giá rẻ hơn (mua hàng tận gốc).

Trong số đó, có một sản phẩm thương hiệu nổi tiếng được gọi là “Túi xách tiếp viên hàng không” trong vài năm qua. Dù đi đâu đi chăng nữa, nếu mang theo chiếc túi này, mọi người sẽ lập tức thốt lên: “Thì ra đó là tiếp viên hàng không”.

Không ít sao Hàn cũng lựa chọn món phụ kiện được xếp hạng siêu xa xỉ này làm sở hữu cho mình.

Đó chính là chiếc túi của Goyard với thiết kế độc đáo, ít khi bị “đụng hàng” với những phiên bản giới hạn người dùng theo các theo các thời điểm khác nhau.

Đặc biệt, trọng lượng chiếc túi nhẹ nhàng và có tính ứng dụng cao nên những bà mẹ bỉm sữa rất ưa chuộng, dần trở túi đựng bỉm sữa quốc dân.

Dòng túi các bà mẹ bỉm sữa yêu thích có nhiều kích thước để lựa chọn và đương nhiêu là họ chọn size lớn để đựng nhiều đồ. Hầu hết các bà mẹ trẻ ở Gangnam mang theo loại túi vải này.

Kích thước vừa phải (40.5 cm x 28 cm x 16.5 cm), bên trong có cách vách ngăn thành nhiều ngăn nhỏ, đáy túi được làm cứng cáp để khi đặt xuống, túi không bị trùng, người dùng dễ dàng lấy các món đồ bên trong. Chất liệu vừa toát lên sự sang trọng nhưng cũng dễ dàng lau chùi vệ sinh.

Phần đáy túi có một tấm gia cố để làm túi rộng hơn nếu người dùng có nhu cầu để nhiều đồ. Tấm gia cố này có thể được gắn và tháo ra một cách linh động tùy ý người dùng.

Bên trong chiếc túi thần kỳ này lại có thêm một chiếc ví nhỏ cùng tông màu. Chiếc ví này được đính không cố định vào túi lớn, khách hàng cũng có thể tháo ra nếu thấy không cần thiết.

Chiếc túi siêu tiện ích này được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh: Đựng bỉm sữa, đi chơi, đi du lịch và thậm chí còn có thể đựng cả thú cưng vào chiếc túi này.

Giá cả đi kèm với độ đẳng cấp. Ví tiền có giá từ 500~2 triệu KRW, túi xách là 1.5~8 triệu KRW, rương để quần áo là từ 5~10 triệu KRW trở lên. Sản phẩm túi xách các bà mẹ bỉm sữa hay sử dụng có giá khoảng 1.3 triệu KRW tại các trung tâm thương mại.

Vì vậy, nhiều người chọn phương pháp mua ở Pháp để được giá rẻ hơn. Thực tế nếu mua ở cửa hàng của đất nước sản sinh ra sản phẩm này thì có giá bao nhiêu?

Tại một cửa hàng ở Paris, giá của chiếc túi Saint-Louis cỡ lớn là 835 euro, khoảng 1.16 triệu KRW. Nếu bạn mua trên 175 euro, bạn có thể nhận lại 11~13% mức chiết khấu. Thay vào đó, tại Hàn Quốc, khách hàng phải trả mức thuế hiện hành để sở hữu được siêu phẩm này.

Tức là, cái giá 1.16 triệu KRW sẽ trở thành giá cuối cùng của chiếc túi, tại Pháp. So với việc mua ở trung tâm thương mại trong nước với giá 1.3 triệu KRW thì rẻ hơn khoảng 150.000 KRW. Nếu bạn có việc đến thăm nước Pháp thì hãy nhớ chớp thời cơ để sắm cho mình chiếc túi này, chứ đừng rảnh rỗi hay dư tiền đến độ đặt vé máy bay đến Pháp chỉ để mua cái túi rẻ hơn được 150.000 KRW.

Hầu hết các thương hiệu xa xỉ đã thành lập các nhà máy ở nước ngoài để giảm đơn giá, trong khi đó, Goyard vẫn chỉ sản xuất tất cả các sản phẩm tại các xưởng sản xuất ở Pháp.

XEM THÊM: Giới trẻ Hàn Quốc và xu hướng ăn kham khổ để dành tiền mua hàng hiệu

author-avatar

About Hebe Nguyen

Thích được tự mình tìm hiểu những điều nhỏ bé nhất liên quan đến đất nước Hàn Quốc. Mỗi điều khám phá đều mang nét đáng yêu riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).