Kim Beom Soo (김범수) được biết đến là nhà sáng lập ra Kakao Talk – công ty dịch vụ tin nhắn hàng đầu của Hàn Quốc và nằm trong 10 tỉ phú giàu nhất Hàn Quốc 2019. Thông qua ứng dụng này, người dùng có thể chơi game, chia sẻ hình ảnh, video tới bạn bè, gửi những biểu tượng ngộ nghĩnh.

Kim Beom Soo chính thức ra mắt KakaoTalk vào năm 2010 và ngay lập tức trở nên phổ biến đối với 93% người dùng smartphone tại Hàn Quốc, tức gần 75% của 50 triệu dân số của quốc gia này.

Tại Kakao – nhân viên gọi anh bởi cái tên tiếng Anh là Brian. Ngược lại, mỗi người trong số họ cũng có những tên gọi bằng tiếng Anh riêng. Đây là cách Kim sử dụng để xoá bỏ những rào cản về văn hóa công ty tại đất nước Hàn Quốc – nơi mà các nhân viên thường trò chuyện với đồng nghiệp cấp cao hơn bằng chức danh thay vì gọi tên thân mật.

Con đường đơn độc và gian nan

Kim Beom Soo sinh năm 1966, ít nói và là doanh nhân thành công hiếm hoi trong nền văn hóa doanh nghiệp bị thống trị bởi đồng tiền và quyền lực của những chaebol – các siêu tập đoàn gia đình như Samsung hay Hyundai.

Đặc biệt, Hàn Quốc là một xã hội cứng nhắc, nơi của cải được cha truyền con nối, không có nhiều câu chuyện thành công của doanh nhân thế hệ đầu tiên như Kim Beom Soo.

Anh sinh ra và lớn lên ở một trong những khu dân cư nghèo nhất Seoul, có bố làm công nhân nhà máy bút bi và mẹ phục vụ phòng khách sạn với học vấn phổ thông.

Là con thứ ba trong năm anh chị em, anh được bà ngoại trông nom trong căn hộ chỉ có một phòng ngủ vì bố mẹ bận đi làm để kiếm tiền..

“Bố mẹ không có thời gian chăm sóc nhiều vì vậy mỗi người trong chúng tôi phải tự tạo ra con đường đi của riêng mình. Không chỉ tự lập từ sớm mà hoàn cảnh khó khăn còn dạy cho tôi về ý thức trách nhiệm”.

Anh là thành viên đầu tiên trong gia đình học đại học và đỗ Đại học Quốc gia Hàn Quốc năm 1986.

Trong thời gian học đại học, Kim cho biết anh đã phải đi gia sư và thậm chí nhịn ăn đề dành tiền nộp học phí.

Tại đây, anh làm quen với máy chủ của một người bạn, kết nối với hệ thống bảng tin – loại dịch vụ nhắn tin trực tuyến ở dạng sơ khai. “Đó là lần đầu tiên tôi nhìn thấy Internet và thế giới mạng”, anh nhớ lại.

Không ngừng thay đổi

Sau khi hoàn thành bằng đại học và thạc sỹ trong lĩnh vực kỹ sư công nghệ, Kim đã làm việc cho tập đoàn Samsung trong vòng 6 năm và rời khỏi đây vào năm 1998 để thành lập công ty game trực tuyến là Hangame.

Sau đó, anh đã sáp nhập công ty này với một công ty internet khác ở Hàn Quốc là Naver vào năm 2000 với cái tên NHN. NHN sau đó đổi tên thành Naver và trở thành một trong những công ty thống trị trong mảng tìm kiếm và cổng web hàng đầu tại Hàn Quốc.

Tại NHN, Kim giữ vai trò là CEO và một số vị trí lãnh đạo khác và rời khỏi đây vào năm 2007 sau những xung đột với đồng sáng lập Naver là Lee Hae Jin về đường lối kinh doanh.

Rồi iPhone xuất hiện vào năm 2007, nhanh chóng thu hút Kim, và anh mua 4 chiếc cho gia đình. “Tôi có thể nhìn thấy tiềm năng vô hạn của iPhone,”anh chia sẻ.

Từ Mỹ, Kim Beom Soo quay lại Hàn Quốc cùng gia đình và mang theo đội ngũ nhân viên của IWILAB, làm việc toàn thời gian với họ. Cả nhóm bắt đầu dùng iPhone và iPod Touch mua từ Mỹ để phát triển các ứng dụng di động (iPhone không xuất hiện tại Hàn Quốc cho đến tháng 11/2009).

Nhận thấy nhu cầu nhắn tin là một nhu cầu không thể thiếu của người dùng điện thoại di động, trong khi tại Hàn Quốc, chi phí nhắn tin tương đối đắt đỏ, họ đã quyết định phát triển và đưa vào sử dụng ứng dụng điện thoại có tên KakaoTalk.

Phiên bản đầu tiên của KakaoTalk, phiên bản dành cho hệ điều hành điện thoại iOS, được ra mắt vào tháng 03/2010 với các chức năng đơn giản như nhắn tin, nhắn tin nhóm, gửi hình ảnh thông thường. Tất cả đều được sử dụng miễn phí, người dùng chỉ cần trả tiền cho các gói cước Mobile Internet như GPRS/EDGE hay 3G.

Dịch vụ tự động đồng bộ danh sách liên lạc của người dùng từ điện thoại thông minh của họ sang danh sách liên lạc KakaoTalk để tìm bạn bè.

Người dùng cũng có thể tìm kiếm bạn bè bằng KakaoTalk ID mà không cần biết số điện thoại của nhau. Dịch vụ này cũng cho phép người dùng xuất tin nhắn của họ và lưu chúng để sử dụng trong tương lai.

Thời điểm đó, khách hàng di động ở Hàn Quốc cũng như ở nhiều nước khác phải trả tiền cho tin nhắn văn bản (SMS). WhatsApp ra mắt dịch vụ nhắn tin miễn phí, tận dụng đường truyền Internet của chủ nhân thiêt bị thay vì hệ thống máy chủ SMS của nhà mạng viễn thông truyền thống vào tháng 6/2009 và nhanh chóng thu hút người dụng Hàn Quốc.

Được WhatsApp truyền cảm hứng, Kim tung ra KakaoTalk vào tháng 3/2010, và ứng dụng nhanh chóng nhảy lên vị trí dẫn đầu bảng xếp hạng App Store tại Hàn Quốc với một triệu khách hàng vào tháng 9 cùng năm. “Nếu các nhà mạng chưa bao giờ thu tiền phí SMS, có lẽ tôi khó thành công,” Kim chia sẻ.

Tập trung vào người dùng

Bốn tuần sau đó, KakaoTalk đạt 2 triệu khách hàng và 5 triệu khách hàng vào tháng 12/2010.

Người Hàn Quốc chuộng KakaoTalk hơn WhatsApp vì ứng dụng này hoàn toàn miễn phí (WhatsApp thu 99 cent/năm) và cung cấp tính năng tán gẫu theo nhóm.

Khi KakaoTalk có 10 triệu người dùng vào tháng 4/2011, hiệu ứng truyền miệng đã lan tỏa khắp nơi.

Tầm vóc của KakaoTalk ngày càng lấn át các đối thủ trong nước như NaverTalk và ứng dụng do Samsung tự phát triển và cái sẵn trong điện thoại Galaxy.

Kim Beom Soo nhận thức được rằng: “Ứng dụng tán gẫu giờ là sân chơi đầy rủi ro, những ai tìm cách chiếm đoạt được người dùng của đối thủ mới tăng trưởng được.”

Tháng 3/2011, khi Kakao mới bắt đầu đặt bước đầu tiên vào Nhật Bản, thị trường lớn đầu tiên bên ngoài Hàn Quốc thì xảy ra trận động đất 9 độ Richter, gây ra sóng thần giết chết gần 16 ngàn người và hàng triệu người rơi vào cảnh không nhà, không điện. Rất nhiều người dùng đến KakaoTalk khi các cột điện thoại bị gãy đổ, còn mạng SMS thì quá tải. Dịch vụ của KakaoTalk vẫn bình thường do hạ tầng Wi-Fi và 3G không bị ảnh hưởng.

Sau khởi đầu tốt, công ty đã thêm một số tính năng thú vị khác thu hút nhiều người dùng khác trong một khoảng thời gian ngắn. Ví dụ: thay đổi tham số và kích thước phông chữ, khả năng chỉnh sửa từng phòng và biểu tượng cảm xúc hoạt hình. Những tính năng này được người dùng ưa chuộng chủ yếu là do chúng được cung cấp bởi chính người dùng.

Đến tháng 7/2013, KakaoTalk cán mốc 100 triệu người dùng trên toàn thế giới, chính thức lọt vào ngôi đền của những ứng dụng tin nhắn hàng đầu thế giới như WhatsApp hay Viber.

Cho đến nay, Kakao vẫn liên tục tung ra sản phẩm mới để có thể thâm nhập vào khắp nơi trong cuộc sống của người dùng như Kakao Story, Kakao Game, Kakao shopping, Plus Friend, Kakaotaxi và KakaoPay.

Nhiều người nhìn vào Kakao ngày nay với sự thành công và trái ngọt đang được gặt hái mỗi ngày. Thế nhưng không để nhiều kết quả khả quan làm phân tán sự tập trung và không cho phép bất cứ phút giây chủ quan nào trong quá trình phát triển, Kakao vẫn luôn kiên định và quyết liệt hơn trong công cuộc mở rộng toàn cầu.

Kakao là một bài học lớn, một niềm tin lớn dành cho các công ty khởi nghiệp, đặc biệt đối với các nước châu Á – một sản phẩm với xuất phát điểm giản đơn từ địa phương có thể vươn ra thế giới và thành công đầy tự hào.

Với tỷ phú Kim mà nói, “vũ trụ” di động vẫn đang rất mở rộng.

XEM THÊM:

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).