Mùa thu như vừa mới đến hôm qua, nhưng hôm nay những cơn gió đông đã bắt đầu len lỏi dần trong không khí. Những ngày gần đây khi nhiệt độ thấp nhất trong ngày đã giảm xuống mức một chữ số, buổi sáng khi ra khỏi nhà, bạn có cảm thấy bất ngờ vì nhiệt độ giảm đột ngột không?

Đã đến lúc nên soạn ra tất tần tật các loại áo len, áo choàng và áo phao (padding) để chuẩn bị ủ ấm cho bản thân trong 3 tháng lạnh buốt sắp đến rồi. Mùa đông này, hãy để TTHQ chia sẻ đến các bạn mẹo bảo quản và giặt giũ quần áo ấm nhé.

Khác với quần áo mặc cho các mùa còn lại trong năm, quần áo ấm mùa đông thường khá cồng kềnh và chiếm nhiều diện tích. Quần áo được cất giữ lâu ngày trong tủ hay thùng giấy dễ bám bụi bẩn. Chưa kể các loại vi khuẩn có hại như nấm mốc và bọ ve có thể sinh sôi và trú ngụ trong thớ vải, khiến việc bảo quản quần áo ấm trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi sự cẩn thận cả trong việc mặc và giặt giũ.

Mẹo bảo quản đồ dệt kim, len và áo choàng

Chất liệu dệt kim là item được ưa chuộng số một vào mùa đông vì khả năng giữ ấm tốt. Tuy nhiên, quần áo dệt kim để lâu ngày hoặc sử dụng không cẩn thận dễ khiến áo bị giãn, sờn rách. Không những vậy, giặt đồ dệt kim sai cách còn khiến đồ dễ bị bông xù hoặc co rút lại.

Trong trường hợp giặt đồ dệt kim, hãy lưu ý loại bỏ xơ sợi trước rồi giặt bằng tay. Để tránh nhàu và co rút, nên xả trong nước ấm với bột giặt chuyên dụng hoặc dầu gội đầu. Không nên dùng lực để chà xát hoặc vắt quần áo mà chỉ nên vò nhẹ nhàng. Đồ len rất nhạy cảm với nước và chất tẩy rửa, vì vậy tốt nhất nên hoàn thành việc giặt giũ trong vòng 5 phút.

Nên dùng khăn khô hút bớt nước trên vải trước khi phơi. Chú ý rằng dùng máy sấy tóc để làm khô nhanh có thể làm hỏng sợi len. Khi phơi cũng không nên móc từ cổ áo vì dễ khiến cổ và vai áo bị giãn. Nên trải áo ra trên giá phơi và để khô tự nhiên. Trong trường hợp phơi bằng móc, nên gặp đôi đồ lại để giảm tình trạng giãn và mất dáng áo.

Áo len sau khi mặc ra đường rất dễ bị mắc lại bụi bẩn trong các sợi len. Vì thế, sau khi về nhà nên giũ bủi bẩn trên áo thật kỹ. Đặc biệt chú ý vệ sinh phần cổ áo và tay áo vì đó là hai nơi tập trung nhiều vi khuẩn nhất. Có thể loại bỏ bụi bẩn bám ở viền cổ áo choàng và tay áo bằng cách sử dụng bánh mì chà xát nhẹ trực tiếp lên vết bẩn. Thỉnh thoảng dành 1 tiếng để phơi quần áo dệt kim dưới ánh nắng mặt trời cũng có hiệu quả trong việc diệt vi khuẩn.

Áo choàng khi giặt khô thường bị giảm độ bóng mượt của vải, chưa kể còn phải tốn một khoản kha khá cho dịch vụ giặt. Bên cạnh đó, đồ len nếu giặt quá thường xuyên cũng khiến vải bị sờn. Vì vậy tốt nhất chỉ nên giặt trước khi đem cất giữ trong một khoảng thời gian dài. Nếu phát hiện vết bẩn trên đồ len, hãy hoà tan bột giặt trung tính trong nước ấm và lau sạch vết bẩn bằng một miếng vải.

Điều quan trọng trong việc bảo quản áo choàng và đồ len là tránh môi trường ẩm mốc. Nên bảo quản nơi khô ráo và thông thoáng, cẩn thận khi để quần áo tiếp xúc trực tiếp với máy hút ẩm. Đồ dệt kim – len dễ bị giãn nên thay vì treo bằng móc, nên lót giấy báo giữa các lớp quần áo, gấp lại ngay ngắn nếu cần tiết kiệm diện tích rồi cất trong ngăn tủ là tốt nhất.

Mẹo giặt giũ và bảo quản áo phao

Chất tẩy rửa dùng trong dịch vụ giặt khô (dry cleaning) có khả năng làm giảm hiệu quả giữ ấm của chất liệu tự nhiên làm đầy áo như lông vũ vịt, ngỗng (do quá trình giặt khô có thể gây ảnh hưởng, làm mất đi lớp dầu trong lông vũ, vốn đóng vai trò lưu lại không khí để giữ ấm) . Do đó, tốt nhất nên giặt nước và giặt bằng tay.

Khi giặt tay, cho áo phao vào nước ấm có hoà tan bột giặt trung tính trong vòng 10-15 phút rồi chà nhẹ. Hạn chế không sử dụng nước xả vải vì hoá chất trong nước xả vải có thể làm suy yếu khả năng chống thấm nước của áo phao.

Sau khi giặt xong, không nên vắt bằng tay mà nên xốc ngược và giũ áo để làm khô. Điều này giúp cho chất liệu làm đầy trong áo đang bị vón cục phía dưới về lại vị trí cũ. Sau khi làm khô, dùng tay hoặc gậy nhỏ vỗ nhẹ vào áo sẽ giúp định hình lại lớp bông và lông vũ bên trong, khiến áo nhanh chóng quay trở lại hình dạng ban đầu.

Đối với áo khoác da

Đặc trưng chất liệu khiến áo khoác da dễ bị ảnh hưởng bởi nước và nhiệt độ. Khi áo bị ướt, hãy dùng khăn khô lau sạch rồi phơi ở nơi có bóng râm. Áo khoác da dễ bị lên mốc hoặc phai màu nếu để trong môi trường ẩm ướt, vì thế nên bảo quản áo ở điều kiện khô ráo.

Nếu muốn duy trì dộ bóng của da áo trong thời gian dài, có thể sử dụng các loại kem dưỡng như kem dưỡng da tay bôi lên phần da áo. Thành phần trong kem dưỡng sẽ giúp da áo mềm hơn và bắt sáng tốt hơn.

XEM THÊM: Mẹo đơn giản xử lý giày bị ẩm ướt vì tuyết & mưa bão

Tổng hợp từ Money Today

author-avatar

About Nhật Vy

Đến với tiếng Hàn như một cái duyên, đọc essay văn học đương đại Hàn Quốc như một sở thích. Quan tâm sâu sắc đến xã hội Hàn Quốc nói chung và lĩnh vực Gia đình đa văn hoá Hàn-Việt nói riêng.

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).