Mỗi năm, hàng loạt bộ phim điện ảnh và truyền hình mới được ra đời, có những tác phẩm gây được tiếng vang lớn và cũng có những tác phẩm cứ thế nhẹ nhàng lướt qua không dấu ấn.

Giữa hàng ngàn bộ phim, có một cái tên đã, đang và có lẽ sẽ mãi mãi là tượng đài trong lòng khán giả – Reply 1988. Đâu đó trên những con phố tấp nập của thủ đô Seoul, giai điệu nhẹ nhàng của ca khúc Don’t worry my dear (걱정말아요 그대) vẫn vang lên, hoà cùng giai điệu guitar và giọng ca trầm ấm khiến tâm hồn ai cũng trở nên thật nhẹ nhàng và bình dị.

Reply 1988 là bức tranh chân thực về cuộc sống ở Hàn Quốc thời kì những năm 1980. Bộ phim tái hiện cuộc sống của năm gia đình trong khu phố nghèo nhưng giàu tình nghĩa, yêu thương nhau như ruột thịt. Những ông bố bà mẹ bên nhau chia ngọt sẻ bùi từng bữa ăn, và những đứa trẻ cùng nhau lớn lên, bước qua tuổi thơ và thanh xuân thật đẹp đẽ.

Đến tận cuối tháng 2/2020, Reply 1988 vẫn lọt top có lượt xem nhiều nhất suốt 5 năm qua. Đây cũng là bộ phim thường xuyên nằm trong top 10 về lượng người xem trên Nextlix tại Việt Nam. Không chỉ thắm đượm tình cảm, bộ phim còn tái hiện một phần giai đoạn lịch sử có biến động, có tự hào của người dân Hàn Quốc.

Cuộc sống với những tình cảm bình dị

1. Con ngõ nhỏ ấm áp tình người

Lấy bối cảnh năm 1988, bộ phim nói về năm gia đình cùng sống trong một khu phố ở Ssangmun-dong, quận Do-bong, Seoul. Bộ phim đem đến cho khán giả một cảm giác ấm áp, bình dị lạ thường giữa những con người không chung huyết thống trong thời kì còn khó khăn. Không phải ai cũng có may mắn được sống bên cạnh những người hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau, chia sẻ từng bữa ăn, giúp đỡ nhau từng đồng mua gạo, mua than mỗi tháng như vậy.

Những ai đã từng xem bộ phim hẳn sẽ không thể quên được cảnh những đứa trẻ trong xóm được bố mẹ sai mang đồ ăn đến cho nhau và gương mặt hớn hở của những bà mẹ đã gửi gắm cả tâm huyết trong từng món ăn đó.

Bắt đầu với cảnh Jung Hwan được mẹ sai xuống nhà Duk Sun ở phía dưới xin bát cơm, chuỗi đưa đồ ăn cứ thế liên tục diễn ra: mẹ Duksun gửi kim chi củ cái muối lại cho Jung Hwan, Sun Woo được mẹ sai đem cà ri sang cho nhà Jung Hwan… Cứ như thế một hồi lâu, những đứa trẻ vẫn chưa được ăn tối.

Cuối cùng, họ gặp nhau tại ngõ, trên tay mỗi người cầm một đĩa đồ ăn. Câu nói của Jung Hwan đã in sâu trong lòng người xem: “Cứ mang qua mang lại thế này chi bằng ăn chung cho nhanh”. Đúng vậy, họ chính là một gia đình lớn trong con ngõ nhỏ.

Cảm động nhất là hình ảnh bữa cơm nhà Choi Taek, ban đầu chỉ có bát cơm trắng và một món ăn kèm độc nhất, vậy mà dần dần cứ thế đầy lên. Bố Teak phải một mình nuôi con vì mẹ mất sớm. Bởi vậy, những người hàng xóm luôn cảm nhận được sự trống vắng trong căn nhà cuối ngõ và dành cho hai cha con họ một tình yêu thương đặc biệt.

Cho dù bận bịu, cha con Taek luôn được nhớ đến, mỗi người góp chút hơi ấm, chút tình yêu trong từng món ăn để căn nhỏ đó trở nên ấm áp hơn. Và có thể coi rằng tất cả những bà mẹ trong con ngõ nhỏ đã trở thành mẹ của Choi Taek.

Không chỉ vài cảnh quay, mà tình làng nghĩa xóm được khán giả cảm nhận trong từng thước phim, từng khoảnh khắc nhỏ nhất trong mỗi tập. Người xem có niềm tin hơn vào cuộc sóng, đâu đó trong cuộc sống gian khó, vẫn có những tình cảm bình dị và ấm áp đến vậy.

2. Tình bạn của những đứa trẻ cùng lớn lên trong một con ngõ

Reply 1988 còn là những kỉ niệm thật đẹp về thời thơ ấu, thời thanh xuân của những đứa trẻ với những nét tính cách khác nhau nhưng đã cùng nhau lớn lên, chứng kiến mọi biến động trong cuộc sống của nhau. Đó là Duk Sun – cô bạn gái hậu đậu duy nhất của nhóm, là Jung Hwan lạnh lùng, là thiên tài cờ vây Choi Taek, Dong Ryung hài hước và lớp trưởng Sun Woo đẹp trai, ngoan ngoãn, học giỏi.

Tình bạn của họ được cảm nhận sâu sắc qua từng chi tiết như tự nhiên đến nhà nhau cùng ăn mì, đọc sách, xem phim, nghe nhạc. Họ cùng nhau chia sẻ từng suất cơm trưa mang đến trường. Tình bạn đó cũng chính là nguồn động lực to lớn giúp Taek vượt qua mọi áp lực, chiến thắng những cuộc thi lớn. Năm đứa trẻ cứ như vậy đã cùng khóc, cùng cười trước những vinh quang hay thất bại trong cuộc sống.

Đó là tình bạn lí tưởng mà bất kì ai cũng khao khát, một tình bạn chân thành, gắn bó và không tính toán của những đứa trẻ biết nhau từ thưở chập chững bước đi.

Mạch phim được dựng dưới dạng hồi tưởng, là những mảnh kí ức của năm người giờ đã trưởng thành, nhớ về mình của những năm tháng ngày xưa. Và rồi, khi các gia đình chuyển đến những nơi mới, không còn sống cạnh nhau, lời tạm biệt cho cả một khoảng thời gian đẹp đẽ được cất lên “Tạm biệt ngõ nhỏ Ssang Mun, tạm biệt thanh xuân”.

3. Bố mẹ hết lòng vì con

Con ngõ nhỏ Ssangmun, thủ đô Seoul của Hàn Quốc những năm 1980 không phồn hoa, rực rỡ như hiện tại. Mỗi gia đình đều mang nặng nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế nhưng, họ nghèo vật chất chứ không nghèo tình cảm.

Bộ phim cho ta thấy được tình cảm thiêng liêng, sự hy sinh bao la của những ông bố bà mẹ dành cho con cái. Đó là mẹ của Sun Woo tuy không có tiền nhưng vẫn lo lắng từng hộp cơm trưa cho con, còn con trai cho dù mẹ nấu không ngon vẫn cố gắng trân trọng. Đó là hình ảnh Duk Sun và bố thổi nến sinh nhật, hình ảnh bố Taek một lúc gánh vác cả việc làm mẹ hay hình ảnh bà mẹ chắp tay dưới mưa cầu xin cảnh sát tha cho con khi con gái mình tham gia biểu tình.

Tất cả cảm xúc như vỡ oà trong tập cuối, cảnh chị gái Duk Sun trong lễ cưới phát hiện ra đôi giày mình mua cho bố dù có rộng, bố vẫn cố nhét mảnh giấy lót cho vừa đã lấy đi nước mắt của nhiều khán giả. Khai thác từ tình cảm làng xóm, tình cảm gia đình đến tình bạn, bất cứ ai dù ở độ tuổi nào cũng sẽ bắt gặp hình ảnh của mình trong đó.

Không tập trung khai thác đề tài chính trị nhưng có tái hiện giai đoạn biến động xen lẫn tự hào của lịch sử Hàn Quốc.

1. Cuộc biểu tình sinh viên

Trong phim, có đoạn chị gái Duk Sun là Sung Bo Ra, sinh viên khoa Toán trường Đại học Quốc gia Seoul tham gia cuộc biểu tình sinh viên. Để nói về cuộc biểu tình này, phải điểm qua về những sự kiện đã xảy ra trước đó trong lịch sử Hàn Quốc. Đây là một sự kiện quan trọng góp phần định hình một Hàn Quốc mà chúng ta biết ngày hôm nay, có lẽ vì vậy Reply 1988 đã không đi sâu khai thác nó mà chỉ nhắc lại bởi bộ phim chủ yếu tập trung vào đề tài tình cảm gia đình và tình bạn.

Năm 1948, Hàn Quốc thành lập nền đệ nhất Cộng hoà thay thế chính quyền quân sự Mỹ (1945-1948), vốn nắm quyền sau khi Nhật đầu hàng đồng minh trong thế chiến II. Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc lúc đó là Syngman Rhee. Đến nền cộng hoà thứ 3, Tổng thống Park Chung Hee đã phát triển Hàn Quốc bằng chế độ độc tài thiết quân luật, tuy nhiên ông bị ám sát vào năm 1979.

Sau khi Park Chung Hee bị ám sát, chính trị Hàn Quốc lâm vào bất ổn khi Choi Kyu Hah lên nắm quyền. Ngày 12/12/1979, tướng Chun Doo Hwan đảo chính lật đổ chính phủ. Vào những năm 1980, sinh viên các trường Đại học Hàn Quốc liên tục biểu tình phản đối chính phủ tổng thống Chun Doo Hwan khi ông này ban bố tình trạng thiết quân luật.

Phong trào dân chủ Gwangju 1987

Đặc biệt năm 1980, phong trào dân chủ Gwangju nổ ra, Chun Doo Hwan nắm quyền kiểm soát quân đội và gọi đây là “cuộc bạo động của những kẻ nổi loạn” (폭도들의 반란). Những con số “chính thức” được công bố bởi Lệnh thiết quân luật sau đó cho biết có 144 thường dân thiệt mạng, 22 lính và 4 cảnh sát bị giết; 127 thường dân, 109 lính và 144 cảnh sát bị thương.

Trong bộ phim, năm 1987, Bo Ra trở thành sinh viên khoa Toán trường Đại học Quốc gia Seoul. Vào tháng 1 năm đó, Park Jong Chul, chủ tịch hội sinh viên Đại học Quốc gia Seoul bị tra tấn đến chết khi dẫn đầu một cuộc biểu tình. Chính vì vậy, có thể thấy lúc bấy giờ, các phong trào biểu tình của học sinh, sinh viên và các tầng lớp trí thức ở Hàn Quốc trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

10/1987, hiến pháp Hàn Quốc được sửa đổi, Roh Tea Woo trở thành tổng thống dân cử đầu tiên của Hàn Quốc sau cuộc bầu cử trực tiếp đầu năm 1988.

2. Olympic Seoul 1988 – Niềm tự hào được đưa vào từng tác phẩm lịch sử

Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ hình ảnh cô nàng Duk Sun lần đầu học trang điểm, diện quần áo vì nghe tin được chọn làm người cầm cờ trong thế vận hội mùa hè Olympic Seoul 1988. Xem phim, người dân Hàn Quốc được sống lại những khoảnh khắc cả gia đình quây quần bên chiếc TV cũ xem lễ khai mạc, xem ngọn đuốc được thắp sáng trên sân vận động Olympic (Seoul).

Ngày 30/9/1981, toàn Hàn Quốc vỡ oà khi chủ tịch Uỷ ban Olympic quốc tế (IOC) tuyên bố Hàn Quốc trở thành chủ nhà của thế vận hội Mùa hè thứ XXIV. Khi lời tuyên bố “Seoul, Korea” được phát ra từ chủ tịch IOC Samaranchi, tất cả các thành viên của đoàn vận động viên Olympic, bao gồm cả thị trưởng Seoul Park Young Soo đã đứng dậy và hô vang “Manse!” (Vạn tuế). Quốc tế lúc bấy giờ bày tỏ sự hoài nghi khi một đất nước kết thúc chiến tranh mới được hơn 30 năm lại giành quyền đăng cai Olympic.

Trong vòng 7 năm, Hàn Quốc dành mọi nỗ lực để chuẩn bị chu đáo nhất cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này. Bên cạnh việc xây dựng các sân vận động, các tuyến đường cao tốc, các dự án địa phương cũng được xây dựng, tất cả đều được gắn biển hiệu “Chuẩn bị cho Thế Vận Hội 1988” (88올림픽에 대비하여’). Seoul – thành phố tổ chức Olympic cũng dần thay đổi, mang dáng dấp của một đô thị hiện đại.

Cuối cùng ngày 17/9/1988, ngọn đuốc Olympic chính thức thắp sáng bầu trời Seoul. Đại Hàn Dân Quốc, sau 40 năm bước ra từ chiến tranh đã khiến cả thế giới ngỡ ngàng bởi thành tựu đất nước này đạt được. Công nghiệp hoá, dân chủ hoá và Kỳ tích sông Hán là những điều mà người dân Hàn Quốc tự hào mãi về sau.

Khác với những bộ phim chủ đề tình yêu đôi lứa đầy rẫy những biến cố, Reply 1988 đi vào lòng người đọc một cách nhẹ nhàng với những tình cảm bình dị trong cuộc sống. Nhiều khán giả chia sẻ rằng họ đã xem đi xem lại nhiều lần mà mọi cảm xúc vẫn vẹn nguyên như lần đầu.

Đã có một Hàn Quốc như thế: một Hàn Quốc mà trong những lúc khó khăn tình người là thứ quý giá nhất, một Hàn Quốc vươn lên từ đói nghèo trở thành cường quốc.

Tổng hợp từ Naver, WikiChosun

Trả lời

Địa chỉ email của bạn sẽ được giữ bí mật. Bắt buộc phải điền vào các ô có dấu sao (*).